Về vụ giết hại “vua” siêu đại bác Gerald Bull

Thứ Tư, 02/01/2008, 09:30
Chiều tối ngày 22/3/1990, khi vừa bước ra khỏi căn hộ của mình ở tầng 6 tòa cao ốc Minerve nằm trên đại lộ Folie của thủ đô Bruxelles, Bỉ, Gerald Bull, Giám đốc Công ty Space Research Corporation (SRC), người Canada, bị một kẻ lạ mặt bắn chết bằng 5 phát đạn. Điều tra của cảnh sát cho biết, nạn nhân bị bắn chết bởi 5 phát đạn súng ngắn (có gắn giảm thanh) đạn găm vào gáy và lưng.

Có một chi tiết liên quan đến vụ án mạng mà cảnh sát giấu biệt không tiết lộ với bất cứ phương tiện truyền thông nào, đó là việc thủ phạm còn lấy đi của nạn nhân một sợi dây chuyền vàng nạm đá quý có khắc 3 chữ GVB ở phía sau. Đây là vật trang sức mà nạn nhân rất quý vì đó là quà tặng của Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Việc giấu kín vụ mất cắp sợi dây chuyền này đã khiến thủ phạm chủ quan và sau đó bị bắt giữ trên đường đào thoát. Nhưng đó chỉ là phần đầu của vụ án nổi tiếng này.

Gerald Vincent Bull sinh ngày 9/3/1928 tại thành phố North Bay, bang Ontario, Canada.  Năm 1953, Bull bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành vật lý không gian và là tiến sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử thành lập Đại học Toronto. Vì thành tích học tập này nên Bull được Cơ quan Nghiên cứu phát triển vũ khí Canada (CARDE) mời làm việc.

Trong thời gian làm việc tại đây, Bull tập trung nghiên cứu để chế tạo một loại siêu đại bác có thể vừa phóng vệ tinh vào không gian lại vừa có thể bắn những quả đạn pháo ở tốc độ siêu thanh đi rất xa.

Năm 1960, do bất đồng quan điểm với một vài lãnh đạo của CARDE, Bull đến giảng dạy môn vật lý không gian tại Đại học McGill của Mỹ. Với sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại học McGill triển khai nghiên cứu dự án HARP để chế tạo một loại đại bác có thể phóng vệ tinh vào không gian.

Từ năm 1963, Bull được giao nhiệm vụ tổ chức các vụ bắn thử nghiệm vệ tinh vào không gian tại đảo Barbados trên Đại Tây Dương với 3 loại siêu đại bác có tốc độ bắn khác nhau. Sau khi thất bại trong việc thử nghiệm siêu đại bác Martlett-1 và Martlett-2, vào ngày 26/5/1965, khẩu siêu đại bác Martlett-3 có nòng dài 38m đã bắn thành công một vệ tinh thử nghiệm vào tầng thấp của quỹ đạo ngoài trái đất.

Năm 1966, do Chính phủ Mỹ phải dồn hết ngân sách quốc phòng vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam nên dự án HARP bị đình trệ. Chán ngán, Bull quay lại Canada và thành lập Công ty SRC chuyên nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hạng nặng, trong đó có siêu đại bác đủ cỡ.

Chỉ một thời gian ngắn sau, SRC đã ký được nhiều hợp đồng bán vũ khí cho quân đội Canada, Mỹ, Anh và một số quốc gia khác. Hai kiểu đại bác GC-175 Howitzer có tên gọi "Vua chiến trường" có tầm bắn xa đến 50km và GC-155 Howitzer có tầm bắn từ 15 đến 20km mà quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam đều sản xuất theo mẫu của SRC.

Năm 1980, Bull bị bắt giữ và bị tuyên án 6 tháng tù giam về tội vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với chính quyền Apartheid ở Nam Phi khi bí mật bán cho quốc gia này 30.000 vũ khí các loại, trong đó có nhiều siêu đại bác GC-45 Howitzer.

