Vụ "hôi bia" tại Đồng Nai: Lon bia hôi và thân phận con người

Thứ Tư, 05/02/2014, 16:35

Đã trải qua hơn một tháng, nhưng dư âm vụ hôi bia gây chấn động tại tỉnh Đồng Nai vẫn chưa khép lại. Chiều ngày 8/1/2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Văn Vinh (47 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP Biên Hòa)  và Trần Anh Cường (30 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa) để điều tra về hành vi "Công nhiên chiếm đoạt tài sản". 

Trước đó, vào trưa ngày 4/12/2013, tài xế Hồ Kim Hậu điều khiển xe tải chở 1.300 thùng bia di chuyển theo lộ trình TP HCM đi Bình Thuận. Đến vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa), do tránh phương tiện tham gia lưu thông cắt ngang đầu xe, chiếc xe tải do tài xế Hậu điều khiển mất tay lái đổ ngang trên mặt đường. Sau tai nạn, hơn 1.000 thùng bia đổ ra đường.

Ngay lập tức, những người tham gia lưu thông ngang địa điểm xảy ra tai nạn nhào vào "tranh phần", bất chấp tài xế Hậu khóc van xin. Vụ việc được báo chí phản ánh tạo nên một làn sóng phản đối vô cùng mạnh mẽ đối với hành vi hôi của trong vụ việc trên.

Cơ quan Công an TP Biên Hòa cũng đã vào cuộc để điều tra làm rõ, liên quan đến vụ hôi bia đáng xấu hổ này, Cơ quan Công an đã triệu tập 20 người tham gia vào vụ hôi bia.

Trong số những người bị triệu tập, thì Trần Anh Cường và Đinh Văn Vinh được xác định là đã chiếm đoạt số bia có tổng trị giá gần 3 triệu đồng, đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự.

Lòng tham người khó

Trần Anh Cường, đã làm bố. Con lớn của Cường năm nay 3 tuổi, cháu bé 2 tuổi. Ngoài ra, vợ Cường đang mang thai cháu thứ 3. Cường là lao động chính trong gia đình. Việc cắm mặt ngoài đường cả ngày để kiếm đủ tiền lo cho con, cho vợ đã là sự cố gắng đến cực điểm của Cường. Mà có phải chỉ vợ con đâu, Cường còn phải phụng dưỡng mẹ già.

Cường, nghề nghiệp chính là chạy xe ba gác, bữa kiếm được ít tiền, bữa không. Những chiếc xe ba gác máy bây giờ đã bắt đầu lỗi thời, ít người thuê hơn trước. Cái góc nho nhỏ nơi công viên cạnh vòng xoay Tam Hiệp là chỗ Cường đậu xe ba gác, kiếm cơm qua ngày.

Hôm xảy ra vụ tai nạn khiến chiếc xe tải chở bia bị lật, Cường đang ngủ trưa ở nhà. Giá mà, Cường cứ yên giấc trưa hôm ấy, chuyện buồn đã không xảy ra. Tuy nhiên, biết làm sao, bởi khi sử dụng cụm từ "giá như", tức là chỉ để nói về một sự hối tiếc, một chuyện đã rồi.

"Trưa ngày 4/12 vừa qua, tôi đang nằm ngủ ở nhà thì nghe hàng xóm í ới gọi nhau đi… lượm bia ngoài vòng xoay Tam Hiệp. Khoảng cách từ nhà tôi đến vòng xoay khoảng hơn 100m. Thấy người ta hồ hởi đi lượm bia, tôi cũng bật dậy, chạy ra xem sao. Đến nơi, tôi thấy người ta tranh nhau từng lon bia, thùng bia đang văng tràn khắp đường. Không kìm được lòng tham, tôi chạy đến chỗ để xe ba gác, điều khiển xe chạy đến nơi chiếc xe tải gặp nạn, vội vàng bê bia quẳng lên xe của mình", Cường kể.

