Vụ án mạng làm dấy lên làn sóng tranh cãi về Luật Nhập cư liên bang Mỹ

Thứ Hai, 14/11/2011, 08:10

Một dân nhập cư tên là Martinelly Montano bị tuyên có tội tại Tòa án hạt Prince Wiliam vào ngày 31/10 vừa qua do say rượu khi lái xe dẫn đến tai nạn làm chết một nữ tu sĩ. Vụ trọng án đã gây phẫn nộ cho người dân hạt Prince William bang Virginia và bất ngờ làm bùng phát trở lại cuộc tranh cãi về Luật Nhập cư liên bang Mỹ.

Carlos A. Martinelly Montano, dân nhập cư 24 tuổi, phải đối mặt với 70 năm tù giam khi bị kết án vào ngày 3/2/2011 vì tội giết người cùng với một số tội danh khác. Án mạng xảy ra vào ngày 1/8/2010, khi Montano lái chiếc xe tải trong tình trạng say rượu tông chết sơ Denise Mosier, 66 tuổi, đang trên đường lái xe đến tu viện dòng Benedictine ở Bristow, bang Virginia. Trong thời gian trước đó, Martinelly Montano - người cùng với gia đình nhập cư trái phép từ Bolivia vào Mỹ năm 1996 - cũng từng bị kết án tù hai lần vì tội say rượu khi lái xe. Sau lần bị kết án trong năm 2008, Montano được thả ra nhưng phải chịu sự giám sát thường xuyên của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) và đang chờ lệnh trục xuất khỏi đất Mỹ của tòa án thì tai nạn làm chết nữ tu sĩ  Denise Mosier bất ngờ xảy ra.

Luật sư Paul B. Ebert hạt Prince William phát biểu rằng vụ án là một trường hợp điển hình đối với việc dân nhập cư bị kết án tù được chính quyền liên bang thả ra có điều kiện nhưng không bị trục xuất ngay lập tức khỏi đất Mỹ. Trước vụ án Montano, một dân nhập cư khác tên là Carlos Lagos Ramos cũng bị kết tội, vào ngày 19/4/2011, do lái xe không làm chủ tốc độ đã gây ra cái chết cho một người đàn ông 54 tuổi tên Paul J. Krause. Theo Cori Bassett, người phát ngôn của Cơ quan Phụ trách nhập cư và hải quan (ICE), Carlos Lagos Ramos mang quốc tịch Honduras nhập cư trái phép vào Mỹ tháng 9/2003, bị tòa án phát lệnh trục xuất vào tháng 11 cùng năm và đã quay về Honduras tháng 1-2004. Nhưng sau đó Ramos lại vượt biên vào Mỹ lần nữa.

Martinelly Montano tại toà án hạt Prince William ngày 31/10/2011.

Tháng 9/2010 (sau tai nạn do Montano gây ra), Thống đốc bang Virginia Bob McDonnell ra lệnh cho Cục Quản lý phương tiện giao thông có động cơ (DMV) của bang ngưng cấp EAD (loại giấy phép dành cho người nước ngoài làm việc tại Mỹ) hay gọi đơn giản là giấy phép hành nghề để chứng minh thân phận hợp pháp của người nhập cư. Theo các luật sư của Montano thì khi tông chết nữ tu sĩ, anh ta có giấy phép hành nghề còn giá trị sử dụng, cuộc điều tra vụ án Martinelly Montano của DHS dư luận thấy rằng, Bộ Tư pháp Mỹ đã vài lần trì hoãn mở phiên tòa phát lệnh trục xuất do ICE không nhận được báo cáo về việc người này từng vi phạm pháp luật vài lần trong hai năm 2009 và 2010. 

Ngày 31/10/2011, Tòa án hạt Prince William ở Manassas bang Virginia kết tội Martinelly Motano ngộ sát do lái xe khi say rượu, lái xe khi bằng lái đã bị thu hồi và lần thứ ba bị kết tội lái xe khi say rượu trong vòng 5 năm. Luật sư biện hộ và công tố viên đều cho biết, đây là lần đầu tiên vụ án lái xe khi say rượu gây chết người bị buộc tội theo luật hình sự của bang Virginia. Tại phiên tòa hôm 31-10 cũng có mặt hai nhân chứng đồng thời là nạn nhân Charlotte Lange và Connie Ruth Lupton, hai chị em cùng ngồi trong xe của nữ tu Mosier và hiện đã bình phục sau tai nạn.

Sau tai nạn ôtô chết người, hạt Prince William đã tiến hành hai vụ kiện chống lại chính quyền liên bang:  Một là, yêu cầu DHS đưa ra báo cáo chi tiết về những tình huống đằng sau vụ án Martinelly Montano. Hai là, biện pháp xử lý khoảng 4.000 dân nhập cư trái phép vào Mỹ đã chuyển giao cho ICE năm 2008. Giới quan chức hạt Prince William cũng từng kiện ICE trong năm 2008 vì cho rằng, cơ quan này đã che giấu thông tin về Martinelly Montano cũng như số người nhập cư trái phép khác. Theo luật của hạt Prince William, được ban hành sau vụ trấn áp thẳng tay những người nhập cư trái phép vào hạt trong năm 2007, cảnh sát bắt buộc phải kiểm tra tình trạng nhập cư của mỗi người bị bắt giữ.

Bước đầu chính quyền hạt Prince William kêu gọi chính quyền bang phải có biện pháp kiểm tra tình trạng nhập cư của bất cứ ai bị nghi ngờ là nhập cư trái phép vào hạt Prince William và buộc không cung cấp mọi dịch vụ cho những người không chứng minh được việc nhập cư của họ là hợp pháp.

Đề tài này đã từng gây chia rẽ ở Virginia cũng như tại nhiều địa phương khác trên khắp nước Mỹ. Như ở bang Alabama, trong tháng 9/2011, một thẩm phán liên bang đã tán thành  phần lớn những điều khoản luật nhập cư của bang được coi là cứng rắn nhất nước Mỹ, bao gồm việc cho phép cảnh sát kiểm tra tình trạng nhập cư của bất cứ ai bị nghi ngờ là nhập cư trái phép. Ngay ở bang Virginia cũng phát sinh bất đồng về việc có nên thực thi luật nhập cư liên bang hay không. Như là hạt Arlington, bang Viriginia đã rút khỏi chương trình mang tên: An ninh cộng đồng, mà người ta hy vọng sẽ được thi hành trên phạm vi toàn quốc vào năm 2013.

Theo chương trình, những người bị bắt giữ phải được scan dấu vân tay để chuyển đến cho FBI và ICE. Và bất cứ ai bị phát hiện là nhập cư trái phép sẽ được chuyển giao cho ICE để làm thủ tục trục xuất khỏi đất Mỹ. Theo tài liệu báo cáo, trong năm 2010, ICE đã cho trục xuất 393.000 người nhập cư trái phép vào Mỹ, khoảng một nửa trong số đó không phạm pháp hình sự. Riêng tại hạt Prince William, 13% vụ bắt giữ vì tội lái xe trong khi say rượu gây tai nạn liên quan đến dân nhập cư trái phép

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.