Vì sao Roberto Calvi – Ông trùm ngân hàng Italia bị sát hại?

Thứ Bảy, 14/10/2006, 11:00
Sau khi đã lần ra đấu vết của Calvi, Di Carlo đã giết hại ông ta rồi đợi thủy triều lên đưa xác đến treo dưới gầm cầu Blackfrians sau khi không quên cho đá vào áo khoác và quần của Calvi để ngụy tạo thành một vụ tự tử.

19h30’ ngày thứ Sáu, 18/6/1982, người đưa thư phát hiện thi thể một người đàn ông treo cổ dưới gầm cầu Blackfrians của thủ đô London, Anh, liền báo tin cho cảnh sát. Sau gần 15 phút phối hợp với lực lượng cứu hỏa, cảnh sát mới đưa được xác nạn nhân lên bờ. Kiểm tra của cảnh sát sau đó cho biết nạn nhân là một người Italia mang giấy thông hành tên Gian Roberto Calvi. Cảnh sát nhận định nạn nhân đã treo cổ tự tử do tìm thấy trong túi áo khoác và túi quần chứa đầy đá.

Chỉ đến hôm sau, khi báo chí đưa tin và hình ảnh về vụ treo cổ tự tử của một người Italia dưới gầm cầu Blackfrians, thì giới tài chính - ngân hàng London không khỏi giật mình vì đó không ai khác hơn là Roberto Calvi, Chủ tịch Ngân hàng Ambrosiano của Italia, người được giới tài chính - ngân hàng châu Âu đặt cho biệt danh “Ông trùm ngân hàng Italia”, bị quy tội đã gây ra vụ sụp đổ của Ngân hàng Ambrosiano vào tháng 6/1982. Trong khi Cảnh sát Italia đang tiến hành điều tra về vụ sụp đổ của Ngân hàng Ambrosiano, thì vào ngày 10/6/1982, Roberto Calvi bỗng biến mất khỏi căn hộ của mình ở thủ đô Roma và đến chiều tối ngày 18/6/1982, người ta phát hiện Calvi tự tử dưới gầm cầu Blackfrians của thủ đô London.

Là một người xông xáo, kinh doanh giỏi và am hiểu tình hình kinh tế, năm 1971, Calvi được bổ nhiệm vào chức vụ tổng giám đốc và đến năm 1975 được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Ambrosiano sau khi đưa ngân hàng này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính gây sụp đổ nhiều ngân hàng ở Italia vào năm 1974.

Chỉ từ năm 1975 đến năm 1981, dưới sự điều hành của Calvi, Ambrosiano trở thành một ngân hàng tư nhân lớn nhất Italia với doanh số giao dịch hàng năm lên đến hàng chục ngàn tỉ lia. Với sức mạnh tài chính của mình, Ambrosiano đã “nuốt chửng” nhiều ngân hàng tư nhân khác như Ngân hàng FNB của nhà tài phiệt Michele Sindona (vụ sáp nhập bắt buộc này đã khiến Sindona phải tự tử sau đó bằng thuốc độc), liên doanh với Ngân hàng Vatican. Ambrosiano còn mở nhiều công ty tài chính ở Nam Mỹ, mua cổ phần của nhật báo Corriere della Sera. Tại châu Âu, trong thời gian này, giới tài chính - ngân hàng gọi Roberto Calvi là ông trùm của ngành ngân hàng Italia. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, tai họa đổ ập xuống khi Ngân hàng Ambrosiano tuyên bố phá sản vào tháng 6/1982 sau đó là cái chết bí ẩn của Roberto Calvi.

