Trung Quốc: Tử hình kẻ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm "bẩn"

Thứ Sáu, 09/12/2011, 09:30

Dư luận đặc biệt quan tâm tới phiên tòa xét xử hơn 100 nghi can trong vụ "thịt lợn siêu nạc" tại tỉnh Hà Nam bởi diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc phát hiện chất phụ gia clenbuterol, chất liệu chính tạo nên "thịt lợn siêu nạc" trong sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ một số quốc gia phương Tây. Theo Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Trung Quốc, các chất độc hại được tìm thấy trong một số lô thịt lợn đông lạnh nhập từ Mỹ, Canada và Đan Mạch hồi tháng 7/2011.

Từ bản án nghiêm khắc

Trong số 113 người đứng trước vành móng ngựa có tới 77 cán bộ nhà nước, một con số ấn tượng và đây được coi là hành động cương quyết của chính quyền trong việc xóa sổ thực phẩm "bẩn" đang hoành hành tại quốc gia hơn 1,34 tỉ người. Tuy có tới 113 nghi can phải hầu tòa ngày 26/11, nhưng chỉ có Lưu Tường, kẻ chủ mưu sản xuất, tiêu thụ chất clenbuterol, chất liệu chính tạo nên "thịt lợn siêu nạc" để sản xuất thịt siêu nạc từ đầu năm 2007 phải nhận án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm. Việc nhanh chóng đưa Lưu Tường cùng những người hữu quan ra xét xử sau khi bị bắt (25/3/2011) cho thấy mức độ nguy hiểm của vụ việc đối với đời sống người dân.

Được biết, tính đến tháng 3/2011, Lưu Tường và Hề Trung Kiệt (bị tuyên án chung thân) đã bán hơn 2.700kg chất clenbuterol cho những đại lý thức ăn và người buôn thịt lợn ở các tỉnh Hồ Nam, Sơn Đông và Giang Tô, thu lợi hơn 6,4 triệu NDT. Lưu Tường khai nhận, đã cùng Hề Trung Kiệt đầu tư 50.000 NDT/người để sản xuất chất clenbuterol và bán hóa chất này cho các đại lý thức ăn cho lợn, thu lợi siêu khủng.

Những người còn lại (doanh nghiệp và nông dân) bị tuyên phạt từ chung thân tới án có thời hạn. Trong số 36 chủ trang trại chăn nuôi lợn có người bị kết án 1 năm tù, có người chỉ bị quản chế, tùy theo mức độ gây nguy hại đối với cộng đồng của họ. Còn trong 77 cán bộ nhà nước phải hầu tòa có thanh tra thú y và an toàn thực phẩm và họ phải nhận những bản án nghiêm khắc bởi sự tắc trách và lạm quyền - bị kết án từ 3 đến 9 năm tù, tùy theo mức độ phạm tội của từng người.

Những bản án thích đáng đã được tuyên đối với các nghi phạm trong vụ án này là hồi chuông cảnh tỉnh những người đã, đang và sẽ sản xuất thực phẩm "bẩn". Qua kiểm tra được biết, nhiều nông trang ở tỉnh Hà Nam, địa phương dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ở Trung Quốc đã sử dụng chất clenbuterol, mặc dù hóa chất này bị cấm bởi có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trung Quốc đã cấm sử dụng chất clenbuterol để làm phụ gia thức ăn chăn nuôi từ cuối những năm 90 bởi có thể gây ra các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu và tim đập nhanh ở người. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Clenbuterol là chất phụ gia tăng khối lượng cơ bắp ở động vật và từng được vận động viên điền kinh sử dụng để nâng cao thành tích khi thi đấu.

Người tiêu dùng khá bất ngờ sau tuyên bố hôm 17/10 của một chuyên gia Phòng Công nghiệp và Thương mại Bắc Kinh khi xác nhận: Những chiếc chân giò trắng hồng, nõn nà, được làm sạch sẽ là đã qua xử lý bằng hóa chất. Theo đó, những chiếc chân giò trắng hồng hấp dẫn, phần bì trơn láng sạch sẽ đã được xử lý bởi những hóa chất độc hại như: xút caustic soda, chất tẩy trắng hydrogen peroxide, sodium nitrite được bày bán công khai tại chợ cầu Ba Lý, huyện Thông Châu, Bắc Kinh.

Một chủ cửa hàng tiết lộ, chân giò từ lò mổ ra thường có màu vàng nhạt, trông không tươi ngon nên người ta phải dùng biệt dược để nhúng qua, không những giúp chân giò trắng lên đáng kể, mà còn tăng trọng lượng - chân giò độ 1kg sau khi nhúng vào biệt dược có thể lên tới 1,2kg.

Thịt lợn được bày bán tại chợ.

