Vụ trộm báu vật ở Bảo tàng Mái Vòm Xanh
Bảo tàng được đặt tên như vậy là mái vòm bên trong bảo tàng được trang trí bằng đá khổng tước màu xanh. Người ta ước tính rằng những báu vật bị đánh cắp giá trị có thể đến 1 tỷ euro. Các phương tiện truyền thông nói rằng đây là vụ trộm lớn nhất ở nước Đức từ sau Thế chiến thứ 2.
Những báu vật “độc nhất vô nhị”
Lúc 5 giờ sáng ngày 25 tháng 11 một trạm phân phối điện ở gần bảo tàng đã đột nhiên bốc cháy làm cho hệ thống cảnh báo bị mất tác dụng và làm cho khu vực lân cận bảo tàng rơi vào bóng tối. Tuy nhiên dù bị mất điện camera giám sát vẫn kịp ghi được cảnh hai tên trộm đột nhập vào trong bảo tàng.
Theo ông Volker Lange, giám đốc Sở cảnh sát Dresden, những tên trộm đã cắt hàng rào, sau đó đập vỡ kính cửa sổ rồi đột nhập vào bên trong bảo tàng. Những tên trộm đã phá tủ trưng bày chứa các bảo vật.
Bảo tàng Mái Vòm Xanh. |
Nhân viên an ninh trong bảo tàng đã chứng kiến toàn bộ quá trình bọn trộm hành động thông qua camera giám sát với nguồn điện riêng. Theo quy trình ứng phó khẩn cấp của bảo tàng, nhân viên an ninh không có vũ trang phải báo ngay tình hình cho cảnh sát mà không được tự động can thiệp vào vụ việc.
Sau khi nhận được tin báo, khoảng 10 phút sau cảnh sát đã đến hiện trường nhưng những tên trộm đã kịp thời tẩu thoát. Cảnh sát cho biết, sáng ngày hôm đó một chiếc xe bị đốt cháy đã được tìm thấy ở Dresden, chiếc xe này có khả năng là một trong những phương tiện chạy trốn của bọn trộm.
Cảnh sát đã lập rào chắn trên các con đường tiếp cận đường cao tốc quanh thành phố với hy vọng ngăn chặn đường thoát của bọn trộm nhưng vì bảo tàng rất gần với đường cao tốc nên có thể những tên trộm đã biến mất không một dấu vết trước khi cảnh sát thiết lập hàng rào ngăn chặn chúng.
Bọn trộm đã lấy đi ba báu vật, theo tin tức của Bộ sưu tập nghệ thuật quốc gia Dresden (SKD) thì ba vật báu bị đánh cắp được làm bằng hồng ngọc, ngọc bích và kim cương. Đó là Huy chương Đại bàng trắng Ba Lan; phù hiệu đính trên vai áo quân phục bằng kim cương và một thanh kiếm đính 770 viên kim cương. Những báu vật này được cho là cực kỳ giá trị.
3 vật báu của bảo tàng bị đánh cắp. |
Theo tin của truyền thông Đức, tổng giá trị của ba vật báu bị đánh cắp có thể vượt quá 1 tỷ euro. Ông Marion Ackermann, giám đốc của Bộ sưu tập nghệ thuật quốc gia ở Dresden nói rằng tiền không thể dùng để tính giá trị của những vật báu này: “Chúng ta không thể tính được giá trị của những vật báu này bởi vì những vật báu này không thể mua được”.
Ông Marion Ackermann nói như vậy trong một cuộc họp báo và kêu gọi những tên trộm không nên tháo dỡ các báu vật này để bán đi vì giá trị vật chất không phản ánh ý nghĩa lịch sử của nó.
Bên trong một kho báu
Bảo tàng Mái Vòm Xanh là một bộ phận của cung điện Hoàng gia Dresden được xây dựng vào ngày 2 tháng 8 năm 1723. Trong Thế chiến thứ hai, bảo tàng Mái Vòm Xanh đã bị hư hại nặng nề, ba phòng trưng bày đã bị phá hủy bởi những vụ đánh bom của quân Đồng minh và sau đó nhiều báu vật trong bảo tàng cũng bị quân đội các nước mang về nước cho mãi đến năm 1958 họ mới lần lượt trả lại, lúc đó là cho Cộng hòa Dân chủ Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa các quan khách tới thăm bảo tàng Mái Vòm Xanh. |
Năm 2009, bảo tàng kho báu Mái Vòm Xanh đã được mở cửa trở lại sau khi trùng tu. Bảo tàng có khoảng 3.000 hiện vật được trưng bày trong 10 phòng, lần này phòng trưng bày báu vật đã bị đánh cắp.
Ông Dirk Syndram, người phụ trách Bảo tàng Kho báu Mái Vòm Xanh cho biết: "Ở Châu Âu, không có bất cứ nơi nào vật báu Hoàng gia được bảo tồn chất lượng như ở đây." Ông nói rằng bảo tàng sẽ có kế hoạch công bố kịp thời những đồ vật bị đánh cắp và hy vọng chúng sẽ được thu hồi về”.
Nhà sử học Vivienne Becker cho biết bộ sưu tập của Bảo tàng Mái Vòm Xanh chứa những đồ trang sức độc nhất vô nhị từ thế kỷ 18, thời kỳ mà các nghệ nhân châu Âu mới chỉ bắt đầu sử dụng kim cương trong chế tác nghệ thuật. "Không có thứ gì trên thế giới giống như thế", bà nói: "Chúng là biểu tượng cho thành tựu cao nhất của con người tại thời kỳ đó".
