Truy sát vì mâu thuẫn nhỏ nhặt: Còn đâu một điều nhịn…?

Thứ Tư, 20/04/2016, 15:20
Đa phần những vụ giải quyết mâu thuẫn nhỏ nhặt xuất phát từ những băng nhóm thanh thiếu niên có tuổi đời từ 16 đến 30, trong đó có nhiều đối tượng trẻ chưa chín chắn trong suy nghĩ, bồng bột trong hành động, chưa nhận thức được hậu quả do mình gây ra.

Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn trong đời sống đều diễn biến một cách phức tạp, khó lường. Thời gian dự mưu cho đến lúc gây án quá nhanh, không đoán trước được. Đa phần những vụ giải quyết mâu thuẫn này xuất phát từ những băng nhóm thanh thiếu niên có tuổi đời từ 16 đến 30, trong đó có nhiều đối tượng trẻ chưa chín chắn trong suy nghĩ, bồng bột trong hành động, chưa nhận thức được hậu quả do mình gây ra.

Hiện trạng này một phần bị tác động bởi thế giới mạng xã hội và game bạo lực. Ngoài ra sự thiếu quan tâm của gia đình, luật chưa nghiêm khắc với tội phạm vị thành niên nên những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống thời gian qua diễn tiến phức tạp…

1. Một vụ ủ mưu và dẫn đến giải quyết mâu thuẫn chỉ diễn ra trong vòng 15 phút mới đây là vụ án các đối tượng sử dụng hung khí mở chốt cửa nhà anh Đỗ Công Điều, sinh năm 1972, quê quán Hải Dương, ngụ nhà số 137/28, đường Bùi Quang Lài, phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, chém anh Điều bị thương nặng chỉ vì nhắc nhở các đối tượng này đã nhậu xỉn và tiểu bậy trước nhà anh.

Anh Điều, một nạn nhân trong vụ truy sát.

Với hàng loạt vết chém tại khuỷu tay trái, bàn tay phải, bả vai phải và đỉnh đầu, anh Điều phải nằm điều trị vết thương tại Bệnh viện Quân y 175 hơn 10 ngày nay. Các vết thương đã bắt đầu lành da nhưng theo dự đoán của các bác sĩ, anh Điều phải điều trị vật lý trị liệu mới có thể cử động bình thường. Trong khi đó, các đối tượng gây án đã trốn khỏi địa phương và Công an quận Gò Vấp đang tiến hành truy xét.

Cho đến thời điểm này, anh Điều cũng không ngờ rằng các đối tượng (chỉ từ 16  đến19 tuổi) lại có hành vi manh động đến như vậy. Qua hình ảnh camera nhà anh Điều ghi lại, các đối tượng kéo đến đứng chặn trước nhà anh Điều, hai đối tượng tự mở khóa rào, xông vào nhà chém loạn xạ.

Khi anh Điều bước ra, hai đối tượng dùng dao đuổi chém vào tận trong nhà và sử dụng cây quạt đứng để đuổi đánh anh Điều. Anh Điều phải liều mình chống trả, đẩy ép hai đối tượng ra khỏi khuôn viên nhà rồi chốt cổng rào lại mới không bị các đối tượng đuổi chém tiếp, nếu không hậu quả thật khó lường.

Anh Điều cho hay, một trong số các đối tượng truy sát anh buổi chiều ngồi nhậu cùng với nhóm bạn ngay trong hẻm. Sau khi nhậu say, một đối tượng đến trước cổng rào nhà anh tiểu bậy nên anh ra nhắc nhở. Bực tức vì các đối tượng gây mất vệ sinh, lại nghĩ chúng chỉ đáng tuổi con cháu mình nên anh Điều hù dọa: “Mấy đứa còn tiểu bậy nữa là chú xẻo chim nha!”.

Thấy anh Điều nói vậy, nhóm thanh niên này tỏ ra hối lỗi, đứng xin lỗi anh Điều và hứa không tái phạm. Không ngờ chỉ vài phút sau, đám thanh niên ấy lại kéo đến gây án. “Chúng còn trẻ nhưng có hành vi hết sức manh động, không phân biệt người lớn người nhỏ, khi gây án như chỉ muốn tước đi mạng sống của người khác. Để các đối tượng này nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không xử lý nghiêm các đối tượng thì không chỉ tôi là nạn nhân mà sẽ còn nhiều người khác bởi tính chất côn đồ trong chúng luôn có sẵn” - Anh Điều bức xúc.

