Vụ án VN Pharma: Gian xuất xứ, giả nhãn thuốc, giá trên trời...

Thứ Ba, 01/10/2019, 14:25
Có tới gần 200 người, một con số kỷ lục, được triệu tập tới phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử vụ án VN Pharma với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

Trong số này có cả ông Trương Quốc Cường (thời điểm xảy ra vụ án, ông Cường là Cục trưởng Cục quản lý Dược; hiện ông đang là Thứ trưởng Bộ Y tế). Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma - Công ty VN Pharma) và 11 đồng phạm phải ra tòa về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Khi chủ mưu quanh  co chối trách nhiệm

Là Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc VN Pharma, kẻ chủ mưu, nhưng thỉnh thoảng gặp những câu hỏi hóc búa của HĐXX, Nguyễn Minh Hùng vẫn dùng chiến thuật ba không: không nhớ, không biết, không rõ… Hùng cho biết, tất cả từ giới thiệu thuốc, người đại diện đến hồ sơ về nhà cung cấp cũng như chất lượng của thuốc đều là Võ Mạnh Cường. 

Hùng và Võ Mạnh Cường có quan hệ từ trước. Cường biết VN Pharma là công ty kinh doanh dược phẩm nên đến chào hàng, giới thiệu có lô thuốc H-capita… Cường giới thiệu mình là đại diện của Helix Canada bằng hình ảnh Cường chụp ảnh tại nhà máy của Helix.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo Hùng, thủ tục xin giấy phép nhập khẩu đòi hỏi phải có: Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (FSC); Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, hàng mẫu... Tất cả các giấy tờ này phải do nhà sản xuất cung cấp. Tuy nhiên, Cường nói không thể cung cấp những thứ này được vì "là thông tin bảo mật"!

Hùng khai, do lâu quá không thấy Cường cung cấp giấy tờ về tiêu chuẩn phương pháp kiểm nghiệm thuốc, Hùng quyết định thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt, đồng thời làm giả tài liệu, hợp đồng, con dấu... đề nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu thuốc. Sau khi thủ tục hoàn tất, VN Pharma nhập 9.300 hộp H- Capita. Lúc thuê dược sĩ Thông thì bị cáo không biết việc làm của mình là sai trái, tới phiên tòa phúc thẩm lần trước thì mới nhận thấy những sai phạm của mình.

Hùng cho rằng vì thiếu hiểu biết về luật dược nên đã để xảy ra sơ sót trong quá trình làm hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu thuốc: "Bị cáo Cường cung cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita 500mg Caplet và giấy chứng nhận sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho công ty Helix Pharmaceuticals Inc là bản chính và được hợp thức hóa lãnh sự Việt Nam tại Canada. Đồng thời, bị cáo Cường cũng cung cấp thuốc mẫu, hình ảnh nhà máy tại Canada nên bị cáo hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, bị cáo không có căn cứ đối chiếu, kiểm định lại".

Hùng cũng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên nâng khống giá thuốc từ 27 USD lên 75 USD mỗi hộp trên hợp đồng khống ký với Công ty Austin Hong Kong. Tổng số tiền thu được từ khoản này là 321.000 USD (khoảng 6,8 tỉ đồng) được để ngoài sổ sách để chi cho hoạt động của công ty. "Có nhiều khoản không có giấy tờ như chi cho trình dược viên, tổ chức hội thảo...", Hùng nói.

Về việc bán lô thuốc, Hùng cho biết, khoảng tháng 4-2014, VN Pharma có kết quả trúng thầu vào Bệnh viện Trưng Vương với giá 31.000 đồng một viên. "Thuốc H-capita là thuốc bắt buộc bán theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để có thể chuyển thuốc này vào các cơ sở y tế thì phải qua đấu thầu".

