Tự thiêu – Lửa hận thù mang danh tội ác!
- Ép người tình cùng tự thiêu vì nhiều lần đòi cưới nhưng không được
- ‘Người đàn ông tự thiêu’ do thiếu nợ cá độ hơn 1 tỷ đồng?1
- Trước khi đốt nhà tự thiêu, sang nhắc hàng xóm thu quần áo về2
- Bị chồng bạo hành, vợ tự thiêu
- Níu kéo vợ không được thì… cha tự thiêu cùng con
- Truy sát người tình rồi tự thiêu
- Mẹ tự thiêu để tránh đổ nợ cho con!
1. Vào lúc 23 giờ ngày 13/9 vừa qua tại khu phố 3, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã xảy ra vụ tự thiêu khiến dư luận hết sức bàng hoàng và đau xót. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do gặp khó khăn trong cuộc sống và những mâu thuẫn vợ chồng không lối thoát, anh Nguyễn Hoài Tâm, sinh năm 1982, đã khóa trái cửa cùng 3 con nhỏ trong nhà rồi dùng xăng tự đốt. Mặc dù bà con hàng xóm và chính quyền địa phương cố gắng chữa cháy, nhưng khi ngọn lửa được dập tắt thì anh Tâm cùng 3 con ruột, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tuổi đã tử vong ngay tại hiện trường.
Trước đó một ngày, vào lúc 19 giờ 15 phút ngày 12/9, tại tiệm sửa xe gắn máy ở thôn Tân Lập, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, với mâu thuẫn vợ chồng kéo dài nhiều năm lên tới đỉnh điểm, chị Nguyễn Thị H. đã tưới xăng tự thiêu. Điều đáng nói là chị H. đang mang thai sắp đến ngày sinh nở.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người dân xung quanh đã chạy đến dập lửa, đưa chị H. đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Do toàn thân chị H. bị bỏng nặng có thể dẫn đến tử vong nên các bác sĩ đã tiến hành mổ khẩn cấp cứu sống được cháu bé.
Nạn nhân của một vụ tự thiêu. |
Một vụ tự thiêu cách đây chưa lâu cũng khiến cho nhiều người hết sức bất bình xảy ra vào sáng ngày 4/4/2015. Hôm ấy, anh Nguyễn Phú Cường, sinh năm 1979, ngụ xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang dẫn đứa con gái 7 tuổi đến thăm người vợ đã ly hôn trước đó 4 tháng.
Sau khoảng 20 phút nói chuyện yêu cầu vợ cũ đưa tiền để chăm lo cho con nhưng bị chị này từ chối nên cuộc nói chuyện trở thành trận kịch chiến cãi vã. Bực tức với người vợ cũ đã khiến anh Cường quẫn trí ôm chặt đứa con nhỏ, tưới xăng và châm lửa đốt. Lửa bùng lên khiến anh Cường bị bỏng nặng phải đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM cấp cứu. Riêng cháu bé bị bỏng đến 85% ở các cấp độ 2 và 3 và bị sốc khí khiến cho đường hô hấp bị tổn thương nặng nên phải được chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Nhi đồng 1…
2. Điểm lại nguyên nhân các vụ tự thiêu trên, hầu hết đều xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong gia đình đó là chuyện cơm, áo, gạo, tiền, chuyện con cái và những ghen tuông mù quáng. Có vụ, do anh chồng không dám đối mặt với thực tế cuộc sống để cùng vợ tìm cách tốt nhất giải quyết những khó khăn về kinh tế rồi đến khi cuộc sống vợ chồng tan vỡ thì tinh thần rơi vào tình trạng cùng quẫn dẫn đến hành động tàn nhẫn là đoạt mạng những đứa trẻ vô tội mà trước đó họ còn nâng niu, trìu mến và hy vọng đó sẽ là tương lai tươi sáng xua tan bầu không khí u ám của gia đình.
Hiện trường vụ tự thiêu ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. |
Câu chuyện của anh Nguyễn Hoài Tâm đã nói ở trên là một ví dụ đau xót. Anh Tâm và chị T. gặp và quen biết nhau hồi đầu năm 2001 khi cùng đi nhổ sắn thuê cho một chủ rẫy ở xã Tân Bình (tiếp giáp với biên giới Campuchia). Do cùng cảnh ngộ nên cả hai đã mau chóng bén duyên. Đám cưới mộc mạc của hai người được tiến hành ngay sau đó. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thực sự hạnh phúc khi sinh được đứa con gái đầu lòng và tiền công từ làm thuê cuốc mướn của cả hai cũng đủ trang trải chi tiêu trong gia đình.