Cũng bị vây chém, phóng hỏa đốt nhà là trường hợp của anh Võ Trung Giang, ngụ khu phố Bình Minh 1, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Câu chuyện bắt nguồn từ việc em của anh Giang là Trần Võ Thái Phong vay nóng của Phan Thanh Lân, ngụ tại Bình Dương 6 triệu đồng để trả tiền thua bạc. Phong trả trước cho Lân 1 triệu nhưng sau đó không có khả năng chi trả nên xin khất. Lân nhiều lần nhắn tin, gọi điện nhưng Phong cố tình lánh mặt. Không gặp được Phong, Lân cùng Nguyễn Đặng Minh Quân tìm đến nhà của Phong để gây áp lực ép Phong phải trả tiền.

Tìm đến nơi không có Phong ở nhà, Lân được anh Giang mời vào nhà nói chuyện. Lời qua tiếng lại giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn, Giang dùng ghế ném về phía Lân và đuổi ra khỏi nhà. Bực tức vì bị đuổi, Lân gọi điện cho các đối tượng Lê Tấn Đạt, Đoàn Nhật Vũ, Đặng Thành Công, và Ngô Văn Quốc đều ngụ tại Bình Dương đến trả thù.

Đến nơi thấy gia đình anh Giang đang ngồi xem tivi, cả nhóm xông vào dùng hung khí chém loạn xạ khiến anh Giang và hai người trong nhà bị thương tích nặng. Chưa dừng lại, sau khi chém người, nhóm của Lân còn dùng chai xăng đốt ném lên mái nhà của anh Giang khiến đám cháy bùng phát và tạo ra một lỗ lớn trên mái nhà. Điều đáng nói là ở chỗ, các đối tượng trong vụ án này đều chỉ mới ngoài hai mươi tuổi.

2. Đa phần các đối tượng gây án tuổi đời còn trẻ nhưng rất côn đồ. Bất chấp hậu quả để lại cho nạn nhân là như thế nào, chỉ cần giải quyết được mâu thuẫn của mình là các đối tượng sẵn sàng ra tay. Ví như vụ án xảy ra cách đây gần một tháng tại TP Hải Châu, Đà Nẵng, chỉ vì xích mích với hàng xóm mà Đinh Văn Hưng, chỉ mới 18 tuổi đã xách mã tấu xông vào nhà chém ba người trong gia đình anh Nguyễn Đăng Hiền, trong đó có một cháu bé ba tuổi nhưng Hưng cũng không tha.

Hiện trường một vụ truy sát xảy ra trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Tại cơ quan điều tra, Hưng khai do có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác nên Hưng mang hung khí cùng một đối tượng khác đi tìm nhóm thanh niên trên để trả thù. Tuy nhiên sau khi tìm không thấy nhóm thanh niên, trên đường trở về nhà đi ngang qua nhà anh Hiền, thấy cả nhà anh Hiền đang xem tivi, nhớ lại xích mích trước đó, Hưng cầm mã tấu xông vào chém cho hả giận. Do bị chém bất ngờ, anh Hiền, em trai và con gái anh Hiền bị thương tích nặng, trong đó bé gái 3 tuổi con anh Hiền bị Hưng chém đứt gân tay.

Chuyện xích mích bị các đối tượng truy sát có thể cho là có nguyên nhân. Tuy nhiên có nhiều vụ án, nạn nhân cũng không hiểu nổi vì sao mình lại bị truy sát dẫn đến thương tật suốt đời. Đó là trường hợp của chị  Nguyễn Thị Mến, sinh năm 1982, quê quán Hà Tĩnh, ngụ khu cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, bị đối tượng Đỗ Văn Đông quê Hải Phòng dùng dao phay truy sát gây náo loạn cả cư xá.

Nằm trên giường bệnh với chi chít vết chém trên cơ thể, bàn tay trái dường như đứt lìa được nối thành công nhưng vẫn để lại vết sẹo lớn, cử động khó khăn, chị Mến vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại đêm kinh hoàng xảy ra trong cuộc đời mình. Đông có một thời gian giúp đỡ gia đình chị Mến nên giữa hai gia đình có mối quan hệ thân thiết. Khi Đông gọi điện báo tin sẽ vào TP Hồ Chí Minh nhưng chưa biết ở đâu, chị Mến đã cho Đông ở nhờ nhà mình. Chị Mến thấy Đông có biểu hiện như người nghiện ma túy nên khuyên nhủ và kêu Đông đi cai nghiện, Đông cũng chỉ ậm ờ rồi lãng đi.

