Xét xử nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình và đồng phạm:

Hậu quả nặng nề nhưng mức án đề nghị không cao

Thứ Hai, 02/07/2018, 14:06
Tại toà bị cáo Đặng Thanh Bình không nhận tội. Theo VKS, đáng lý phải xét xử bị cáo ở khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù nhưng xét bị cáo có thời gian cống hiến cho Nhà nước, nhân thân tốt nên giảm nhẹ cho một phần hình phạt. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình với mức án từ 4-5 năm tù.

Sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 25 đến 28-6), phiên toà xét xử vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB) đối với các ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN), Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An; tổ trưởng giám sát VNCB), Hà Tấn Phước (55 tuổi, nguyên Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Long An; nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát ngân hàng (NH) Đại Tín/ VNCB), Phạm Thế Tuân (63 tuổi, nguyên Tổ phó Tổ giám sát VNCB), Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên Tổ viên Tổ giám sát ngân hàng Đại Tín/ VNCB) đã xong phần xét hỏi, tranh tụng, đối đáp công khai giữa đại diện VKS và các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều ngày 2-7 tới.

Nguyên Phó Thống đốc chối bỏ trách nhiệm

Ông Đặng Thanh Bình cùng 4 thuộc cấp bị Viện kiểm sát (VKS) quy buộc có hành vi "thiếu trách nhiệm...", tạo điều kiện cho Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Từ phải qua: Các bị cáo Đặng Thanh Bình, Lê Văn Thanh, Hà Tấn Phước, phạm thế Tuân, Ngô Văn Thanh.

Quá trình xét hỏi tại toà, ông Bình phủ nhận mọi cáo buộc của VKS. Theo ông Bình, với chức trách, nhiệm vụ được giao, căn cứ trên các quy định pháp luật, bản thân ông đã thực hiện đầy đủ, làm đúng và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo NHNN. "Việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, khó khăn nên bao giờ cũng đưa ra tập thể để cùng nhau kết luận, thống nhất. Bản thân tôi và cả Thống đốc cũng không có quyền quyết định trong những vấn đề quan trọng", ông Bình nói.

Về trách nhiệm đối với sự thất thoát tài sản tại VNCB, ông Bình cho rằng có trách nhiệm của Tổ giám sát, NHNN chi nhánh Long An, Cơ quan thanh tra giám sát. Ông chỉ chịu trách nhiệm quản lý chung...

Luật sư của ông Bình nêu quan điểm việc VKS truy tố ông Bình là không có căn cứ pháp luật, đề nghị HĐXX tuyên ông Bình không phạm tội.

Khác với thái độ của cấp trên, các bị cáo Lê Văn Thanh, Hà Tấn Phước, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh đều thừa nhận quá trình thực hiện nhiệm vụ có thiếu sót dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB.

Bật khóc khi VKS thẩm vấn, bị cáo Lê Văn Thanh khai công việc ở tổ giám sát rất mới mẻ. Về cơ chế, nhiệm vụ công tác tại tổ giám sát thì chỉ có duy nhất Quyết định 12 chứ không có hướng dẫn, quy trình nên ông và các thành viên khác chỉ căn cứ vào đó để triển khai. Chưa có hướng dẫn nào nói phải làm như thế nào tại đơn vị giám sát.

Các thành viên chỉ giám sát theo các quy định của ngành ngân hàng, do đó chỉ giám sát thông qua kết quả báo cáo chứ không thể thanh tra, giám sát tại đơn vị. Tổ giám sát không được quyền nghiên cứu, xác minh các đơn vị bên ngoài. Điều này trong từng báo cáo, kiến nghị tổ giám sát đã báo cáo rất rõ... Trong phần bào chữa cho các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Ngô Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, các luật sư đều đề nghị HĐXX xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Viện kiểm sát khẳng định đủ cơ sở buộc tội

Theo VKS, từ kết quả thẩm vấn công khai tại toà cho thấy toàn bộ chứng cứ thu thập trong vụ án được thực hiện đúng trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự, đủ cơ sở để truy tố ông Bình và các bị cáo khác có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như cáo trạng đã quy kết.

Cụ thể, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN trình Thủ tướng Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Phạm Công Danh. Vì vậy, để có tiền Phạm Công Danh đã thực hiện các hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng NH như một phương tiện phạm tội, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Tại toà bị cáo Bình không nhận tội. Theo VKS, đáng lý phải xét xử bị cáo ở khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù nhưng xét bị cáo có thời gian cống hiến cho Nhà nước, nhân thân tốt nên giảm nhẹ cho một phần hình phạt. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình với mức án từ 4-5 năm tù.

Đối với các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Ngô Văn Thanh, Phạm Thế Tuân,  theo VKS, nếu trong quá trình giám sát nếu các bị cáo làm đúng, làm hết trách nhiệm sẽ không để xảy ra hậu quả vụ án như ngày hôm nay.  

Theo Quyết định số 12, nếu các bị cáo làm đúng, làm hết trách nhiệm thì dù tiền có ra khỏi ngân hàng vẫn có thể được thu hồi kịp thời, trả lại cho ngân hàng. Phạm Công Danh cũng khó rút tiền ra để sử dụng. Tuy nhiên, VKS cũng xét các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội trong điều kiện cơ chế giám sát chưa hoàn thiện, kiêm nhiệm nhiều công việc, Phạm Công Danh cố tình thực hiện hành vi phạm tội... nên đề nghị xử phạt các bị cáo với mức án từ 24 - 36 tháng tù.

A.Huy
.
.