Vay tiền bằng app qua mạng: Chiếc bẫy tín dụng đen!

Thứ Ba, 01/10/2019, 22:30
“Giải ngân trong ngày, thủ tục đơn giản”; “không cần đi xa, vay ngay tại nhà”; “khoản vay linh hoạt, lãi suất ngân hàng”... là những lời có cánh mà các công ty cho vay ngang hàng P2P (Peer to Peer Lending) quảng cáo rầm rộ trên mạng để nhắm đến người có nhu cầu vay tiền. Các công ty sử dụng công nghệ thông tin kết nối người có vốn và người cần vốn mà không cần qua ngân hàng đang nở rộ tại Việt Nam.

Với mức lãi suất chỉ 15-20%/năm lại không cần thế chấp tài sản, hình thức vay này đang khiến nhiều người tìm đến để giải quyết khó khăn về kinh tế. Nhưng, họ không hề biết rằng, đằng sau lãi suất thấp đó là những chiếc bẫy tín dụng đen.

Chứng từ các đối tượng tạo ra để đòi nợ chị Trần Thị Diễm Phương mặc dù chị không vay nợ.

Vay siêu nhanh, lãi suất siêu cao

Vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh” sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền siêu nhanh như Credy, vaytieudung, doctordong, SHA, robocash.vn... Những cái tên này thường tạo sự thu hút của người lướt web bằng những lời đường mật hấp dẫn như vay tiền không cần thế chấp, vay tiền không cần gặp mặt... Thậm chí, khách hàng không cần bước chân ra khỏi nhà, tiền vẫn chạy đến túi chỉ sau vài cú click chuột.

Để hấp dẫn hơn nữa, có trang web còn đưa ra đủ chiêu như cho vay với lãi suất 0%/năm trong 10 ngày đầu tiên, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%; thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận. Thế nhưng đó chỉ là những lời đường mật.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, 24 tuổi, ngụ Tiền Giang là điển hình nhất trong số các nạn nhân vay tiền qua mạng. Chị cần 8 triệu đồng để giải quyết công việc nên đã tải ứng dụng Vayvay để vay tiền. Khi tải ứng dụng này về, màn hình hiện lên yêu cầu cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ, hình ảnh và vị trí để "tăng tỉ lệ duyệt hồ sơ đến 99%".

Nghĩ rằng không ảnh hưởng gì nên chị Mai nhấp vào "đồng ý". Sau đó, ứng dụng yêu cầu chị Mai chụp hình giấy tờ tùy thân và khuôn mặt của mình trên ứng dụng này để đối chiếu.

Và sau các thao tác, từ lúc tải ứng dụng đến khi chị nhận được tiền chỉ mất khoảng 2 phút. Do app trên giới hạn số tiền vay chỉ từ 1-4 triệu đồng nên chị Mai đã tải thêm 3 ứng dụng khác nữa là "Samsetvay", "I Dong" và "V Dong" để vay đủ 8 triệu đồng. Sau khi làm xong hết các thủ tục, chị Mai được các ứng dụng trên chuyển tiền vào tài khoản để cho vay.

“Mặc dù không tính lãi suất nhưng lại tính "chi phí làm hồ sơ" từ 30-50% khoản vay thực tế. Ví dụ tôi vay 2 triệu nhưng chỉ nhận được 1,4 triệu. Thời hạn tôi chọn chi trả là 30 ngày nhưng khi khi vay xong lại thấy thời hạn trả chỉ có 7 ngày” - chị Mai cho biết.

6 ngày sau khi được "giải ngân", chị Mai liên tục nhận được điện thoại của người tự xưng là nhân viên bên các ứng dụng cho vay tiền hối thúc trả nợ. Ban đầu chỉ là lời nhắc nhở nhưng sau đó là khủng bố tinh thần bằng nhiều cách khác nhau. Do chưa có tiền trả nợ nên theo hướng dẫn của các đối tượng trên, chị Mai lại vào các đường link đối tượng gửi cho để tiếp tục vay tiền trả nợ.

Cứ như thế, sau 2 tháng, với số tiền vay ban đầu là 8 triệu đồng vay qua 4 ứng dụng, gia đình chị Mai đã phải trả 200 triệu đồng cho 64 ứng dụng nhưng vẫn liên tục bị các đối tượng gọi điện đe dọa, gọi cho tất cả người quen trong danh bạ để bêu xấu chị, ghép ảnh của chị đưa lên mạng xã hội... Không chịu được áp lực, chị Mai đã tự sát nhưng may được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời.

Anh Hoàng Tiến Hải ở Từ Sơn, Bắc Ninh cũng là một trong các nạn nhân của “cho vay ngang hàng” thông qua app VĐồng. Anh Hải cho biết, trên app này quảng cáo lãi suất cho vay 19,71%/năm, hạn mức vay được phê duyệt là 1,3 triệu đồng nhưng đã bị trừ ngay 364.000 đồng và khách hàng chỉ thực nhận hơn 936.000 đồng.

