Vụ án Wallace và kẻ ám sát kỳ lạ

Thứ Ba, 31/10/2006, 08:00

Một thanh niên có học thức nhưng luôn bị bạn bè trêu chọc vì cái đầu hói. Để "trả thù đời" và muốn khẳng định mình, hắn đã chọn con đường ám sát tổng thống Mỹ. Khi kế hoạch ám sát Tổng thống Nixon thất bại, hắn đã chọn Wallace, Thống đốc bang Alabama, làm mục tiêu. Mỗi  đường đi nước bước để thực hiện hành động ám sát đều được hắn ghi lại trong cuốn nhật ký...

Wallace chỉ là mục tiêu thứ 2

Vào chiều ngày 15/5/1971, Thống đốc Wallace có một buổi diễn thuyết ngoài trời tại trung tâm mua bán ở Laurel, bang Maryland, với sự có mặt của hơn 1.000 người. Wallace vốn nổi tiếng là người có tài hùng biện nhưng một số người tiến bộ thì coi ông là kẻ to mồm khoác lác. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Wallace đã đi diễn thuyết tại rất nhiều bang trên nước Mỹ, nhằm mục đích truyền bá tư tưởng phân biệt chủng tộc của mình. Wallace ra sức phê phán chính quyền hiện tại là đã đánh đồng những người Mỹ da trắng với những công dân da đen hạng hai. Vì thế Wallace được coi là thủ lĩnh của phe phân biệt chủng tộc trong đảng Dân chủ cũng như những người có tư tưởng phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ. Đây là lần thứ 2 Wallace ra tranh cử tổng thống, lần trước thì dưới danh nghĩa ứng cử viên của đảng Người Mỹ độc lập.

Tại các buổi diễn thuyết, Wallace thường mặc áo giáp chống đạn bên trong áo sơmi. Nhưng lần này, một phần vì thời tiết tháng 5 rất nóng nực, một phần vì chủ quan nên ông không mang áo giáp.

Lúc đó, một thanh niên trẻ da trắng, tóc vàng, vẻ mặt tươi cười, mặc áo thun 3 màu có in hình Wallace rất nổi bật, bên ngoài khoác thêm chiếc áo jacket đang ra sức chen đám đông, bước lên phía trước. Khi đến gần bục diễn thuyết, anh ta rút trong túi áo ra một khẩu súng ngắn ổ quay 38 Caliber, bắn liên tiếp 5 phát về phía Wallace. Wallace đổ gục xuống sàn gỗ: 2 nhân viên bảo vệ và 1 nữ thính giả bị thương nặng. Hai người đứng xem diễn thuyết gần đó là Clyde Marryman và Ross Spiegel vung chân đá văng khẩu súng khỏi tay người thanh niên và đè hắn xuống đất.

Wallace được đưa vào Bệnh viện Holy Cross trong tình trạng hết sức nguy kịch. Những viên đạn đã trúng cả tay, chân và phần bụng của Wallace. Các bác sĩ phải mất 5 giờ phẫu thuật mới giữ được sinh mạng cho ông ta. Tuy may mắn sống sót nhưng Wallace không thể tự đi lại được mà phải ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại.

Sau vụ bị chết hụt, cuộc đời Wallace trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1979, khi phát biểu trước đám đông sinh viên tại Trường đại học Alabama, lần đầu tiên Wallace đã công khai xin lỗi toàn thể nước Mỹ, nhất là những người da đen. Ông ta chết năm 1998 vì bệnh tim.

Kẻ ám sát là ai?

Theo báo cáo chính thức của Ủy ban điều tra, kẻ ám sát Wallace là Arthur Bremer, 21 tuổi. Điều đó khiến dư luận nước Mỹ rất quan tâm bởi theo lối suy nghĩ thông thường thì kẻ sát nhân phải là người da đen. Ai cũng biết, vào thời điểm đó Wallace là kẻ thù chung của tầng lớp công dân da đen bởi tư tưởng cực đoan và nhiều hoạt động do ông ta tiến hành, làm thổi bùng lên nạn phân biệt chủng tộc trong lòng nước Mỹ. Và những người thiệt thòi nhất không ai khác là những người da đen.

