Vì sao vụ án Dũng “kiều” phải điều tra bổ xung nhiều lần?

Thứ Hai, 08/10/2007, 15:10
Sự kiện Dũng "kiều", một trùm giang hồ gốc Việt mang quốc tịch Canada, bị C14 Bộ Công an tóm cổ tại Việt Nam hồi đầu năm ngoái từng gây xôn xao dư luận. Sau khi Dũng "kiều" bị bắt, nhiều bí ẩn xung quanh hành tung của ông trùm này đã được làm sáng tỏ.

Nhưng dường như vụ án vẫn còn chưa khép lại ngay cả khi Cơ quan điều tra đã kết thúc việc điều tra bằng Bản kết luận điều tra dày mấy chục trang giấy. Tính đến nay, đã có ít nhất 2 lần hồ sơ vụ án được trả về để điều tra bổ sung. Một lần vào tháng 7/2007 do yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Một lần vào hôm 2/10 vừa qua, tại phiên tòa sơ thẩm, sau một ngày thẩm vấn, Tòa án phải dừng phiên tòa để trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao phải điều tra bổ sung nhiều lần đến như vậy đối với vụ án này? Vì tính chất phức tạp của vụ án hay có quá nhiều bí ẩn đằng sau đó?

Dũng “kiều” tên thật là Ngô Tiến Dũng, SN 1961 tại Thái Nguyên nhưng đăng ký nhân khẩu thường trú tại khối 7, thị trấn Gia Lâm, TP Hà Nội. Cái biệt hiệu Dũng “kiều” chỉ mới có từ sau khi Ngô Tiến Dũng từ Canada trở về sinh sống tại Việt Nam, “kiều” ở đây hàm ý là “Việt kiều”.

Từng đã có thời gian theo học Đại học Sư phạm với giấc mộng làm thầy nhưng quãng đời lương thiện của Ngô Tiến Dũng khá ngắn ngủi. Tháng 10/1979, khi còn đang đi học, Dũng đã bị Công an tỉnh Bắc Thái (cũ) bắt về tội trộm cắp tài sản XHCN.

Dũng "Kiều"

Kể từ bấy trở đi, Ngô Tiến Dũng liên tục phạm tội. Tại phiên tòa sơ thẩm hôm 2/10 vừa qua, trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa: "Bị cáo có tiền án tiền sự chưa?”, Dũng bình thản đáp: "Thưa quý tòa, nhiều lắm, tôi không nhớ hết”.

Chính vì vậy, thẩm phán Nguyễn Đình Phúc, chủ tọa phiên tòa đã phải công bố bản trích lục tiền án tiền sự của Ngô Tiến Dũng và phải mất gần trọn một buổi sáng, thẩm phán Nguyễn Đình Phúc mới thẩm vấn xong phần căn cước, lý lịch  của Dũng “kiều”. Hiếm có phiên tòa nào mà phần thủ tục ban đầu lại kéo dài đến thế.

Theo trích lục tiền án, tiền sự do thẩm phán Nguyễn Đình Phúc công bố tại Tòa thì Ngô Tiến Dũng (tức Dũng “kiều”) có tổng cộng 8 tiền án tiền sự: Từ năm 1979 đến năm 1982, 3 lần bị Công an tỉnh Bắc Thái (cũ) bắt về các tội trộm cắp tài sản XHCN và giả mạo giấy tờ; từ năm 1984 đến năm 1987, 4 lần bị Công an các tỉnh Nghĩa Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Thái bắt về các tội trộm cắp.

Dũng “kiều” bình thản đứng nghe những tội lỗi trong quá khứ. Sau nhiều tháng tạm giam, Dũng vẫn giữ được phong độ: không sút cân nhiều, nói năng rành mạch, đầu tóc gọn gàng, diện áo sơmi trắng toát. Tịnh không có vẻ gì lo lắng, sợ hãi trên gương mặt cũng như trong giọng nói của y.

Nhưng trong số các tiền án, tiền sự được công bố ấy, có hai bản án Dũng “kiều” nhất định không chịu nhận(!) dù trong trích lục tiền án tiền sự có ghi rành rành. Cả hai bản án này đều do Tòa án Đà Nẵng tuyên.

Một vào tháng 6/1985, bị tuyên phạt 36 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản riêng công dân; một vào tháng 2/1986 tuyên 4 năm tù về tội trộm cắp tài sản riêng công dân. Tổng hợp hình phạt cho hai bản án là 7 năm tù giam.

