Tướng cướp Sáu Thẹo

Thứ Ba, 31/10/2017, 16:30
Sáu Thẹo không chỉ là một gã cướp của, hiếp dâm, giết người mà kinh hoàng hơn, Sáu Thẹo trở thành nỗi khiếp sợ của lương dân với những kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng, kỹ năng ẩn thân và đào thoát thành thục. Hắn là tên cướp siêu hạng.

Cho đến tận bây giờ, những bậc trung niên đã từng sinh sống ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 1975 - 1982 vẫn còn nhớ như in về một nhân vật biệt danh "tướng cướp Sáu Thẹo". Hắn không chỉ là một gã cướp của, hiếp dâm, giết người mà kinh hoàng hơn, Sáu Thẹo trở thành nỗi khiếp sợ của lương dân với những kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng, kỹ năng ẩn thân và đào thoát thành thục. Hắn là tên cướp siêu hạng.

Nhưng dù "siêu hạng", cuối cùng hắn cũng bị lực lượng Công an Tây Ninh triệt tiêu.

Nỗi án ảnh kinh hoàng

Trung tá Thân Văn Hạt, sinh năm 1950, nguyên Trưởng Công an xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), kể: "Hồi năm 1980, tôi là cán bộ Công an tỉnh được tăng cường về Công an Hồ Nước vào ngày 01-01. Lúc đó, có một tên cướp tên thường gọi là Sáu Thẹo hoành hành dữ lắm. Người dân ở khu vực huyện Dương Minh Châu sợ nó hơn sợ cọp ba móng. Ban đêm, nhà nhà đóng cửa. Ban ngày, con gái phải lấy than, bùn thoa mặt cho xấu đi để không bị Sáu Thẹo hãm hiếp. Nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân suốt 2 năm trời".

Ông Thân Văn Hạt.

Ông Hạt kể tiếp, sau năm 1975, đất nước trải qua thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Để nông nghiệp phát triển, việc đầu tiên cần làm là phát triển hệ thống thủy lợi.

Việc xây dựng 3 công trình thủy lợi lớn ở miền Đông Nam Bộ là Dầu Tiếng, Trị An và Cây Chanh trong bối cảnh này.

Công trình hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh có diện tích hơn 300 cây số vuông là rừng hoang, được tiến hành thi công từ năm 1977 bởi Xí nghiệp liên hiệp xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ Xây dựng). Kể từ khi công trình xây dựng lòng hồ Dầu Tiếng được khởi động, người dân ở các nơi bắt đầu tụ tập về khu vực này sinh sống. Nhằm bảo vệ công trình và giữ an ninh trật tự, một đơn vị Công an tương đương cấp phòng được tổ chức tại hồ Dầu Tiếng với tên gọi là Công an Hồ Nước. Công an Hồ Nước có nhiều đơn vị đóng chốt khắp khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình là Trưởng Công an Hồ Nước.

Cùng thời điểm, ở khu vực hồ Dầu Tiếng, Bộ Quốc phòng đặt một đơn vị cải tạo quân nhân bị vi phạm quân kỷ, vi phạm pháp luật là Trại K55.

Trong số quân nhân bị kỷ luật ở trại K55 có Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1948, quê quán Tam Hiệp, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Là một chiến sĩ đặc công giỏi võ, bắn súng nhanh và chuẩn, thay vì chuyên tâm tu dưỡng đạo đức bản thân để phục vụ nhân dân, Sáu lại tự mãn, kiêu căng đến mức vô tổ chức, liên tục vi phạm quân kỷ. Nhiều lần tu chỉnh không thành công, đơn vị đành phải gởi Sáu vào K55 để rèn luyện tính kỷ luật.

Kết thúc 18 tháng rèn luyện quân kỷ, thay vì trở về đơn vị cũ, Sáu đào ngũ, sống chui rúc trong những cánh rừng hoang ở khu vực Lòng Hồ Dầu Tiếng để bắt đầu chuỗi ngày đen tối. Đó là thời điểm cuối năm 1979.

Đêm giao thừa tết dân tộc, đầu năm 1980, Ban Chỉ huy Trại cải tạo K55 mở tiệc đón xuân.

 Đúng thời điểm giao thừa, giữa tiếng pháo nổ vang trời (thời đó chưa cấm đốt pháo nổ) Sáu đột nhập vào doanh trại lấy trộm khẩu súng AK và nhiều hộp tiếp đạn. Sau đó, Sáu tiếp tục cõng 2 con heo vừa mới xẻ thịt chưa kịp chia phần cho các ban, trại.

Sáu ướp muối thịt heo rồi chôn giữa cánh rừng rậm để làm "kho dự trữ lương thực".

Hàng ngày, Sáu xách súng ra các tuyến đường vắng chặn người dân cướp tài sản. Hàng đêm, Sáu đột nhập vào nhà dân khống chế đàn ông rồi hãm hiếp phụ nữ, bất kể già hay trẻ. Thực hiện xong hành vi đồi bại, Sáu vơ vét những tài sản có giá trị nhưng gọn nhẹ như tiền, vàng, hột xoàn... Thỉnh thoảng ngẫu hứng, Sáu vác luôn nữ nạn nhân mang vào rừng "làm vợ" vài ngày rồi thả.

