Vụ án kỷ lục trong lịch sử tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 23/10/2012, 10:40

Sau quá trình xét xử kéo dài 21 tháng, cuối cùng Tòa án thành phố Istanbul vừa ra phán quyết đối với hàng trăm sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ đã phục viên hay đang tại ngũ về tội danh âm mưu lật đổ chính quyền. Kết thúc vụ án "Chiếc búa" (dựa theo mật danh của kế hoạch đảo chính quy mô chống lại Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan), được giới bình luận quốc tế am hiểu đánh giá là vụ án kỷ lục trong nền tư pháp hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỷ lục trước tiên thuộc về số bị cáo đông đảo liên can, lên tới 365 quân nhân thuộc đủ mọi binh chủng trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Đứng đầu trong số này là 3 sĩ quan cao cấp nổi tiếng từng giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, bao gồm Trung tướng dự bị Cetin Dogan - Tư lệnh Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2003, Đô đốc hồi hưu Ozden Ornek - cựu Tư lệnh Hải quân và Thiếu tướng Halil Ibrahim Firtina - cựu Tư lệnh Không quân.

Tuy cáo trạng của Viện Công tố Istanbul đề nghị mức án chung thân "trọn đời sau song sắt" cho 3 viên tướng chủ mưu phản nghịch này, nhưng do cuộc đảo chính chưa diễn ra nên họ được tuyên giảm xuống mức 20 năm tù giam. Ngoài 34 quân nhân được xử trắng án do thiếu bằng chứng thuyết phục, 328 sĩ quan còn lại lĩnh các bản án  từ 15 đến 20 năm tù.

"Chiếc búa" là kế hoạch mang tính chiến lược đồ sộ nhằm cản trở công việc của chính thể đương quyền, tiến tới lật đổ bằng đảo chính quân sự khi điều kiện đã chín muồi. Một trong các đồng tác giả của kế hoạch "Chiếc búa" là Trung tướng Ismail Hakki Pekin, Cục trưởng Cục Quân báo trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, người đã bị tòa xử mức án 18 năm tù.

Xoay quanh phiên tòa kỷ lục tồn tại những ý khiến khen chê khác nhau. "Sự kiện này đánh dấu nền công lý nhà nước đã thoát khỏi vòng ảnh hưởng từ cánh quân nhân suốt mấy thập niên qua", cây bút bình luận lão luyện Mehmet Ali Birand của tờ Hurryiyet, nhật báo hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ phát hành tại Istanbul giải bày.

Còn Giáo sư Dani Rodrik thuộc Trường đại học Harvard danh tiếng ở Mỹ, đồng thời cũng là con rể của tướng C. Dogan cho rằng: "Thực chất vụ án chỉ là ngón đòn trả thù chính trị thuần túy, tạo thêm vây cánh hòng dọn đường cho đương kim Thủ tướng Erdogan lên làm Tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm 2014".

Sau vụ án này, uy tín của phe quân nhân bị tổn thất nặng nề như "lâm vào ngõ cụt", giới quan sát chính trị quốc tế am hiểu lên tiếng nhận định, bởi trong quá khứ quân đội luôn can thiệp hòng gây ảnh hưởng lên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau Thế chiến II cho đến nay.

Được biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ 2 về quân số sau Mỹ trong 28 nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vụ án "Chiếc búa" cũng là phiên tòa hi hữu trong lịch sử tư pháp hiện đại, vì lần đầu tiên đứng trước vành móng ngựa là những người từng chỉ huy 3 binh chủng chính yếu tạo nên sức mạnh quốc phòng của một quốc gia thành viên NATO

Thu Hường (tổng hợp)
.
.