Lý do mà Dũng “kiều” đưa ra để nhằm chối bỏ hai tiền án này là: "Tôi không biết bị xử tù từ lúc nào vì tôi không phải ra trước vành móng ngựa như hôm nay”(!). Tòa hỏi: "Hồi đó bị cáo có bị tạm giam không?”. Dũng “kiều” trả lời: "Có, nhưng sau đó được tha”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã mất rất nhiều thời gian để thẩm vấn Dũng xung quanh 2 tiền án này nhưng kết quả cuối cùng vẫn là Dũng không biết mình đã từng bị tuyên án và kể từ bấy đến nay, đã 22 năm trôi qua, Dũng chưa một lần bị bắt trả nợ 2 bản án với 7 năm tù giam này.Đây là một điều bí ẩn khó hiểu và chính là một trong những lý do khiến HĐXX phải tạm dừng phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ.

Trở lại với con đường phạm tội của Dũng “kiều”. Trong lần bị bắt cuối cùng trước khi rời khỏi Việt Nam để sau này trở về được đeo thêm cái mác Việt kiều là tháng 12/1987. Lần ấy, Dũng bị Công an Bắc Thái bắt về tội trộm cắp và bị giam giữ tại Trại giam Công an tỉnh. Dũng bị giam cùng với 12 can phạm khác trong một buồng giam.

Rạng sáng ngày 20/2/1988, can phạm Mạc Văn Trọng, người nằm chung buồng giam với Dũng đã lén lấy trộm một hộp thịt của Dũng để ăn và bị Dũng phát hiện. Với bản chất côn đồ, Dũng cùng một số đồng phạm khác trong buồng giam đã đánh đập Mạc Văn Trọng rất dã man. 4h sáng ngày 20/2, cán bộ trại vào kiểm tra buồng giam phát hiện sự việc đã đưa Trọng đi cấp cứu nhưng toàn bị đánh vào chỗ hiểm, vết thương quá nặng nên Mạc Văn Trọng đã chết tại Bệnh viện A tỉnh Bắc Thái.--PageBreak--

Là đồng phạm trong một vụ án nghiêm trọng như vậy, nhân thân lại có nhiều tiền án tiền sự như vậy nhưng chưa đầy 1 tháng sau đó, ngày 16-3-1988, Ngô Tiến Dũng lại được Viện KSND TP Thái Nguyên tạm tha(!). Quả là một sự ưu ái khó hiểu!

Thế là nhân cơ hội ngàn vàng này, ngay cuối năm đó, Dũng đã cùng mẹ đẻ, em gái, vợ và con trai vượt biên theo đường bộ trốn khỏi Việt Nam sang Trung Quốc rồi tiếp tục sang Hồng Công để tị nạn.

Ba năm sau, năm 1991, Dũng cùng gia đình tiếp tục sang Philippines tị nạn tại Trại Batonan. Đến giữa năm 1992, Ngô Tiến Dũng cùng vợ và con trai được Chính phủ anada chấp thuận cho cư trú tại Canada theo diện nhân đạo.

Cũng từ đây, khi mang quốc tịch Canada Dũng thay đổi hoàn toàn lý lịch. Dũng đổi tên thành Lai Thành Hữu, SN 1970 (chứ không phải SN 1961) và nơi sinh là Sài Gòn (chứ không phải Thái Nguyên).

Tòa hỏi: "Vì sao lại lấy tên là Lai Thành Hữu, SN 1970 tại Sài Gòn?”. Dũng trả lời: "Vì luật pháp Canada cho phép không phải mang tên cũ nếu không thích”. Tòa lại hỏi: "Nhưng sao lại là Lai Thành Hữu mà không phải là tên nào khác?”.

Dũng nói: "Vì đó là tên một người bạn cùng vượt biên với tôi nhưng anh ta đã chết”. “Vậy nên anh đội lốt anh ta để che giấu quá trình phạm tội ở Việt Nam phải không?” – Tòa truy tiếp. Dũng cúi đầu, tỏ ra hơi lúng túng nhưng rồi lại lấy được vẻ bình thản khá nhanh: "Vâng, đúng thế!”.

Định cư ở Canada một thời gian, Dũng ly dị với người vợ đầu và kết hôn với người vợ thứ hai là một phụ nữ Hồng Công mang quốc tịch Canada tên là Caman Lee. Trả lời trước Tòa, Dũng thừa nhận chỉ kết hôn hợp pháp với 2 người vợ nhưng thực ra Dũng có tới 3 vợ và 5 đứa con, còn bạn gái thì rất nhiều.

Ngay tại phiên tòa, ngồi ở hàng ghế đầu tiên, chỉ cách chỗ bị cáo đứng có vài bước chân là cô bạn gái xinh đẹp của Ngô Tiến Dũng. Cô  này chân dài, da ngăm đen nhưng mọi đường nét trên gương mặt đều sắc sảo và quyến rũ.

Đến tòa với chiếc áo đỏ rực rỡ bó sát người, cô ta thu hút được sự chú ý của nhiều người bởi sự rực rỡ của nhan sắc. Và còn đáng chú ý hơn khi người ta biết cô gái này kém Ngô Tiến Dũng tới 16 tuổi, kết thân với Ngô Tiến Dũng từ cuối năm 2004 khi Dũng đã đeo cái mác Việt kiều từ Canada về sinh sống tại Hà Nội.

