Trở thành tỉ phú từ mua bán hóa đơn

Thứ Sáu, 12/06/2015, 22:15
Thành lập hàng loạt doanh nghiệp "ma" chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), tội phạm mua bán hóa đơn, chứng từ và tội phạm trốn thuế, tham nhũng đã móc nối thành những đường dây "rút ruột" tiền của Nhà nước. Với thủ đoạn này, không ít đối tượng bỗng nhiên trở thành "tỉ phú", còn Nhà nước thì thất thu hàng tỉ đồng…

Làm giàu từ thành lập công ty "ma"

Thuê người đứng tên thành lập 16 công ty với mục đích mua bán hóa đơn GTGT, in và bán trái phép hàng chục nghìn tờ hóa đơn, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Đây là một trong những vụ án mua bán hóa đơn GTGT với quy mô lớn vừa được Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội  hoàn tất  kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố trước pháp luật.

"Ông trùm" tổ chức đường dây mua bán hóa đơn GTGT này là Nguyễn Trường (SN 1963) ở ngõ 424 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Từ những năm 2008, nhận thấy việc buôn bán hóa đơn GTGT có thể hốt bạc triệu, Trường bàn với hàng xóm là Chu Thị Ngọc Thảo (SN 1962) kế hoạch làm ăn lớn, thành lập công ty để mua bán hóa đơn. Từ năm 2008 đến 2013, Trường đã nhờ, thuê người đứng tên thành lập 16 công ty. Thực chất các công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh gì, chỉ treo biển để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Thời gian đầu, Trường làm thủ tục mua hóa đơn GTGT tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy cho 9 công ty với tổng số 202 quyển (mỗi quyển 50 số hóa đơn). Đến tháng 4/011, theo quy định mới doanh nghiệp được tự in hóa đơn, Trường trực tiếp đặt in hóa đơn GTGT cho 14 công ty với số lượng 500 quyển hóa đơn (mỗi quyển 50 số). Như vậy, tổng số hóa đơn GTGT mà Trường đã mua, đặt in là 702 quyển, tương đương 35.100 số hóa đơn.

Sau khi mua và đặt in được hóa đơn, Nguyễn Trường giao toàn bộ cho Chu Thị Ngọc Thảo để tổ chức bán cho doanh nghiệp, cơ quan có nhu cầu mua hóa đơn ghi khống hàng hóa, dịch vụ, thống nhất thu từ 0,7% đến 1,5% số tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn. Với số lượng hóa đơn GTGT đã mua và in lớn như vậy, Trường đã thiết lập một "bộ máy" giúp việc, chuyên làm các thủ tục  hợp pháp hóa việc mua bán nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Các đối tượng và tang vật trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại Công ty CP xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc.

Trường thuê Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1980), là hàng xóm với Trường chịu trách nhiệm quản lý dấu pháp nhân, dấu chức danh giám đốc các công ty, ghi nội dung hàng hóa trên hóa đơn theo yêu cầu khách mua, ký giả chữ ký của các giám đốc công ty xuất hóa đơn, ghi sổ sách theo dõi số hóa đơn đã xuất bán. Với công việc trên, Hương được Trường "trả lương" từ 3-5 triệu đồng/tháng. Thuê Hồ Hoàng Oanh (SN 1979), là kế toán chuyên nghiệp của một công ty làm nhiệm vụ "kế toán trưởng" cho 16 công ty, chuyên lập bảng kê, báo cáo thuế với tiền thuê 500.000 đồng/báo cáo thuế/công ty/tháng.

Nhằm che giấu việc mua bán hóa đơn, Trường yêu cầu bên mua hóa đơn hợp thức chuyển tiền về tài khoản của công ty bán hóa đơn, sau đó Trường trực tiếp đi rút tiền và thuê bạn là Trịnh Hữu Hợp (SN 1963, ở ngõ 100 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng) chịu trách nhiệm rút tiền tại ngân hàng khi khách hàng mua hóa đơn chuyển tiền vào tài khoản rồi mang tiền về cho Trường trả lại cho khách. Hợp được Trường trả lương 3 triệu đồng/tháng.