Vào năm 1979, trong một cuộc kiểm tra định kỳ, Ngân hàng Trung ương Italia (BCI) đã phát hiện có hiện tượng chuyển tiền bất hợp pháp với số lượng lớn ra nước ngoài, giống như kiểu tẩy tiền bẩn, tại Ngân hàng Ambrosiano. Truy tìm nguồn gốc số tiền này, các chuyên viên thanh tra của BCI phát hiện đó là số tiền bẩn mà "bố già" mafia Giuseppe Calo móc nối với Ngân hàng Ambrosiano chuyển ra nước ngoài với mục đích tẩy rửa. Điều tra của cảnh sát sau đó cho biết Roberto Clavi đã trực tiếp ký các lệnh chuyển tiền này. Vì vụ việc này, Calvi bị đình chỉ chức vụ để điều tra nhưng không hiểu vì sao lại được “trắng án” và được khôi phục lại chức vụ. Chính vì việc không xử lý dứt khoát hành vi phạm tội của Calvi đã khiến ông ta mạnh tay hơn trong việc lũng đoạn Ngân hàng Ambrosiano và khiến ngân hàng này phải tuyên bố phá sản vào tháng 6/1982 với số nợ mất khả năng thanh toán lên đến 1,5 tỉ USD.

Cái chết của Roberto Calvi là mục tiêu của hai cuộc điều tra tại Anh. Trong cuộc điều tra đầu tiên, Cảnh sát Anh đưa ra kết luận là Calvi đã chết do tự tử bằng cách tự treo cổ dưới gầm cầu Blackfrians. Đến tháng 2/1999, từ khiếu kiện của những người thân của Calvi (không tin Calvi tự tử), Cảnh sát Anh và Cảnh sát Italia lại tái điều tra, tiến hành khai quật mộ để giám định pháp y nhằm xác định nguyên nhân cái chết của Calvi.

Một báo cáo pháp y được công bố vào tháng 7/2001 kết luận Calvi không tự tử mà đã bị giết chết rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử. Từ kết luận giám định pháp y này, Cảnh sát Anh và Cảnh sát Italia đã triển khai một cuộc điều tra quốc tế để truy tìm thủ phạm. Đến tháng 11/2003, Cảnh sát Italia tiến hành bắt giữ "bố già" mafia Giuseppe Calo, Flavio Carboni, một doanh nhân có quan hệ làm ăn với mafia trên đảo Sardaigne, Ernesto Diotallevi, cầm đầu băng nhóm mafia Banda della Magliana ở thủ đô Roma và Francesco di Carlo, một sát thủ chuyên nghiệp về tội tổ chức giết hại Roberto Calvi.

Theo đó, từ khi tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Ambrosiano, Roberto Calvi đã bắt tay "bố già" Giuseppe Calo để tẩy tiền bẩn. Thông qua môi giới của Calo, tiền bẩn thu được từ buôn lậu thuốc lá của doanh nhân Flavio Carboni, tiền bẩn thu được từ kinh doanh tội ác của "bố già" Ernesto Diotavelli cũng được tẩy bẩn bằng cách được Ngân hàng Ambrosiano chuyển vào nhiều tài khoản ở nước ngoài. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Ngân hàng Ambrosiano vào tháng 6/1982 không những khiến cho việc tẩy tiền bẩn phải kết thúc mà còn khiến hàng tỉ lia của Calo, Carboni và Diotavelli chuẩn bị được chuyển ra nước ngoài bị mất trắng.

Cho rằng Calvi đã chiếm đoạt số tiền bẩn lớn trên bằng cách gây ra vụ phá sản của Ngân hàng Ambrosiano rồi trốn ra nước ngoài nên Calo, Carboni và Diotavelli quyết định thuê mướn tên sát thủ Francesco di Carlo truy tìm cho bằng được Calvi để trừ khử ông ta - một kiểu hành xử theo đúng cung cách của mafia. Sau khi đã lần ra đấu vết của Calvi, Di Carlo đã giết hại ông ta rồi đợi thủy triều lên đưa xác đến treo dưới gầm cầu Blackfrians sau khi không quên cho đá vào áo khoác và quần của Calvi để ngụy tạo thành một vụ tự tử.

Vào ngày 5/3/2005, tại phiên tòa đặc biệt mở ra tại thủ đô Roma, Giuseppe Calo, Flavio Carboni và Ernesto Diotavelli ngoài việc bị buộc tội âm mưu giết hại Roberto Calvi còn bị buộc thêm tội tẩy tiền bẩn. Riêng tên sát thủ Francesco di Carlo sau khi thi hành án phạt 12 năm tù tại Italia về tội trực tiếp giết hại Calvi sẽ được di lý sang Anh để được xét xử về tội giết người trên lãnh thổ Anh

Văn Hoà (Theo Crimes Magazine)
.
.