Dũng không chỉ đưa cô ta đi chơi khắp các nước Hồng Công, Singapore, Campuchia nhiều lần mà còn đưa cả mẹ cô ta sang Singapore để... khám bệnh. Trong những lần đi chơi, Dũng khai và cô ta cũng thừa nhận, Dũng đã tặng cô ta quần áo, nữ trang trị giá khoảng hơn 300 triệu đồng.

Sau một thời gian định cư tại Canada, cuối năm 2004, Ngô Tiến Dũng cùng người vợ ba cũng là một Việt kiều Canada người gốc Hải Phòng trở về Việt Nam dưới cái tên Lai Thành Hữu. Trở về từ nước ngoài, Dũng mang mác Việt kiều và cái biệt danh Dũng “kiều” bắt đầu có từ đây.

Mọi tội lỗi trong quá khứ được giấu nhẹm và quên lãng. Cho dù, 4 năm sau khi Dũng bỏ trốn khỏi Việt Nam, từ năm 1992, Cục Cảnh sát Hình sự đã ra lệnh truy nã toàn quốc số 326 đối với y. Thế mà, chỉ đơn giản bằng việc thay tên, Dũng nhập cảnh về Việt Nam trót lọt, không bị cơ quan nào phát hiện.

Về Việt Nam, dưới cái mác Việt kiều, Dũng cũng bỏ một ít tiền để đầu tư nhà hàng khách sạn, đại lý bán hàng thủy sản nhưng tất cả chỉ là vỏ bọc cho một ông trùm cờ bạc. Dũng đã đứng ra tổ chức một đường dây cờ bạc xuyên quốc gia, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet với các công ty cá cược ở nước ngoài.

Từ tháng 3/2004, Dũng "kiều" đã cá độ bóng đá với một công ty cá cược của Hồng Công có tên là “Singgebet 3”, sau đó lại cá độ với một công ty do một người Trung Quốc quốc tịch Singapore ở Campuchia tên là A Tắc quản lý. Dũng đã lấy 3 mạng cá độ bóng đá có ký hiệu “789”, “818”, “1888” rồi tổ chức cho đồng bọn ở các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM cá độ bóng đá qua mạng với các đối tượng ở nước ngoài.

Theo bảng kê mà Cơ quan điều tra đã thu được khi tiến hành khám xét chỗ ở của các bị can thì Dũng “kiều” và đồng bọn đã cá độ bóng đá số tiền 10.326.856 USD tương đương 163.732.301.880 đồng VN.

Trở về Việt Nam sau một thời gian, Dũng “kiều” bỏ ra 37 tỉ đồng để mua đất, xây nhà tại số 141 phố Bà Triệu Hà Nội. Trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở, Viện KSND tối cao đã từng yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ vấn đề này nhưng qua xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an thì ngôi nhà nói trên là do chị Ngô Thị Thanh Hương (cháu ruột Ngô Tiến Dũng) đứng tên mua và ký hợp đồng xây dựng.

UBND phường Lê Đại Hành xác nhận hiện nay chị Ngô Thị Thanh Hương là người đang có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại số 141 Bà Triệu, đến nay chị Hương chưa làm thủ tục sang tên chuyển nhượng cho ai. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có giấy triệu tập yêu cầu chị Hương đến làm việc nhưng chị Hương không đến.

Công an thị trấn Cầu Diễn, nơi chị Hương đăng ký nhân khẩu thường trú xác nhận chị Hương đã đi du học tại Hà Lan từ tháng 3/2005. Vì vậy, Cơ quan điều tra kết luận tại Bản kết luận điều tra bổ sung ngày 23/7/2007 rằng không có căn cứ xác định số tài sản này liên quan trực tiếp đến vụ án và việc đánh bạc của Ngô Tiến Dũng.

Nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi liệu có sự liên quan gì giữa số tiền thu lợi bất chính do cá cược bóng đá với các khoản tiền và tài sản nêu trên? Cũng như vì sao hai bản án 7 năm tù giam của Dũng do Tòa án nhân dân Đà Nẵng tuyên lại bị lãng quên tới 22 năm?

Vì sao Dũng lại được tại ngoại sau khi gây án nghiêm trọng tại Trại giam Công an Thái Nguyên hồi năm 1988? Vì sao chỉ cần đổi tên thay họ là Dũng có thể trót lọt trở về Việt Nam trong khi ai cũng biết để nhận dạng một con người, không chỉ có tên họ mà còn dấu vân tay?

Dường như có quá nhiều bí ẩn xung quanh vụ án này mà hy vọng lần điều tra bổ sung thứ hai sẽ làm sáng tỏ...

Nhóm PV
.
.