Vụ lừa đảo ngân hàng ngoạn mục nhất tại Uruguay
Một nhân viên ngân hàng đã giả mạo là một hầu tước để lừa đảo, chiếm đoạt một khoản tiền cực lớn của chính ngân hàng nơi anh ta làm việc. Nhưng anh ta không dùng số tiền đó cho bản thân mà mục đích là để chuộc lại tội lỗi của người cha, một tội phạm quốc xã đã bị xử bắn.
Hầu tước Estrella de Quipuzoa
Vào một ngày mùa thu năm 1956, có một người thanh niên mở cửa bước vào phòng hộ tịch và căn cước Montevideo - Uruguay. Mảnh khảnh, lịch sự, tóc vàng và cặp mắt xanh khác thường, một ngoại hình rất hiếm gặp ở đất nước Nam Mỹ này. Hiển nhiên rằng chàng thanh niên đã gây ấn tượng rất mạnh với cô gái ở bộ phận tiếp tân nên sau này khi cảnh sát thẩm vấn, cô đã nhớ ra và kể lại từng chi tiết.
Hội sở chính Ngân hàng Quốc gia Uruguay, nơi xảy ra vụ lừa đảo. |
"Chào ông, tôi có thể giúp gì cho ông?" - Cô lễ tân hỏi vị khách. Chàng trai cất tiếng, giọng của anh ta có những âm vực khá lạ lùng: "Thưa cô, tôi đến nhận thẻ căn cước được cấp lại vì đã đánh mất, người ta đã gửi giấy báo tôi đến nhận". "Tên gì nhỉ, thưa ông?". "Hầu tước Estrella de Quipuzoa, thưa cô".
Hầu tước - cái chi tiết này tuy không cấm ghi trên thẻ căn cước nhưng quả thật ít gặp. Vừa lục đống giấy tờ, cô gái vừa thầm nghĩ trong đầu. À đây rồi. Cô tò mò đọc lướt nhanh những thông tin trên tờ khai: "Manime Estrella de Quipuzoa. Nghề nghiệp: kinh doanh. Sinh ngày 8/10/1931 tại Montevideo, con của José Luis Estrella de Quipuzoa và Stephanis Corril".
Cô gái rút thẻ căn cước ra và nói: "Đây thưa ông, ông đọc lại xem mọi thứ đã ổn chưa rồi ký vào đây". Người đàn ông cúi người để ký vào cuốn sổ, ngòi bút thư thái, đĩnh đạc kèm một nụ cười tủm tỉm mang nhiều ẩn ý. Rồi anh ta xếp cẩn thận thẻ căn cước mới vào một chiếc ví xa hoa, xếp đầy tiền bạc. "Tôi hy vọng không làm mất nó nữa, đây là thứ giấy tờ ít dùng nhất nhưng lại hay mất nhất". Hầu tước Estrella de Quipuzoa khẽ nghiêng đầu chào ra về, cô gái, vẫn còn đang sững sờ trước một vẻ quý phái và lịch thiệp như vậy, không kịp chào đáp lại.
Hầu tước Estrella de Quipuzoa, trên thực tế, chỉ là một nhân vật tồn tại trên giấy. Người đóng vai ngài hầu tước đẹp trai và thanh lịch xuất hiện tại phòng hộ tịch và căn cước Montevideo trên thực tế là Hans Koclman, một anh chàng nhân viên kế toán cấp thấp ở Ngân hàng quốc gia Uruguay, chi nhánh Montevideo. Điểm khác biệt duy nhất với các viên công chức "quèn” khác là anh ta là chủ nhân đích thực của 100 triệu franc trong tài khoản mang tên hầu tước Estrella de Quipuzoa, mở tại Ngân hàng Trung ương Uruguay, tại hội sở chính ở Montevideo.
Nhưng tại ngân hàng, chưa có ai, kể cả ông giám đốc, có vinh dự được tiếp xúc trực tiếp với hầu tước Estrella de Quipuzoa. Tất cả những gì mọi người biết đến ngài hầu tước chỉ là một giọng nói chậm rãi nhưng đầy quyền uy trong điện thoại, những chữ ký trên các lệnh chuyển khoản.
