Vì sao nguyên Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu bị khởi tố?

Thứ Năm, 07/07/2016, 09:00
Ngày 3-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nơi làm việc, nhà ở đối với các ông: Phan Hòa Bình (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu), Trương Văn Trí (sinh năm 1964, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu), Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1964, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu).


Cả ba bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Vũng Tàu được quy định tại điều 165 Bộ Luật Hình sự. Vậy nguyên do từ đâu, những sai phạm nào, hậu quả nghiêm trọng đến đâu đã khiến những cán bộ cao cấp của TP Vũng Tàu phải dính vào vòng lao lý?

Sai phạm của nguyên Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu bị phát giác từ khi nào?

Theo quyết định khởi tố bị can và khám xét khẩn cấp nơi ở được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn ngày 30-6-2016, các ông Phan Hòa Bình, Trương Văn Trí và Nguyễn Thanh Sơn trong quá trình giữ chức vụ, thi hành quyền được giao đã có nhiều sai phạm, giải quyết công việc không đúng quy trình, dẫn đến việc nhiều người dân tại TP Vũng Tàu bị các đối tượng trong Công ty Cổ phần địa ốc An Khang (Công ty An Khang) lừa đảo chiếm đoạt 410 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận.

Ông Phan Hòa Bình (trái) và ông Trương Văn Trí (phải) khi còn đương nhiệm.

Hành vi sai phạm của ông Phan Hòa Bình, Trương Văn Trí bị phát giác vào khoảng đầu năm 2014, khi nhiều người dân đã tham gia góp vốn vào Dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, TP Vũng Tàu (gọi là Dự án Metropolitan) nhưng không được phía Công ty An Khang giải quyết những thắc mắc, đồng thời không nhận được đất nền theo hợp đồng cam kết từ phía Công ty An Khang. Bắt nguồn từ việc này, nhiều người dân đã trình báo, tố giác hành vi lừa đảo của các đối tượng trong Công ty An Khang, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc điều tra làm rõ.

Điều tra về vụ án lừa đảo chiếm đoạt 410 tỷ đồng của người dân xảy ra tại TP Vũng Tàu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can gồm: Ngô Thị Minh Phượng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty An Khang; Trần Quý Dương, nguyên thành viên HĐQT Công ty An Khang; Đỗ Thuỳ Linh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty An Khang (con gái Phượng); Vương Quốc Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty An Khang; Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Vũng Tàu và Nguyễn Trung Quốc, nguyên cán bộ Phòng TNMT TP Vũng Tàu. Các đối tượng bị truy tố về các tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu rõ, năm 2008, Đỗ Thùy Linh, khi đó là Tổng Giám đốc Công ty An Khang đã lập Dự án Metropolitan, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 430.000m², tổng vốn đầu tư gần 9.800 tỉ đồng. 

Năm 2010, trong khi chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp tại khu vực dự án, chưa có đủ vốn theo quy định, chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng, chưa được phép huy động vốn bán nền theo Luật Kinh doanh bất động sản nhưng khi được UBND TP Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Metropolitan (ngày 14-1-2011) thì ngày 15-1-2011 Công ty An Khang ra Nghị quyết chủ trương huy động vốn của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn, thực chất là hợp đồng bán nền.

Từ ngày 23-12-2010 đến 30-6-2013, Công ty An Khang đã ký huy động góp vốn (thực chất là bán nền) với 296 người, tương ứng 333 hợp đồng, thu về hơn 410 tỷ đồng. Trong số những đất nền đã bán có 36 nền đất chồng lấn đất công Nhà nước đang quản lý và 10 nền đất chồng lấn lên đất các hộ dân đang sử dụng hợp pháp.

Cơ quan điều tra đã lấy lời khai 285 người, tương ứng 324 hợp đồng. Kết quả xác minh thấy số tiền 410 tỷ đồng đã thu của khách hàng được những đối tượng trong Công ty An Khang sử dụng như sau: Phượng, Dương đã sử dụng 24,3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng dự án và hoạt động thường xuyên của Công ty An Khang. Dương được chia hơn 116 tỷ đồng và đã sử dụng mục đích cá nhân, còn Ngô Thị Minh Phượng chiếm hưởng hơn 269 tỷ đồng sử dụng cho cá nhân. 

