Vụ án giết người và thân phận phụ nữ Thổ tại Đức

Thứ Năm, 18/05/2006, 08:00

Surucu Ayan, mới tròn 19 tuổi, khuôn mặt vô cảm đứng trước vành móng ngựa. Một năm trước đây hắn đã chĩa súng thẳng vào đầu người chị ruột mà bóp cò. Dư luận lên án hành động máu lạnh này, nhưng với Ayan Surucu, đó là hình phạt thích đáng cho người chị bị lối sống phương Tây cám dỗ...

Ngày 7/2/2005, Hatin   Surucu, một phụ nữ 23 tuổi gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn chết gần một bến xe buýt vắng người tại Berlin. Khám nghiệm tử thi cho thấy, Hatin Surucu bị chết do một viên đạn duy nhất xuyên từ sau gáy ra trước trán. Điều này chứng tỏ hung thủ đã chuẩn bị khá kỹ càng và khi hành động có thể đã đứng rất gần sau lưng Hatin.

Đi sâu vào vụ việc cảnh sát Berlin phát hiện ra một chi tiết khá hữu ích. Chỉ nửa tiếng trước khi bị bắn chết, Hatin có nhận được một cú điện thoại của một người lạ mặt, có vẻ là của một người quen như theo lời của mẹ cô kể lại. Cô vội vã ra khỏi nhà, trước khi đi chỉ kịp với tay lấy chiếc áo jacket màu sáng và dặn mẹ là bà Hatun Surucu trông chừng đứa con trai mới 5 tuổi đang ngủ. Như vậy rất có thể hung thủ là kẻ đã gọi điện cho Hatin, hẹn cô ra bến xe buýt, trực sẵn tại đó và ra tay.

Khả năng giết người cướp của bị loại bỏ, bởi đồ trang sức lẫn túi xách vẫn còn nguyên vẹn trên người Hatin khi cảnh sát đến. Khả năng Hatin bị thanh toán cũng không được tính đến, bởi cô không dính líu đến bất kỳ một tổ chức xã hội đen nào.

Tìm hiểu đời tư của Hatin Surucu trước khi cô bị bắn chết, cảnh sát lờ mờ nhận ra một manh mối. Hatin sinh ra trong một gia đình gốc Thổ, cả gia đình cô đều theo đạo Hồi. Cô sống cùng cha mẹ và 3 người anh em trai tại khu định cư của người Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin. Vấn đề là ở chỗ tuy theo đạo Hồi nhưng Hatin có lối sống khá cởi mở, và nếu thoạt nhìn vào cách ăn mặc, mọi người không thể hình dung được Hatin sống trong một gia đình mà các quy tắc Hồi giáo luôn được tôn thờ. Mẹ cô bà Hatun Surucu, giống như hầu hết những phụ nữ Thổ khác trên nước Đức, sống thầm lặng, cam chịu và bí ẩn...

Hatin thì hoàn toàn trái ngược, cô sống sôi nổi, hoạt bát, hòa nhập hoàn toàn với lối sống phương Tây. Hatin kiên quyết ly dị với người chú họ mà cô bị ép phải kết hôn năm 16 tuổi, một điều cấm kị trong xã hội Hồi giáo. Hatin trông rất thoải mái trong các bộ đầm phương Tây và đã từ lâu cô không còn dùng khăn trùm đầu. Cô cũng đang theo học một trường kỹ thuật và dự định thành một kỹ sư điện sau này. Hatin đang yêu và sắp kết hôn với một người Đức chính hiệu. Chính vì lối sống Tây hóa này mà Hatin bị gia đình khinh miệt. Họ coi đó là điều sỉ nhục, nhất là với 3 người anh em của cô. Thậm chí trong đám tang của Hatin không có bóng một người bà con nào.

Trên cơ sở phân tích này cảnh sát cho mời từng thành viên trong gia đình Hatin đến thẩm vấn. Rất nhiều khuất tất trong lời khai của người em út Ayan Surucu, lúc đó mới 18 tuổi, làm cảnh sát nghi ngờ. Ayan Surucu không đưa ra được bằng chứng ngoại phạm trong quãng thời gian chị hắn bị giết. Ngày hôm sau, bạn gái hắn đến đồn cảnh sát và khai rằng Ayan đã thú nhận với cô về việc hắn ra tay sát hại chị ruột mình. Đến lúc này, Ayan mới thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Chính hắn là người đã gọi điện cho chị gái và siết cò súng từ cự ly 3 mét. Thậm chí hắn còn tỏ ra hãnh diện vì hành động của mình, bởi từ nay gia đình hắn không còn chịu nỗi sỉ nhục nữa.

Phiên tòa xét xử 3 anh em Surucu kết thúc vào ngày 13/3/2006 trong sự phẫn nộ của những người có mặt. Ayan bị tuyên 9 năm 3 tháng tù giam, còn 2 người anh hắn được tha bổng. Theo lời thẩm phán Michael Degreif, tòa không đủ bằng chứng kết tội 2 người anh trai, ngay cả Ayan cũng khai nhận hắn làm việc này một mình.

Tuy vậy, những lời giải thích của thẩm phán Michael Degreif không thể làm hài lòng những người có mặt trong phiên tòa hôm đó. Bản án dành cho Ayan Surucu là quá nhẹ, nó không có tác dụng răn đe khi mà những tội ác tương tự đang ngày càng phổ biến. Chỉ mới 4 tháng trước, tổng cộng đã có 5 phụ nữ gốc Thổ bị giết bởi chồng hoặc những người trong gia đình họ chỉ vì theo những người này họ đã sỉ nhục danh dự gia đình. 2 trong số họ bị đâm trước mặt con nhỏ, 1 bị bắn vào đầu, 1 bị siết cổ, người còn lại bị dìm đến chết ngạt.

Theo Tổ chức của những phụ nữ Thổ tại Đức, Papatya chỉ tính riêng từ năm 1996 cho đến nay trên lãnh thổ nước Đức, đã xảy ra 40 vụ giết người tương tự. Một câu hỏi được đặt ra cho các nhà chức trách Đức là liệu họ sẽ giải quyết vấn đề này ra sao khi mà trong xã hội của những người Thổ định cư tại Đức, những kẻ sát nhân như vậy lại được coi là những anh hùng -những người ra tay để bảo vệ sự tôn nghiêm của Hồi giáo!  Và liệu những đứa trẻ được sinh ra sau này tại khu vực người Thổ định cư có chịu hòa nhập với lối sống của dân địa phương hay không?

Nguyễn Mạnh Hùng (theo Spiegel)
.
.