Tuy nhiên do quan niệm càng có nhiều con cái, càng có nhiều phúc nên anh Tâm yêu cầu vợ sinh liên tục và kể từ khi đứa bé thứ hai rồi thứ 3 ra đời thì những khó khăn trong cuộc sống cũng tăng theo một cách chóng mặt. Túng thiếu gạo, tiền, con cái nheo nhóc, căn nhà cấp 4 cũ rích dột nát năm này qua năm khác vẫn không có tiền tu sửa khiến cho phúc đâu chẳng thấy mà chỉ toàn là những cay đắng. Vài năm trở lại đây, mủ cao su xuống giá, sắn cũng mất mùa nên các chủ vườn cũng cắt giảm công nhân và vợ chồng Tâm rơi vào trong số những người bị mất việc. Cũng từ đó, những va chạm vợ chồng trở nên gay gắt khiến cho cuộc sống gia đình ngày càng tồi tệ.
Để giải quyết khó khăn, chị T. đã nhiều lần đề nghị chồng cho phép xuống TP HCM làm công nhân kiếm tiền gửi về cho anh Tâm chăm lo con cái, nhưng lần nào đề nghị, anh cũng gạt ngang vì cho rằng đi làm việc xa gia đình sẽ không tốt và cũng dễ sa ngã. Không thể chịu nổi, chị T. đã đưa đơn ra tòa án xin ly hôn, nhưng được hai bên gia đình động viên nên cả hai chấp nhận hàn gắn với hy vọng cùng cố gắng vượt qua khúc khó khăn... Hai vợ chồng cùng 3 con nhỏ thuê một căn nhà nhỏ ở gần nhà ông bà ngoại lũ trẻ cho tiện đi làm song mâu thuẫn gia đình vẫn chưa thể giải quyết. Chỉ sau khi chị T. quyết định xuống TP HCM làm công nhân thì anh Tâm đã phóng hỏa tự thiêu cùng 3 đứa con tội nghiệp…
Trước khi tìm đến cái chết, Nguyễn Hoài Tâm đã viết một bức thư nhờ mẹ trao lại cho vợ. Trong thư, Tâm viết toàn với giọng điệu hờn dỗi, ghen tuông và trách móc vợ không thông cảm cho hoàn cảnh của chồng, ngoài ra anh còn cho rằng vợ đi làm công nhân tức là muốn đi tìm người đàn ông khác và là người rất yêu vợ nên anh cùng các con sẽ đi đến chân trời mới để chị được toại nguyện?
Tại đám tang chồng và 3 đứa con, chị T. luôn trong tình trạng sốc nặng mỗi khi có người đến thăm hỏi. Phải mất gần một ngày sau khi được các y bác sĩ của Bệnh viện huyện Tân Biên đến chăm lo sức khỏe giúp, chị mới có được chút tỉnh táo. Nói chuyện với chúng tôi chị trần tình: Hai vợ chồng mất việc, không có tiền mua gạo nên bàn với chồng để một người vừa đi làm thuê, vừa trông coi đám nhỏ, còn một người phải đi xin việc ở mấy khu công nghiệp để kiếm thêm thu nhập nhưng anh ấy không chịu mà cho rằng vợ chồng phải ở bên nhau. Tôi nghĩ cứ như vậy thì chẳng khác gì cùng dìm nhau vào sự cùng cực, tôi đành phải làm đơn ra tòa xin ly hôn để được tự do đi tìm việc làm kiếm tiền nuôi đám nhỏ. Gần đây hai bên cha mẹ đứng ra hàn gắn cho hai đứa, nhưng về sống với nhau chưa được bao lâu thì lại xảy ra cự cãi vì có khi cả tuần liền trong nhà không có một xu, và các con tôi phải chạy qua hàng xóm xin ăn từng bữa. Nhục nhã quá, tôi lại một lần nữa quyết định xa nhà đi tìm việc làm, nhưng mới đi chưa đầy hai ngày thì má tôi gọi điện thông báo hung tin. Anh ấy âm thầm tính chuyện dại dột thì có ai biết đâu mà ngăn cản được? Nhưng các con tôi, chúng có tội tình gì đâu mà anh ấy lại nhẫn tâm tước đoạt cuộc sống của chúng? Sao ông trời lại nhẫn tâm với tôi như vậy hả trời?
