Vụ đổi 100 USD bị phạt: Có thể làm đơn xin hoãn, giảm, miễn…

Thứ Tư, 31/10/2018, 16:03
Những ngày qua, đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán rất nhiều về việc anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị phạt hành chính số tiền 90 triệu đồng, vì đã đổi 100 USD tại tiệm vàng không có phép đổi ngoại tệ.

Anh Rê cho biết, cuối năm 2017, được một người bà con cho 100 USD. Hiện vợ chồng anh có hai con đang học lớp 9 và lớp 10. Do cần tiền đóng học phí cho con nên anh mang ra đổi tại tiệm vàng Thảo Lực ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Khi anh vừa nhận số tiền đổi là 2.260.000 thì bị lực lượng Công an kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ số tiền trên. 

Sau đó, UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh do có hành vi "Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ". Số tiền anh Rê bị xử phạt là 90 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu gần 2.260.000 triệu đồng. "Những ngày qua gia đình tôi rất hoang mang, lo sợ, cuộc sống đảo lộn, tôi không thể yên tâm làm việc. Tôi phải đi làm kiếm từng đồng để lo cho gia đình, với số tiền phạt lớn như vậy thì không thể có để nộp", anh Rê than vãn.

Tiệm vàng Thảo Lực nơi anh Rê đến đổi 100 USD.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, trên lãnh thổ Việt Nam quy định, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử khung xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014, với số tiền từ 80 đến 100 triệu đồng. Cơ sở kinh doanh không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện thu mua, quy đổi ngoại tệ cũng sẽ bị xử phạt theo khung từ 500 đến 600 triệu đồng.

Thậm chí, với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau, hay quy đổi không đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định... cũng sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đến 80 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt bổ sung với hoạt động vi phạm này sẽ là tịch thu số ngoại tệ và tiền Việt Nam Đồng trong giao dịch trái phép này.

Anh Rê cho biết: "Tôi chỉ học mới lớp 3 rồi nghỉ. Sau đó, tôi học nghề sửa điện, và kiếm sống bằng nghề này, nhưng thu nhập bấp bênh nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn". Vợ anh Rê trước đây bán chuối chiên ở con hẻm gần nhà. Gần đây, cha bị bệnh nên chị phải nghỉ bán dành thời gian chăm sóc cha trong bệnh viện. Vợ chồng anh còn hai người con đang đi học, nên hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bản thân anh Rê cũng không biết nơi nào được phép đổi ngoại tệ, nơi nào không được phép, chỉ thấy trước giờ mọi người thường đổi tiền ở tiệm vàng nên anh mới đến tiệm vàng trên để đổi.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) thì nêu ý kiến: "Theo tôi nên xử lý người nhận đổi ngoại tệ là phù hợp nhất. Ở góc độ quản lý Nhà nước, nếu để một đơn vị chưa được phép đổi ngoại tệ tồn tại như vậy là phải xử lý địa phương, vì lỗi trước tiên của chính quyền, chứ không ai đi phạt người dân". Người dân khó biết nơi nào đổi ngoại tệ và chắc chắn không ai hỏi chủ tiệm vàng có được phép thu đổi ngoại tệ hay không. Không có người kinh doanh gian dối thì người dân sẽ không vi phạm.

Thực tế, thị trường buôn bán, đổi ngoại tệ "đen" vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có trách nhiệm giúp người dân biết được nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi ngoại tệ để tránh những phiền toái không đáng có.

Tại buổi họp báo vào chiều 24-10, Thượng tá Trần Văn Dương, Trưởng phòng tham mưu Công an TP Cần Thơ cho biết, theo Điều 76, 77 và 79 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, nếu anh Rê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (được UBND phường xác nhận) thì làm đơn gửi UBND TP Cần Thơ xem xét, giải quyết có thể được hoãn, giảm, miễn hoặc nộp phạt nhiều lần.

Anh Rê đã nhờ người làm đơn xin cứu xét gửi UBND TP Cần Thơ xin miễn nộp tiền phạt và đang đợi kết quả.

Tiệm vàng anh Rê đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng về hành vi "Mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ". Cơ sở này bị phạt thêm 70 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và 30 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Tổng mức phạt là 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Đến ngày 18-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ ra quyết định không khởi tố vụ án và sau đó tham mưu để UBND thành phố ra quyết định xử phạt hành chính nói trên.

Trước tình hình trên, ngày 27-10, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý việc UBND thành phố Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Cảnh
.
.