Như vậy, tính ra lãi vay của VĐồng đối với số tiền 1,3 triệu đồng lên đến 26.000 đồng/ngày, tương đương 60%/tháng và khoảng 720%/năm. “May tôi vay ít và đã trả được nợ ngay. Nếu chưa có tiền trả nợ, các đối tượng sẽ dụ mình vay tiếp ở các app khác để trả nợ. Cứ thế người vay sẽ rơi vào mê hồn trận không rút ra được” - anh Hải cho biết.

Anh Đỗ Trọng Minh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - nạn nhân của cho vay ngang hàng cho biết, ngày 31-7, anh đăng ký vay 4 triệu đồng. Sau khi làm theo yêu cầu của đối tượng, chỉ sau khoảng 1 tiếng, anh nhận được tiền qua tài khoản nhưng tiền vay chỉ còn hơn 3 triệu. Bên cho vay nói trừ tiền phí. Đến ngày 27-8 (gần 1 tháng sau), bên cho vay gọi điện yêu cầu phải thanh toán cả gốc, lãi là 6,35 triệu (gấp đôi số tiền vay).

Do chưa đủ nên anh Minh xin trả trước 5 triệu. 15 ngày sau, anh phải trả tiếp 3 triệu nữa mới hết nợ. “Rất may, tôi xin khất nợ và không tiếp tục tải app khác để vay theo hướng dẫn của đối tượng. Nếu không chắc số nợ phải lên vài chục triệu” - anh Minh cho biết.

Các đối tượng cho vay nặng lãi qua app bị Công an TP Hồ Chí minh bắt giữ.

Lộ thông tin cá nhân

Mặc dù việc cho vay ngang hàng (P2P Lending) qua các app đang rất phổ biến, là biến tướng của tín dụng đen để lại nhiều hệ lụy cho xã hội nhưng hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh và quản lý hoạt động này. Cho vay ngang hàng mới xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2017.

Việt Nam với dân số khoảng 96 triệu người, trong đó 76% trong độ tuổi lao động, số người tiếp cận được các dịch vụ tài chính - ngân hàng chiếm khoảng 40% nên số người chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống ở mức rất cao, đây là điều kiện để hoạt động tín dụng đen, P2P Lending kết hợp với các công ty cầm đồ phát triển vì thủ tục vay dễ, giải ngân nhanh (chỉ cần tải app là có thể vay được tiền). Chính vì vậy, hoạt động này đáp ứng được nhu cầu vay nhỏ lẻ của nhiều người dân, nhất là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), nhiều dịch vụ cho vay trực tuyến đang tìm cách thu thập mọi thông tin cá nhân của người dùng, dù họ có tham gia ký kết hợp đồng hay không. “Do đó, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người vay cần tìm hiểu và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè” - cơ quan này khuyến cáo.

Đại tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an lấy ví dụ một khách hàng cho vay 4 triệu đồng tại Công ty TNHH ATM online Việt Nam, đến cuối kỳ, khách sẽ phải trả 6,180 triệu đồng gồm tiền lãi chỉ có 100 nghìn đồng nhưng tiền phí dịch vụ 320 nghìn đồng và phí tư vấn 1,760 triệu đồng và cho biết, việc khách hàng vay trực tuyến tiềm ẩn rủi ro lớn cho công tác đảm bảo an ninh tiền tệ và nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.

Đại tá Lê Xuân Minh cho biết, chỉ cần gõ từ khóa “Vay tien” trên công cụ tìm kiếm thì sẽ có một loạt ứng dụng hiển thị. Các ứng dung này đều yêu cầu người sử dụng cung cấp một số quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân như thông tin về GPS, địa chỉ IP, camera, danh bạ, lịch sử cuộc gọi, tin nhắn và các thông tin khác. Việc các ứng dụng đòi hỏi quyền truy cập sâu vào các thông tin của người sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân người dùng, gây mất an toàn thông tin.

Trong khi đó, quy mô hoạt động của các công ty P2P Lending phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp, do đó năng lực công nghệ, hạ tầng kỹ thuật có thể chưa đảm bảo an toàn, an ninh, cơ chế xác thực khách hàng điện tử vẫn còn tồn tại kẽ hở, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên tham gia.

Đúng như nhận định của Đại tá Lê Xuân Minh, trên thực tế, các trường hợp khách hàng vay trực tuyến qua app đã phải gánh chịu hậu quả rất lớn nếu không trả nợ. Như trường hợp chị Phạm Thị Tuyết Mai mà chúng tôi nói ở đầu bài viết là ví dụ điển hình. Do khi vay tiền, chị Mai đã cung cấp danh bạ điện thoại (đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn vay) nên khi đến hạn chưa trả được nợ, lập tức, các đối tượng đã gọi điện cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của chị Mai sỉ nhục, chửi bới, đe dọa. Thậm chí, các đối tượng còn lấy ảnh trong kho ảnh của nạn nhân, cắt  ghép rồi đưa lên mạng với mục đích bôi nhọ, gây sức ép khiến nạn nhân phải trả nợ.