Cựu chủ tịch VN Pharma còn cho biết, khi thị trường có thông tin sản phẩm này không đạt chất lượng thì Hùng đã yêu cầu dừng cung cấp sản phẩm ra thị thường, đồng thời gửi mẫu qua Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thuốc. Tuy nhiên, Viện Kiểm nghiệm trả lời do lô thuốc chưa có "chất chuẩn" nên không có căn cứ để kiểm nghiệm. Sau đó, Hùng chỉ đạo nhân viên mua "chất chuẩn" nhưng việc mua được "chất chuẩn" hay không thì Hùng… không rõ. "Tiếp đó, bị cáo chỉ đạo Nguyễn Trí Nhật lập hồ sơ gửi một đơn vị chức năng của Bộ Công an để hỗ trợ làm rõ thông tin về lô thuốc. Đồng thời, bị cáo chuẩn bị thủ tục đi Canada để xác minh nhà máy của Công ty Helix Canada nhưng chưa kịp xuất cảnh thì bị cáo bị công an bắt tạm giam..." - Nguyễn Minh Hùng khai.

Đồng chủ mưu trong vụ án này, Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) thì quanh co và kêu oan. Việc làm đại diện ủy quyền cho Helix Canada, thù lao được bao nhiêu, Cường không trả lời con số mà... giải thích việc phát triển thị trường…

Trên thực tế công ty Helix Canada, theo kết luận điều tra là không có thật, tính pháp lý của giấy ủy quyền do đó là không có giá trị. Thực tế Raymundo bán với giá 0,6 USD/viên nhưng Cường chào bán cho VN Pharma là 0,9 USD/viên x 30 viên/ hộp x 9.300 hộp. Hưởng lợi bao nhiêu, Cường vẫn không trả lời ngay và lại giải thích… lòng vòng. Con dấu của bị cáo và của VN Pharma sử dụng, Cường thừa nhận là dấu giả.

Trong quá trình viết hồ sơ dược sĩ Phạm Văn Thông phát hiện FSC không phù hợp với Dược điển Mỹ, ghi sai thành phần tá dược, nên bảo Hùng trao đổi với công ty sản xuất. Sau khi được cung cấp FSC mới, ông Thông đã sửa lại tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm, hướng dẫn sử dụng tiếng Việt thuốc H-Capita sau đó gửi cho phía VN Pharma. Bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) đã thừa nhận hành vi viết tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc H-Capita cho Hùng với tiền công là 2.000 USD.

Trong khi trả lời thẩm vấn, ông Thông bị mệt và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 115. Ngoài 60 tuổi, từng là bộ đội đặc công, từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Khi con trai ông còn ẵm ngửa, ông đã phải một mình "gà trống nuôi con" đến tận bây giờ. Ông học ngành dược và tự học tiếng Anh, từng viết nhiều hồ sơ cho nhiều loại thuốc. Tại phiên tòa trước ông bị tuyên 2 năm tù (cho hưởng án treo). Trước tòa, ông tỏ ra rất ân hận.

Thuốc Canada sản xuất tại Ấn Độ!

Bất ngờ lớn tại phiên xử là sự có mặt của ông Ngô Nhật Phương, chồng của ca sĩ Trang Nhung với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ông Phương làm nghề kinh doanh dược. Năm 2017, khi vụ án VN Pharma đưa ra xét xử lần đầu, ông Phương đang kinh doanh dược tại Campuchia. Khi đó ông được người của Hiệp hội dược Ấn Độ tìm, nhờ đưa cho cơ quan tố tụng Việt Nam các tài liệu thể hiện lô thuốc H-Capita do nhà sản xuất Ấn Độ sản xuất.

Ông Ngô Nhật Phương, người có lời khai tạo bước ngoặt về xuất xứ thuốc tại tòa.

Chiều 26-9, ông Ngô Nhật Phương hai lần được luật sư của Võ Mạnh Cường mời thẩm vấn. Ông Phương cho biết các tài liệu ông cung cấp cho tòa trước đó thể hiện thuốc H-Capita Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) nhập về là thuốc thật, sản xuất tại Ấn Độ đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Những tài liệu này đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo ông Phương, H-Capita là thuốc thật thể hiện ở nhà máy, GMP (thực hành tốt sản xuất), quy trình sản xuất, tài liệu của các cơ quan chức năng Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam. Hồ sơ chất lượng của lô hàng này, theo quy định của WHO, phải ghi rõ được kiểm nghiệm ngay sau khi xuất xưởng. Hồ sơ sản xuất lô hàng bao gồm: hoạt chất sản xuất, tá dược, mẫu mã bao bì, đặc tính, dược tính...

