Trọng án đau lòng ở Nam Định: Người cha bị tâm thần phân liệt?
Những ngày vừa qua, ở Nam Định xôn xao về sự việc Đinh Văn Phạt (26 tuổi, trú tại Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định) sát hại hai con đẻ của mình rồi tự vẫn. Hiện sự việc đang được Cơ quan Công an tích cực điều tra. Theo ông Đinh Văn Thuận (bố của Phạt), thời gian gần đây Phạt có biểu hiện bị thần kinh, gia đình chưa kịp đưa đi chạy chữa thì xảy ra sự việc đau lòng này…
1. Chúng tôi có mặt tại Giao Thiện vào một buổi chiều đầu đông. Những cơn gió lạnh thổi từ biển về khiến cho không khí thêm phần hiu hắt. Mấy ngày nay, ở cái xã cuối huyện và cũng cuối tỉnh Nam Định vốn rất bình yên này nhiều người dân đều tỏ ra bàng hoàng, thậm chí bức xúc trước hành vi của người cha ác độc. Họ bảo, hổ dữ cũng chẳng ăn thịt con, nữa là con người. Càng phẫn nộ trước hành vi ghê rợn của Đinh Văn Phạt, người dân lại càng cảm thương trước cái chết oan uổng của hai cháu bé (đứa 4 tuổi, đứa 2 tuổi).
Bà Hoàng Thị K., một người họ hàng xa với Phạt mắt đỏ hoe nói với chúng tôi: "Hôm trước gia đình đã tổ chức làm lễ tang cho các cháu. Hiếm có đám nào người dân đi đưa tiễn đông như thế. Nhìn hai đứa trẻ xinh như thiên thần lần lượt đưa vào áo quan, rồi chôn xuống nền đất lạnh, chẳng ai cầm nổi nước mắt". Bà K. cũng nhiệt tình dẫn chúng tôi ra nghĩa trang, để chúng tôi thắp hương cầu cho linh hồn các cháu được siêu thoát.
Tại nhà ông Đinh Văn Thuận - bố đẻ của Phạt vẫn còn rất đông người dân đến chia buồn với gia đình. Từ khi sự việc xảy ra chị Hoàng Thị Thúy (28 tuổi, con dâu của ông Thuận) gần như quị hẳn. Cả ngày chị chỉ nằm một chỗ, lúc khóc lúc tỉnh kêu gào trả lại con cho chị. Bà nội của cháu (bà Trần Thị Ren) mặc dù đang ngồi trong vòng tay sẻ chia của bà con làng xóm vẫn vật vã, ngất lên ngất xuống. Có lẽ bà chưa thể tin hai đứa cháu đẹp như tranh của mình đã ra đi mãi mãi.
Ngồi tiếp chúng tôi, ông Thuận cũng phải nghẹn ngào mãi mới nói lên lời. Ông kể, khoảng 8 giờ sáng ngày 19/11/2013, khi ông đang ngồi uống nước ở gian ngoài thì bỗng nghe thấy tiếng vỏ chai bia bị vỡ, rồi nghe thấy tiếng con trai ông gào lên phía gian buồng trong. Vội vàng chạy vào, ông thấy Phạt đang ngồi trên giường ôm đầu, máu chảy ròng ròng. Ông Thuận vội giật lấy cái vỏ chai trên tay Phạt vứt đi, rồi gọi người nhà băng bó, và đưa đi cấp cứu.
Sau đó ông Thuận mở chăn ra thì thấy hai đứa trẻ mình mẩy tím tái. Đó là hai cháu nội của ông, Đinh Thị H. (SN 2009) và Đinh Văn S. (SN 2011) đang nằm bất động. Hai cháu được xác định là đã tử vong trước đó ít phút. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, lực lượng Công an xã Giao Thiện, Công an huyện Giao Thủy đã có mặt tại hiện trường để điều tra sự việc.
Ngôi nhà của gia đình ông Đinh Văn Thuận. |
Theo anh Đinh Văn H., anh trai của Phạt thì trên người hai cháu bé không có vết thương do ngoại lực tác động, cổ cũng không có dấu hiệu bị bóp. Anh H. phỏng đoán nhiều khả năng em trai mình đã trùm chăn kín khiến hai cháu ngạt mà chết. Trước băn khoăn của chúng tôi là tại sao gia đình không để cho Cơ quan Công an giám định tử thi hai cháu mà vội vàng đem mai táng, anh H. cho biết: "Vì gia đình không muốn các cháu đau đớn thêm nữa!?".
2. Trưa ngày 19/11/2013, Đinh Văn Phạt đã được đưa lên Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nam Định để chữa trị. Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành lấy lời khai của Phạt tại giường bệnh.