Hầu như mỗi ngày, Sáu đều thực hiện một phi vụ tội ác. Có những xóm nhà heo hút, khoảng 20 gia đình cư trú, tất cả phụ nữ đều là nạn nhân của Sáu.

Trước sự lộng hành của Sáu, nhiều gia đình tự trang bị vũ khí (giai đoạn đó, công tác quản lý vũ khí chưa được triển khai chặt chẽ), tự thiết kế hệ thống bẫy sập để bảo vệ người thân. Biết gia đình nào làm điều này, Sáu bắn tin "đêm nay Sáu ghé thăm". Sáng hôm sau, cả xóm thấy gia đình đó cửa đóng im ỉm là biết đã có chuyện. Quả nhiên, khi mọi người phá cửa là trông thấy cảnh gia chủ bị trói gô lăn lóc dưới đất. Từ đó, người ta đồn rằng, Sáu có phép tàng hình, độn thổ.

Thách thức Ban chuyên án

Báo cáo về những vụ cướp bóc của Sáu bay tới tấp về Ty Công an tỉnh Tây Ninh. Trước tình hình đó, Đại tá Ngô Quang Nghĩa - Trưởng Ty Công an Tây Ninh - nguyên Chánh văn phòng An ninh Trung ương Cục (tức cố Thiếu tướng - Phó viện trưởng Viện Lịch sử Công an), được sự đồng thuận của Tỉnh ủy, đã quyết định thành lập một ban chuyên án đặt trụ sở Ban Chỉ huy tiền phương tại trụ sở Công an Hồ Nước vào tháng 1-1980. Đồng chí Sáu Huệ - Phó Ty Công an Tây Ninh làm trưởng ban chuyên án. Ban Chuyên án tuyển chọn hơn 70 cán bộ trinh sát vũ trang giỏi ở các đơn vị tập trung về. Phân nửa quân số Ban Chuyên án đóng quân tại chỗ làm lực lượng di chuyển cơ động. Phân nửa làm nhiệm vụ trinh sát mật, được rải đều thành một tuyến bao vây vòng cung trong phạm vi hàng chục cây số.

Ông Thân Văn Hạt nhớ chính xác ngày đầu tiên Ban Chuyên án đổ quân xuống khu vực lòng hồ Dầu Tiếng là ngày mùng 10 tết âm lịch tức ngày 25-02-1980.

Ngay ngày đó, Sáu ra tay một phi vụ thay cho lời thách thức.

Đêm đó, cánh tài xế xe tải phục vụ công trình lòng hồ Dầu Tiếng rủ nhau nhậu tại một quán cóc cách trụ sở Công an Hồ Nước khoảng 1,5 cây số. Thời đó, hầu hết dân tài xế xe tải vật liệu xây dựng đều có máu đầu gấu, xem trời bằng vung.

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa.

Giữa chừng cuộc nhậu, cơn say đã sần sần, mọi người trông thấy một gã đàn ông thấp, đậm đi vào mua thuốc lá. Thấy gã đàn ông không thèm chào "các đại ca đang nhậu", một tài xế hất hàm quát: "Ê! Mày là thằng nào mà ngang tàng vậy?". Gã đàn ông mới đến nói nhỏ nhẹ: "Yêu cầu mấy anh đứng dậy trước khi nghe tôi xưng tên". Cánh tài xế đứng lên lao nhao đòi "xử" gã đàn ông mới đến. Bất ngờ, gã đàn ông lôi từ trong áo ra khẩu súng AK đã cưa báng lên đạn cái rốp rồi vẫn bằng giọng nhỏ nhẹ: "Tôi là Sáu đây. Đứng nghiêm, khi nào tôi cho nghỉ mới được nghỉ". Vừa nghe Sáu xưng tên, đám tài xế đầu gấu cứng người, đứng bất động như tượng đá, còn chủ quán thì lập cập vét hết thuốc lá đưa cho Sáu.

Sáu lấy thuốc lá rồi bỏ đi. Đám tài xế vẫn đứng nghiêm như phỗng cho đến lúc có người chịu không nổi té vật ra đất mới thôi. 

Nghe tin báo, lực lượng Chuyên án chạy xuống thì Sáu đã mất tăm.

Trong khi lực lượng chuyên án lùng sục quanh khu vực quán nhậu thì Sáu cùng một đàn em tên là Trần Văn Tân - cũng là quân nhân bị kỷ luật ở trại K55 vừa mãn thời hạn cải tạo - đột nhập vào Ban Chỉ huy Công trình xây dựng lòng hồ Dầu Tiếng ăn trộm "heo dầu" (một chi tiết động cơ quan trọng của máy nổ). Sau này, mọi người mới biết, Sáu đi mua thuốc lá với mục đích dương đông kích tây. Sau này, thấy Sáu cướp của, hiếp dâm quá tàn nhẫn, Tân đâm ra sợ nên bỏ trốn.

