“Vay vốn dự án” cái bẫy tai hại đối với doanh nghiệp

Thứ Năm, 27/12/2007, 09:20

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn nhận hồ sơ "chạy" dự án, vay vốn ưu đãi không phải là lần đầu diễn ra tại Việt Nam, càng không phải là quá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp (DN). Thế nhưng Công an quận Hai Bà Trưng, TP hà nội, vừa khám phá ra một "siêu lừa" đã lừa đảo thành công rất nhiều DN khắp trong Nam ngoài Bắc.

Chiêu lừa “ngoại hạng”

Được thành lập vào cuối năm 2006, Công ty TNHH một thành viên FIC và Văn phòng số 1 đặt tại Bắc Ninh chỉ sau một thời gian hoạt động đã râm ran trong giới DN tư nhân khắp trong Nam ngoài Bắc về khả năng “chạy” dự án, vay vốn ưu đãi của các tổ chức phi chính phủ.

Chỉ cho đến những ngày cuối năm 2007, khi Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng Nguyễn Công Đoàn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên FIC, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông thuộc Hội Liên hiệp khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng số 1 Bắc Ninh) và Nguyễn Xuân Long (Chánh văn phòng), nhiều DN mới bàng hoàng nhận ra rằng họ đã bị lừa.

Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Thanh Quang (có trụ sở tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một ví dụ. Chị Lan Hương - kế toán của Công ty Thanh Quang thông qua một “cò mồi” tên là Trần Thành (là thành viên của Công ty Xuyên Á), đã nhờ Nguyễn Xuân Long "chạy" dự án xin vay vốn ưu đãi.

Thành đã “tiết lộ” cho chị Hương biết Văn phòng số 1 Bắc Ninh chính là một “sân sau” của “Văn phòng chính phủ”(!?). Vì thế, những quyết sách kinh tế, tài chính nơi đây nắm rất rõ. Hiện đang có nhiều vốn dành cho các dự án của các tổ chức phi chính phủ được rót vào Việt Nam.

Và nếu nhanh tay và “biết điều” thì Công ty Thanh Quang sẽ có suất. Thành liên tục hối thúc chị Hương nhanh chóng thuyết phục công ty đồng ý với giá mà hắn đưa ra để "chạy" dự án (khoảng 200 triệu đồng).

Thế rồi Đoàn, Long bày trò “thẩm định dự án” của các công ty xin vay vốn. Công ty Thanh Quang phải chi toàn bộ tiền vé máy bay cho Long, Thành và 3 cán bộ của “đoàn thẩm định” vào Đồng Nai.

Trong thời gian đoàn làm việc, chị Lan Hương lại phải “lót tay" cho các cán bộ 6 phong bì với tổng số tiền 30 triệu đồng. Tháng sau, Long lại vào thẩm định thêm lần nữa.

Cuối cùng, chị Hương cũng được ký hợp đồng tín dụng vay 250 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi là 1,6%/năm (trong khi lãi suất ngân hàng bình thường phải xấp xỉ 8%/năm) vào ngày 28/3/2006. Thế nhưng cho đến nay, Công ty Thanh Quang chưa hề nhận được một xu một cắc nào từ các đối tượng trên.

Không chỉ có Công ty Thanh Quang mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Sản xuất chế biến Suối Nho (ở quận 12, TP HCM) cũng bị các đối tượng trên lừa hàng trăm triệu đồng.

Tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã thống kê được có 60 DN (mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) đã bị Đoàn, Long và êkíp của chúng lừa đảo. Bị lừa nhiều nhất là Công ty TNHH Việt Hoa Nam (Hà Nội) với 735 triệu đồng. Công ty bị lừa ít nhất là Công ty Thiên Nam (phố Nguyễn Viết Xuân, HN) với 106 triệu đồng.

Nhận diện những thủ đoạn

Trong quá trình điều tra, khám phá vụ án "chạy" vay vốn dự án xuyên quốc gia, Trung úy Phan Duy Thành - cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an quận Hai Bà Trưng luôn trăn trở một điều rằng, vì sao giám đốc các doanh nghiệp tư nhân đều là những người “có sạn” trong đầu mà vẫn bị Đoàn, Long lừa một cách dễ dàng như thế?

Qua một thời gian dài tìm hiểu, qua các lời khai của bị hại thì sở dĩ “tập đoàn lừa đảo” của Đoàn, Long có thể lừa được rất nhiều DN là do chúng đã diễn vở kịch khá hoàn hảo.

Đoàn luôn tự nhận mình là "thanh tra nhà nước", đồng thời là cán bộ của “Văn phòng chính phủ” (?!). Hắn thường ăn mặc chải chuốt. Thêm nữa, trong ví hắn lúc nào cũng "thường trực" 1 chiếc thẻ thanh tra (!?) màu đỏ, mang tên và ảnh của hắn để khi cần là trưng ra.

Đặc biệt, Đoàn rất hiếm khi lộ diện mà thường ủy quyền cho Long, các cộng tác viên và “chân rết” của hắn tiếp các DN. Cái vỏ bọc bí ẩn của một cán bộ “Văn phòng chính phủ” vì thế càng khiến người ta tin tưởng vào hắn. Xuân Long, cũng với vẻ hào nhoáng như Đoàn, Long lại có cái miệng khá dẻo, lúc nào cũng tâng bốc “ông tổng” của hắn lên mây. --PageBreak--

Văn phòng số 1 Bắc Ninh của Đoàn, Long được tổ chức thành một bộ máy khá đầy đủ. Có giám đốc, phó giám đốc, chánh văn phòng, rồi trưởng ban quản lý dự án v.v... Công văn, giấy tờ của Văn phòng đều có con dấu riêng.