Theo nhận xét của một số người hàng xóm của gia đình ông Thuận, thì Phạt là một thanh niên chăm chỉ, biết làm ăn. Họ cho rằng trong số 6 anh em thì Phạt là người ngoan nhất. Vẫn theo bà Hoàng Thị K., hiếm có một người cha nào yêu con như Phạt. "Nhìn cái cách Phạt bế con, cho con ăn uống, ru con ngủ… thì chẳng ai tin được chính Phạt lại có thể xuống tay với các cháu" - bà K. nói.
Còn theo ông Thuận, ông và bà Ren có được 6 người con (5 trai và 1 gái), Phạt là con thứ tư. Trong số 6 anh em, thì người anh cả và Phạt là được ông Thuận quý nhất, vì đều ngoan ngoãn, biết làm ăn. "Thằng Phạt tuy chỉ chưa học hết THCS, nhưng nó sinh ra đã thông minh, nhanh nhẹn. Đặc biệt là trong tính toán làm ăn". Cách đây chừng 6 năm, Phạt đi nghĩa vụ quân sự, phục vụ trong lực lượng Hải quân tại Quảng Ninh. Xuất ngũ, Phạt theo anh em bạn bè đi làm khắp trong Nam ngoài Bắc.
Từ chỗ chỉ chuyên đi làm thuê chân tay, Phạt dành dụm được tiền rồi mua được phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng trong xã. Ông Thuận rất tự hào vì có đứa con nhanh nhẹn tháo vát như Phạt. Sau một thời gian đi làm, Phạt còn mua vật liệu về sửa nhà cho bố mẹ.
Cũng trong thời gian đi làm ở ngoài Hà Nội, Phạt quen với chị Hoàng Thị Thúy (quê ở Bắc Cạn). Hai người nảy sinh tình cảm, rồi về ở với nhau như vợ chồng, sinh con đẻ cái. Hai gia đình cũng đã lên kế hoạch gặp gỡ nhau để bàn chuyện cưới xin cho Phạt và Thúy.
Giải thích về hành động dã man của Phạt, ông Thuận ngồi trầm ngâm một lúc. Dường như ông đang rà soát lại tất cả những hành động của Phạt thời gian gần đây. Rít một điếu thuốc lào, người cha già dường như cố nén tiếng nấc nghẹn rồi bật ra: "Chúng tôi có lỗi các anh ạ. Chúng tôi đã chậm hơn "con ma" trong người nó. Chúng tôi đã định một vài ngày nữa sẽ đưa Phạt đi bệnh viện thần kinh. Nhưng mọi sự đã trở nên quá muộn mất rồi".--PageBreak--
Vẫn theo anh Đinh Văn H., thời gian gần đây gia đình đã nhận thấy những biểu hiện rất lạ từ Phạt. Cách đây chừng 2 tháng, Phạt đưa vợ chồng con cái từ Hà Nội về sống với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, Phạt có nhiều biểu hiện như người bị động kinh. Suốt ngày Phạt chỉ ru rú ở nhà, không dám đi đâu cả. Da mặt lúc nào cũng tái xanh tái xám, đôi mắt vô hồn thường nhìn về một cõi vô định. Mặc dù Phạt vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường thậm chí anh H. cho tiền Phạt vẫn nhận, song bảo Phạt đi chợ mua mớ rau con cá thì nhất định không đi.
Thế rồi Phạt còn có một nỗi sợ mơ hồ về hai con bị bắt cóc. Lúc nào Phạt cũng bế khư khư trên tay, đến vợ cũng không cho động vào. Nếu ông bà, các bác bế thì Phạt cho, nhưng không ai được bước ra khỏi cửa. Phạt bị ám ảnh về một tai họa sẽ xảy ra với các con mình bất cứ lúc nào.
Gia đình đã một lần đưa Phạt đi bệnh viện. Các bác sĩ cho biết Phạt có dấu hiệu bị tâm thần phân liệt, và đề nghị gia đình chuyển Phạt lên tuyến trên. Về phía ông Thuận, ông nghe lời cô con dâu nên cũng nhờ "các thầy" làm lễ cúng để "đuổi ma" cho Phạt. Tuy nhiên, bệnh tình của Phạt không hề thuyên giảm.
Bà Ren cố nén những dòng nước mắt chỉ chực trào ra: "Hiếm có người cha nào yêu con như thằng Phạt nhà tôi các anh ạ. Bữa cơm dọn ra nó không khiến vợ mà cứ một mình bón cho hai con ăn xong, ru con ngủ say rồi nó mới ngồi ăn. Thế mà chỉ trong thoáng chốc, tôi mất hai đứa cháu. Thằng Phạt giờ nằm trên giường bệnh, vẫn yếu lắm…".