Đến những quy định mới

Dư luận cũng quan tâm tới vụ bắt 2 nhân viên Wal-Mart và giam giữ hàng chục người khác trong vụ bê bối bán thịt lợn ở Trùng Khánh. Vụ bắt giữ được tiến hành sau khi Trung Quốc yêu cầu đóng cửa 13 cửa hàng thuộc tập đoàn bán lẻ Wal-Mart của Mỹ vì bị cáo buộc bán 63.547kg thịt lợn thường nhưng lại dán nhãn là thịt hữu cơ trong suốt 2 năm qua. Cho đến nay, có 37 người dính líu đến vụ này và chính quyền Trùng Khánh đã phạt các cửa hàng kể trên 2,69 triệu NDT.

Theo tiêu chuẩn an toàn sữa, công bố hồi cuối tháng 6-2011 tại Trung Quốc, thì hàm lượng protein từ 2,95gr/100gr đã giảm xuống 2,8gr/100gr, trong khi đó số lượng vi khuẩn cho phép lại tăng từ 500.000/ml lên 2 triệu/ml, cao gấp 10 lần so với Mỹ và 20 lần so với Liên minh châu Âu. Chủ tịch Hiệp hội ngành sữa Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ông Vương Đinh Miên coi đây là tiêu chuẩn sữa thấp nhất thế giới. Theo ông Vương Đinh Miên, nếu bò được cho ăn đầy đủ thì hàm lượng protein trong sữa có thể được cải thiện chỉ trong vòng một tuần, nhưng nông dân lại cho bò ăn ít đi bởi công ty chế biến sữa trả giá thấp.

Những vụ phát hiện, bắt giữ và xét xử thời gian qua thực sự khiến người tiêu dùng quan ngại về vấn đề vệ sinh cũng như an toàn thực phẩm. Được biết, từ ngày 1/1/2013, mọi loại thực phẩm đóng gói ở Trung Quốc bắt buộc phải in thông tin cụ thể về thành phần dinh dưỡng như hàm lượng chất béo, năng lượng, protein, carbohydrate và natri... Bất kỳ chất béo nào đã bị hydro hóa có trong thực phẩm thì mức độ chất béo chuyển hóa cũng phải được nhấn mạnh trên nhãn. Chất béo chuyển hóa thường được sản xuất trong quy trình chế biến thực phẩm giúp thực phẩm tươi lâu hơn. Tuy nhiên, chúng lại làm tăng nguy cơ bị bệnh tim cho người tiêu dùng. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có quy định chi tiết như vậy về thông tin trên nhãn hàng thực phẩm.

Từ năm 2009, Trung Quốc đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, nhưng cho tới nay nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm tại nước này vẫn sử dụng nhiều hóa chất độc hại để thu lợi nhuận cao. Trước đó (30/9/2009), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA) thông báo, cấm sản xuất, mua bán, sử dụng thuốc viên clenbuterol dùng để chữa hen nhưng bị nhiều nông dân lạm dụng để tăng tỉ lệ thịt nạc của lợn nuôi. SFDA đã trích dẫn kết quả một chương trình nghiên cứu được tiến hành từ năm 2009 cho biết, thuốc viên clenbuterol có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của tim phổi nếu bị lạm dụng trong thời gian dài. Bộ Tài chính cho biết, sẽ dành 630 triệu NDT (gần 100 triệu USD) để hỗ trợ cho các chương trình thí điểm chống việc sản xuất và tiêu thụ dầu bẩn bất hợp pháp, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Những vụ việc liên quan

Ngày 22/8 vừa qua, giới chức Trung Quốc đã bắt hơn 17.000 nghi phạm liên quan đến các vụ sản xuất thực phẩm độc hại và đây là chiến dịch truy quét trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan chức năng đã điều tra 36.000 vụ việc và đóng cửa hơn 7.000 cơ sở, chủ yếu liên quan đến thực phẩm "bẩn".

Ngày 31/8, cơ quan chức năng Mã Điếm, Giao Châu, tỉnh Thanh Đảo đã phát hiện xưởng sản xuất bánh trung thu sử dụng 1.000kg dầu bẩn để chế biến bánh trung thu. Trước đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện gần 30 chất phụ gia độc hại từng được sử dụng "quá tay" nhằm làm đẹp mẫu mã và tăng tuổi thọ cho các sản phẩm bánh trung thu đã bị cấm sử dụng trong dịp tết Trung thu vừa qua. Được biết đã có 34 quốc gia, trong đó có Canada, Mỹ, Anh… đã cấm hoặc hạn chế tới mức tối đa nhập khẩu bánh trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là bánh dẻo nhân trứng gà và nhân thịt.

