Vụ trả thù giúp bạn tại Tây Ninh: Bản án tử nhiều dấu lặng

Thứ Tư, 04/12/2013, 12:40

Sáng 28/11, phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Ánh (26 tuổi) cùng 3 tên đồng bọn phạm tội giết người diễn ra rất kịch tính. Cách đây gần 3 tháng, tòa sơ thẩm tỉnh Tây Ninh tuyên tên này với vai trò đầu vụ mức án cao nhất trong Bộ luật Hình sự Việt Nam – án tử hình, các tên còn lại tùy mức độ, hành vi phạm tội mà nhận bản án từ 16 năm tù đến chung thân. Sợ chết cũng như sợ phải ngồi tù “mọt gông”, cả 4 tên cùng nhau… chống án.

Trước giờ xử, bà Nguyễn Thị Thu, mẹ và là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tử tội Nguyễn Minh Ánh miệng lúc nào cũng lẩm nhẩm cầu trời khấn Phật cho con được sống. Đồng thời, bản thân Ánh cũng lạc quan tin rằng tòa phúc thẩm sẽ công minh hơn tòa sơ thẩm, sẽ xem xét lại toàn bộ nội dung bản án cũng như đánh giá khách quan bản chất, vai trò của từng bị cáo liên quan đến vụ án mạng mà tuyên giảm án cho mình.

Ấy là chuyện xảy ra trước giờ xử, diễn biến sau khi phiên tòa kết thúc, không khí rất nặng nề. Khi nghe vị chủ tọa tuyên y án sơ thẩm, bà Thu đứng như trời trồng, nước mắt trào tuôn không thôi…

1. Có đến 4 bà mẹ có con trai liên quan đến vụ án “đánh hội đồng để rửa hận giùm đồng nghiệp tại Tây Ninh” nhưng không hiểu sao, nhiều người dự khán dành sự quan tâm đặc biệt đến bà Thu – mẹ tử tội Nguyễn Minh Ánh. Sinh năm 1964, mới ở tuổi 49 mà bà Thu gầy rộc, hốc hác, già sọm như người ở tuổi 60.

Cái sự già nua, tàn tạ được bà lý giải do từ ngày con bị bắt giam, nhất là từ khi tòa sơ thẩm tuyên con án tử hình, bà sống mà như chết, chẳng còn thiết tha bất kỳ điều gì, bà nuốt miếng cơm mà nó cứ nghèn nghẹn ở cổ, đêm nằm thao thức, trằn trọc chẳng thể nào ngủ được. Cứ nghĩ con nằm trong phòng biệt giam đếm từng thời khắc trôi qua hết hy vọng lại thất vọng, rồi bi quan đợi ngày phải đền mạng mà lòng bà đau như cắt.

Bà Thu cho biết sau hơn 20 năm chung sống, vợ chồng bà (ông Nguyễn Văn Trắng, 47 tuổi, cùng ngụ huyện Hòa Thành, Tây Ninh) chỉ có một mụn con duy nhất là Nguyễn Minh Ánh: “Nghèo khổ quá  nên vợ chồng tôi chẳng thể nuôi con ăn học đến nơi đến chốn như con người ta. Học đến lớp 6 thì nó nghỉ ngang, ở nhà phụ cha mẹ đi làm thuê làm mướn, lớn lên thì đi làm công nhân. Nó là đứa con có hiếu, biết lo lắng, đỡ đần cho mẹ cha nên vợ chồng tôi rất mừng, tuổi già chỉ biết nương tựa vào nó. Vậy mà bây giờ…”.

Hỏi vì sao đứa con trai duy nhất của mình bị tòa tuyên án tử hình, bà Thu sụt sùi khóc, trả lời ngắn gọn vì nó tham gia đánh và lỡ làm chết người ta. Trong thâm tâm người mẹ, bà Thu tin con mình không phải là kẻ nhẫn tâm đến mất hết tính người để tòa sơ thẩm phải tuyên loại bỏ khỏi đời sống xã hội, bởi nó chưa từng hành hung, đánh đập ai bao giờ.