Những lệnh này, để đến được tay ông giám đốc sẽ phải trải qua một quãng đường cực kỳ rắc rối của các quy định và thủ tục. Nhưng từ hai năm nay, những khoản tiền nộp tại chi nhánh của ngân hàng ở Lima (thủ đô Peru) vẫn đều đặn được chuyển vào tài khoản của hầu tước. Giờ đây số tiền đó đã lên đến gần 100 triệu franc, một gia tài kếch sù ở vào thời kỳ đó.
Nhân viên kế toán ngân hàng Hans Koclman
Hans Koclman là một kiều dân Đức, sinh tại Berlin vào tháng 10 năm 1928. Anh ta đến Uruguay vào năm 1945 cùng với người dì ruột, người thân duy nhất. Cha của Koclman chết trận, còn mẹ thì chết trong ngôi nhà đổ nát sau một trận bom của quân đồng minh. Sau khi theo học về tài chính, với tấm bằng kế toán, anh ta xin vào làm việc tại ngân hàng. Đó là một nhân viên cần mẫn và tận tụy, nói tóm lại là "không chê vào đâu được". 2 năm sau, dì anh ta đã qua đời. Anh ta trở thành người cô đơn, không họ hàng thân thích.
Trước khi chết, người dì đã thổ lộ với Hans Koclman những bí mật mà bấy lâu vẫn giữ kín. Nếu như trước đây Koclman vẫn tin rằng cha mình là "một người Đức đã hiến dâng đời mình cho tổ quốc và hy sinh anh dũng trong chiến đấu" thì giờ đây anh bàng hoàng khi biết rằng cha mình là một trong những cai ngục tàn bạo và đáng ghê tởm nhất của chế độ Quốc xã, trực tiếp tham gia vào việc giết hại những người Do Thái, sau khi bị bắt lại tìm cách vượt ngục. Ông ta đã bị xử bắn vì những tội ác đã gây ra. Kể từ đó trong đầu Hans Koclman chỉ quay cuồng một ý nghĩ: "Cha mình là một kẻ sát nhân tàn bạo, mình là con trai một kẻ sát nhân tàn bạo…".
Sau nhiều ngày tháng trăn trở, Koclman đi đến một quyết định, phải làm một điều gì đó để chuộc lại tội lỗi của cha mình.
Một kế hoạch tỉ mỉ đã được vạch ra. Kiên nhẫn và khéo léo, Hans Koclman từng bước xây dựng "nhân vật" hầu tước de Quipuzcoa: những cú điện thoại gọi đến cho ông giám đốc, những lệnh chuyển tiền đến từ Lima với đầy đủ các chữ ký và chứng từ hợp lệ, Koclman kiên nhẫn và khôn khéo chọn phương án viết số tiền khá nhỏ cho mỗi lần chuyển, tránh gây sự chú ý của ông giám đốc và bộ phận kiểm toán. Thực tế thì không có ai đến ngân hàng chuyển tiền mà những giấy tờ này do Koclman tự tạo dựng. Giờ đây số tiền 100 triệu franc (thực chất là tiền của ngân hàng) đã nằm gọn trong tài khoản chỉ còn chờ ngài hầu tước đến rút.
Hầu tước Estrella de Quipuzoa, như đã thông báo qua điện thoại với giám đốc ngân hàng, đã từ Lima trở về Montevideo, ở trong một khách sạn lớn và sang trọng của thủ đô. Và ngài hầu tước đã đến phòng hộ tịch và căn cước của tòa thị chính Montevideo để nhận thẻ căn cước mà trước đây một tháng ông đã khai báo mất. Vấn đề đặt ra là, làm sao Koclman có thể làm việc đó khi mà Hầu tước Estrella de Quipuzoa chưa bao giờ tồn tại?
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, rất nhiều nhân vật Đức Quốc xã đã tìm cách trốn khỏi nước Đức; và các nước Nam Mỹ là địa điểm lý tưởng để ẩn trú. Là những kẻ có thế lực, có những mối quan hệ mật thiết với chính quyền sở tại từ trước chiến tranh cộng thêm với những khoản "chi phí nặng cân", họ đã tạo ra được những đường dây bí mật giúp họ có được quốc tịch, căn cước mới và xóa sạch được mọi dấu vết trước đây.