Nhà của “ông tổng” tọa lạc trên một sườn “núi thiêng” Nam Sơn (thuộc phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh) với diện tích cả ngàn mét vuông. Không biết Đoàn kiếm đâu ra tiền, song chỉ cần nhìn đồ đạc, cách bài trí phòng làm việc của hắn, đa phần những người mới đến lần đầu đều phải nghĩ hắn là một đại gia.

Ngoài những bộ bàn ghế, salon đắt tiền, trong văn phòng của hắn còn có cả một đôi ngà voi cực kỳ hoành tráng. Đặc biệt hơn nữa, Đoàn còn có một điện thờ (vốn đối tượng này có thêm nghề thầy cúng) với đủ thứ thần linh. Người của các DN sau khi qua một loạt cò mồi, gặp được “sếp” Long thì thế nào cũng được mời đến nhà “sếp tổng” để “bàn công chuyện”.

Những hồ sơ cho vay vốn lừa đảo.

Và khi đến nhà Đoàn thì dĩ nhiên không được quên vào điện thờ của "sếp" để thắp vài nén nhang cầu may. Yếu tố tâm linh này góp phần “tô điểm” hình ảnh một nhân vật đầy quyền lực và rất... “phiêu linh”.

Thêm nữa, do đã được học qua lớp đào tạo về kinh doanh, Đoàn - Long có được kiến thức sơ đẳng về lĩnh vực này. Bọn chúng đã rất nhanh nhạy học luôn phương thức kinh doanh truyền tiêu, đa cấp áp dụng vào trò lừa đảo của chúng.

Chúng đã tuyển một loạt cộng tác viên để tham gia móc nối, dụ dỗ các doanh nghiệp đến vay tiền. Thế nhưng, phải qua ít nhất 5 lớp thì mới gặp được "sếp" Long. Và cứ lớp dưới dụ dỗ được một “con mồi” thì lớp trên lại được hưởng hoa hồng trên con mồi đó. Đoàn, Long tạo cho người vay cảm giác gặp được chúng là dự án đã chạy được 90%, sắp giải ngân đến nơi rồi.

Trung tá Vũ Mạnh, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an quận Hai Bà Trưng cho chúng tôi biết, thủ đoạn lừa đảo của Đoàn, Long thường qua nhiều bước. Bước thứ nhất, Đoàn và Long mạo danh là cán bộ Văn phòng chính phủ, Thanh tra chính phủ hoặc chuyên viên của Bộ Tài chính tiếp xúc với DN.

Ngoài ra, chúng còn tổ chức mạng lưới cộng tác viên đi khắp các DN để giới thiệu dự án. DN nào muốn xin vay vốn đều phải mất những khoản lệ phí do chúng đặt ra, như phí hồ sơ vay vốn, phí bảo lãnh vay vốn từ 10 đến 20 triệu đồng.

Chúng đưa định mức, nếu muốn vay vốn là  100 tỉ đồng thì DN phải nộp cho chúng 9,5 triệu đồng; vay trên 100 tỉ phải nộp 12 triệu đồng. Số vay trên 1.000 tỉ đồng sẽ theo thỏa thuận giữa hai bên.

Bước hai, Đoàn và các đối tượng yêu cầu các DN đóng tiền để dịch các tài liệu ra tiếng Anh, nộp cơ quan thẩm định. Bước ba, chúng thông tin dự án có tín hiệu tốt, DN sẽ được cho vay với lãi suất ưu đãi là 1,6% một năm, rồi lại tổ chức “đoàn thẩm định” đến với mục đích kiếm phong bì.

Bước cuối cùng, Văn phòng số 1 Bắc Ninh ra thông báo dự án khả thi đến các DN. Khi đó, nhiều DN đều nghĩ rằng có thể vay được vốn nên không nề hà việc phải nộp số tiền “hoa hồng” cao.

Trong vụ án này, “tập đoàn lừa đảo” của Nguyễn Công Đoàn và Phạm Xuân Long chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm đã lừa đảo thành công đến 60 DN. Tổng số vốn xin vay lên tới 10.141 tỉ đồng và 1 tỉ 163 triệu USD, và chúng "ẵm" được hơn tỉ đồng.

Trao đổi với PV ANTG, một chuyên gia kinh tế khẳng định, thực ra chuyện “lót tay” trong việc vay vốn ưu đãi đã thành một tiền lệ khó bỏ. Thế nên các ND khi bị các chân rết của Đoàn, Long vòi vĩnh thường nghĩ đó chẳng qua cũng là tiền để “bôi trơn” dự án. Tuy nhiên, phải nói là các DN đã không cảnh giác để thẩm định tính xác thực của nguồn vốn cũng như độ tin cậy của Công ty TNHH một thành viên FIC.

Một cán bộ của Đội CSĐT TP về TTQLKT và CV cho biết, để hạn chế những rủi ro khi vay vốn, các DN khi có nhu cầu vay vốn, tuyệt đối không nên qua các "cò mồi". Khi thấy nguồn vốn lớn với lãi suất quá thấp thì nên xem xét kỹ, đồng thời phải thẩm tra lại chắc chắn tổ chức nào cho vay vốn, để tránh bị lừa

Minh Tiến
.
.