Ba bà mẹ còn lại cũng có cùng hoàn cảnh cơ hàn, cùng ngụ huyện Châu Thành (Tây Ninh), cùng có 3 đứa con cùng làm thuê làm mướn chưa vợ con, chưa từng có tiền án, tiền sự vốn là đồng phạm với đứa con trai duy nhất của bà Thu, cũng có cùng tâm sự ấy. Họ kể đang yên lành, khi hay tin con can án giết người, cả thảy đều rụng rời, bần thần, có người chết lặng và có người không tin chuyện ấy có thật, chỉ mong rằng người ta báo tin sai, hay các chú Công an bắt nhầm con mình.

Bà Nguyễn Thị Giang - mẹ của bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa (tự Chó con) từ đầu đến cuối phiên tòa chỉ biết khóc và khóc khi nghĩ đến tương lai của đứa con mới 19 tuổi phải gánh bản án tù chung thân cho tội danh giết người.

2. Nguồn cơn dẫn đến cuộc hạnh ngộ của 4 bà mẹ đáng thương kia tại chốn công đường bắt nguồn từ mối hiềm khích giữa hung thủ đầu vụ Nguyễn Minh Ánh và nạn nhân Cao Văn Trung, 60 tuổi, người tỉnh Ninh Bình. Một tối tháng 5, Ánh khi ấy đang là phụ hồ cho công trình xây dựng Trường THCS Long Khánh (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) bị ông Trung là bảo vệ công trình phát hiện Ánh tiểu bậy gần lán trại nơi mình ngủ, nên la rầy.

Ấm ức trong lòng nên tối đến, khi ngồi uống rượu với đám bạn, Ánh kể sự việc và rủ các bạn nhậu cùng nhau đi đánh dằn mặt ông Trung cho bõ ghét. Tuổi trẻ ngông cuồng lại sẵn có hơi men nên Nghĩa cùng 2 chiến hữu cùng mâm là Huỳnh Thanh Tỉ (21 tuổi) và Lê Trường An (20 tuổi) hung hăng… xông trận.

Sau khi lên kế hoạch, vào khoảng 23 giờ ngày 13/5/2013, như đã giao hẹn, đích thân Nguyễn Minh Ánh lấy 3 đoạn cây tràm khô đưa cho đồng bọn làm hung khí (riêng An đi tay không, không cầm hung khí - PV) và dẫn “cả bọn” đến nơi ông Trung đang nằm ngủ. Xác định được “mục tiêu”, Nghĩa hăng hái tiên phong bổ cây. Đang ngủ bỗng dưng bị phang một cú chí mạng, ông Trung vùng dậy vừa bỏ chạy vừa kêu cứu và được đồng nghiệp là Lã Văn Tú lao ra ứng cứu.

Trong lúc ông Tú bận chống đỡ với màn đánh hung hăng của Huỳnh Thanh Tỉ thì Nghĩa - Ánh - An truy đuổi và xông vào đánh hội đồng, đứa đấm đá, đứa cầm gạch đập vào mặt ông Trung...--PageBreak--

Tài liệu điều tra của Cơ quan Công an cho biết, đang lúc đồng bọn là Nghĩa, An đánh đập ông Trung thì Ánh quay sang hỗ trợ Tỉ bằng cách lấy cây sắt bổ xuống đầu ông Tú 2 cái. Nếu không nhanh chân chạy thoát, chắc hẳn ông Tú cũng khó mà giữ được mạng sống. Khi ông Tú tháo chạy, Ánh - Tỉ quay lại hiệp lực với Nghĩa - Tú, dùng cây tại công trình phang vào người nạn nhân Cao Xuân Trung: “Ông Trung van xin đừng đánh nữa nhưng Ánh -Nghĩa - Tỉ vẫn tiếp tục đánh đến khi ông bất động thì cả nhóm bỏ đi”.

Giám định của Cơ quan Công an cho thấy nạn nhân Cao Xuân Trung tử vong do chấn thương sọ não, nạn nhân Lã Văn Tú tổn hại sức khỏe 4%.

Có thể lúc bình thường, bị cáo Nguyễn Minh Ánh cùng 3 tên đồng bọn gồm Nghĩa - Tỉ và An rất hiền nhưng khi có mâu thuẫn với ai đó, từ trong sâu thẳm, bản tính hung hăn trong chúng trỗi dậy. Và khi có “ma men” đưa lối dẫn đường, bản tính ấy trong chúng được thúc giục và sớm biến chúng thành những kẻ hung đồ, máu lạnh, có khi mất hết tính người. Dẫu như thế nào thì tội ác ấy do chúng gây nên, chúng không thể đổ lỗi do “ma men” dẫn lối.