Thời điểm này, quỹ của Công ty An Khang không còn tiền mặt, trên sổ sách kế toán tồn quỹ hơn 44 tỷ đồng. Tính tới thời điểm khởi tố vụ án, Công ty An Khang chưa có đất nền để bàn giao cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng góp vốn.

Như vậy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng trong Công ty An Khang đã rõ và đến ngày 18-5-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết thúc điều tra bổ sung lần II vụ án này. Nhưng vụ án nêu trên lại dính líu đến một lãnh đạo của TP Vũng Tàu và câu hỏi đặt ra là Dự án Metropolitan có liên quan gì đến số cán bộ lãnh đạo này?

Các đối tượng như Ngô Thị Minh Phượng, Trần Quý Dương "móc nối" với số lãnh đạo của TP Vũng Tàu bằng cách nào? Trong quá trình điều tra vụ án nêu trên, do thời gian điều tra vụ án theo quy định của pháp luật, đồng thời xét thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên ngày 18-5-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định tách sự việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến vụ án nêu trên, đối với ông Phan Hòa Bình, ông Trương Văn Trí và ông Nguyễn Thanh Sơn, để điều tra giai đoạn II theo luật định.

Doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện Dự án nhưng vẫn được phê duyệt

Theo kết quả điều tra tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Vũng Tàu, Dự án Metropolitan do Công ty An Khang là chủ đầu tư là loại dự án sản xuất kinh doanh, do đó, Công ty An Khang phải thực hiện việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong Dự án Metropolitan và phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng đất thuộc UBND TP Vũng Tàu.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Công ty An Khang đã nhận chuyển nhượng và đăng ký QSDĐ tại Văn phòng đăng ký QSDĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 16.132m² đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm) của một số hộ dân nằm trong khu vực Dự án Metropolitan, nhưng chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cho mảnh đất nêu trên.

Để thực hiện được Dự án Metropolitan, ngày 22-5-2008, Công ty An Khang đã làm hồ sơ thủ tục gửi đến các sở, ban, ngành TP Vũng Tàu xin chấp thuận chủ trương đầu tư và địa điểm đầu tư Dự án Metropolitan.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến ngày 24-10-2013, Công ty An Khang vẫn chưa bổ sung được những điểm thiếu sót trong hồ sơ Dự án theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và đầu tư TP Vũng Tàu, như: Công ty An Khang chưa chứng minh được phần vốn của mình theo quy định không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của Dự án (tương đương 1.954 tỷ đồng); báo cáo tài chính của Công ty An Khang chưa có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định; Công ty chưa xây dựng phương án huy động vốn để đảm bảo việc huy động vốn của khách hàng đúng theo quy định của pháp luật; các số liệu về tổng mức đầu tư Dự án của Công ty An Khang chưa có sự thống nhất trong hồ sơ Dự án...

Do đó, Công ty An Khang vẫn chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký đầu tư để thực hiện Dự án Metropolitan.

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị) khi tiếp nhận hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Metropolitan đã không căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/2000 khu dân cư Bắc sân bay và quy hoạch chi tiết 1/500 trục đường 51B - 51C (được phê duyệt trước đó) mà chỉ căn cứ vào quy hoạch 1/500 do Công ty An Khang cung cấp, để đề xuất, trình ông Phan Hòa Bình (Chủ tịch UBND TP) ký phê duyệt. 

Do đó, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Metropolitan do Công ty An Khang cung cấp đã bao trùm lên cả phần đất công của Nhà nước và đất ở ổn định của các hộ dân. Mặc dù có sai phạm nghiêm trọng trong hồ sơ Dự án, nhưng ngày 14-1-2011, ông Phan Hòa Bình vẫn ký phê duyệt.

Đến ngày 15-1-2011, Công ty An Khang đã dùng hồ sơ quy hoạch này để khởi công, động thổ, lừa đảo khách hàng, thu về hơn 410 tỷ đồng, gây hậu quả nghiêm trọng. Trách nhiệm về sai phạm này thuộc về hai ông Nguyễn Thanh Sơn và Phan Hòa Bình.

