Vụ giả danh cán bộ VP Chính phủ: Lòng tham khiến người bị hại mù quáng

Thứ Hai, 15/12/2014, 15:35
Trong số các đối tượng dám cả gan giả danh cán bộ Văn phòng Chính phủ để thực hiện hành vi lừa đảo đã bị Cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ thì Trần Ngọc Quyết và Phan Ngọc Thực được đánh giá là “siêu cao thủ”. Bởi mặc dù trình độ chỉ hết cấp 3 nhưng kịch bản lừa đảo của 2 đối tượng này lại tinh vi nhất và số tiền chiếm đoạt được xem ra lớn nhất từ trước đến nay.
Thủ đoạn của hai kẻ không nghề

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai thì cả Quyết và Thực đều chưa có tiền án, tiền sự. Trần Ngọc Quyết nguyên gốc là nông dân ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Không nghề nghiệp, Quyết lên Hà Nội lang thang, làm các công việc tự do. Phan Ngọc Thực cũng vậy. Từ Hà Giang lang bạt ra Hà Nội, sau khi "chập" với Quyết, Thực thành lập Công ty TNHH Bạch Diệp do anh ta làm giám đốc, thuê trụ sở tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thực chất công ty này không có hoạt động kinh doanh gì mà chỉ là bình phong để các đối tượng thực hiện kịch bản lừa đảo.

Theo kế hoạch, Trần Ngọc Quyết giả danh là Trưởng ban Quản lý dự án Chính phủ, còn Thực giả danh làm cán bộ Ban quản lý dự án. Hai đối tượng mua thanh lý 4 xe ôtô, dùng biển xanh 80B giả làm phương tiện đi lại, tạo niềm tin đối với người bị hại. Thực có nhiệm vụ đi các tỉnh khảo sát, tìm những dự án dân sinh xã hội như trường học, bệnh viện… đang gặp khó khăn về huy động vốn và "báo cáo" cho Quyết. Sau khi tìm hiểu các dự án này, Quyết và Thực dùng xe ôtô biển 80B giả đi đến các dự án gặp chủ đầu tư. Chúng đưa ra các giấy tờ giả danh Ban Quản lý dự án Chính phủ gồm các quyết định thành lập, tờ trình, danh sách nhân sự… để chứng minh là người của Ban quản lý dự án rồi "quảng cáo" có thẩm quyền phê duyệt dự án để trình Thủ tướng ký giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi quốc tế, nguồn vốn quốc tế viện trợ không hoàn lại. Các chủ đầu tư nghe vậy thì mừng lắm, không chỉ long trọng đón tiếp, thết đãi 2 cán bộ "chính phủ" giả mà còn cung cấp mọi hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án để nhờ "cán bộ" giúp đỡ cho việc giải ngân. Thậm chí đã có chủ đầu tư hối lộ cho Quyết và Thực 4 tỉ đồng để nhờ 2 "cán bộ" này sớm làm tờ trình, rót vốn cho dự án đang "đắp chiếu" chờ tiền.

Khi đã có đầy đủ hồ sơ dự án trong tay, bằng các mối quan hệ, Quyết và Thực đi tìm các chủ thầu xây dựng. Vẫn trong vai Trưởng ban quản lý và cán bộ Ban quản lý dự án, 2 kẻ lừa đảo khoe chúng có quyền chỉ định thầu những công trình, dự án có nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp. Quyết và Thực "gợi ý" các chủ thầu muốn được tham gia thầu dự án có nguồn vốn ưu đãi do Chính phủ phê duyệt thì phải đưa một khoản chi phí để chúng lo lót các thủ tục giải ngân. Ngoài xe ôtô biển xanh giả, Quyết và Thực còn làm giả các giấy tờ như Giấy chứng nhận cán bộ Ban quản lý dự án, hồ sơ tài liệu về việc thành lập Ban quản lý dự án an sinh xã hội… Do những dự án mà Thực và Quyết đưa ra đều là dự án thật, đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, chỉ chờ cấp vốn để thực hiện nên các chủ thầu đều tin tưởng.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2014 đến khi bị bắt, đã có ít nhất 3 cá nhân là chủ đầu tư và nhà thầu thi công mang tiền đến tận Công ty TNHH Bạch Diệp đưa cho Quyết và Thực nhờ vả chạy chọt thủ tục cấp vốn với tổng số tiền 40,8 tỉ đồng. Trong đó, riêng bà Nguyễn H.T, một nhà thầu thi công có trụ sở tại Hà Nội đã chi gần 30 tỉ đồng với hy vọng trúng thầu một loạt dự án tại các tỉnh do 2 "cán bộ chính phủ" rởm đưa ra.
Các đối tượng từ trái qua: Trần Ngọc Quyết; Phạm Ngọc Thực và Phạm Nguyên Quốc Hải.