Vụ tự thiêu xảy ra ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, theo một số người dân xung quanh cho biết vợ chồng chị H. dọn đến thuê căn nhà này từ khoảng 2 năm nay để mở cửa hàng sửa xe gắn máy. Tuy nhiên công việc làm ăn không được thuận lợi cùng với việc đông con nên cả hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã. Đến khi chị H. mang thai đứa con thứ 3, trong nhà nhiều lúc không có gạo để nấu khiến cho những trận cãi nhau giữa hai vợ chồng xảy ra thường xuyên hơn và đến lúc cùng quẫn quá, chị H. đã mua xăng về đổ lên người rồi châm lửa tự thiêu.
3. Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Phong, giảng viên Khoa Xã hội học, Học viện Chính trị khu vực II - Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh nêu vấn đề: Thời gian gần đây, tại một số địa phương mà chủ yếu là vùng nông thôn đã xảy ra những vụ tự thiêu mà hậu quả của nó hết sức thương tâm. Trong những gia đình có người tự thiêu đó, đời sống vợ chồng thường lục đục xuất phát từ sự bức bách về kinh tế, về công ăn việc làm, kể cả sự thiếu kiến thức trong vấn đề chọn vợ, chọn chồng dẫn đến tình trạng không hòa hợp. Những vấn đề này cứ liên tục xảy ra mà người trong cuộc không có kỹ năng mềm để xử lý nên dễ bị căng thẳng, bất lực. Những vấn đề này bị dồn nén lâu ngày sẽ nảy sinh tình trạng trầm cảm, mặc cảm và thiếu niềm tin vào cuộc sống, không nhìn thấy tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Phong. |
Trên góc độ văn hóa, trước đây, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển chưa cao, nhu cầu về cuộc sống của bà con, nhất là vùng nông thôn còn thấp nên khi phát hiện một ai đó có biểu hiện bị căng thẳng, bất lực, những người vợ, người chồng hoặc người thân trong gia đình hoặc bà con chòm xóm thường thăm hỏi, chia sẻ, động viên lẫn nhau cùng cố gắng vượt qua. Khi điều kiện vật chất lên ngôi, người ta sống thiên về nó và dành hết thời gian lao vào chuyện cơm-áo-gạo-tiền mà quên mất việc dành thời gian cho nhau để chia sẻ những khó khăn của cuộc sống và từ đó dẫn đến sự gắn kết tình cảm không còn. Thậm chí nhiều đôi vợ chồng cứ sau một ngày làm việc về là ăn vội ăn vàng rồi lăn ra ngủ để có sức cho một ngày mưu sinh mới khiến cho cuộc sống vợ chồng trở nên lạnh nhạt và dễ gây căng thẳng, trầm cảm cho một trong hai người.
Ở góc độ xã hội, khi bị căng thẳng, trầm cảm nhưng không nghe theo sự động viên của mọi người xung quanh để thoát ra và cứ thế dần dần không còn ai gần gũi để chia sẻ nữa. Lâu dần họ cho rằng gia đình, xã hội có thành kiến với họ, khiến cho niềm tin bị mất và họ sẽ nghĩ đến việc tự tử để giải thoát?
Trong những vụ như thế này, nhiều người nghĩ mình chết rồi sẽ không có ai thay thế để lo cho vợ hoặc con nên kéo họ cùng chết với mình? Vụ việc xảy ra tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cũng tương tự như vậy. Khi anh Tâm không thể tự mình chủ động giải quyết những áp lực về đời sống kinh tế, tình cảm đã khiến trong con người anh ta hình thành xung lực phá hủy. Khi xung lực này bị đè nén lâu ngày, nó sẽ lớn dần, át hết xung lực tình yêu dành cho bản thân và con cái nên cuối cùng đã dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ. Mặc dù hành động ấy là mù quáng nhưng anh ta đã tính toán rất kỹ và chuẩn bị đầy đủ để thực hiện hành vi này.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Phong, con người có rất nhiều nhu cầu từ cái ăn, cái mặc, nơi ở, việc làm, trang sức, sinh lý, an toàn cuộc sống, sự chia sẻ, sự thông cảm, sự tự khẳng định… Nhưng để thỏa mãn được hết thì không thể và có những người còn đạt được rất ít những nhu cầu này. Chính vì vậy mà mỗi người trưởng thành cần tự trang bị cho mình một chút kỹ năng sống để có thể hiểu được những khó khăn trước mắt nhằm tránh cho mình không bị rơi vào tình trạng trầm uất, tự chủ được bản thân và nhất là tránh được những hành động đáng tiếc xảy ra.