Vụ án Phạm Công Danh: Sẽ triệu tập hàng loạt đại gia

Thứ Năm, 12/07/2018, 13:47
Dự kiến, từ 24-7 đến 15-8-2018, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và các đồng phạm sẽ bị đưa ra xét xử giai đoạn 2. Vụ án có đến 46 bị can, trong số đó 2 bị can “cộm cán” là ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) và Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank).

Sẽ triệu tập đến tòa 200 người, trong đó có nhiều đại gia

Có đại diện 7 ngân hàng, hàng chục công ty và gần 200 người được tòa triệu tập với vai trò là người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Phiên tòa có 64 luật sư đăng ký bào chữa cho 46 bị cáo cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tới vụ án.

Trước đó, đầu năm 2018, khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1, HĐXX cũng đã triệu tập các ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang. Tuy nhiên, ông Hà xin vắng mặt vì đã nhập viện điều trị bệnh tại Singapore và được HĐXX chấp nhận.

Cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cả 3 đã có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng.

Phạm Công Danh và các đồng phạm tại phiên xét xử vào tháng 1-2018.

Cú bắt tay “định mệnh” của ông Trầm Bê

Ông Phạm Công  Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại 3 ngân hàng. Sau đó, Phạm Công Danh dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ thay, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỷ đồng.

Liên đới chịu trách nhiệm, cáo trạng xác định 2 cựu lãnh đạo Sacombank đã trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng. Ông Trầm Bê, Phạm Công Danh, Phan Huy Khang đã thống nhất Sacombank sẽ cho Phạm Công Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Ông Trầm Bê ký duyệt 2 tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Nhất Nhất Vinh 250 tỷ đồng, Công ty Quốc Thắng 350 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, hợp thức hóa bằng 2 tờ trình ngày 24-4-2013 để đối phó với cơ quan chức năng.

Sau khi VNCB chuyển số tiền trên để giải ngân cho 6 công ty, trong ngày 24-4-2016, toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank đã được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại ACB chi nhánh Phú Thọ. Toàn bộ số tiền này, ông Danh sử dụng trả nợ cho các khoản vay tại BIDV hơn 1.633 tỷ đồng, còn lại hơn 166 tỷ đồng Danh sử dụng cùng các khoản tiền khác.

Đến ngày 26-4-2014, do hết hạn hợp đồng tín dụng, Sacombank đã tự động thu 1.835,8 tỷ đồng (cả gốc và lãi) từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ, đồng thời gửi thông báo cho VNCB và 6 công ty trên được biết. Do 6 công ty không có tài sản đảm bảo nên VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho các công ty, gây thiệt hại.

Theo VKSND Tối cao, ông Phạm Công Danh có hành vi dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay tiền từ 3 ngân hàng trên. Toàn bộ số tiền này Danh sử dụng. Sau đó, các công ty này không hoạt động như phương án kinh doanh theo hợp đồng tín dụng nên 3 ngân hàng đã thu nợ bằng tiền của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB. Hành vi làm trái của ông Phạm Công Danh và các đồng phạm chỉ hoàn thành khi bị 3 ngân hàng thu nợ, siết nợ bằng tiền VNCB gửi tại 3 ngân hàng.

Các kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng (cho rằng nếu chấp nhận thu hồi số tiền 6.126 tỷ đồng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính - PV), VKS đề nghị HĐXX cân nhắc.

Số tiền 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ có nguồn gốc từ khoản vay BIDV và TPBank, kết quả điều tra cho thấy chưa được hạch toán theo quy định để tăng vốn cho VNCB, không xác định rõ số tiền này được sử dụng vào mục đích gì. Tính đến ngày khởi tố vụ án (26-7-2014), số tiền trên không còn và đến nay xác định số tiền này không còn trên tài khoản của VNCB cũng như CB.

Ông Phạm Công Trung (em ông Phạm Công Danh, nguyên Phó TGĐ VNCB, Giám đốc Công ty Việt Trung), kết quả điều tra bổ sung có căn cứ xác định ông Trung đã giao hồ sơ pháp nhân Công ty Việt Trung cho Mai Hữu Khương lập hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng.

Ông Trung đã chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cháu Trung, phó giám đốc công ty) ký hợp đồng mua bán khống vật liệu xây dựng với Công ty Nhất Nhất Vinh 24 tỷ đồng. Sau đó, ông Danh đã chỉ đạo cho các đồng phạm đưa hợp đồng mua bán này cùng với các hợp đồng mua bán khác vay BIDV 350 tỷ đồng, dẫn đến VNCB thiệt hại 215 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trung còn thừa nhận đưa một số người đi làm thủ tục thành lập công ty và lấy thông tin các dự án theo yêu cầu của Phạm Công Danh. Tuy nhiên, CQĐT áp dụng quy định theo hướng có lợi cho nghi can, đảm bảo tính nhân đạo nên không xem xét xử lý hình sự.

A.Huy
.
.