Từ con dao rọc giấy phát hiện tên trộm đồ cổ

Thứ Ba, 22/01/2008, 10:45
Việc thú nhận chính là chủ nhân của con dao rọc giấy đã khiến Smiley bị bắt giữ về tội trộm cắp tài liệu quý của Thư viện Beinecke. Lục soát chiếc cặp của Smiley, cảnh sát tìm thấy 7 bức bản đồ cổ vừa bị đánh cắp từ Thư viện Beinecke...

Sáng ngày 8/6/2005, như thường lệ, bà Janet Arterton, Trưởng phòng Dịch vụ công cộng của Thư viện Beinecke thuộc Đại học Yale ở thành phố New Haven, bang Connecticut, Mỹ, đi kểm tra các phòng của thư viện. Bỗng bà Arterton phát hiện một con dao rọc giấy hiệu X-Acto nằm trên sàn nhà. Việc một ai đó đem dao rọc giấy vào phòng đọc sách, tham khảo tài liệu là vi phạm điều cấm của thư viện (vì có người đã rọc sách, tài liệu quý để lấy tư liệu, ảnh).

Tức giận nhưng không làm ầm ĩ, bà Arterton liền kiểm tra danh sách những người có mặt trong phòng đọc sách, tham khảo tài liệu vào sáng ngày 8/6 và chú ý đến cái tên Edward Forbes Smiley. Kiểm tra tên Smiley trên Internet, bà Arterton biết rằng người đàn ông này là một tay buôn bán đồ cổ. Nghi vấn về hành tung của Smiley, bà Arterton báo ngay cho bảo vệ.

Quan sát từ camera bảo vệ cho thấy Smiley đang xếp nhiều giấy tờ vào chiếc cặp mang theo một cách hấp tấp và lén lút. Vì vậy, nhân viên bảo vệ liền báo cho cảnh sát. Vào lúc 10 giờ 30 phút, khi vừa bước ra khỏi cổng Đại học Yale, Smiley bị một nhân viên cảnh sát chặn lại, đưa con dao rọc giấy hiệu X-Acto ra và hỏi có phải của ông ta hay không.

Sau khi kiểm tra, Smiley cho biết đó chính là con dao rọc giấy của mình chắc là bị đánh rơi đâu đó. Việc thú nhận chính là chủ nhân của con dao rọc giấy đã khiến Smiley bị bắt giữ về tội trộm cắp tài liệu quý của Thư viện Beinecke.

Lục soát chiếc cặp của Smiley, cảnh sát tìm thấy 7 bức bản đồ cổ vừa bị đánh cắp từ Thư viện Beinecke, trong đó có bức bản đồ về thành phố cổ Tenochtitlan của người da đỏ Aztec, được nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Hernan Cortes vẽ vào năm 1524.

Một bản đồ cổ bị Smiley trộm cắp tại Thư viện Beinecke.

Tiến hành lục soát hai cửa hàng bán sách, tư liệu cổ của Smiley tại thành phố New York và căn nhà của y trên đảo Martha's Vineyard ở bang Massachusetts, cảnh sát còn tìm thấy 17 bức bản đồ cổ. Từ đó bùng nổ vụ án về kẻ trộm bản đồ cổ Edward Smiley trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về nhân thân, Edward Forbes Smiley sinh ngày 13/4/1956 tại thành phố New York. Sau khi tốt nghiệp trung học, Smiley theo học ngành mỹ thuật. Có thú đam mê sưu tầm đồ cổ, nhất là sách, tư liệu cổ, Smiley mở một cửa hàng buôn bán sách, tư liệu cổ tại thành phố New York.

Từ năm 1995, công việc kinh doanh của Smiley trở nên phát đạt và thu hút sự quan tâm của nhiều tay sưu tầm đồ cổ cả trong và ngoài nước. Giới buôn bán đồ cổ còn đồn đại rằng Smiley là một trong những đầu mối chính cung cấp “hàng” có giá trị cao, chủ yếu là bản đồ cổ, sách cổ, tư liệu cổ cho các phiên đấu giá của hai hãng đấu giá danh tiếng Sotheby's và Christie's.

Điều trùng hợp là vào thời kỳ làm ăn phát đạt của Smiley, một số thư viện nổi tiếng của Mỹ và cả Thư viện Hoàng gia London ở Anh lại xảy ra nhiều vụ mất cắp tư liệu cổ quý hiếm, nhất là các bản đồ cổ. Các vụ mất cắp đều được báo cho cảnh sát sở tại nhưng các cuộc điều tra đã không mang lại kết quả.

