Vụ án tranh chấp "em bé M" gây rúng động nước Mỹ

Thứ Năm, 10/08/2017, 23:40
Vụ án vụ "em bé M" tuy đã trôi qua 3 thập niên nhưng vẫn luôn được giới tư pháp coi là vụ án kinh điển về vấn đề mang thai hộ ở Mỹ.

Trong gian xử chật ních của Tòa án New Jersey vào ngày 31-7-1987, những người có mặt đã được nghe các thông tin chính thức về vụ tranh chấp dân sự mang bí số "In re Baby M, 537 A.2d 1227, 109 N.J. 396", hay vụ "em bé M" như cách gọi của giới truyền thông. Đứng tên nguyên đơn là nhà sinh học William Stern, 40 tuổi cùng vợ bà Elizabeth Stern, 41 tuổi hành nghề bác sĩ nhi khoa.

Vào giữa tháng 1-1985  họ đã ký bản hợp đồng với bị đơn Mary Whitehead, theo đó cô Mary phải mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và đẻ con cho họ. Nhân chứng trung gian trong sự kiện này là Trung tâm về các vấn đề vô sinh và hiếm muộn ở New York, một tổ chức đăng ký kinh doanh hợp pháp có trụ sở trong khu Manhattan.

Người mẹ M. Whitehead không thể rời xa "em bé M" do mình dứt ruột đẻ ra.

Gia đình Stern chọn cô Mary 29 tuổi sau khi đã từ chối hơn 300 phụ nữ khác. Mary quả là một nhân vật thích hợp: là một phụ nữ chuyên về nội trợ, đã có 2 đứa con đang ở tuổi học sinh. Bản thân cô muốn trở  thành một người mẹ mang thai hộ, nhằm giúp cho một gia đình không thể có con nào đó. Mary từng khẳng định, rằng không muốn có con thêm cho bản thân mình nữa và đồng ý ký vào hợp đồng, cùng lời cam đoan "không được tạo lập mối quan hệ huyết thống với đứa trẻ sắp sinh".

Gia đình Stern hứa sẽ trả thêm 10.000 USD cùng các phí tổn mang thai và sinh nở khác, sau khi đã đóng 10.000 USD lệ phí cho trung tâm nói trên. Nhưng khi Mary sinh hạ đứa con gái dạo cuối tháng 3-1986, mà cô đặt tên là "Sara", bị đơn đột nhiên thay đổi quyết định cũ, như nguyên văn lời M. Whitehead tuyên bố với báo giới vào dịp đầu năm 1987, rằng cô không thể thực hiện theo hợp đồng được, bởi "đơn giản tôi đã trở thành mẹ của đứa bé con tôi!".

Mary từ chối nhận tiền cũng như trao đứa trẻ cho gia đình Stern. Nhưng 3 ngày sau  vợ chồng ông Stern đã tìm cách đón được bé gái mà họ gọi là "Melissa" về, rồi Mary xuất hiện đòi lại "Sara" và sau 2 giờ tranh cãi kịch liệt, vợ chồng Stern phải bất đắc dĩ trả con. "Nom cô ấy như thể sắp tự  vẫn đến nơi", ông W. Stern nhớ lại.

Khoảng 2 tuần sau thì gia đình Stern lại đến đón con, nhưng Mary cương quyết không đưa. Cuối cùng thẩm phán Harvey Sorkow Rules ngồi ghế chánh án quyết định việc "đỡ đầu tạm thời" cho vợ chồng Stern, nhưng cho phép Mary Whitehead được tiếp xúc 2 lần trong một tuần với "em bé M" tại một nhà trẻ trung lập. Đứa trẻ sẽ mang họ tên chính thức là Melissa Elizabeth Stern.

Thẩm phán H. Rules xem xét vụ "em bé M" thuần túy theo phương diện pháp lý, có nghĩa là hợp đồng đã ký luôn có giá trị và buộc phải trao "em bé M" cho gia đình nguyên đơn. Nếu có nhượng bộ, thì tòa án chỉ nhân nhượng theo vấn đề "quyền đỡ đầu" khi đứa trẻ lớn lên đòi hỏi mà thôi. Thường thì quyền đỡ đầu được ưu tiên trao cho người nào đã mang nặng đẻ đau - theo đạo lý truyền thống. Nhưng trong vụ án này theo phán quyết của tòa, thì gia đình Stern được quyền ưu tiên chăm sóc đứa trẻ. Hiển nhiên ít nhiều đã có sự thiên vị cứng nhắc ở đây.

Vụ tranh chấp "em bé M" đương nhiên chỉ nói lên được một phần của vấn đề hết sức tế nhị, cho dù bản quyết nghị của giới tư pháp là đúng đi chăng nữa, nhưng lương tâm công luận vẫn âm thầm dành cho người mẹ trẻ đáng thương Mary. Whitehead. Nếu như xã hội chấp nhận sự tồn tại của những phụ nữ mang thai hộ, thì điều đó sẽ dẫn tới đâu?

Bị đơn M. Whitehead cùng chồng rời phiên xử với tâm trạng u uất.