Ngày 26/9/2011, Tòa án Thượng Hải đã khai đình xét xử vụ bánh bao nhuộm hóa chất từng gây xôn xao dư luận. Theo đó, 3 thành viên ban quản trị Công ty thực phẩm Thịnh Lộc gồm Tổng giám đốc, Giám đốc kinh doanh và Giám đốc sản xuất bị tuyên phạt từ 5 đến 9 năm tù giam cùng khoản tiền phạt tiền từ 200.000-650.000 NDT/người. Vụ bắt hung thủ sát hại nhà báo Lý Tường, người đã đưa ra ánh sáng vụ dầu ăn bẩn  cũng khiến dư luận quan tâm. Lý Tường bị đâm chết bởi 13 nhát dao vào rạng sáng 19/9 ở thành phố Lạc Dương sau khi phanh phui đường dây chế biến dầu ăn lấy từ cống rãnh của các nhà hàng và 32 người đã bị bắt vì buôn bán loại thực phẩm được cho là có thể gây bệnh ung thư này. Bộ Công an cho biết, cảnh sát các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang và Sơn Đông đã tìm thấy hơn 100 tấn dầu tái chế trái phép được làm từ dầu phế thải lấy từ các cống rãnh tại nhà hàng.

Ngày 17/11/2011, Cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện và thu giữ một lượng thuốc giả khổng lồ trị giá 2 tỉ NDT (khoảng 315 triệu USD), trong một chiến dịch truy quét dược phẩm giả trên phạm vi toàn quốc. Đây là cuộc truy quét thứ hai của cảnh sát nhằm vào các đại lý, cơ sở sản xuất dược phẩm đang lan rộng tại nước này. Khoảng 1.600 cảnh sát tại 29 địa phương đã được huy động để tham gia vào chiến dịch truy quét dược phẩm giả và đã bắt gần 1.770 nghi can liên quan tới đường dây sản xuất và phân phối thuốc giả này. Những người kể trên bị bắt khi đang thực hiện hành vi sử dụng các hóa chất cấm để sản xuất thuốc giả, làm lại các sản phẩm đã quá đát, cũng như làm nhái nhiều loại thuốc bổ của hơn 100 nhãn hiệu dược phẩm trong và ngoài nước. Điều đáng nói là hầu hết số thuốc giả này được bán trực tuyến hoặc thông qua các phòng khám, cửa hàng dược trái phép mọc lên như nấm trên khắp đất nước Trung Quốc.

Dư luận cũng quan tâm tới vụ Cảnh sát tỉnh Hà Nam triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả, chủ yếu tiêu thụ qua bán hàng trên mạng hôm 11/11 vừa qua. Cơ quan chức năng đã tìm thấy tên của các nhà sản xuất và mã chất lượng của 6 loại thuốc chủ yếu sử dụng trong điều trị hen suyễn, viêm khớp và thấp khớp có uy tín bị làm giả. Chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo người dân cần thận trọng khi mua thuốc qua các kênh bán hàng ngầm và không đáng tin cậy. Vào đầu tháng 11, cảnh sát đã bắt 114 đối tượng, thu hơn 65 triệu viên thuốc giả với tổng trị giá 100 triệu NDT (khoảng 15,6 triệu USD), cũng như phát hiện 117 cơ sở sản xuất tại 8 tỉnh như Hà Nam, An Huy, Hà Bắc, Quảng Đông... 

Theo lời khai của các cơ sở sản xuất thì công thức chủ yếu trong việc làm thuốc giả khá giống nhau, đó là dùng bột khoai tây trộn với thức ăn gia súc cùng chất kích thích và phẩm màu độc hại. Khi cảnh sát đột nhập cơ sở sản xuất thuốc giả, nhiều loại thuốc được vứt đầy trên mặt đất, thậm chí còn được chứa trong bao phân hóa học!

Ông Trần Tú Bình, cán bộ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thành phố Phụ Dương cho biết, các loại thuốc giả gồm thuốc tiêm ngừa bệnh dại, thuốc trị cao huyết áp, thuốc đặc trị ung thư, thuốc tâm thần... Còn ông Ôn Tái Hưng, thanh tra Sở quản lý thị trường thuộc Bộ Thương mại, cho biết, 70% thuốc giả được bán trên mạng, phần còn lại được tuồn về các vùng ngoại ô, và xuất khẩu ra nước ngoài. Sử dụng phải thuốc giả rất nguy hiểm bởi có thể bị mắc những bệnh như loãng xương, tiểu đường, loét tá tràng hoặc bệnh về đường tiêu hóa, cũng như gây tổn thương cho thận hoặc gan. Cơ quan chức năng đã đóng cửa hơn 1.400 cơ sở sản xuất hoặc bán thuốc giả sau khi cảnh sát bắt gần 1.770 nghi can

Q.Trang - T.Cường (tổng hợp)
.
.