Suy đoán về động cơ của kẻ trộm
Một số chuyên gia nổi tiếng thế giới cũng đã phân tích động cơ của bọn trộm. Ông Arthur Brand, một thám tử nghệ thuật người Hà Lan nói rằng rất có khả năng những tên trộm lấy cắp những báu vật này để đem bán nhưng bọn chúng sớm nhận ra rằng việc này là quá khó.
Bên trong Bảo tàng Mái Vòm Xanh Dresden. |
"Trường hợp thứ hai đồng thời cũng là tình huống tồi tệ nhất khi những tên trộm chuyên nghiệp chỉ muốn có được giá trị nguyên liệu của những viên ngọc này, nghĩa là chúng sẽ tách rời kim cương, vàng và bạc để bán". Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tờ “Tấm Gương”, ông Arthur Brand còn nói: "Một khi những vật báu này bị bọn trộm tháo dỡ thì tất nhiên là chúng sẽ mãi mãi biến mất".
Ông Bernhard Pacher, quản lý của nhà đấu giá lịch sử Hermann Historyica ở Munich Đức nói với phóng viên tờ “Báo ảnh” rằng nếu những báu vật bị đánh cắp thực sự trị giá 1 tỷ euro theo ước tính thì ngay cả sau khi chúng bị tháo dỡ vẫn có thể bán được từ 100 đến 200 triệu euro.
Bà Monika Grütters, Ủy viên văn hóa và truyền thông của Chính phủ Liên bang Đức nói rằng những tên trộm đã đánh cắp những vật báu mang tính biểu tượng đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta, đây là một điều rất đáng buồn. Bà kêu gọi chính phủ phải tăng cường các biện pháp an ninh tại các bảo tàng và các cơ sở văn hóa.
Ông Ackerman nói rằng sau vụ trộm này, vấn đề an ninh của tất cả các bộ sưu tập nghệ thuật công cộng sẽ được kiểm ra kỹ lưỡng. "Câu hỏi được đặt ra là khi xảy ra sự cố như vậy thì điều gì có thể được cải thiện? Trong tương lai điều gì có thể được thay đổi?". Ông Ackerman nói, "Nhưng cũng không thể an toàn tuyệt đối".
Nạn trộm cắp báu vật ở Châu Âu
Hiện tại, cảnh sát đã thành lập một nhóm hoạt động đặc biệt để điều tra vụ án và kêu gọi các nhân chứng cung cấp thông tin liên quan. Cảnh sát tin rằng bọn trộm không chỉ có hai tên và bọn chúng đã quen thuộc những báu vật trong bảo tàng. Cảnh sát Dresden cũng đã liên lạc với cảnh sát Berlin để xác định xem vụ trộm này có liên quan đến các vụ trộm trước đó ở Berlin hay không.
Cảnh sát tiến hành điều tra. |
Năm 2017, một đồng tiền xu bằng vàng nặng 100kg của Bảo tàng Bode ở Berlin đã bị đánh cắp. Mặc dù cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm nhưng đồng tiền bằng vàng này vẫn chưa thu hồi được, người ta đoán rằng đồng tiền vàng này đã bị bọn tội phạm nung chảy để bán.
Vụ trộm ở Bảo tàng Mái Vòm Xanh đã dấy lên các cuộc thảo luận về biện pháp bảo vệ các di tích văn hóa và các vật báu. Trên thực tế là việc các báu vật ở Châu Âu những năm gần đây liên tục bị bọn trộm cắp hỏi thăm.
Tháng 4 năm 2017, một chiếc vương miện đính 367 viên kim cương của bảo tàng nhà nước ở Karlsruhe, bang Baden-Wurmern, Đức đã bị đánh cắp. Chiếc vương miện này được chế tạo đầu thế kỷ 20 và giá trị ước tính là 13 triệu euro.
Tháng 5 năm 2017, một chiếc vương miện của Bảo tàng Fourviere ở Lyon, Pháp cũng bị đánh cắp. Chiếc vương miện này được đính 1791 viên kim cương và ngọc trai chế tạo từ năm 1899. Nó là báu vật quý giá nhất của Bảo tàng Fourviere.
Tháng 7 năm 2018, hai chiếc vương miện và một quả cầu Vương quyền Hoàng gia được lưu trữ trong một nhà thờ địa phương ở Stranaes gần Stockholm, Thụy Điển đã bị đánh cắp. Hai chiếc vương miện này là của các vị vua và hoàng hậu Thụy Điển hồi thế kỷ 17.
Tháng 11/2018, Bảo tàng Portland ở Nottinghamshire, Anh cũng bị mất một chiếc vương miện đính kim cương trị giá hàng triệu euro. Cho đến hôm nay vẫn chưa có báu vật nào được thu hồi, người ta đoán rằng những báu vật đó đã bị bọn tội phạm tháo dỡ đem bán trên thị trường chợ đen…
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù ngày nay nhiều bảo tàng áp đã dụng công nghệ cao để giám sát và bảo vệ nhưng trường hợp mất trộm ở Bảo tàng Mái Vòm Xanh cho thấy những tên trộm lại chỉ cần sử dụng các công cụ và kỹ thuật đơn giản để thực hiện thành công các vụ trộm. Điều này cho thấy việc nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm phối hợp với tăng cường nhân lực có thể là biện pháp để cải thiện hiệu quả bảo vệ báu vật.
Một phương tiện truyền thông phân tích rằng việc các bảo tàng bị mất trộm thường xuyên có liên quan đến tình trạng an sinh xã hội hiện nay ở châu Âu. Kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và khủng hoảng tị nạn, khoảng cách giàu nghèo ở một số nước châu Âu đã được kéo dài thêm, vấn đề hội nhập xã hội và các vấn đề khác đã dẫn đến sự suy yếu nền an ninh công cộng cho nên tệ nạn trộm cắp gia tăng.