Trong lúc Cường đang mê mải theo từng thùng bia, thì cũng là lúc ông Đinh Văn Vinh xuất hiện. Ông Vinh vừa đi Bình Dương về đến vòng xoay Tam Hiệp thì chứng kiến cảnh hàng chục người đang tranh bia. Thoáng thấy Cường, ông Vinh hồ hởi xắn tay áo nhào vào ôm bia quẳng lên xe của Cường. Tàn cuộc, với sự hợp sức của cả hai, Cường và ông Vinh "nhặt" được 11 thùng bia cả thảy.

Vì sao ông Vinh lại nhiệt tình giúp sức cho Cường(?). Đơn giản, ông Vinh là bạn "đồng nghiệp" chạy xe ba gác mướn với Cường, họ thân nhau.

Hình ảnh hôi bia.

Ông Vinh, lập gia đình muộn. Trời thương, cho vợ chồng ông hai người con. Trung niên mới có con ẵm bồng, ông cưng hai con như cưng trứng. Cực nhọc mấy để mưu sinh ông cũng chịu được, chỉ mong con cái nên người. Vậy mà, phút chốc cái giấc mơ ấy vỡ tan. Vì, nói theo ông thì: "Vết nhơ hôi bia của người gặp tai nạn mà tôi vì lòng tham đã gây ra, biết bao giờ mới được gột sạch. Tôi đau một, tôi xấu hổ một, thì vợ tôi, hai con tôi xấu hổ gấp cả trăm ngàn lần".

Mà ông Vinh và Cường hôi 11 thùng bia với số tiền gần 3 triệu ấy để làm gì, họ có bán không(?!). Không, họ lấy bia về để uống.

11 thùng bia, chia ra sòng phẳng, ông Vinh một nửa, Cường một nửa. Ngay chiều hôm đi hôi bia về, ông Vinh đã tổ chức tiệc nhậu bằng số bia đã hôi được từ ban trưa. Tiệc nhậu, mừng người cháu ở quê vô Nam. Quê ông Vinh ở Hà Nam.

Sáng hôm sau, khi báo chí đưa tin về vụ hôi bia ấy, ông Vinh và Cường trốn biệt dạng trong nhà. Nhưng rồi, cũng phải lần hồi ra đường để còn kiếm sống. Có lúc, họ đã nghĩ, báo chí viết một hai hôm rồi thôi. Ai ngờ, cái đận "đánh người hôi của" ấy kéo dài đến vậy. Ra rả suốt ngày từ báo in đến báo mạng, chỉ nói về vụ "hôi bia ở Đồng Nai".

Thậm chí, người ta còn giật tít kiểu: "Lật xe chở mì gói, không thấy ai hôi của", như một cách mỉa mai đầy cay nghiệt. Hai cái từ "hôi của", đẩy ông Vinh và Cường lâm vào tình cảnh như ngồi trên lửa, như nằm trên dao. Mỗi lần gặp, là mỗi lần tự an ủi nhau: "Mấy bữa nữa rồi họ quên". Họ không quên như ông Vinh và Cường nghĩ, chuyện cũng lớn hơn hai người đã nghĩ, Cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra.--PageBreak--

Hôm đầu tiên bị mời lên Cơ quan Công an làm việc, ông Vinh và Cường cứ nhủ: "Chắc là bị phạt vi cảnh thôi, dại thì phải trả giá. Thôi, trả nợ một lần cho xong". Chưa bao giờ, trong đầu hai người đàn ông đều là trụ cột của gia đình làm nghề chạy ba gác mướn ấy hình dung ra viễn cảnh "mình sẽ bị bắt giam".

Vậy mà, cái ngày ấy đã đến. Chiều ngày 8/1 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa đã tống đạt lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Đinh Văn Vinh và Trần Anh Cường.

Nhận được tin này, tôi có gọi điện thoại cho tài xế Hồ Kim Hậu, hỏi: "Anh biết tin có hai người tham gia vào vụ hôi bia khi chiếc xe anh lái gặp nạn bị bắt tạm giam chưa?". Anh Hậu trả lời, có mấy anh em nhà báo đã gọi báo tin cho anh biết. Hỏi anh tiếp: "Quan điểm của anh ra sao?".