Việc này phải tuyệt đối an toàn. Khai sinh, giấy tờ liên quan đến cha mẹ, tài sản… tất cả phải được chuẩn bị rất chắc chắn và không có sơ hở khi bị kiểm tra. Quan hệ gắn bó của Hans Koclman với cộng đồng người Đức nhập cư đã giúp anh ta nhận được sự hỗ trợ của đường dây này. Việc có được cái căn cước mang tên Hầu tước Estrella de Quipuzoa với anh ta vì thế trở nên khá dễ dàng.
Ngày 21 tháng 9 năm 1957, bàn làm việc trong góc nhà của nhân viên kế toán Hans Koclman tại ngân hàng bỏ trống. Xin phép đi chữa răng, anh ta đã rời khỏi ngân hàng lúc 9h30’. Đúng 10h20, hầu tước Estrella de Quipuzoa bước qua cánh cửa ngân hàng, đi tới quầy lễ tân đề nghị gặp ngài giám đốc.
Nếu như kế toán viên Hans Koclman có bộ tóc màu hạt dẻ, quần áo giản dị, giọng nói khiêm nhường thì hầu tước Estrella de Quipuzoa lại có bộ tóc vàng hoe, ăn mặc chau chuốt, giọng nói lịch sự nhưng lạnh lùng và uy nghiêm. Không chú ý đến những ánh mắt tò mò của những nhân viên ngân hàng, anh ta thản nhiên băng ngang qua căn phòng lớn, dừng lại một lát để châm điếu xì gà.
Ngài hầu tước ngồi xuống chiếc ghế bành dành cho những vị khách quý, nhìn thẳng vào ông giám đốc ngồi đối diện đang có dáng vẻ quỵ lụy và đôi chút lúng túng. "Nếu ngài cho phép… tôi xin được bày tỏ ý kiến... Rút tiền mặt một lượng lớn thế này, quả là một sự mạo hiểm không cần thiết, chúng tôi có thể…". Ngài hầu tước đặt ngón tay trên môi, làm cử chỉ cắt ngang câu nói của ông giám đốc: "Cám ơn ông bạn, nhưng hoàn cảnh bắt buộc như vậy, đây là một giao dịch đặc biệt… thay mặt cho chính phủ… chúng ta cứ coi là thế đi". Ông giám đốc hoảng hốt: "Tôi hiểu, tôi hiểu… tôi sẽ ra lệnh cho nhân viên làm ngay".
Từng bó đô la được xếp vào một chiếc va li đen có khóa số. Ông hầu tước đóng va li lại, đứng lên dụi điếu xì gà vào gạt tàn. Có một chi tiết không ai để ý: ngài hầu tước không hề tháo găng tay ra trong suốt cuộc gặp mặt đó. "Các ông không cần tiễn tôi, càng kín đáo càng tốt. Không nên gây chú ý không cần thiết, xin cám ơn sự nhiệt tình của ông" .
Ra khỏi ngân hàng, Hans trèo lên chiếc xe đi thuê, về khác sạn trả phòng. Trở về nhà, anh ta trút bỏ bộ quần áo đỏm đáng của ông hầu tước rồi đi ra khỏi nhà. Anh ta đi bộ, tay xách chiếc va li đầy tiền, đi về phía ngoại ô.
Kế hoạch chuộc tội bị thảm bại
Đúng 6 giờ chiều, Hans bước qua cánh cửa một quán cà phê nhỏ ở ngoại ô. Quán nhỏ, lụp xụp, chủ quán là một người đàn ông to béo, ăn mặc bẩn thỉu, lúc nào cũng lờ đờ ngái ngủ. Cô gái bưng bê đồ uống là người làm thuê duy nhất cho quán. Cô tên là Myzna, gốc Do Thái. Khi Hans đề nghị với cô một cuộc hẹn hò vào tối hôm đó, cô hoàn toàn sững sờ và tỏ ra ngờ vực. Một anh chàng đẹp trai như anh ta thì cần gì ở một cô hầu bàn như cô? Cô đâu có rảnh để đi khiêu vũ với anh ta, vả lại họ chưa từng quen biết nhau.
