Xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm

Thứ Tư, 30/04/2014, 19:30

Sáng 22/4, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án "tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

9 bị cáo, 16 luật sư bào chữa

Trong số 10 bị cáo đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án cuối năm 2013, chỉ có Bùi Thị Bích Loan, nguyên Trưởng ban Tài chính - Kế toán Vinalines bị tuyên án 4 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 6 tỉ  đồng không làm đơn kháng cáo. Vì vậy tại phiên tòa này, có 9 bị cáo được đưa xét xử là:

- Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GT-VT.

- Mai Văn Phúc, nguyên TGĐ Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GT-VT.

- Trần Hải Sơn, nguyên TGĐ Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines.

- Trần Hữu Chiều, nguyên Phó TGĐ Vinalines.

- Mai Văn Khang, nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (thuộc Vinalines).

- Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa.

Dự kiến phiên xét xử kéo dài 3 ngày. Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Sơn (thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội). Phiên tòa có tất cả 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó 3 luật sư là Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) sẽ bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng.

Trước đó tại phiên xét xử sơ thẩm cuối năm 2013, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt:

- Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc: tử hình, hoàn trả cho Nhà nước 10 tỉ  đồng đã tham ô và 100 tỉ đồng gây thiệt hại do cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

- Trần Hải Sơn: 22 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 7 tỉ  858 triệu đồng đã tham ô và 39 tỉ đồng gây thiệt hại do cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

- Trần Hữu Chiều: 19 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 340 triệu đồng đã tham ô và 39 tỉ đồng gây thiệt hại do cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

- Mai Văn Khang: 7 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 12 tỉ đồng.

- Lê Văn Dương: 7 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 15 tỉ 721 triệu đồng.

Bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

- Huỳnh Hữu Đức: 8 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 9 tỉ đồng.

- Lê Ngọc Triện: 8  năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 9 tỉ đồng.

- Lê Văn Lừng: 8 năm tù, hoàn trả cho Nhà nước 9 tỉ đồng.

Dù bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình nhưng tại đơn kháng cáo của mình thì cả bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều kháng cáo kêu oan về tội "Tham ô". Trước đó, trong phần xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng luôn khẳng định mình không tham ô, không nhận tiền từ bị cáo Trần Hải Sơn và "đến chết trong tù bị cáo cũng không bao giờ nhận tội này".

Khi được nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng vẫn khẳng định: "Về tội tham ô tài sản thì bị cáo hoàn toàn không biết khoản tiền 1,666 triệu USD và không chỉ đạo ai làm việc này. Thực tình là không nhận đồng nào anh Sơn đưa cho. Đây là việc oan cho bị cáo. Mong Hội đồng xét xử hết sức xem xét kỹ lưỡng cho bị cáo".

Còn bị cáo Mai Văn Phúc đã bật khóc trước tòa và nói: "Bị cáo chỉ một lần được gặp ông Goh (Giám đốc Công ty AP, bên bán ụ nổi 83M cho Vinalines) và không có bàn bạc gì. Quá trình từ khi triển khai dự án đến khi kết thúc dự án, bị cáo hoàn toàn không một lần nào khác gặp ông Goh và cũng không nhớ mặt… Bị cáo mới vừa về công ty được hai tháng trời đã phải ký trình rất nhiều, để dẫn tới ngày hôm nay bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa. Bị cáo cảm thấy thực lòng rất oan uổng cho bị cáo. Mong tòa xem xét ai là người nhận số tiền đó. Nếu đã rõ ràng thì tòa có buộc tội bị cáo nặng hơn gấp 10 lần, bị cáo cũng chấp nhận…".

Gia đình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã nộp 8,2 tỉ đồng khắc phục hậu quả

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, tháng 2-2006, mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ GT-VT cũng chưa bổ sung Dự án xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, nhưng Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinalines vẫn ra nghị quyết giao cho TGĐ Vinalines triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam.

Ngày 3/5/2007, Mai Văn Phúc, lúc này là TGĐ Vinalines, ký quyết định thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) do Trần Hữu Chiều làm Trưởng ban, Trần Hải Sơn làm Phó ban, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang và một số lãnh đạo các phòng, ban liên quan làm thành viên.

Ngày 15/6/2007, Mai Văn Phúc ký tờ trình đề nghị HĐQT Vinalines ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng. Mặc dù biết việc đầu tư dự án trên 1.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền Thủ tướng, nhưng ngày 27/6/2007 Dương Chí Dũng, lúc này là Chủ tịch HĐQT Vinalines, vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt một ụ nổi có sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn; sau đó lại ký quyết định nâng mức đầu tư dự án lên 19,5 triệu USD.

Ngày 27/7/2007, Mai Văn Phúc ký quyết định thành lập đoàn khảo sát do Trần Hữu Chiều dẫn đầu đi khảo sát ụ nổi 83M tại cảng Nakhodka (Liên bang Nga). Nhưng khi sang Nga, đoàn khảo sát không làm việc với đại diện Nhà máy Nakhodka mà chỉ tiếp xúc, giao dịch với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP.

Qua khảo sát, các thành viên đều biết chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka, Công ty AP chỉ là môi giới; ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều không còn hoạt động và bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka đưa ra giá để đàm phán là 5 triệu USD.

Khi về Việt Nam, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn trực tiếp đến gặp  Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc báo cáo các thông tin trên, nhưng cả Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo "phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP, không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka".

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn gặp Lê Văn Dương, đăng kiểm viên và cùng tham gia khảo sát, đề nghị giúp Vinalines hợp thức thủ tục mua ụ nổi 83M…

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, tính đến ngày 17/5/2012 (thời điểm khởi tố bị can, khởi tố vụ án), ngân sách nhà nước đã phải chi 525.548.934.291 đồng cho các hành vi sai phạm mà Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và đồng phạm gây ra. Tổng thiệt hại do sai phạm này là 366.930.032.432 đồng. 

Theo cáo trạng, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều được Công ty AP "lại quả" tới 1,666 triệu USD.

Ngày 18/6/2008, sau 5 ngày nhận được tiền bán ụ nổi 83M, Công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD vào tài khoản của Công ty Phú Hà, công ty này là của em gái Trần Hải Sơn, Sơn mượn tài khoản để nhận tiền. Số tiền này sau đó em gái Sơn đã đổi thành 28.198.379.058 đồng giao cho Sơn. Sơn đã đưa cho Dương Chí Dũng 10 tỉ đồng; đưa cho Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng; đưa cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, số còn lại đút túi, trong đó cho em gái 2 tỉ đồng.

Sau khi TAND TP Hà Nội tuyên án, 9 bị cáo đã làm đơn kháng án. Mới đây, gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 4,7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả; gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp được 3,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện cũng chưa thể xác định rõ đây là khoản tiền khắc phục cho hành vi phạm tội "Tham ô" hay "Cố ý làm trái". Bởi với tội danh "Tham ô", Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người bị tuyên phải bồi thường 10 tỉ đồng, nhưng với tội "Cố ý làm trái", số tiền mỗi bị cáo phải bồi thường lên tới 100 tỉ đồng

Nguyễn Thiêm
.
.