Ngôi mộ mới đắp của hai cháu bé vô tội. |
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công an xã Giao Thiện cho biết, gia đình ông Đinh Văn Thuận bà Trần Thị Ren là gia đình thuần nông, chấp hành tương đối tốt chính sách pháp luật của nhà nước. Đinh Văn Phạt thường xuyên đi làm xa, thỉnh thoảng mới có mặt tại địa phương. Khoảng hai tháng trở lại đây, Phạt đưa vợ con về ở với cha mẹ đẻ. Phạt được đánh giá là thanh niên tốt, năng động trong làm ăn.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Công an tỉnh Nam Định tích cực điều tra, làm rõ.
Bác sĩ Cao Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương: Người tâm thần gây án thường do ảo giác hoặc hoang tưởng Xã hội phát triển, con người phải đối mặt với quá nhiều sức ép trong cuộc sống. Ví dụ học hành quá sức dẫn đến loạn thần, hoặc căng thẳng trong gia đình, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng, bố mẹ - con cái, hay căng thẳng do nợ nần, áp lực công việc quá lớn… tạo ra trạng thái tâm lý lo âu, luôn luôn căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán, muốn giải thoát nên có thể dẫn đến hiện tượng tự sát, hay thù hằn, gây hấn… Ngoài ra, tệ nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện game online… cũng là nguyên nhân của loại bệnh tâm thần trong nhóm rối loạn cảm xúc hành vi liên quan đến chất. Đây là những nguy cơ "tiềm ẩn" bệnh nhân tâm thần trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Người tâm thần gây án chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Nguyên nhân do triệu chứng loạn thần, do ảo giác hoặc triệu chứng hoang tưởng. Vì loạn thần nên "nhìn gà hóa cuốc", gây ra trạng thái tâm lý muốn tấn công để bảo vệ, hoặc giả bệnh lý tâm thần phân liệt có xung động muốn giết người, hoặc có những ý nghĩ kỳ quái do hoang tưởng, là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh gây án. Nguyên nhân tác động của xã hội đối với bệnh tâm thần, trong y học gọi là chứng rối loạn tâm thần liên quan đến stress, tức là môi trường tâm lý xã hội, các sức ép. Quá trình giải quyết các sức ép đó khiến cho hoạt động tâm thần bị rối loạn. Bệnh tâm thần liên quan đến stress hay xảy ra do liên quan đến sự thích ứng của con người với môi trường sống xung quanh. Bác sĩ Cao Thanh Tùng phân tích, tốc độ cuộc sống hiện nay diễn ra quá nhanh, sự mới lạ liên tục xuất hiện. Đứng trước sự thay đổi một cách chóng mặt đó, có người không thích nghi kịp khiến họ bị lúng túng, căng thẳng, gây ra các bệnh về stress. Có thể phát hiện người mắc bệnh tâm thần thông qua những biểu hiện sớm thường gặp, có tính chất phổ biến sau: Đầu tiên là rối loạn giấc ngủ, biểu hiện trạng thái lo âu phiền muộn, lo lắng quá mức, chú tâm quá mức, để ý quá mức đến mức độ bất thường; những lời nói việc làm lệch chuẩn; hay có biểu hiện như hay đa nghi, nói nhiều, đi nhiều, hay kêu ca phàn nàn, cảm thấy bất toại (đối với người mắc bệnh trầm cảm), hay định kiến quá mức, cằn nhằn, bực dọc vô cớ, gắt gỏng… Bệnh tâm thần thường đi từ nhẹ đến nặng. Nên việc người nhà có hiểu biết, có kiến thức về bệnh để phát hiện sớm, điều trị sớm cho người mắc bệnh tâm thần có ý nghĩa rất quan trọng. Phát hiện, chữa trị kịp thời, nhưng quan trọng trong chữa trị là phải đảm bảo nguyên tắc: đúng - đủ - đều. Phải đặt người bệnh trong tâm lý cần được giải tỏa chứ không dồn nén họ, tức là tạo cảm xúc dương tính, tạo tâm lý thoải mái, vui, phấn chấn. Có mạng lưới theo dõi quản lý, phát hiện sớm những bệnh nhân mới; hướng dẫn cung cấp thuốc đầy đủ; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao hiểu biết cho mọi người về bệnh tâm thần, tránh kỳ thị người bệnh… Việc điều trị bệnh nhân tâm thần phải gắn kết với môi trường gia đình, cộng đồng, xã hội, không nên cách ly họ khỏi cuộc sống. Bên cạnh việc điều trị, cho người bệnh uống thuốc duy trì theo nguyên tắc đều - đúng - đủ, người bệnh tâm thần cần được tiếp tục một cuộc sống của người bình thường như được đi học, đi làm, xây dựng gia đình… Điều này đòi hỏi vai trò đặc biệt của gia đình trong chăm sóc người bệnh, cần phối hợp thường xuyên với các bác sĩ điều trị tâm lý để bệnh không gây nguy hiểm cho chính bản thân bệnh nhân, không gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội. |