Hans đã phải rất vất vả để thuyết phục cô gái đồng ý gặp anh ta sau giờ làm. Anh ta nói có những việc rất quan trọng cần nói ra và có những vật vô cùng quan trọng gần trao gửi cho cô, lý do: là vì cô là người Do Thái và anh ta muốn làm một điều tốt cho những người Do Thái. Và công việc đó không thể thực hiện ở cái quán này.
"Thôi được, ông hãy ngồi đây đợi tôi, một giờ nữa xong việc tôi sẽ đưa ông về căn hộ của tôi". Nói cho cùng Myzna cũng chẳng mất gì. Với một anh chàng hiền lành nhũn nhặn như thế này, phiêu lưu mạo hiểm một chút cũng không sao, miễn là đừng vượt quá những giới hạn cho phép. Nhưng sự việc sau đó đã vượt xa tất cả những giới hạn mà cô có thể tưởng tượng ra.
Trong căn hộ của cô, anh chàng đẹp trai ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế bành, từ chối cốc rượu mà cô rót đưa cho và bắt đầu ngay bài diễn thuyết đã được chuẩn bị từ lâu: "Tôi là Hans Koclman, người Đức. Cha tôi là một tội phạm quốc xã, đã phạm nhiều tội ác với dân tộc cô. Để chuộc lại tội lỗi của ông, tôi đã ăn trộm 100 triệu franc tại ngân hàng tôi làm việc, nay tôi trao toàn bộ lại cho cô và nhờ cô mang đến Israel để trao lại cho chính phủ cô. Tôi không thể làm được việc đó. Tôi đã tìm hiểu về cô, chỉ có cô có thể giúp được tôi".
Trước thái độ sững sờ đầy nghi hoặc của Myzna, Hans Koclman mở chiếc va li đầy tiền: "Chúng đây, tôi đã phải mất 2 năm để có được. Tôi đã đặt vé cho cô sáng mai trên một chuyến tàu thủy, cô sẽ tiêu pha bằng số tiền 2 triệu của tôi, còn số tiền này nhất thiết cô không được đụng tới, hãy trao nguyên vẹn cho chính quyền Israel. Cô rõ rồi chứ".
Điên rồi, con người này điên rồi. Myzna thầm nghĩ. Cô hốt hoảng nhìn xung quanh và lùi ra phía cửa. Hans vẫn ngồi bất động trên ghế, ánh mắt tuyệt vọng nhìn vào cô. "Cô có đồng ý giúp tôi không?". Lấy hết dũng cảm, Myzna cao giọng: "Không, tôi không đồng ý, người ta sẽ bắt tôi ở hải quan ngay. Israel ư, tôi không biết một ai ở đấy. Và số tiền này, và đất nước tôi? Ông tưởng mọi việc đơn giản đến thế sao? Ông đã ăn trộm tiền để đền bù cho cái gì?".
Hans ôm đầu ngồi im trên ghế, đối với hắn, tất cả đã đổ sụp, giờ đây hắn đã nhận ra là cô gái có lý. Mối hận đã làm cho hắn trở nên điên rồ mà không nhận ra. Hai năm âm thầm hành động chỉ để có cái kết cục bế tắc như lúc này đây. Hans ôm đầu nói giọng yếu ớt: "Tôi phải làm gì bây giờ?". Lấy lại bình tĩnh, cô gái nhấc điện thoại gọi cảnh sát còn Hans ngồi lặng im như hóa đá. Mấy phút sau, có hai cảnh sát xuất hiện, họ sửng sốt nghe những gì Myzna nói và không hiểu gì cả. Họ đã chọn giải pháp đơn giản dẫn anh chàng đẹp trai, chiếc va li trĩu nặng cùng cô gái đến sở cảnh sát.
Sau đó, Hans Koclman đã phải nhận mức án 6 năm tù giam cho tội lừa đảo ngân hàng; có một sự giảm nhẹ hình phạt so với tội danh lừa đảo ngân hàng quy định trong luật hình sự của Uruguay. Sau vụ án này, hệ thống ngân hàng của Uruguay đã thay đổi hàng loạt các quy định để nâng cao độ an toàn của ngân hàng.