Để hợp thức đầu vào của các công ty đã bán hóa đơn, Nguyễn Trường tìm mua hóa đơn GTGT chưa ghi nội dung với giá 300.000 -500.000 đồng/số, chuyển cho Hồ Hoàng Oanh. Với nghiệp vụ kế toán, Oanh căn cứ vào số hóa đơn đầu ra để cân đối kê khai hàng hóa, dịch vụ đầu vào với số tiền sao cho sau khi khấu trừ thuế GTGT, các công ty do Trường thành lập chỉ phải nộp số thuế rất nhỏ khoảng vài triệu đồng.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2008 đến 2013, sau khi trừ đi các chi phí, Nguyễn Trường và Chu Thị Ngọc Thảo đã "đổi đời" từ thu nhập khủng do buôn bán hóa đơn. Nguyễn Trường khai nhận đã được hưởng lợi 4 tỉ đồng, còn Chu Thị Ngọc Thảo thu về trên 5 tỉ đồng. Số tiền này đã được Trường mua 600m2 đất vườn tại thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và nhà đất tại ngõ 20 Lò Đúc. Cơ quan điều tra đã kê biên 2 tài sản này để phục vụ công tác điều tra, xử lý; đồng thời thu giữ 1,125 tỉ đồng khi khám xét nơi ở của Trường, theo khai nhận là tiền có được do mua bán hóa đơn GTGT.

Ngoài 5 bị can gồm Nguyễn Trường, Chu Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Thu Hương, Trịnh Hữu Hợp, Hồ Hoàng Oanh bị khởi tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" theo Điều 164a Bộ luật Hình sự, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội còn đề nghị truy tố 2 giám đốc doanh nghiệp đã mua bán hóa đơn của các công ty do Trường thành lập để hợp thức "đầu vào" nhằm mục đích trốn thuế. Đó là Nguyễn Văn Cử (SN 1955), Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Việt Hóa và Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1953), Giám đốc Trung tâm Truyền thông hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ.

Theo cáo buộc của Cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến 2013, Nguyễn Văn Cử đã mua 80 hóa đơn ghi khống hàng hóa, dịch vụ đầu vào và đã sử dụng  78 số hóa đơn để trốn thuế với số tiền trên 4,3 tỉ đồng. Cùng thời gian này, Nguyễn Mạnh Tuấn đã mua 11 hóa đơn ghi khống hàng hóa, dịch vụ đầu vào để kê khai trốn thuế với số tiền trên 216 triệu đồng. Hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Cử và Nguyễn Mạnh Tuấn đã phạm vào tội "Trốn thuế" theo Điều 161 BLHS.

Từ mua bán hóa đơn đến tội phạm tham nhũng

Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, lợi dụng quy định giao quyền tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp về việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, tội phạm mua bán trái phép hóa đơn, thành lập hàng loạt các doanh nghiệp "ma", câu kết hình thành các đường dây "rút ruột" tiền ngân sách nhà nước.

Một đường dây mua bán hóa đơn GTGT tại Hải Phòng bị đưa ra xét xử.

Các đối tượng cùng lúc thành lập nhiều công ty nhưng không hoạt động kinh doanh mà để lấy mã số thuế, mã số doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân để in hóa đơn GTGT bán cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu hợp thức "đầu vào". Thủ đoạn của các đối tượng là ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Song, liên 1 và 3 dùng để khai thuế thường chỉ ghi số lượng cực nhỏ, đồng thời mua hóa đơn trôi nổi hợp thức hóa đầu vào.

Đáng chú ý, có không ít doanh nghiệp hưởng ngân sách nhà nước hoặc có vốn Nhà nước cũng tham gia vào việc mua bán hóa đơn để hợp thức "đầu vào". Hành vi này không chỉ trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước mà còn phát sinh cả tội phạm tham nhũng.

