Vụ thủ tiêu nhà báo Thụy Điển Maureen Falck

Thứ Bảy, 23/05/2009, 07:55
Lần cuối cùng mà người ta còn trông thấy nữ nhà báo người Thụy Điển Maureen Falck, 31 tuổi, là vào tối ngày 18/11/1984 cùng bạn gái tên Lena Grans tại nhà hàng Ohrns Horn ở khu Sodermalm của thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Vài ngày sau, do không thấy bóng dáng của Falck và Grans đâu nên gia đình liền tìm kiếm, lùng sục khắp nơi nhưng đành thất vọng nên liền báo tin cho cảnh sát...

Tuy nhiên, suốt nhiều tháng sau đó, cho dù hết sức cố gắng, cảnh sát vẫn không nắm bắt được bất cứ manh mối nào liên quan đến vụ mất tích khó hiểu. Từ đó xuất hiện nhiều giả thuyết, rằng Falck và Grans mắc chứng đồng tính nên đã bỏ trốn đến một nơi nào đó thật xa thủ đô Stockholm để chung sống hoặc phải chăng cả hai đã bị giết hại rồi vùi xác đâu đó để phi tang?

Vụ mất tích bí ẩn của Falck và Grans chỉ được làm sáng tỏ vào ngày 18/5/1985 khi một tàu cuốc nạo vét kênh Hammarby chảy qua thủ đô Stockholm ở phía tây đã trục được từ lòng kênh một chiếc xe hơi hiệu Renault, trong đó còn có thi thể hai phụ nữ đã phân hủy. Kiểm tra và giám định của cảnh sát cho biết đó chính là chiếc xe của Grans và xác hai phụ nữ là Grans và Falck. Việc tìm thấy xác của Falck và Grans bị mất tích sau một thời gian dài đã thu hút sự quan tâm của mọi người.

Maureen Falck sinh ngày 11/7/1953 tại khu Enskede của thủ đô Stockholm. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông của Đại học Stockholm, Falck được nhận vào làm việc tại nhật báo Dagens Nvhter, rồi một thời gian sau chuyển sang làm việc tại Đài Truyền hình quốc gia. Năm 1981, khi chương trình truyền hình có tên gọi Rapport của Đài Truyền hình quốc gia ra đời, Falck là một trong những nhà báo đầu tiên làm việc với chương trình này cho đến khi mất tích vào tháng 11/1984 và được tìm thấy xác vào tháng 5/1985.

Theo điều tra  và kết luận của cảnh sát, cái chết của Falck và Grans là một tai nạn. Tối ngày 18/11/1984, sau khi ăn tối và có thể đã uống rượu hay bia tại nhà hàng Ohrns Horn, cả hai quay về nhà bằng chiếc xe Renault của Grans. Do có uống rượu bia nên Grans đã phóng xe với tốc độ nhanh. Và khi đến kênh Hammarby, do không làm chủ được tốc độ nên Grans đã để xe phóng thẳng xuống kênh gây nên vụ mất tích khó hiểu làm xôn xao dư luận. Sau đó do không ai khiếu nại nên cảnh sát đã quyết định xếp lại hồ sơ vụ việc.

Tuy nhiên đến năm 1997, cái chết được cho là do tai nạn của Falck "sống" lại khi vào tháng 4/1997, Cơ quan An ninh Thụy Điển (SSS) và nhật báo Dagens Nvhter nhận được thư nặc danh gửi đến từ Đức có nội dung tố cáo chính Cơ quan Tình báo hải ngoại Đức (BND) đã tổ chức giết hại nhà báo Falck và bạn gái tên Grans vào tháng 11/1984 rồi ngụy tạo thành một vụ tai nạn.

Nội dung bức thư nặc danh còn nói rõ, BND đã cử một nhóm điệp viên có nhiệm vụ đột nhập vào lãnh thổ Thụy Điển để sát hại Falck. Lý do là Falck đã nắm bắt được quá nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến một thương vụ mua bán vũ khí bất hợp pháp giữa Tập đoàn sản xuất vũ khí Bofors của Thụy Điển và phe nổi loạn UNITA tại Angola qua trung gian của BND.

