Trung Quốc: Cựu Phó Chánh án TANDTC lĩnh án chung thân vì tội tham nhũng

Thứ Bảy, 30/01/2010, 13:45
Ngày 19/1, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Langfang, tỉnh Hà Bắc, đã tuyên án tù chung thân ông Huang Songyou, cựu Phó chánh án TAND tối cao Trung Quốc, vì tội tham nhũng. Ông Huang là quan chức tư pháp cao cấp nhất tại Trung Quốc bị xét xử và lĩnh án tù vì tội tham nhũng kể từ năm 1949. Sau vụ án này, TAND tối cao Trung Quốc đã khởi động chiến dịch chống tham nhũng bên trong bộ máy tư pháp cấp quốc gia nhằm duy trì một hệ thống tư pháp trong sạch và không có tham nhũng.

Tân Hoa xã ngày 19/1 vừa qua đưa tin, theo cáo trạng của TAND thành phố Langfang, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2008, khi đang giữ chức vụ Phó chánh án TAND tối cao Trung Quốc, ông Huang Songyou, 52 tuổi, đã lợi dụng chức quyền của mình để nhận hối lộ hơn 3,9 triệu NDT (khoảng 574.000 USD). Cụ thể, Huang đã nhận phần lớn trong tổng số 3,9 triệu NDT  từ Giám đốc Everwin, một văn phòng luật sư nổi tiếng tại Quảng Đông, để ra phán quyết có lợi cho khách hàng của văn phòng luật sư này trong một phiên tòa phúc thẩm tại TAND tối cao.

Ngoài ra, Huang cũng bị kết tội biển thủ 1,2 triệu NDT (176.000 USD) tiền công quỹ vào năm 1997. Khi đó Huang Songyou là Chánh án Tòa án thành phố Zhanjiang, tỉnh Quảng Đông, nơi ông Huang hành nghề luật sư trong suốt sự nghiệp của mình trước khi được "thuyên chuyển" lên Bắc Kinh năm 2002. Tỉnh Quảng Đông những năm gần đây là tâm điểm của các chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc. Nhiều luật sư và quan chức của tỉnh này đã bị đưa ra trước vành móng ngựa vì tội tham ô hối lộ, trong đó có Thị trưởng thành phố Shenzhen.

Tuy nhiên, trước tòa, bị cáo Huang chỉ khai nhận hối lộ 1 vụ chứ không phải 3 vụ như báo chí  trước đó đưa tin. Theo tờ China Business Journal, Huang Songyou đã không bị xét xử tội danh liên quan tới vụ Huang Guangyu, nhân vật từng giàu nhất Trung Quốc, bị tình nghi phạm tội trong lĩnh vực kinh tế, bị bắt giữ tháng 11/2008 và hiện vẫn bị tạm giam. Truyền thông Trung Quốc trước đó đưa tin trường hợp của Huang Songyou có liên quan mật thiết với vụ án Huang Guangyu.

Huang Songyou bị bắt từ ngày 15/12/2008, sau một cuộc điều tra do Ủy ban Thanh tra kỷ luật trung ương của ĐCS Trung Quốc (CCID) tiến hành. Trước đó trong một thông báo, CCID cũng tuyên bố rằng Huang đã từng bị xử là có tội khi lạm dụng chức quyền đối với một số người, nhận những khoản tiền hối lộ lớn và có lối sống xa hoa, biến chất, không xứng với một đảng viên ĐCS Trung Quốc.

Theo phán quyết của tòa, ông Huang Songyou bị tước mọi quyền lợi chính trị đến hết đời và cấm không được bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, tất cả tài sản của ông Huang cũng sẽ bị tịch thu. Tòa cho biết, trong quá trình điều tra, ông Huang Songyou đã tự thú mọi tội trạng, đồng thời trả lại phần lớn số tiền phi pháp. "Nhưng với cương vị là một phó chánh án, ông Huang biết rõ việc mua bán quyền lực và biển thủ một số tiền lớn, gây tác động xấu đến xã hội là vi phạm pháp luật, do đó trường hợp này cần phải bị trừng phạt nặng"- bản tuyên án nhấn mạnh. Phiên tòa xét xử ông Huang Songyou bắt đầu từ hôm 14/1/2010.

Là người gốc Quảng Đông, ông Huang Songyou trở thành Phó chánh án TAND tối cao Trung Quốc năm 2002. Vì những cáo buộc hối lộ, tham nhũng, ngày 28/11/2008, ông Huang Songyou bị Quốc hội Trung Quốc phế truất chức vụ và bị khai trừ khỏi Đảng. Trung Quốc vừa phát động chiến dịch chống tham nhũng nhắm đến các quan chức lớn. Một lãnh đạo của Tòa án tối cao cho Tân Hoa xã hay, ông Huang là thẩm phán giữ chức vụ cao nhất bị trừng phạt, kể từ năm 1949 cho tới nay. Hiện chưa rõ ông Huang Songyou có kháng cáo không.

Vụ án Huang là một cú sốc lớn đối với hệ thống tư pháp Trung Quốc, vì đây là nhân vật cấp cao đứng hàng thứ hai trong ngành tư pháp nước này. Sau vụ Huang bị đưa ra xét xử, TAND tối cao Trung Quốc đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng quy mô trên toàn quốc bên trong hệ thống tư pháp, với mục đích trong sạch hóa ngành này.

Phát biểu hôm 12/1 trước phiên họp toàn thể của CCID, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết, việc xây dựng cơ chế chống tham nhũng là một nhiệm vụ cấp bách của chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Trong những nỗ lực chống tham nhũng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược: người dân theo dõi quan chức. Nhờ vậy, theo China Daily, dựa trên sự tố cáo của những người truy cập Internet mà tuần trước Phó thị trưởng thành phố Maoming, cũng thuộc tỉnh Quảng Đông, cùng 2 sĩ quan cảnh sát đã bị tố cáo bao che cho một băng đảng tội phạm. Ngày 15/1 vừa qua, Tổng giám đốc Kweichow Maotai, thương hiệu rượu hàng đầu Trung Quốc, đã bị kết án tử hình vì tội nhận và đưa hối lộ hàng triệu NDT.

Hồi đầu tháng 8/2009, ông Kang Rixin, Tổng giám đốc Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc, gọi tắt là CNNC, đã bị cách chức trong thời gian điều tra về cáo buộc "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Trước đó, Trung Quốc đã kết án tử hình cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Thủ đô Lý Bồi Anh và cựu Chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc Trần Đồng Hải vì tội nhận hối lộ hàng triệu USD.

TAND tối cao là cơ quan tư pháp cao cấp nhất tại Trung Quốc với nhiều quyền lực lớn: quản lý các tòa án cấp dưới, xem xét các bản án tử hình... Năm  2009, chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo chánh án và quan chức tòa án các cấp sẽ bị sa thải và bị truy tố nếu nhận quà, tiền mặt từ người có liên quan đến các vụ án họ xử.

Tờ China Business Journal cũng vừa đưa tin 4 cựu quan chức của TAND tối cao Trung Quốc cũng có liên quan tới vụ án Huang, một trong số đó đã bị xét xử 3 năm tù giam và 3 năm tù treo vì đã nhận hối lộ 100.000 NDT. Ba bị cáo khác hiện vẫn đang bị tạm giam chờ ngày đưa ra xét xử

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.