Trên cơ sở xác định hành vi phạm tội của từng đứa trong chúng, đặc biệt xét thấy bị cáo đầu vụ Nguyễn Minh Ánh quá manh động, nhẫn tâm, mất hết tính người, không còn có khả năng cải tạo nên tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. Nghĩa chịu án chung thân và Tỉ - An đứa nhận 18 năm 9 tháng tù giam, đứa thì 16 năm tù.

3. Sau án tuyên của tòa sơ thẩm, ngày 11/9, từ trong trại giam, Nguyễn Minh Ánh viết đơn gửi lãnh đạo Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khiếu nại liên quan đến vụ án của mình. Ở trình độ lớp 6/12, lá đơn của Ánh sai chính tả be bét, từ đầu đến cuối không có chấm phẩy mà viết tràng giang đại hải, viết một lèo từ đầu đến cuối.

Trong đơn, Ánh viết mình không có chủ đích đánh hay sát hại nạn nhân Cao Xuân Trung mà do bị kích động và chỉ dùng gạch đập vào người nạn nhân nhưng không rõ trúng ở đâu. Ánh đổ vấy tội cho đồng bọn Nguyễn Trọng Nghĩa bởi Nghĩa là kẻ hăng hái nhất, hung hãn nhất và chính Nghĩa là kẻ đã tiên phong bổ gậy vào người ông Trung…

Nếu như Nguyễn Minh Ánh kháng cáo vì sợ phải đền mạng thì 3 tên còn lại viết đơn từ trại giam với nội dung ngắn gọn, chúng chỉ xin được giảm án để sớm có cơ hội đoàn tụ gia đình, trả hiếu cho mẹ cha. Không chỉ nói điều ấy trong đơn, lúc được nói lời sau cùng tại tòa phúc thẩm, chúng cũng nói như vậy. Như bị cáo  đầu vụ Nguyễn Minh Ánh, bộ ba Nghĩa - Tỉ - An đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận rằng chúng không có chủ đích giết hại nạn nhân Cao Xuân Trung, rằng việc nạn nhân tử vong xảy ra là ngoài ý muốn của chúng và chúng rất hối hận vì điều đó.

Có tham dự từ đầu đến cuối phiên xét xử, mới thấy rằng tòa phúc thẩm đã rất nghiêm cẩn khi xét xử vụ trọng án kể trên khi đã xem xét hành vi, mức độ vi phạm của từng đối tượng, đồng thời cân nhắc những tình - lý, các yếu tố giảm nhẹ để có thể tha tội chết cho đầu vụ Nguyễn Minh Ánh cũng như giảm án cho các tên đồng phạm. Nhưng tiếc rằng tất cả  những gì có thể gia chiếu cho chúng, tòa sơ thẩm đã áp dụng.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử nhận thấy chúng vẫn chưa nhận rõ lỗi lầm của mình khi vẫn đổ lỗi cho nhau, đặc biệt đối tượng Nguyễn Minh Ánh là kẻ lớn tuổi nhất trong bọn, là kẻ khơi gợi vụ đánh trả thù, là kẻ cung cấp hung khí, chỉ điểm và truy đuổi, hành hung nạn nhân quyết liệt… nhưng không thấy rõ hành vi sai trái của mình… Vì những lý do đó, thay mặt Hội đồng xét xử, vị chủ tọa tuyên tất cả y án sơ thẩm.

Phiên tòa khép lại trong không khí nặng nề. Bốn người mẹ đứng như trời trồng, nhìn theo bóng dáng của 4 đứa con lầm lũi đi về phía xe đặc chủng. Họ, những người mẹ khổ đau ấy, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Thu – mẹ tử tội Nguyễn Minh Ánh, rồi đây sẽ vượt qua cú sốc quá lớn trong đời mình, sẽ sống ra sao nếu như một ngày không xa, lá thư xin được ân xá của con trai mình không được xem xét. Đành rằng “mũi dại thì lái phải chịu đòn” nhưng như bà Thu tâm sự, bà đã làm gì để phải chịu nỗi oan nghiệt, đớn đau ngoài sức chịu đựng ấy?!

T.Phúc Trinh
.
.