Nội dung bức thư nặc danh còn cho biết BND cũng đã tổ chức giết hại Đô đốc Carl-Fredrik Algernon, chỉ huy cuộc thanh tra về vụ Tập đoàn Bofors bán vũ khí bất hợp pháp tại Angola vào đầu thập niên 80. Algernon bị tàu điện ngầm cán chết vào ngày 18/1/1987 tại thủ đô Stockholm. Lúc đó, cảnh sát nghi vấn đây là một vụ án mạng, nhưng không hiểu vì sao lại kết luận đó là một vụ tự tử.

Đến tháng 6/1998, dưới tác động của dư luận Thụy Điển, nhất là sau khi nhật báo Dagens Nvhter thực hiện một loạt điều tra về cái chết của nhà báo Falck theo nội dung các bức thư nặc danh gửi đến từ Đức, ISS quyết định điều tra lại cái chết của Falck và bạn gái vào năm 1984. Trong khi đó, tại Đức, những thông tin liên quan đến việc BND có dính dáng đến cái chết của nhà báo Falck và Đô đốc Algernon đã khiến Viện Công tố liên bang và Cảnh sát liên bang vào cuộc.

Đến ngày 17/9/2003, một công dân Đức tên Jurgen G., 53 tuổi, bị Cảnh sát Đức bắt giữ tại thủ đô Berlin vì nghi vấn tham gia nhiều vụ ám sát từ năm 1976 đến năm 1987. Bị thẩm vấn, Jurgen thú nhận vốn là điệp viên BND từ năm 1975 đến năm 1991, là thành viên của một đơn vị sát thủ của BND chuyên bí mật thi hành lệnh giết hại và thủ tiêu đối với bất cứ ai làm phương hại đến BND và an ninh quốc gia Đức.

Từ đầu năm 1984, BND bắt đầu "khó chịu" khi loạt phóng sự điều tra về thương vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp giữa Tập đoàn Bofors và phe UNITA ở Angola do nhà báo Falck thực hiện xuất hiện trên chương trình truyền hình Rapport đã thu hút sự quan tâm của dư luận Thụy Điển và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, điều gây nguy hại cho BND là Falck đã tiếp cận và nắm bắt được nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến sự dính dáng của BND trong thương vụ mua bán vũ khí này. Và nếu bị phanh phui và sau đó bị nhà chức trách Thụy Điển điều tra thì quả là một tai tiếng lớn nên BND quyết định thanh toán Falck. Một tổ sát thủ của BND, trong đó có Jurgen, được lệnh thâm nhập vào lãnh thổ Thụy Điển dưới lốt khách du lịch mang giấy thông hành Đan Mạch và Phần Lan, tìm cách tiếp cận Falck để giết hại rồi thủ tiêu nhà báo này.

Sau một thời gian dài theo dõi, tối ngày 18/11/1984, tổ sát thủ của BND đã đầu độc Falck và bạn gái khi cả hai đang ăn tối tại nhà hàng Ohrns Horn, sau đó đưa lên xe của Grans đẩy xuống kênh Hammarby để phi tang. Jurgen còn thú nhận chính tổ sát thủ của y đã giết hại Đô đốc Algernon bằng cách dùng vũ lực đẩy ông xuống đường ray tàu diện ngầm để bị cán chết vào năm 1987.

Vào năm 2007, việc Jurgen được trả tự do trước hạn (chỉ thụ án đúng 6 tháng so với bản án 9 năm tù giam) và việc nhà chức trách Đức vội vã xếp lại hồ sơ vụ án đã gặp sự phản ứng quyết liệt không chỉ tại Thụy Điển mà còn tại Đức. Nhiều người cho rằng Chính phủ Đức muốn xếp nhanh chóng vụ việc do lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của BND, một trong những cơ quan tình báo hàng đầu của thế giới, một khi được điều tra đến nơi đến chốn

Văn Hòa (theo Spy Eyes)
.
.