Lắp đặt siêu đại bác PC-1 tại Iraq.

Những loại vũ khí này đều được Nam Phi sử dụng trong cuộc chiến tranh biên giới với Angola. Sau khi mãn hạn tù giam, Bull rời Canada đến định cư tại Bỉ và thành lập thêm Công ty European Poudreries Réunies de Belgique (EPRB)  hoạt động sản xuất và buôn bán vũ khí song song với Công ty SRC.

Vào giữa thập niên 80, kế hoạch chế tạo siêu đại bác của Bull thu hút sự quan tâm của Iraq. Bull được mời đến Iraq để triển khai một dự án đầy tham vọng có tên gọi Babylon.

Theo dự án này, Bull sẽ giúp Iraq chế tạo 2 khẩu siêu đại bác có tầm bắn xa trên 500km có ký hiệu PC-1 và PC-2  (có thể bắn xa đến 700km). Trong khi việc chế tạo và lắp rắp siêu đại bác PC-1 được gấp rút hoàn thành.

Sau khi xảy ra vụ giết hại Bull, Cảnh sát Bỉ tiến hành phong tỏa sân bay, bến tàu và kiểm tra gắt gao các đường biên từ Bỉ đến Pháp, Hà Lan và Đức để truy bắt sát thủ trước khi hắn kịp đào thoát ra nước ngoài. Hành động kịp thời này của Cảnh sát Bỉ đã mang lại kết quả.

Vào ngày 2/4/1990, 10 ngày sau khi xảy ra vụ giết hại Bull, cảnh sát bắt giữ được Joyce Hans Green, 31 tuổi, một người Hà Lan đang tìm cách vượt biên giới đến Đức. Khám xét tư trang và hành lý của Green, cảnh sát tìm thấy sợi dây chuyền vàng có nạm ngọc được Tổng thống Saddam Hussein tặng cho Bull.

Thế nhưng, chỉ 5 ngày sau khi bị bắt giữ, Green được phát hiện chết trong phòng giam tại nhà tù Cherridreux của thành phố Uccle, một đô thị vệ tinh của thủ đô Bruxelles. Ban đầu, cảnh sát xác định hắn ta đã tự tử bằng cách lấy một bao nylon chụp vào đầu rồi siết lại cho ngạt thở.

Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp của Bỉ lại cho rằng đây là một vụ án mạng. Để điều tra làm rõ cái chết bí ẩn của Green và Bull, Bộ Nội vụ, Viện Công tố và Tòa án thượng thẩm Bỉ quyết định thành lập một ủy ban điều tra do thẩm phán Estelle Arpigny phụ trách.

Đến năm 2003, tức 13 năm sau khi xảy ra vụ giết hại “vua” siêu đại bác Gerald Bull, thẩm phán Estelle Arpigny đã cho công bố kết quả điều tra trong đó xác định Green đã lấy sợi dây chuyền vàng của Bull, có thể để giao làm vật chứng cho tổ chức đã thuê mướn hắn ta giết hại Bull. Do lo ngại Green sẽ khai báo với cảnh sát nên tổ chức thuê Green đã tìm cách trừ khử Green ngay tại nhà tù Cherridreux. Thẩm phán Arpigny đã đưa ra một số giả thuyết liên quan đến vụ sát hại Bull.

Đáng chú ý là 2 giả thuyết:

1 - Tình báo Iran đã thuê Green giết hại Bull vì các siêu đại bác mà Bull chế tạo có thể là hiểm họa một khi tranh chấp quân sự giữa IraqIran tiếp tục xảy ra.

2 - Có thể Bull là nạn nhân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) do Mỹ lo ngại việc sản xuất và cung ứng siêu đại bác của Bull cho nhiều quốc gia sẽ đe dọa đến tham vọng gây ảnh hưởng của Mỹ tại nhiều khu vực trên thế giới

Hoàng Phú (theo L'Express)
.
.