Vụ án mạng ở tháp cổ Bắc Kinh

Thứ Ba, 02/12/2008, 10:00
Những người quen biết Tang Yongming, 47 tuổi, đều nói họ không thể tưởng tượng nổi anh ta có thể trở thành kẻ giết người.

Trưa ngày 9/8, khoảng 12 giờ sau lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Tang đã đâm hai vợ chồng du khách người Mỹ trong một tháp cổ xây dựng vào thế kỷ XIII ở Bắc Kinh. Sau đó hung thủ nhảy từ ban công cao 40 mét xuống đất tự sát. Todd Bachman, doanh nhân ở Minneapolis, chết vì những vết thương quá nặng, còn người vợ Barbara thì may mắn sống sót dù vết thương cũng rất trầm trọng. Hướng dẫn viên của họ, một phụ nữ trẻ Trung Quốc, cũng bị tấn công nhưng không nặng lắm.

Trước khi gây án, Tang không có biểu hiện gì bất thường cả và người ta cho rằng chính sự thất bại trong cuộc sống đã khiến anh ta phạm tội: thất nghiệp, hôn nhân tan vỡ và sự chán nản về tính lười nhác của đứa con trai duy nhất. Trong năm 2008, các nhà sản xuất đồ chơi của Trung Quốc rơi vào phá sản đã khiến hàng triệu công nhân thất nghiệp trong khi cánh tài xế taxi thì chán nản vì giá xăng tăng vọt. Tang cũng không nằm ngoài cảnh khốn đốn này. Bệnh viện tâm thần Shanghai (Thượng Hải) mới đây đã cho biết tỉ lệ mắc chứng trầm uất ở người dân thành phố đã tăng gấp 4 lần trong thập niên qua. Và những người có tuổi như Tang đặc biệt bị tác động.

Vào đầu thập niên 80 thế kỷ XX, Tang có việc làm đàng hoàng trong một nhà máy sản xuất dụng cụ đo lường. Thời gian đó cuộc sống của Tang khá sung túc, có nhà cửa rộng rãi và không có gì phải phiền muộn. Chẳng bao lâu sau Tang cưới cô công nhân làm chung tên là Yu Jianqing và họ sống trong hạnh phúc. Con trai của họ chào đời năm 1987 và được đặt tên là Wenjun. Tuy nhiên cuộc sống vui vẻ của Tang kéo dài không lâu.

Tháng 12/-1999, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Những ông chủ mới trong nhà máy của Tang giảm bớt lao động và đẩy Tang ra làm bảo vệ cổng. Đến năm 2003 thì Yung, vợ của Tang, nghỉ việc và đến tháng 12 cùng năm đến lượt Tang về hưu sớm. Cuộc sống gia đình bắt đầu rơi vào cảnh lục đục. Tang và Yung thường xuyên hục hặc với nhau giống như mọi cặp vợ chồng thất nghiệp khác. Đến năm 2004, cảnh gia đình xào xáo của Tang đã lên đến đỉnh điểm. Tang cứ hay buộc tội vợ phụ bạc và đôi khi đánh vợ. Năm 2005 hai vợ chồng ly dị. Cuộc sống khó khăn gây stress, nhu cầu cao về cuộc sống... chính là những yếu tố gây tan vỡ gia đình. Tang lấy vợ lần thứ hai vào tháng 3/2006, nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài được 2 tháng! Láng giềng của Tang không biết tí gì về cô vợ thứ hai này, thậm chí cũng không biết tên của cô ta.

Cảnh sát địa phương cho biết, sau hai cuộc hôn nhân thất bại, Tang đặt hết hy vọng vào đứa con trai duy nhất của mình và luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con. Tang bán căn nhà khang trang đang ở với giá 28.000 đôla và bắt đầu tiêu xài rộng rãi cho Wenjun, anh con trai lúc này đã 21 tuổi. Với sự lãng phí như thế, chỉ trong 1 năm, tiền bạc của Tang bay hết ra cửa sổ. Khu vực nơi Tang ở bắt đầu thay đổi với những căn nhà mới được xây lên và ngăn phòng cho công nhân tỉnh xa đến thuê ở để làm việc. Không còn tiền bạc rủng rỉnh như trước, Tang chuyển đến ở trong một căn phòng trọ như thế và được nhiều người giúp tìm việc làm. Mặc dù vậy, Tang vin đủ cớ và không muốn làm việc. Bởi vì Tang không muốn bị mất mặt khi phải đi làm công.

Láng giềng còn nhớ Tang ăn mặc rất bảnh bao và hút loại thuốc lá đắt tiền của người giàu có. Giá gói thuốc lá của Tang là 7 đôla, gấp đôi giá gói thuốc thông thường. Tang không làm việc mà chỉ biết chơi bài đến tận khuya. Nhà tâm lý học Trung Quốc Wei Zhizhong, lãnh đạo một trung tâm tư vấn tâm lý ở Guangzhou, nói: “Cờ bạc là một trong vài lối thoát cho những người trầm uất và âu lo thường xuyên ở Trung Quốc”. Tang ngày càng lao vào bài bạc một cách điên cuồng. Còn đứa con trai Wenjun thì chẳng muốn làm việc cực nhọc nữa.

Tháng 5/2007, Wenjn cùng với vài người bạn tìm đến nhà tắm ở Hangzhou nơi người ta có thể ăn, uống và vui chơi với những nữ phục vụ. Theo cảnh sát điều tra vụ án, Wenjun thậm chí ở qua đêm trong nhà tắm loại đó và sáng ra thì bỏ trốn không trả tiền. Cảnh sát đã giam Wenjn 10 ngày vì tội lừa đảo rồi sau đó thả anh ta ra với lời cảnh cáo. Đó cũng là lúc kết thúc quãng đời kiếm sống hợp pháp của Wenjn.

Tháng 3/2008, Wenjn ăn cắp vài trăm đôla của khách thuê phòng trọ và sau đó lãnh án 6 tháng tù treo. Những người quen biết bảo rằng Wenjun thường xuyên hỏi tiền cha hắn. Cờ bạc đã đẩy Tang vào cảnh túng bấn một cách nhanh chóng. Đến tháng 4/2008, Tang trả phòng thuê và cho mọi người biết anh ta sẽ làm công nhân lao động ở nơi khác. Sau đó Tang tìm việc ở tỉnh Sichuan, nhưng cuộc tìm kiếm công ăn việc làm của Tang kết thúc vào ngày 12/5/2008 khi một trận động đất xảy ra ở nơi đây giết chết 69.000 người và đẩy khoảng 10 triệu người vào cảnh thất nghiệp và không nhà ở. Tình thế buộc Tang phải quay lại phòng trọ cũ. Xơ xác nhưng Tang vẫn cố giữ như không có gì xảy ra. Nhưng thật ra lúc này Tang đã nghèo đến mức chỉ có mỗi bộ đồ để mặc trên người.

Ngày 1/8/2008, Tang trả 45 đôla tiền thuê phòng trọ rồi bỏ đi. Đến 5 giờ chiều Tang gọi điện về cho con trai nói mình đi tìm việc làm và nếu thành công sẽ đem tiền về. Tang nói: “Nếu cha không quay lại thì con chẳng cần đi tìm làm gì”. Đó là những lời nói cuối cùng của Tang với con trai. Sau vụ giết người ở tháp cổ Bắc Kinh, cảnh sát tìm Wenjn để báo tin cha anh ta đã đâm chết một du khách người Mỹ rồi tự sát. Nhưng, cảnh sát nói: “Wenjun không có phản ứng gì. Anh ta hoàn toàn vô cảm”

Diên San (theo Time)
.
.