Xung quanh vụ án lây nhiễm HIV gây chấn động thế giới

Thứ Tư, 03/01/2007, 14:00

Vụ án gây kinh hoàng này đã được đem ra xét xử từ nhiều năm qua. 5 y tá người Bulgaria và 1 bác sĩ Palestine bị buộc tội làm lây nhiễm AIDS cho 426 đứa trẻ Lybia trong một bệnh viện nhi đồng. Cuối cùng các bị cáo đã bị kết án tử hình. Trong khi đó, quan hệ ngoại giao - và luật Shariah của Hồi giáo - có đủ sức cứu mạng họ?

Nhà vi trùng học người Pháp Luc Montagnier, 73 tuổi, từng chứng kiến biết bao sự khổ đau trong suốt quãng đời hành nghề y của mình, và ông hầu như lúc nào cũng kêu gọi con người chống lại bệnh dịch thế kỷ này. Kết quả là mọi tổ chức y tế cũng như chính quyền các nơi đều ra sức phòng chống dịch bệnh này. Tuy nhiên, trong một lần viếng thăm Bệnh viện Nhi đồng Fatih ở thành phố Benghazi của Libya vào năm 2002, Luc Montagnier đã bị sốc mạnh khi chứng kiến điều kiện vệ sinh phòng dịch hết sức tồi tệ tại đây. Hậu quả là hàng trăm trẻ em bị lây nhiễm HIV do y, bác sĩ bệnh viện không chịu vô trùng kim tiêm hoặc cách ly những bệnh nhân bị nhiễm virus.

“Quả là bi kịch”, Montagnier thốt lên. Năm 2004, phiên tòa xét xử đầu tiên ở Tripoli đã tuyên án tử hình đối với 6 can phạm là y, bác sĩ bệnh viện, và phiên tòa thứ hai năm 2006 cũng tuyên y án vào ngày 15/12/2006. Tòa án Tripoli cũng yêu cầu khoản tiền bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân là 10 triệu USD (nhưng Chính phủ Bulgaria đã bác bỏ án phạt này, cho rằng như thế chẳng khác nào thừa nhận tội ác của 5 y tá).

Theo Viện Công tố, các bị cáo này đã làm lây nhiễm virus đến hơn 400 đứa trẻ Libya và hơn 40 em trong số đó đã chết. Báo chí Libya đã lên tiếng về vụ án nghiêm trọng này, gọi là “AIDS scandal”, gây chấn động dư luận thế giới. George Joffe, chuyên gia về Bắc Phi của Đại học Cambridge nói: “Bản án mang lại cho Kaddafi khả năng mạnh mẽ đối với những cuộc thương lượng đòi tiền bồi thường, và... nó cũng là cách để dỗ dành các gia đình nạn nhân”.

Các y tá làm việc cho... CIA?

Khi scandal nổ ra, các gia đình nạn nhân đã thu thập chữ ký người dân để gây sức ép buộc lãnh đạo Libya, Muammar Kaddafi, phải mạnh tay với thủ phạm. Ngoài 5 y tá người Bulgaria và bác sĩ người Palestine, Kaddafi còn cho bắt giữ một số nhân viên bệnh viện thuộc các quốc tịch Phillipines, Ba Lan, Hungary và Bulgaria vì nghi ngờ họ đã tổ chức kế hoạch làm lây nhiễm virus. Sau đó, 9 bác sĩ  Libya được trả tự do. Người ta còn nghi ngờ các y tá này làm việc cho CIA và cơ quan mật vụ Mossad của Israel, nhưng phương Tây cho đó là sự buộc tội vô lý. Tuy nhiên, sự buộc tội đã biến vụ án HIV thành một vụ án chính trị.

Theo đánh giá của hai nhà vi trùng học Vittorio Colizzi (người Italia) và Montagnier (người Pháp), hơn 200 đứa trẻ bị lây nhiễm HIV đã từng được điều trị ở Rome, Geneva và Pháp và bị nhiễm virus ít nhất nửa năm trước khi số y, bác sĩ Bulgaria đến làm việc trong Bệnh viện Nhi đồng Fatih. Ý kiến của hai chuyên gia đã gây phiền toái cho Kaddafi về mặt chính trị. Phía Libya cũng bị phê phán về tình trạng mất vệ sinh trong hệ thống bệnh viện, cùng với sự thiếu thốn trang thiết bị y tế mặc dù nước này có khoản doanh thu không nhỏ từ dầu hỏa.

Phán quyết tòa án Libya bị phương Tây phản đối

Chính quyền Bulgaria bỏ qua vụ án, vì Sofia không muốn đặt quan hệ kinh tế tốt đẹp với Tripoli vào nguy cơ. Giới lãnh đạo Libya không là khách hàng thân thiết cho thiết bị quân sự của Bulgaria, nhưng có khoảng 25.000 người Bulgaria hợp tác làm việc cho nhà nước sa mạc này. Cuối cùng, cú sốc đã trở nên dữ dội hơn khi Tòa án Tripoli ra phán quyết lần đầu tử hình số y, bác sĩ nghi phạm vào tháng 5/2004.

