Vụ án chuỗi kim cương huyền thoại của Marie Antoinette

Chủ Nhật, 27/02/2005, 07:41

Rất nhiều người trong chúng ta đều từng đọc câu chuyện về chuỗi hạt kim cương của một vị hoàng hậu nước Pháp trong bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Alexandre Dumas. Nhưng ít ai biết rằng bộ tiểu thuyết này được xây dựng dựa theo câu chuyện có thật, một vụ án cung đình trước cách mạng Pháp.

Hồ sơ có thật về một vụ án này đã được nhà sử học Pháp - chuyên về Chế độ cũ (Ancien Régime) - phục hồi gần như nguyên vẹn qua truyện dài hình sự đăng báo nhiều kỳ. Nó chính là nguyên mẫu cho tiểu thuyết trứ danh của Alexandre Dumas. Nữ tác giả tên là Evelyne Lever, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), tác giả của nhiều cuốn tiểu sử của vua chúa cùng những nhân vật tiếng tăm của Chế độ cũ, chỉ tổ chức nước Pháp từ lúc chế độ phong kiến tiêu vong (thế kỷ XV đến cách mạng 1789).

Xã hội Chế độ cũ được chia ra làm ba đẳng cấp bằng nhau về mặt pháp lý (tăng lữ - tức Giáo hội - quý tộc và Đệ tam cấp). Hai gương mặt được nói đến nhiều là Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette. “Vụ án chuỗi hạt” là một sự cố lớn đối với triều đình lúc đó, với tình tiết phức tạp. Nhưng đó cũng chỉ là một vụ lừa đảo mà người bị lừa - và cũng là đầu tiên, sinh chuyện - là một giáo chủ, và kéo theo cả một vị hoàng hậu thích ăn chơi hoang phí.

Vụ việc xảy ra như sau: Hồng y giáo chủ Rohan là một chức sắc tử tế trong cung lúc bấy giờ. Ông ta trước đây rất hận Marie Antoinette, nhưng sau lại muốn được bà ta ân sủng. Biết rõ ông ta không mấy mộ đạo mà lại cả tin, một cô gái giang hồ Pháp tên là Jeanne de La Motte giả vào vai một nữ bá tước (theo từ điển Petit Larousse Illustrée, có ghi là “nữ bá tước”), cùng chồng cũng là kẻ lừa đảo và tên người hầu quỷ quyệt đã tổ chức một vụ làm ăn bịp bợm, đánh lừa rất “siêu”.

Jeanne tự xưng là người tâm phúc của Hoàng hậu Marie Antoinette và đứng ra thu xếp để vị giáo chủ nhẹ dạ kia được gặp hoàng hậu trong một lùm cây có tên Vénus ở công viên Versailles (thực ra, đây không phải là hoàng hậu mà là một gái điếm đóng vai). Cô ta - tên là Nicole Leguay - có vẻ ngoài rất giống với hoàng hậu nên đã lừa được vị tu hành phóng đãng trên. Jeanne, lấy cớ là chỗ thân tình với hoàng hậu, ký thác với ông ta một ý muốn của hoàng hậu thích có được chuỗi hạt kim cương (gồm vô số viên kim cương nhỏ được gắn kín đáo trong những khung). Chuỗi hạt này đến 2.800 carats, do hai thợ kim hoàn Paris chế tác, nhưng được dặn là đừng để nhà vua biết.

Vị giáo chủ đã mua chịu trang sức quý hiếm kia và trao cho bà bá tước giả. Jeanne đưa ngay cho tên đồng bọn tháo lấy các viên kim cương rồi bán chúng sang Anh, thuê chế tác một chuỗi kim cương giả y hệt thay vào, nhưng vụ việc vỡ lở.

Theo Eveline, sai lầm của Vua Louis XVI là, để xử lý vụ việc, ông ta đã đưa nó ra trước Quốc hội. Ông ta làm toáng lên trước Quốc hội, lệnh bắt ngay vị giáo chủ nọ. Nữ tác giả đã ghi lại trong cuốn truyện của mình lời lẽ của nhà vua lúc đó: “Hãy cho bắt ngay ông Hồng y giáo chủ”. Và lời phát biểu của một vị quan cố vấn trong cung: “Một vụ to lớn và tốt đẹp làm sao! Một vị giáo chủ lường gạt, một hoàng hậu dính dáng đến chuyện đồ giả. Thực bao bùn nhơ trên pháp trượng (của giáo chủ-LKTH) và vương trượng. Thực quả là một thắng lợi cho các ý tưởng tự do. Chuyện quan trọng làm sao đối với Quốc hội!”.

“Vụ án chuỗi hạt” - như nó vẫn được gọi tên sau này, cả trong thư tịch (từ điển Petit Larousse ở phần tra cứu lịch sử và địa danh, có hẳn một đề mục dành để nói về vụ xìcăngđan này - xảy ra chỉ 3, 4 năm trước Cách mạng (1785-1786). Vụ này đã làm cho uy tín của triều đình vốn rất thấp nay càng bị ảnh hưởng xấu. Vua Louis XVI “bị mọi người nhất trí phê phán”, còn Hoàng hậu Marie Antoinette tuy vô tội trong vụ việc, nhưng do đã không còn được người dân Pháp yêu mến như lúc đầu nay vì chuyện này lại càng bị ghét.

Cũng may, do cách xử sự không mấy thích hợp của nhà vua như đã nói trên mà dư luận đã đổi chiều, nhất là khi Cagliostro, bị buộc tội ăn cắp rồi được trắng án. Những người thuộc phái tự do coi đấy như là biểu hiện của sự độc đoán của hoàng gia. Mariabeau (người được bầu làm đại diện cho Đệ tam cấp lúc bấy giờ, mặc dầu xuất thân từ quý tộc) đã nhìn thấy trong câu chuyện bí ẩn, mờ ám này “khúc dạo đầu của cuộc cách mạng”. Công luận quay ra biện hộ cho những kẻ bị cáo buộc. Nhiều nhà văn - trong số đó có Goethe và Alexandre Dumas - đã khai thác vụ việc, lấy chất liệu và đưa nó vào sáng tác văn học.

Khi viết lại vụ án lịch sử đen tối này, Evelyne Lever đã cho ta thấy triều đình nước Pháp trước cách mạng, các nhân vật của nó, những chuyện thâm cung bí sử đầy mưu mô, quỷ kế trong chốn cung đình, những sự thù hận, ghen tuông, những hành vi hèn hạ, những âm mưu lớn nhỏ, cái cung cách gây chuyện ồn ào, thị phi về mọi con người để lừa dối sự đơn điệu “trong sinh hoạt chốn triều đình”.

Theo như lời tác giả Laurent Lemire của tờ Le Nouve Observateur, chính Dumas là một trong số các nhà văn Pháp đã khai thác hồ sơ “vụ án chuỗi hạt” có thật này để sáng tác ra các tác phẩm văn học. Ông cũng nhắc đến một nhận xét và câu nói trứ danh mà hẳn chúng ta đều biết: Có người trách cứ Dumas “cưỡng hiếp” lịch sử, và ông đã trả lời: “Có thể, nhưng tôi đã sinh ra những đứa con đẹp đẽ”

Lê Khắc Thanh Huyền (Theo Le Nouvel Observateur)
.
.