Arthur Bremer sinh ngày 21/8/1951 trong một gia đình có 5 anh em, bố làm nghề lái xe tải đường dài. Mẹ Arthur rất quan tâm đến con cái nhưng càng lớn, hắn càng muốn chứng tỏ mình. Năm 21 tuổi, Arthur dọn ra ở riêng. Hồi còn học trung học, Arthur hẹn hò với một vài cô gái nhưng đều chia tay sau ít lâu, bởi họ không ưa gì cái đầu hói của hắn.

Tháng 1/1972, ở trường học có tổ chức một buổi dạ tiệc và hắn lại bị châm biếm chỉ vì cái đầu hói của mình. Bị bẽ mặt và muốn chứng tỏ mình, hắn quyết định tìm mua 2 khẩu súng: 1 khẩu 38 Caliber ổ quay, 1 khẩu 9 ly hiệu Browning về tập bắn. Khi cảnh sát phát hiện ra hắn ngủ quên trong xe với 2 khẩu súng, họ đã khám nhà và phát hiện các vết thủng trên trần. Tuy vậy, hắn chỉ bị phạt nhẹ và được trả lại cả 2 khẩu súng.

Sau đó, hắn bắt đầu đọc các sách viết về những vụ ám sát tổng thống Mỹ trong lịch sử. Càng đọc, hắn càng muốn mình trở thành một John Wilkes Booth - kẻ ám sát Lincoln hay Lee Harvey Oswald - kẻ ám sát Kennedy. Ý nghĩ này luôn nung nấu trong đầu đã thôi thúc hắn viết cuốn nhật ký ám sát tổng thống.

Tháng 3/1972, trong trang đầu cuốn nhật ký, hắn viết: “Bây giờ tôi bắt đầu cuốn nhật ký bằng kế hoạch ám sát Richard Nixon hoặc George Wallace”. Hắn cũng giải thích nguyên nhân của việc này: “Phải làm một việc gì đó mạnh mẽ, dũng cảm để thế giới biết đến tôi”. Hắn quyết định sẽ ám sát Nixon vì theo hắn là sẽ gây tiếng vang hơn. Nixon sẽ có chuyến thăm Ottawa, Canada, vì vậy, hắn chọn địa điểm ra tay tại đây. Hắn đến New York tìm cách tới Ottawa. Tại đây, khẩu Browning tự nhiên bị hỏng,  hắn chỉ còn lại một khẩu 38 Caliber. Tuy vậy, do Nixon được bảo vệ cẩn mật khiến hắn không tài nào tiếp cận được và kế hoạch bị đổ vỡ. Thế là hắn chọn Wallace làm mục tiêu tiếp theo.

Sáng ngày 15/5, khi Wallace diễn thuyết tại khu Wheaton, Bremer đã tìm cách tiếp cận nhưng bị bảo vệ ngăn lại. Buổi chiều, hắn đã thành công tại khu Laurel, Maryland và chỉ có sự may mắn mới cứu được mạng sống cho hắn.

Phiên tòa xét xử Bremer diễn ra sau đó 3 tháng cũng kết thúc chóng vánh sau 5 ngày làm việc. Bremer bị kết án 63 năm tù giam, thụ án tại nhà tù liên bang tại Maryland. Còn cuốn nhật ký của Bremer được xuất bản năm 1973 mang nhan đề  "An Assassin's Diary", khá ăn khách lúc bấy giờ. Vụ ám sát hụt Wallace và cuộc đời của Bremer được tác giả Paul Scharader viết thành kịch bản phim “Taxi Driver”

Mạnh Hùng (theo Famous Assassin)
.
.