Một tuần lễ sau, tức ngày 3-3-1980 (17 tháng giêng âm lịch), trong khi các lực lượng tham gia Chuyên án triển khai đội hình vòng cung dài hàng chục cây số để truy lùng Sáu thì ở khu vực xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) nẩy lên một loạt tiếng súng AK.

Người dân chạy đến xem thì thấy thi thể một người phụ nữ có 6 dấu đạn trên người.

Cô gái can đảm và hỗn danh “Sáu thẹo”

Ban Chuyên án được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án. Kết quả điều tra cho biết, nạn nhân là chị Trần Thị Oanh, 22 tuổi, cư ngụ tại địa phương.

Lúc 3 giờ khuya hôm đó, chị Oanh cùng chị dâu là Châu Thị Măng và  đứa cháu gái tên Trần Thị Phượng (11 tuổi) chở nhau trên hai chiếc xe đạp đi xuyên cánh rừng chồi để vào công trường mua dầu lậu đem về bán.

Khi đến giữa đoạn rừng vắng nhất, cả ba lạnh người khi trông thấy Sáu cầm súng chặn đường. Có nhan sắc lại giỏi võ, chị Oanh biết Sáu là con quỷ dâm dục nên tìm kế giải thoát cho hai người thân. Chị Oanh giữ bình tĩnh, cười duyên rồi nói với Sáu: "Em không có mang tiền trong người. Anh Sáu cho chị em và đứa cháu về nhà lấy tiền. Em ở lại, anh xử sao cũng được". Sáu hý hửng tưởng bở, đồng ý ngay.

Hai người thân vừa khuất dạng, chị Oanh nũng nịu bảo Sáu chở đi chỗ vắng để "tâm sự". Đi được 400m, chị Oanh nói bánh xe bị mềm, nhờ Sáu bơm hơi cho căng rồi đi tiếp. Sáu vừa khom người thử bánh xe, chị Oanh vung ống bơm quất thẳng cánh vào đầu, tóe máu.

Cách nay hơn 30 năm, nơi đây là cánh rừng lãnh địa của Sáu Thẹo

Chị Oanh đã tính sai nước cờ. Dù nhận cú đánh như trời giáng nhưng Sáu không bất tỉnh như dự đoán.

Sau này, khi đứng trước vành móng ngựa, Sáu khai: "Tôi chỉ choáng váng nhưng vẫn tỉnh táo vung khẩu súng AK lên. Chị Oanh chộp nòng súng rồi co chân đá nhưng tôi nhanh hơn. Ngay phát đạn đầu tiên, chị Oanh đã gục chết. Tôi còn tức tối nên bắn bồi thêm 5 phát nữa".

Cú đánh của người phụ nữ can đảm đã khiến trên gương mặt hung ác của Sáu có một vết sẹo dài. Kể từ ngày đó, Sáu có hỗn danh là "Sáu Thẹo".

Cái chết của chị khiến quần chúng nhân dân vừa thương vừa phẫn nộ vừa lo sợ.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, thường trực UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp bất thường. Ngay trong cuộc họp, ông Sáu Thượng (tức đồng chí Đặng Văn Thượng), thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã chất vấn Đại tá Ngô Quang Nghĩa - Trưởng Ty Công an: "Nhân dân không hỏi chúng ta làm cách nào mà chỉ cần biết khi nào chúng ta triệt được tên cướp Nguyễn Văn Sáu".

Đại tá Ngô Quang Nghĩa hứa sẽ giải quyết gọn vụ việc, nếu không, ông sẽ từ chức.

Ngày hôm sau, Đại tá Ngô Quang Nghĩa tạm gác tất cả kế hoạch công tác khác rồi vào tận Hồ Nước chỉ đạo trực tiếp Ban Chuyên án.

Là một người trưởng thành từ kháng chiến, Đại tá Ngô Quang Nghĩa luôn thấm nhuần tư tưởng "cách mạng quần chúng". Ông chỉ đạo Ban Chuyên án tập trung cao độ công tác xây dựng lực lượng quần chúng.

Thực hiện chỉ đạo đó, ông Nguyễn Thanh Bình (Út Bình, Trưởng Công an Hồ Nước, Phó Trưởng ban Chuyên án) tổ chức được một quần chúng tên là Nguyễn Thành Tâm (tức Tư Tâm, sinh năm 1949, quê quán ấp Trảng Cỏ (nay là ấp Thuận Lợi), xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng).

Tư Tâm là Đội trưởng Đội khai thác gỗ của Công ty Chất đốt TP Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của đội là tổ chức khai thác, thu mua các loại cây gỗ tạp trong rừng. Vì vậy, Tư Tâm có nhiều lý do lùng sục trong các cánh rừng.

Để tiện việc khai thác, Tư Tâm cất nhà ở gần lán trại rồi đưa cha mẹ, em ruột và vợ vào ở.

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.