Đầu tháng 4, sau khi sử dụng ma túy đá thấy chị Mến đang tiếp khách trong phòng, Đông ngỡ chị Mến kêu công an đến bắt mình đi cai nghiện nên lấy con dao Thái Lan tự đâm vào bụng mình gây áp lực. Thấy vậy, hai người bạn chị Mến lao vào ngăn cản thì bị Đông dùng dao gây thương tích. Đông chạy xuống bếp lấy con dao phay lao vào chém xối xả khiến mọi người phải bỏ chạy.

Chị Mến hoảng hốt lao vào phòng đóng cửa thì bị Đông đuổi theo chém nhiều nhát vào người. Lúc này anh Nguyễn Phước Vinh Hiển chạy đến giải cứu chị Mến thì bị Đông chém vào đầu gây thương tích. Dù bị nhiều vết  chém trên người, chị Mến vẫn bò được ra khỏi phòng kêu cứu. Đông đuổi theo và xuống sảnh cư xá vung dao, la hét không ai dám xông vào.

3. Đã rất nhiều bài viết cảnh báo về tình trạng thanh thiếu niên thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiềm chế trong cách ứng xử gây ra những vụ truy sát, để lại hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung.

6 đối tượng chém người tại Bình Dương.

Tuy nhiên những vụ án liên quan đến các đối tượng nhỏ tuổi này mỗi lúc mỗi nhiều khiến dư luận hoang mang về tính chất côn đồ, manh động của giới trẻ hiện nay. Nhiều vụ truy sát diễn ra người dân dù thấy nhưng cũng không dám can ngăn. Bởi sự hung hãn của đối tượng một phần cũng như trong nhiều trường hợp, chỉ đơn giản là vì không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Trường, Văn phòng Luật sư Trường - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, tình trạng tội phạm trẻ hóa, vi phạm pháp luật ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ việc giáo dục của gia đình, xã hội chưa tốt thì còn ảnh hưởng bởi những game bạo lực trên mạng Internet.

Các đối tượng hằng ngày tiếp xúc với các trò chơi chém giết lâu dần tạo tâm lý “game cũng như đời” nên khi đụng chuyện là sẵn sàng lao vào đâm chém? Ngoài ra, pháp luật còn nhẹ tay với hành vi của những đối tượng vị thành niên nên chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, các đối tượng sẵn sàng kéo băng nhóm đi giải quyết.

Tội phạm đang ngày một trẻ hóa và cách hành xử manh động. Trước đây, khi nhắc đến cách hành xử côn đồ mọi người đều mặc định rằng các đối tượng này là những thanh niên hư hỏng, bỏ học sớm, không có sự quan tâm của gia đình. Nhưng thực tế, nhiều vụ án xảy ra, các đối tượng còn ngồi trên ghế nhà trường, có cuộc sống gia đình khá êm ấm nhưng do bất đồng, a dua bầy đàn và ảnh hưởng bởi các trò chơi bạo lực trực tuyến, muốn thể hiện bản thân nên gây án.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Thông - Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh thì tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Mặc dù trong quý I năm 2016, tội phạm tại TP Hồ Chí Minh được kéo giảm 15% nhưng vẫn còn những vụ án xâm phạm về tính mạng sức khỏe, cố ý gây thương tích xảy ra tương đối nhiều. Hành vi của những băng nhóm thanh thiếu niên là rất khó lường, thời gian dự mưu cho đến khi diễn ra hành vi phạm tội là rất nhanh. Nguyên nhân dẫn đến những vụ án trên chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong đời sống cá nhân, có những vụ việc mâu thuẫn rất nhỏ nhưng dễ dàng xảy ra, những vụ việc này khó phòng ngừa hơn trước.

Trong năm 2015, đối tượng phạm tội ở độ tuổi từ 18 – 30 chiếm gần 53% trong cơ cấu độ tuổi phạm tội. Đối tượng phạm tội không có nghề nghiệp chiếm gần 63% trong cơ cấu nghề nghiệp.

“Đối với nhóm tội phạm này,  môi trường giáo dục và công tác quản lý xã hội rất quan trọng. Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thức cả đêm ở ngoài đường rồi kéo nhau vào thuê nhà nghỉ, phòng trọ ngủ ngày càng nhiều cho thấy gia đình đang buông lỏng chuyện quản lý các em. Khi không được quan tâm, giáo dục, các em dễ buông thả và thích tạo lập những băng nhóm. Điều này dễ dẫn đến việc phạm tội” - Đại tá Thông cho hay.

Huyền Đức - Mã Hải
.
.