Thuê nhà để lừa đảo

Theo Công an quận Hoàng Mai, để thực hiện hành vi lừa đảo, Quyết và Thực đã bỏ thời gian nghiên cứu rất kỹ các mẫu văn bản đã phát hành do Thủ tướng Chính phủ ký duyệt để sao chép nội dung khi làm các tài liệu giả mạo, scan chữ ký thật để in lên các văn bản giả và dùng con dấu giả để đóng dấu "tươi"  bằng mực đỏ lên các văn bản. Việc làm giả này không quá tinh vi, dễ nhận biết các dấu hiệu giả bằng mắt thường. Tuy nhiên do hiểu biết hạn chế và tâm lý e ngại, không dám kiểm chứng các thông tin do đối tượng đưa ra nên các bị hại đã không kiểm tra kỹ thông tin cùng giấy tờ nêu trên.

Tại Cơ quan Công an, Quyết và Thực khai nhận trước khi thực hiện kế hoạch lừa đảo, chúng nghiên cứu và học thuộc lòng tiểu sử của các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Khi gặp gỡ các doanh nghiệp, cán bộ chính quyền địa phương, Quyết và Thực đọc vanh vách tên tuổi, quê quán, nơi ở, số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo. Do không có điều kiện tiếp xúc với các cán bộ cấp cao bao giờ nên tất cả bị hại đều tin rằng Quyết và Thực có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo nên có khả năng làm các thủ tục trình phê duyệt cấp vốn dự án.

Hành tung của 2 vị "cán bộ chính phủ" rởm bị Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai phát giác từ những  nghi vấn về hoạt động của Công ty TNHH Bạch Diệp do Thực làm giám đốc. Công ty này thuê trụ sở là một căn hộ chung cư  tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng thực tế chẳng hoạt động gì. Bản thân giám đốc Phan Ngọc Thực thì đi suốt, không mấy khi có mặt ở công ty, đồng thời cũng là nơi ở của Thực. Theo người dân cho biết, một vài lần thấy Thực đi ôtô biển xanh 80B, mọi người rất thắc mắc vì cán bộ cấp Trung ương tại sao lại phải đi thuê nhà và hành tung thì khá bí ẩn. Có dịp Trung thu, vợ con Thực từ Hà Giang xuống chơi nhưng anh ta nhất định không cho vợ con giao lưu với hàng xóm. Thấy Thực đỗ 2 chiếc ôtô biển xanh choán hết sân chơi, cán bộ dân phố lên nhà đề nghị chuyển xe đi chỗ khác và hỏi tên tuổi. Thực tỏ ra khó chịu, bảo là cán bộ Trung ương chứ nhất định không nói tên. Sau đó anh ta ủng hộ tổ dân phố 200.000 đồng để tổ chức Trung thu cho các cháu. Nhiều lần chỉ thấy lái xe đi về một mình, hàng xóm hỏi thì lái xe trả lời "sếp" là cán bộ Trung ương nên bận nhiều việc, đi công tác liên tục. Tuy nhiên ngó vào nhà "cán bộ" thấy đồ đạc sơ sài, chỉ có vài bộ bàn ghế. Còn Trần Ngọc Quyết cũng mới thuê nhà ở địa chỉ phòng 702 E tòa nhà 21 ngõ 124 Minh Khai, Hai Bà Trưng được vài tháng. Anh ta không ở thường xuyên mà cho một số người khác ở. Quyết gửi hẳn 2 ôtô biển xanh ở hầm của tòa nhà, tự xưng là người nhà của một đồng chí cán bộ cao cấp.

Đặc biệt, những ngày cuối tháng 10 vừa qua, có một số người tìm đến trụ sở Công ty TNHH Bạch Diệp xin gặp "cán bộ Ban Quản lý dự án Chính phủ" Phan Ngọc Thực và Trần Ngọc Quyết để hỏi vì sao dự án của họ vẫn chưa nhận được nguồn vốn của Chính phủ. Từ thông tin này, ngày 30/10, Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra hành chính Công ty Bạch Diệp. Hai vị "cán bộ Chính phủ" đã được mời về trụ sở Công an quận để làm rõ. Sau khi chân tướng của 2 kẻ lừa đảo, những người bị hại mới bừng tỉnh, làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra. Khám xét trụ sở Công ty Bạch Diệp, Công an quận Hoàng Mai đã phát hiện, thu giữ 2 bao tải hồ sơ dự án mà Quyết và Thực đã thu thập được trên địa bàn toàn quốc. Theo khai nhận của các đối tượng thì ý định của chúng là tung ra cùng lúc nhiều dự án để lấy được nhiều tiền "chạy vốn" của các chủ thầu. Sau khi thu được một mớ tiền, chúng sẽ "bùng". Người bị hại khó mà tìm ra tung tích của chúng do trụ sở công ty và nhà ở chỉ là nơi thuê trọ.