Trở nên giàu có, Smiley còn được biết tiếng ở Mỹ khi tặng nhiều tư liệu cổ cho Thư viện công cộng của thành phố New York và Thư viện công cộng của thành phố Boston. Vậy mà bỗng nhiên xảy ra vụ bắt giữ Smiley về tội đánh cắp bản đồ cổ quý hiếm tại Thư viện Beinecke của Đại học Yale vào sáng ngày 8/6/2005.

Do vụ việc liên quan đến tài sản có giá trị của quốc gia nên Cảnh sát thành phố New Haven quyết định chuyển hồ sơ cho Đơn vị Bảo vệ văn hóa của Cục Điều tra liên bang (FBI) để điều tra. Bị thẩm vấn, Smiley khai nhận đã thực hiện hành vi trộm cắp bản đồ cổ chủ yếu bằng cách rọc lấy từ các sách cổ, tư liệu cổ tại các thư viện nổi tiếng từ năm 1995.

Cho đến khi bị bắt giữ vào ngày 8/6/2005, Smiley khai nhận đã lấy tất cả 97 bản đồ cổ của Thư viện công cộng Boston, Thư viện Houghton của Đại học Harvard, Thư viện Beinecke và Thư viện Sterling Memorial, của Đại học Yale.

Ngoài ra, Thư viện Hoàng gia London ở Anh cho biết cũng bị mất cắp một số bản đồ cổ quý hiếm, trong đó có bức bản đồ vẽ thủ đô London vào năm 1578, nghi vấn do Smiley trộm cắp vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2001. Theo kiểm tra thì vào thời điểm này, Smiley đã nhiều lần xuất hiện tại Thư viện Hoàng gia London.

Cũng theo điều tra của FBI, số bản đồ cổ chủ yếu được Smiley trộm cắp theo đơn đặt hàng của các tay sưu tập đồ cổ trong và ngoài nước. Số còn lại, Smiley bày bán tại hai cửa hàng buôn bán đồ cổ của mình tại thành phố New York. Smiley khai báo đã thu được 3 triệu USD từ việc bán các bản đồ cổ bị đánh cắp.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn thì số tiền này phải lên đến hàng chục triệu USD vì chỉ riêng bức bản đồ về thành phố cổ Tenochtitlan của người da đỏ Aztec mà Smiley đánh cắp tại Thư viện Beinecke có giá không dưới 2 triệu USD nếu được tuồn bán ra nước ngoài. Còn theo nhận định của FBI, số bản đồ cổ mà Smiley đánh cắp được có thể còn nhiều hơn số 97 bức mà hắn ta khai báo.

Dựa theo lời khai của Smiley, vào ngày 21/7/2005, FBI đã phối hợp với cảnh sát nhiều bang triển khai một chiến dịch thu hồi số bản đồ cổ đã được Smiley bán nhiều nơi. Các cuộc điều tra của FBI còn phá vỡ được hai đường dây buôn bán tư liệu cổ, bản đồ cổ từ thành phố New York đến các thành phố TorontoVancouver của Canada.

Tại hai thành phố này, FBI và Cảnh sát Canada đã thu giữ được 17 bản đồ cổ có giá trị chuẩn bị chuyển bán sang các quốc gia Tây Âu và châu Á, trong đó có bức bản đồ toàn cảnh Tân châu Mỹ được vẽ vào năm 1616, và bị Smiley đánh cắp tại Thư viện Sterling Memorial vào  năm 2003. Cho đến cuối năm 2005, FBI đã thu hồi được 48 bức bản đồ cổ quý hiếm trong số 97 bức Smiley khai nhận đã đánh cắp.

Vào ngày 22/6/2006, một tòa án liên bang tại thành phố New Haven đã tuyên phạt Smiley 4 năm 6 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản quý hiếm của quốc gia, buộc Smiley phải nộp số tiền 3 triệu USD thu lợi bất chính từ việc bán các bản đồ cổ.

Trong khi đó, Sở Cảnh sát Hoàng gia Anh cũng đang tiến hành thu thập chứng cứ để truy tố Smiley về tội cướp bóc tài sản quốc gia do  thực hiện nhiều vụ đánh cắp bản đồ cổ tại Thư viện Hoàng gia London từ tháng 5 đến tháng 7/2001.

Vì vậy sau khi mãn hạn tù giam tại Mỹ, Smiley sẽ được dẫn giải sang Anh để nhận sự trừng phạt của pháp luật

Hoàng Phú (Theo Crimes Magazine)
.
.