Khi chuyển về Việt Nam, Viện kiểm nghiệm kết luận đạt tiêu chuẩn. Sau 13 tháng, khi vụ án bị khởi tố thuốc mới trưng cầu giám định của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Do đó, ông Phương cho rằng điều này không khách quan bởi theo dược điển thì hoạt chất có thể giảm dần theo thời gian, tạp chất nó thể tăng lên trong phạm vi giới hạn do điều kiện bảo quản.

Ông Phương khẳng định, lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về "thật về chất lượng, giả về xuất xứ". Các bị cáo đã biến hàng Ấn Độ thành Canada để kiếm lợi từ bảo hiểm vì hàng Canada thuộc nhóm 1 (trong đấu thầu) giá cao hơn gấp 5 lần của Ấn Độ. "Trong quá trình điều tra các bị cáo khai không thành khẩn, dẫn đến cơ quan điều tra mất nhiều công sức, dư luận hiểu lầm dẫn đến hoang mang dư luận", ông Phương nói.

Tháng 10-2017, Bộ Y tế nhận được thông tin lô thuốc VN Pharma nhập về là do nhà máy ở Ấn Độ sản xuất. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đoàn công tác đến bang Himachal làm việc trực tiếp với nhà máy sản xuất thuốc H-Capita và cơ quan quản lý dược bang này để xác minh.

Các tài liệu cho thấy thuốc H-Capita 500mg do VN Pharma nhập khẩu vào Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO. Nhưng khi kiểm tra tại Hội đồng Giám định ngày 17-12-2014 lại không đạt tiêu chuẩn. "Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì có thể trong quá trình vận chuyển từ Ấn Độ đến Singapore về Việt Nam và quá trình niêm phong cho đến khi cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra lại đã kéo dài 13 tháng, không tuân thủ đúng điều kiện bảo quản của nhà sản xuất".

Kết luận của Hội đồng giám định Bộ Y tế về lô thuốc H-Capita nêu trên là thuốc kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Để duyệt giấy phép nhập khẩu, tổ thẩm định căn cứ vào Thông tư của Bộ Y tế, quyết định của Thủ tướng, quy chế hoạt động của chuyên gia... Hồ sơ cấp phép nhập khẩu phải gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (FSC); Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, hàng mẫu. Đồng thời, buộc phải có giấy  phép hoạt động của công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, HĐXX cũng đã hỏi ông Phan Công Chiến (Cục Quản lý Dược) có phát hiện những tài liệu VN Pharma cung cấp không có giấy phép của Công ty Helix Canada? Ông Chiến thừa nhận, tài liệu này không có trong hồ sơ.

 Ông Dương Công Minh (đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo yêu cầu của Thanh tra Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc lấy mẫu thuốc H-Capita để kiểm định. Kết quả cho thấy thuốc đạt 5/6 chỉ tiêu và kết luận thuốc này đạt chất lượng.

"Kết quả này không mâu thuẫn với kết quả giám định của Hội đồng giám định, Bộ Y tế năm 2015, vì thời điểm lấy mẫu của Viện Kiểm nghiệm và Hội đồng giám định cách nhau 6 tháng. Các tạp chất không định danh có thể phát sinh trong quá trình bảo quản thuốc", ông Minh khẳng định.

Sau 3 ngày xét hỏi, chiều 26-9, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) lô thuốc H-Capita được xác định không phải của Công ty Helix Canada như hồ sơ nhập khẩu, không rõ nguồn gốc xuất xứ công ty sản xuất thuốc. Công ty Helix Canada theo xác minh của cơ quan điều tra là không có thật. Tên thuốc do các bị cáo đặt lại. 

Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm do các bị cáo của VN Pharma thuê người viết. Không xác định được tiêu chuẩn, hàm lượng đăng ký của nhà sản xuất, vì vậy thuốc này là giả. Cáo trạng truy tố các bị cáo là phù hợp, hành vi "kiếm tiền trên sức khỏe của người khác" của các bị cáo trong vụ án VN Pharma cần xử lý nghiêm minh.

Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng 18-19 năm tù; Võ Mạnh Cường 20 năm tù; 10 bị cáo khác 3-13 năm tù về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Đức Hà
.
.