Quảng cáo cho vay tiền online.

Trường hợp chị Nguyễn Hồng H., ở TP Hồ Chí Minh còn đáng sợ hơn vì chị không hề vay tiền mà một người có tên trong danh bạ điện thoại của chị vay tiền qua mạng sau đó tắt máy bỏ trốn nên chị bị các đối tượng gọi điện đòi nợ vì chúng coi chị là “thế thân” của con nợ.

Trường hợp chị Trần Thị Diễm Phương (SN 1978, trú TP Pleiku, Gia Lai) cũng là điển hình vì liên tục bị các đối tượng ở app một công ty tài chính cho người đòi tiền, gọi điện cho người thân, bạn bè gây áp lực. Sự việc không chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần nạn nhân và gia đình. Chị Phương đã nhiều lần gửi đơn đến công ty yêu cầu giải quyết dứt điểm việc chị không vay nhưng vẫn bị đòi nợ.

Theo trình bày của chị Phương thì vào tháng 7-2018, chị được một công ty tài chính cấp 1 thẻ tín dụng, cho đến nay chị không kích hoạt, không sử dụng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 và tháng 4-2019, nhân viên công ty này liên tục gọi điện cho người thân và bản thân chị yêu cầu trả tiền nợ. Trước sự việc vô lý trên, chị đã gọi điện đến số tổng đài của công ty để làm rõ sự việc và được thông báo là hiện đang dư nợ thẻ tín dụng là hơn 51 triệu đồng (trong đó gốc là 50 triệu đồng).

Trong khi đó, trao đổi qua email và điện thoại thì nhân viên công ty cho biết đã dùng hồ sơ có thẻ tín dụng cấp cho chị Phương để giải ngân bằng hình thức chuyển khoản cho người có tên là Trần Thị Diễm Phượng chứ không phải Trần Thị Diễm Phương. Mặc dù đã xác nhận có sự nhầm lẫn nhưng nhân viên vẫn tiếp tục đòi nợ chị Phương. Như vậy, rõ ràng từ việc khai báo thông tin cá nhân để làm thẻ tín dụng của công ty cho vay trực tuyến (mặc dù không vay tiền), chị Phương đã trở thành con nợ.

Cần có khung hành lang pháp lý rõ ràng

Theo thống kê của Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an thì hiện nay có khoảng hơn 70 công ty hoạt động theo mô hình P2P Lending nhưng chủ yếu không đúng với các mô hình hoạt động truyền thống (mô hình hoạt động truyền thống là kết nối người cho vay và người vay) mà thực tế ở Việt Nam là sự kết hợp giữa công ty P2P Lending với các công ty cầm đồ, dịch vụ tài chính nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn xã hội.

Hoạt động P2P lending đang có biểu hiện biến tướng của các hình thức tín dụng đen, đa cấp tài chính, cho vay không thế chấp. Đặc biệt, mặc dù lãi suất các công ty đưa ra đều trên dưới 20% (không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước) nhưng phí cho mỗi khoản vay rất cao, nếu cộng cả lãi, phí thì có thể lên tới 30-60%/tháng tức là khoảng 360% đến 720%/năm.

Được biết, hiện nay, Chính phủ đang giao các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá, đề xuất hình thức quản lý hoạt động P2P Lending. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nắm tình hình, đấu tranh với các công ty lợi dụng P2P Lending để hoạt động tín dụng đen biến tướng.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, việc cho vay 2P2 Lending đang có dấu hiệu của tội phạm tín dụng đen. Chính vì vậy, người dân cần cẩn trọng, không nên tham gia vào hoạt động này. Nếu bị các đối tượng đe doạ, khủng bố để đòi nợ, cần báo ngay cho cơ quan Công an.

Ngày 17-9, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua mạng do người nước ngoài cầm đầu. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 9 đối tượng (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam).

Các đối tượng người Trung Quốc đã lập các app như BDong, VDong, Udong... sau đó, tuyển nhân viên, thông qua mạng xã hội quảng cáo về hình thức cho vay tiền qua ứng dụng này trên điện thoại di động. Khách có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân. Công ty này sau đó sẽ thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân và chuyển tiền vào số tài khoản.

Số tiền công ty cho vay khoảng 1,2-4 triệu đồng trong 6 ngày (lãi suất mỗi ngày là 4%). Với những người không chịu trả tiền thì băng nhóm này sẽ gọi điện đe dọa hoặc đăng thông tin người nợ lên mạng xã hội để bêu riếu, gây áp lực trả nợ.

Phương Thủy
.
.