Về cái chết của một nạn nhân vụ bạo loạn tại Iran

Thứ Sáu, 28/08/2009, 23:30
Ngày 20/6/2009, lúc 7h5' (giờ địa phương) tại góc đường Khoravi và Salehi ở Tehran, Neda Agha-Soltan (có lẽ) bị nhân viên an ninh Iran bắn vào ngực khi đang đứng quan sát đám đông biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Tehran. Những đoạn phim ghi hình cái chết của Neda nhanh chóng được tung lên Internet và gây chú ý cho toàn thế giới.

Có hai đoạn video mô tả giây phút cuối cùng của Neda. Đoạn phim thứ nhất quay cảnh người phụ nữ trẻ ngã xuống đất nhưng có vẻ vẫn còn ý thức. Đoạn phim thứ hai quay cảnh Neda đã mất ý thức và máu chảy thành vũng.

Những đoạn phim video được công bố kèm theo thông điệp của một bác sĩ - sau này được xác định tên là Arash Hejazi - tự nhận mình có mặt tại hiện trường khi vụ việc xảy ra. Bác sĩ Hejazi, đứng cách Neda khoảng 1 mét khi nạn nhân bị bắn, cố gắng dùng tay bịt vết thương.

Bác sĩ nói: "Tôi là bác sĩ nên đã vội chạy đến để cấp cứu cho cô gái. Nhưng viên đạn đã nổ trong lồng ngực của nạn nhân và chưa đầy 2 phút sau thì cô gái chết. Đoạn phim video là của người bạn đang đứng cạnh tôi quay được". Nạn nhân chết trên đường đến bệnh viện Shariati ở Tehran

Neda Agha-Soltan là cô con gái duy nhất của một gia đình trung lưu có 3 người con. Neda tốt nghiệp khoa thần học và triết học Đại học Hồi giáo Azad. Neda cũng đam mê âm nhạc và thích du lịch cùng với bạn bè sang Dubai, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Neda cũng học tiếng Thổ với mong muốn trở thành hướng dẫn viên cho người Iran du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ. Những người quen biết Neda cho biết cô không tham gia chính trị và không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống Iran năm 2009. Nhưng làn sóng biểu tình ngày càng diễn ra rầm rộ ở Tehran đã khiến Neda bị kích động và tham gia. 

Một cảnh trong đoạn phim video về cái chết của Neda Agha-Soltan.

Neda được chôn cất ở nghĩa trang Behast-e-Zahra, nam thành phố Tehran. Ngày 24/6, tờ Guardian của Anh đưa tin gia đình của Neda Agha-Soltan bị chính quyền buộc phải rời khỏi nhà trong vài ngày sau cái chết của Neda để tránh biến nơi này thành điểm hành hương.  Ngày 3/7, những công dân Iran sống ở các quốc gia Hồi giáo khác đã bày tỏ lòng mong muốn viếng thăm nơi chôn cất Neda trong hòa bình.

Ngày 22/6, hai ứng cử viên tổng thống Mehdi Karroubi và Hossein Mousavi kêu gọi người dân Iran làm lễ tưởng niệm Neda Agha-Soltan. Karroubi kêu gọi, thông qua trang Facebook, những người biểu tình tụ tập tại trung tâm thủ đô Tehran cho sự kiện này. Hiện giờ Neda đã trở thành biểu tượng tử vì đạo của phong trào chống đối tổng thống Ahmadinejad ở Iran và câu "Tôi là Neda" trong phút chốc trở thành khẩu hiệu của những người biểu tình.

Hiện nay cái tên "Neda" trở thành một chủ đề được bình luận nhiều nhất trên trang Twitter. Nhiều blog, bao gồm các blog trên New York Times, hiện đang hoài nghi những đoạn phim video mô tả cái chết của Neda Agha-Soltan có thể làm thay đổi tiến trình lịch sử.

Bà Hajar Rostami Motlagh, mẹ của Neda, muốn thuê luật sư để điều tra căn nguyên cái chết của con gái mình. Bà muốn tìm ra hung thủ và một phiên tòa xét xử công khai. Bà Motlagh tuyên bố không chấp nhận lời lấp liếm của chính quyền cho rằng Neda là nạn nhân của mối tư thù nào đó hay của bọn khủng bố. Hiện nay một số tiếng nói của phe bảo thủ ở Iran đã chỉ trích tính chất bạo lực thái quá của lực lượng an ninh nước này.

Các nghị sĩ Iran cũng yêu cầu có cuộc điều tra về cái chết của một số người biểu tình. Theo số liệu thống kê chính thức, khoảng 1.000 người biểu tình đã bị bắt giữ - từ 200 đến 500 người còn đang bị giam cầm - và ít nhất 20 người bị giết chết trong những cuộc xung đột với cảnh sát và an ninh Iran. Nhưng theo các tổ chức nhân quyền thì con số này có lẽ còn cao hơn. 

Mohammad Hassan Ghadiri, Đại sứ Iran ở Mexico, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng có thể cơ quan tình báo Mỹ CIA dính líu đến vụ giết người này. Đại sứ Ghadiri đặt vấn đề tại sao những đoạn phim video được quay một cách quá hiệu quả như thế và ông khẳng định án mạng xảy ra cách xa nơi biểu tình. Ghadiri lập luận rằng CIA sẽ dễ dàng đạt mục đích của mình hơn khi sử dụng hình ảnh một phụ nữ bị giết chết giữa nơi công cộng nhằm phá hoại an ninh và ổn định của Iran.

Đại sứ cũng tuyên bố Neda Agha-Soltan bị bắn vào đầu từ phía sau và "viên đạn tìm thấy trong đầu nạn nhân không phải là viên đạn mà bạn có thể tìm thấy ở Iran". Trong khi đó bác sĩ Arash Hejazi nói Neda bị bắn vào ngực và viên đạn nổ ngay bên trong mà không thoát ra ngoài và hình ảnh video cũng cho thấy vết thương nơi ngực của nạn nhân. (Bác sĩ Hejazi là người được nhìn thấy trong đoạn video ông đặt hai bàn tay lên ngực Neda để cầm máu). Các nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ án mạng cho biết chính lực lượng dân quân Basij đã bắn Neda.

Ngày 30/6, Thiếu tướng Ahmadi-Moghaddam, lãnh đạo Cảnh sát Iran, tuyên bố với báo chí rằng cảnh sát và Bộ Thông tin đã phát lệnh bắt giữ bác sĩ Arash Hejazi (đã tức thì bay ra nước ngoài sau cái chết của Neda Agha-Soltan) đến Interpol vì tội đầu độc bầu không khí quốc tế chống lại chính quyền Iran cũng như tung thông tin sai lệch về cái chết của Neda cho các phương tiện truyền thông phương Tây. Về phía mình, chính quyền Iran tuyên bố với báo chí ngày 4/7 rằng những đoạn phim video mô tả cái chết của Neda là giả mạo và do BBC và CNN làm ra

Diên San (tổng hợp)
.
.