Theo nhận định của quan chức ngoại giao phương Tây, bản án này giúp cho Kaddafi đạt được mục tiêu: nó như là một hình thức trừng phạt chính sách mới thân Mỹ của Sofia. Về phía mình, Bulgaria buộc phải phát động chiến dịch ngoại giao để cứu lấy tính mạng của 5 y tá. Tổng thống George Parvanov cũng đã bay đến Libya để thương lượng với Kaddafi về số phận của các can phạm.

Ngoại trưởng Abd al-Rahman Shalgam của Libya cho phía Sofia biết: “Chúng tôi muốn giải quyết vụ án thật nhanh chóng”. Pháp luật “Shariah” của Hồi giáo có khả năng giải quyết tình trạng khủng hoảng này: có nghĩa là “trả tiền” thay cho “máu”. Nhờ đó, chính quyền Libya có thể thu hồi phán quyết hoặc cha mẹ những đứa trẻ bị nhiễm HIV có thể yêu cầu Tòa án Tripoli hủy bỏ án tử hình". Sự lựa chọn thật rõ ràng: trả tiền hay là chết! Tuy nhiên, Ngoại trưởng Uvaylo Kalfin của Bulgaria bác bỏ yêu cầu chi trả 10 triệu USD cho mỗi đứa trẻ bị nhiễm virus HIV. --PageBreak--

Giải pháp nào cho khủng hoảng?

Người ta cho rằng Sofia lợi dụng các dự án viện trợ của EU để giải quyết khủng hoảng. Đại diện của Brussels đã ký kết một thỏa thuận theo khởi xướng của Bulgaria nhằm giúp đỡ Libya chữa trị cho các đứa trẻ bị AIDS. Theo đó, Bulgaria và một số quốc gia châu Âu khác sẽ tài trợ cho dự án. Đồng thời phương Tây cũng chịu cam kết huấn luyện cho các bác sĩ Libya về cách chữa trị bệnh nhân AIDS. Một tổ chức của Bulgaria đề nghị dành “những quan hệ tốt đẹp hơn với Libya” cũng sẽ gặp gỡ cha mẹ những đứa trẻ bị nhiễm HIV ở Benghazi.

Tuy nhiên, không chắc những chương trình đó có đủ sức nặng để cứu mạng 5 y tá và 1 bác sĩ thoát án tử hình được không. Seif al-Islam, con trai của Kaddafi, nhân vật quan sát các phiên tòa xét xử, thừa nhận “Libya không phải không có tội trong sự bùng nổ dịch bệnh AIDS”. Về phần mình, Tổng thống Parvanov của Bulgaria cũng đã bay đến Washington để gặp Tổng thống Mỹ George W. Bush, song vị lãnh đạo này chỉ nói: “Tôi muốn họ được tự do”.

Những suy đoán về các bản án tử hình của Libya

Hiện nay, khi mà 5 y tá và đồng nghiệp Palestine của họ bị kết án tử hình lần thứ hai vì tội làm lây nhiễm HIV/AIDS cho hơn 400 đứa trẻ Libya ở thành phố Benghazi, các nhà bình luận tự hỏi không biết chính quyền Libya có thật sự thi hành các bản án tử hình này hay không. Trong tình huống xấu nhất, nếu điều đó xảy ra thì mọi nỗ lực ngoại giao của chế độ Kaddafi với phương Tây nhằm tái thiết những cây cầu có thể bị phá sản, đồng thời Libya sẽ bị cô lập một lần nữa. Tệ hại nhất là Libya sẽ bị phương Tây trừng phạt.

Mọi bản án tử hình ở Libya đều phải trình lên tòa án tối cao nước này, nhưng chính phủ có thể can thiệp. Còn Hội đồng Tòa án tối cao, do Bộ Tư pháp lãnh đạo, có thể ra lời xin lỗi hoặc giảm án. Người ta ghi nhận Tòa án Libya đã từ chối 2 cơ hội chấp nhận bằng chứng của các chuyên gia y khoa nổi tiếng thế giới nhận định rằng, sự lây nhiễm HIV đã xảy ra trong Bệnh viện Nhi đồng Fatih trước khi số y, bác sĩ nước ngoài đến đây và hầu như những đứa trẻ nạn nhân đã bị nhiễm virus từ trước đó. Họ cũng không biết đến bằng chứng về những thiếu sót chết người trong hệ thống y tế Libya. Thậm chí, bản thân Kaddafi cũng không biết đến lời khuyên của 114 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Lý do chính là chế độ Kaddafi luôn có quan hệ căng thẳng với người dân thành phố Cyrenaica, nhất là Benghazi.

Một sự “mặc cả” gay go đã bắt đầu. Đó là khoản tiền bồi thường quá lớn - 10 triệu USD cho mỗi gia đình nạn nhân, tương đương với số tiền bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa Lockerbie. Chắc chắn tham vọng này của Libya sẽ thất bại, nhất là nếu Mỹ và EU dính líu đến. Hầu như đã có một nhóm tiếp xúc của Mỹ, Anh, Bulgaria và Libya bàn luận về vấn đề và EU cũng gần như đã để riêng khoản tiền 500.000 euro để nâng cấp Bệnh viện Nhi đồng Fitah. Dĩ nhiên, số tiền chi ra đó sẽ không được gọi là “bồi thường”, mà là “sự trợ giúp nhân đạo”

Diên San (Tổng hợp)
.
.