Theo Công an quận Hoàng Mai thì thực tế, không có đơn vị nào là "Ban Quản lý dự án Chính phủ" như các đối tượng đã làm giả mạo giấy tờ, quyết định thành lập. Trước đó, năm 2009, Công an Hà Nội từng phát hiện, bắt giữ Phạm Nguyên Quốc Hải (SN 1967) ở xóm 1 Hưng Xuân, Hưng Nguyên, Nghệ An cũng giả danh cán bộ "Ban Quản lý dự án Chính phủ" để lừa đảo.  Hải nguyên là giám đốc  Công ty Cổ phần Xây dựng Anh Quốc, thuê trụ sở tại TP Vinh, chuyên nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở. Tuy nhiên, việc làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, Hải đã ra Hà Nội để lừa đảo. Anh ta thuê phòng tại một khách sạn trên phố Bà Triệu, tự xưng là "đặc phái viên, cán bộ Ban Quản lý dự án Chính phủ". Biết ông Phan Trí Đ, một doanh nghiệp có nguyện vọng xây dựng 2 trường học ở Gio Châu và Trung Hải (Quảng Trị) bằng nguồn đầu tư của Chính phủ, Phạm Nguyên Quốc Hải hứa sẽ giúp việc "chạy" dự án với điều kiện phải chi phí 5% trên tổng số nguồn vốn nhận được từ các dự án và tiền công 60 triệu đồng/ dự án để lo các thủ tục. Để ông Đ tin tưởng Hải là cán bộ Văn phòng Chính phủ, mỗi lần cần trao đổi công việc, Hải điện thoại yêu cầu ông Đ cho người đến số 1 Hoàng Hoa Thám đón. Hải đứng chờ từ trước trên vỉa hè, tay xách cặp ra dáng vừa từ trụ sở làm việc ra.  Sau nhiều lần được ông Đ đưa đi ăn nhậu và phong bì "lót vay", Hải làm giả 2 bản photo Quyết định cấp kinh phí đầu tư xây dựng trường học tại 2 xã Gio Châu, Trung Hải với tổng số tiền là 31.507.000.000 đồng rồi yêu cầu nếu muốn nhận được văn bản chính thức để ra ngân hàng nhận tiền, phải chi cho Hải 5% của tổng kinh phí 2 dự án tương đương 1.675.000.000 đồng. Thấy nghi ngờ về vị "cán bộ Chính phủ" này, ông Đ đã kiểm tra và báo Cơ quan Công an bắt giữ khi Hải đang nhận 3.000 USD.
Phạm Nguyên Quốc Hải giả danh cán bộ VPCP để lừa chạy dự án bị bắt giữ khi đang nhận tiền của doanh nghiệp.

Trước hiện tượng giả danh cán bộ Chính phủ để lừa đảo "chạy dự án", Cơ quan Công an cảnh báo, việc phê duyệt, cấp vốn dự án của Chính phủ  không thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian. Do đó,  qua vụ việc trên, người dân và các cơ quan, đơn vị cần cảnh giác, cần xác minh và kiểm chứng thông tin ở các cơ quan chức năng; đồng thời nhanh chóng thông báo cho Cơ quan Công an những dấu hiệu nghi vấn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.


Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 2 đối tượng Trần Ngọc Quyết (SN 1953, HKTT Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định) và Phan Ngọc Thực (SN 1971, HKTT tổ 3 thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bước đầu Cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn giả danh cán bộ Ban Quản lý dự án Chính phủ, từ tháng 5/2014 đến nay, Quyết và Thực đã lừa được 3 doanh nghiệp, chiếm đoạt gần 41 tỉ đồng. Cơ quan Công an đã thu giữ tang vật gồm 2 xe ôtô mang biển xanh giả, 1 laptop, 1 máy in màu, 2 máy in đen trắng, 1 máy scan là thiết bị các đối tượng sử dụng làm giấy tờ giả cùng nhiều tài liệu giả mạo như tài liệu giả danh Ban Quản lý dự án của Chính phủ, các quyết định giả, tờ trình, danh sách nhân sự, tài liệu giả quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến 35 dự án trên toàn quốc. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Ai là bị hại của Trần Ngọc Quyết và Phan Ngọc Thực, đề nghị liên hệ Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai để cung cấp thông tin.

Thượng tá Phạm Ngọc Anh, Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sở dĩ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng dễ dàng như vậy, là bởi chúng đã đánh trúng vào lòng tham của các chủ thầu xây dựng. Tính toán sẽ có lợi nhuận cao nên các chủ thầu sẵn sang bỏ tiền ra chi phí để được nhận thầu thực hiện các dự án từ nguồn vốn ngân sách do các đối tượng vẽ ra. Lòng tham về lợi nhuận khiến các chủ thầu mù quáng, cộng với trình độ hiểu biết và nhận thức còn hạn chế nên đã tin tưởng tuyệt đối vào những giấy tờ giả mạo của các đối tượng đưa ra mà không có sự kiểm tra, thẩm định thông tin. Thực tế, các dự án mà Trần Ngọc Quyết và Phan Ngọc Thực đưa ra để lừa đảo không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hương Vũ
.
.