Điển hình như ngày 21/5 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn La (SN 1963), nhân viên  Công ty CP Xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc về các tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Mua bán trái phép hóa đơn". Quá trình điều tra làm rõ Lê Văn La là nhân viên kinh doanh thuộc Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu 2 - Công ty CP Xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc (công ty cổ phần có 29% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - vốn Nhà nước), có chức năng nhiệm vụ kinh doanh thiết bị vật tư các loại trong và ngoài ngành than.

Lê Văn La được công ty  giao tìm nguồn hàng đầu vào và nơi bán hàng đầu ra cho các công ty thuộc Tập đoàn Than Quảng Ninh. Để "rút ruột" tiền Nhà nước, Lê Văn La đã phối hợp với Nguyễn Thị Dậu (SN 1957), ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thành lập cùng lúc 8 doanh nghiệp "ma" nhằm phục vụ việc  bán hóa đơn để hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc cho La. Thực tế, nguồn hàng do La cung cấp cho các công ty  là vật tư cũ, trôi nổi trên thị trường.

Thế nhưng với sự cộng tác của Nguyễn Thị Dậu, vật tư cũ đã  được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, cũng như hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Theo khai nhận của các đối tượng, Lê Văn La giao các hợp đồng, chứng từ liên quan đến hóa đơn cần mua cho Nguyễn Thị Dậu. Dựa vào các chứng từ này, Dậu viết hóa đơn, ký giả các chữ ký giám đốc công ty do Dậu thành lập, đóng dấu lên các chứng từ chuyển lại cho La. Sau khoảng 10 ngày đến 1 tháng, Công ty Việt Bắc sẽ chuyển tiền vào tài khoản các công ty do Dậu thành lập. Toàn bộ số tiền này sẽ được Dậu rút ra dưới hình thức ủy quyền rút séc.

Theo thỏa thuận, Dậu sẽ chuyển 90-95% số tiền mặt  đã rút vào tài khoản của Lê Văn La để La tự xử lý. Còn lại 5-10% là phần Dậu được hưởng.  Cơ quan điều tra đã xác minh từ năm 2010 đến 2014, Lê Văn La đã chuyển 144 tỉ đồng cho các công ty "ma" của Nguyễn Thị Dậu. Ước tính, tổng số tiền thuế do Lê Văn La và đồng bọn chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỉ đồng.

Điển hình như ngày 13/5/2015, Công ty CP Việt Bắc đã chuyển vào tài khoản của Công ty Xuất nhập khẩu đầu tư Lâm Nguyên do Dậu thành lập tại Ngân hàng Vietcombank số tiền 4,68 tỉ đồng. Tiếp đó, Dậu đã đến một phòng giao dịch của ngân hàng này rút séc tiền mặt số tiền trên. Ngay sau khi rút tiền, Dậu đã chuyển gần 4,32 tỉ đồng vào tài khoản đứng tên Lê Văn La tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh. Còn lại hơn 360 triệu đồng là hoa hồng phần trăm mà Dậu được hưởng.

Theo Thượng tá Mai Trọng Thắng, qua các vụ án liên quan đến mua bán trái phép hóa đơn GTGT cho thấy, nếu như  trước đây, việc lập doanh nghiệp  "ma" nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát của một số cá nhân thì gần đây đã xuất hiện việc thành lập  nhiều doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn, thậm chí các công ty "ma" này có trụ sở trên cùng một địa bàn. Do đó, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán hóa đơn từ các doanh nghiệp "ma", trước hết đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ của cán bộ thuế địa bàn đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Như trong vụ án Nguyễn Trường cùng đồng phạm in, mua bán trái phép hóa đơn, Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị có hình thức xử lý đối với ông Võ Chung Đông - cán bộ Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng và ông Nguyễn Lạc Hoan - cán bộ Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm về trách nhiệm quản lý doanh nghiệp, để các công ty do Nguyễn Trường thành lập bán hóa đơn trong một thời gian dài, với số lượng hóa đơn đặc biệt lớn trên địa bàn mình quản lý mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Hương Vũ
.
.