Sai phạm trong việc ký các quyết định có lợi cho Công ty An Khang?

Trong tổng diện tích 16.132m² đất của Dự án Metropolitan, có 13.390m² nằm trong Dự án. Đất do 10 hộ dân xin chuyển mục đích sử dụng đất để góp vốn vào Dự án gồm 63 thửa, tương đương hơn 195 nghìn m². Đất do các hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng gồm 194 hộ (236 thửa), có tổng diện tích đất thực tế là hơn 244 nghìn m².

Dự án Metropolitan được các đối tượng dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Cuối năm 2010, Công ty An Khang mới nhận chuyển nhượng hợp pháp 13.390 m2 đất của các hộ dân. Ngoài ra, trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2010, Ngô Thị Minh Phượng (Chủ tịch HĐQT Công ty An Khang) và Trần Quý Dương (nguyên thành viên HĐQT Công ty An Khang) đã tự thỏa thuận mua được 201 nghìn m² đất nông nghiệp nằm trong Dự án và làm thủ tục cho 10 cá nhân là người nhà, người quen đứng tên trong Giấy chứng nhận QSDĐ. 

Để thực hiện được Dự án Metropolitan, 10 cá nhân này phải chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở và góp vốn vào Công ty An Khang, đồng thời phải nộp tiền sử dụng đất.

Khi biết được biểu giá thuế chuyển mục đích quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở theo quy định mới năm 2011 cao hơn nhiều năm 2010, Ngô Thị Minh Phượng đã gặp Vũ Quốc Tuấn (Trưởng phòng TNMT) nhờ giúp làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 10 hộ cá nhân, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty An Khang.

Ngày 8-12-2010, ông Trương Văn Trí (Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) đã chỉ đạo Phòng TNMT TP Vũng Tàu làm tham mưu, đề xuất, có báo cáo đề nghị UBND TP ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho phép các hộ gia đình có hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Dự án Metropolitan được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sau đó, Nguyễn Quốc Tuấn đã trình xin chữ ký phê duyệt của ông Phan Hòa Bình (Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) về vấn đề này, và ông Bình đã ký. Cùng thời gian đó, Ngô Thị Minh Phượng đã chỉ đạo nhân viên lập 40 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các hộ cá nhân góp vốn vào Công ty An Khang.

Từ ngày 17-12-2010 đến ngày 31-12-2010, mặc dù, tất cả các bộ hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất này đều không được công chứng, người nộp không phải là chủ sử dụng đất, không được ủy quyền, đơn xin chuyển mục đích không được chính quyền địa phương xác nhận, nhưng ông Bình vẫn ký quyết định phê duyệt 23 bộ hồ sơ và ông Trí ký quyết định phê duyệt 17 bộ hồ sơ.

Ngoài dự án Metropolitan, ông Bình và ông Trí còn ký quyết định phê duyệt cho 31 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất với nhiều sai phạm tương tự (trong đó ông Bình ký 2 bộ hồ sơ, ông Trí ký 29 bộ hồ sơ) tại Dự án khu nhà ở cao cấp Khang Gia Hân (phường 11, TP Vũng Tàu) và Dự án khu nhà ở Vườn Xuân (phường 12, TP Vũng Tàu), với tổng diện tích chuyển đổi là gần 44 nghìn m².

Tại cơ quan điều tra, ông Phan Hòa Bình và ông Trương Văn Trí khai nhận việc ký 71 quyết định phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nhiều cá nhân khi hồ sơ không hợp lệ. Thời gian ký chuyển mục đích sử dụng đất năm 2010 trong khi quy hoạch chi tiết được ký ngày 14-1-2011, dẫn đến việc Chi cục thuế TP Vũng Tàu căn cứ biểu giá đất năm 2010, áp thuế sử dụng đất gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, ông Bình đã ký phê duyệt tổng cộng 25 quyết định, làm thất thoát của Nhà nước hơn 5 tỷ đồng; còn ông Trí đã ký 46 quyết định, gây thiệt hại hơn 28,6 tỷ đồng. Ông Phan Hòa Bình và ông Trương Văn Trí đã thừa nhận và xin chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình.

Xuân Khoa
.
.