Anh Hậu bảo: "Tình thật là tôi không muốn ai đi tù cả. Tôi chỉ nghĩ, đưa mấy người tham gia hôi bia ra khu phố, cho họ đọc bản kiểm điểm hay hối lỗi là được rồi. Chuyện cũng đã qua. Sau mỗi biến cố, nên để đời sống trở lại bình thường. Như cuộc sống của tôi bây giờ đã trở lại bình thường, tôi vẫn chạy xe cho chủ cũ, vẫn kiếm tiền lo cho vợ, cho con".

Trả lời báo giới, Thượng tá Trần Tiến Đạt - Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai  nói: "Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Gặp người bị nạn không giúp đỡ nhưng vào lấy tài sản của người khác mang đi thì phải được xử lý theo quy định pháp luật". Thượng tá Đạt cũng cho biết thêm, hiện Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra hành vi hôi bia của những cá nhân khác.

Nỗi niềm đọng lại

Trong bài bình luận trước đó "Hôi của và niềm tin vào con người", tôi đã đưa ra luận điểm, những cá nhân tham gia vụ hôi bia trưa 4/12/2013, chỉ là vì họ không kiềm chế được lòng tham bộc phát nhất thời. Hơn nữa, đó còn là trạng thái không kịp điều chỉnh hành vi nên để hành vi bị cuốn theo đám đông. Giả dụ, nếu chỉ có một người đang tham gia lưu thông và bắt gặp một chiếc xe ba gác chở thơm bị lật, thơm đổ ra đường. Cá nhân ấy sẽ nhanh chóng chất thơm lại lên xe giúp tài xế ba gác gặp nạn. Nhưng, nếu cá nhân phát hiện có vài người đang nhào vào giành thơm, họ rất dễ bị cuốn vào cái chuyện "của thiên hạ, không nhanh tay thì sẽ bị lấy hết".

Tôi bàn luận vụ việc theo tâm lý thông thường của đám đông, hoàn toàn không có ý cho rằng tất cả các cá nhân đều bị cuốn vào hành động của đám đông.

Trần Anh Cường đã bị bắt tạm giam vào chiều ngày 8/1 vì tham gia vào vụ hôi bia.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, trong bài viết phân tích về hình phạt trong vụ hôi bia từng kiến nghị (mà theo tôi thì rất xác đáng): "Thiết nghĩ, nếu Cơ quan điều tra cần căn cứ vào clip quay lại vụ việc để điều tra làm rõ, xử phạt nghiêm ở mức cao nhất (2 triệu đồng, theo điểm b, khoản 1, Điều 18 Nghị định số 73 ngày 12/7/2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội). Cụ thể, mức phạt hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác (mà trị giá tài sản chiếm đoạt chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) là từ 1 đến 2 triệu đồng và người chiếm đoạt buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra) đối với người tham gia "hôi của".

Việc này cũng có tác dụng răn đe, giáo dục không để xảy ra những vụ "hôi của" tương tự khác". Đáng tiếc nhất cho trường hợp của ông Vinh lẫn Cường, số tiền quy ra từ bia mà họ hôi của đã trên 2,5 triệu. Và theo Điều 137, Bộ luật Hình sự, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Không ai chấp nhận hành vi lợi dụng tai nạn của người khác để trục lợi, để hôi của, để hả hê trước khổ đau và mất mát của người khác. Hơn nữa, một vụ việc nghiêm trọng rất đáng lo ngại như vụ hôi bia ở Đồng Nai vừa qua, một vụ việc được ví như tiếng chuông cảnh tỉnh về sự "lãnh cảm" giữa mối quan hệ người với người, người bị nạn với người có khả năng giúp đỡ. Thì việc cần có một hình thức xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe, góp phần cảnh tỉnh những cá nhân khác trong các vụ việc nếu có xảy ra tương tự là việc làm hết sức cần thiết.

Thế nhưng, dẫu sao thì chữ lý và chữ tình cũng nên đặt cận kề nhau. Pháp luật không vô tình như mọi người vẫn nghĩ, điều luật luôn có những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng. Vì vậy, mong rằng bản án sắp tới trong phiên tòa sơ thẩm dành cho hai ông Vinh và Cường sẽ được cân nhắc

Kinh Hữu
.
.