Phải chăng sẽ đe dọa trực tiếp đến một niềm thiêng liêng nhất, là tình mẫu tử và mối quan hệ huyết thống giữa đứa trẻ và người mẹ? Phải chăng sẽ "bật đèn xanh" cho việc buôn bán trẻ em một cách hợp pháp, trong khi các cặp vợ chồng giàu có muốn  lợi  dụng  qua hình thức thuê mướn những gia đình khốn khó hơn, nhằm tránh khỏi nỗi nhọc nhằn khi mang thai và sinh nở? Nhưng nếu như cấm hẳn chuyện đẻ hộ, lại cướp mất khả năng duy nhất có được "đứa con máu thịt" của những cặp vô sinh bất hạnh.

Cho đến lúc ấy tại tiểu bang New Jersey đã có 14 trường hợp người mang thai hộ từ chối trao lại đứa con mình dứt ruột đẻ ra, nhưng các trường hợp này đều được giải quyết êm thấm ngoài khuôn khổ chốn pháp đình. Trong những năm gần đây, 21 tiểu bang ở Mỹ đã bất thành trong việc thử ban hành đạo luật về việc mang thai hộ.

Còn tại 29 tiểu bang khác mà điều luật thụ tinh nhân tạo đã được thực thi, thì người chồng chấp nhận cho vợ mang thai qua phương cách thụ tinh nhân tạo, mặc nhiên được công nhận là người cha hợp pháp của đứa trẻ sắp sinh ra. Đương nhiên cũng cần phải chấn chỉnh lại nhiều điều khoản dễ tạo kẽ hở cho những kẻ buôn bán trẻ sơ sinh lợi dụng.

Việc mang thai theo thỏa thuận thực ra đã tồn tại trong thực tế ngay từ năm 1976, khi luật sư Noel Queens ở thành phố Dearborn (tiểu bang Michigan) đã ra tay giúp Trung tâm về các vấn đề vô sinh tại địa phương, bằng các giải quyết một trường hợp tương tự như vụ "em bé M" qua việc thiết lập bản hợp đồng chi tiết, có công chứng hẳn hoi.

"Tôi thừa hiểu là hàng nghìn người cầu mong điều ấy, kể cả những bà mẹ mang thai hộ cũng vậy", luật sư N. Queens quả quyết. Tuy các thông tin thống kê theo đề tài này thường rất ít ỏi và không đầy đủ, nhưng theo luật sư N. Queens thì trong những năm gần đây tại Mỹ đã có khoảng 500 trường hợp tương tự như với vụ "em bé M".

Gần 15% các cặp vợ chồng Mỹ hiện nay lâm vào cảnh vô sinh, nhưng bất chấp thực trạng này, nhiều giới chính thức vẫn lên tiếng phản bác ý tưởng mang thai hộ. Lý do chính khiến người ta chống đối lại thành tựu mới của khoa học này, là viễn cảnh của sự thương mại hóa các hài nhi. "Con trẻ không phải là hàng hóa, càng không phải là vật sở hữu - luật sư nổi tiếng Norman Robinson, người chuyên về các vấn đề gia đình ở thành phố Birmingham (tiểu bang Michigan) nêu nhận định - Các bậc làm cha làm mẹ không thể mua, cũng như bán con em họ được".

Nhưng một vấn đề không thể phủ nhận, là ngày càng xuất hiện càng nhiều những đứa trẻ "được tạo ra trong ống nghiệm" của các trung tâm khoa học, chứ không phải từ cơ thể mẹ chúng; đồng thời tạo khả năng cho một phụ nữ mang những cái trứng đã thụ thai của một phụ nữ khác trong dạ con của mình. Lương tâm công luận lo ngại thực sự, bởi sẽ có những phụ nữ Mỹ nghèo, hay phụ nữ ở các nước đang phát triển sẽ biến thành "cái máy ấp trứng" cho các cặp vợ chồng giàu có - vì một lý do nào đó khiến họ không thích chửa đẻ.

Chung quy lại chúng ta cần phải làm sáng tỏ câu hỏi: "em bé M" sẽ là con ai? Thiện cảm giữa người lớn có thể được cùng chia sẻ, nhưng không phải bản thân đứa trẻ nạn nhân. Bé vẫn cứ tiếp tục lớn lên, nhưng không chính thức mang họ của ai cả. Những khả năng vượt bậc mà nền kỹ thuật tân kỳ tạo được luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề gây tranh cãi, mà khoa học thuần túy rất ít khi đưa ra được câu trả lời thích hợp.

Suy ra cho cùng  - cũng như mọi sinh vật khác của tạo hóa - thì chỉ con người mới tự sinh ra các hậu duệ của mình và họ phải chịu trách nhiệm, cũng như gánh chịu những hệ lụy của việc ấy. Rốt cục trước sự phản ứng gay gắt từ công luận xoay quanh vụ "em bé M", đến đầu năm 1988, tòa án Tối cao Liên bang Mỹ đã buộc phải ra phán quyết, khẳng định việc trả tiền để phụ nữ mang thai hộ là bất hợp pháp.

Kim Dung (theo The New York Times)
.
.