Xung quanh vụ lừa đảo dự án các khu đất vàng

Thứ Năm, 25/03/2010, 04:30
Ngày 10/3/2010, tại TP HCM, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Kiến Minh, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, đề nghị Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân Tối cao truy tố 3 bị can: Nguyễn Quý, Chu Văn Pho và Nguyễn Thị Thúy Minh về  tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo Cơ quan điều tra (CQĐT), bằng thủ đoạn lập công ty, chỉ gửi văn bản đến UBND TP HCM xin được đầu tư dự án những khu đất vàng, Nguyễn Quý, "đại gia" không tiền, "phù phép" nên một Công ty Kiến Minh đầy “uy tín”, lừa đảo và chiếm đoạt hàng chục tỉ đồngå…

Nguyễn Quý, sinh năm 1977 tại Đồng Tháp, trước khi trở thành Giám đốc Công ty Kiến Minh, Quý không nghề nghiệp. Vốn có khuôn mặt ưa nhìn, khi nào cũng bận cổ cồn trắng, luôn gây được thiện cảm với người đối diện, tháng 8/2007, không hiểu bằng cách nào, Quý thành lập hẳn một công ty chuyên về xây dựng, trang trí nội thất, tư vấn đầu tư, môi giới thương mại, môi giới bất động sản có tên Kiến Minh... theo một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp, nhưng Quý đã để cho em gái mình, Nguyễn Thị Thúy Minh làm giám đốc, vốn điều lệ ban đầu 1,9 tỉ đồng, đến tháng 11/2007, tăng lên là 8 tỉ đồng.

Theo điều tra của CQĐT, từ khi thành lập, Công ty Kiến Minh không hề phát sinh những quan hệ kinh tế nào theo giấy phép kinh doanh, không kê khai thuế với cơ quan thuế, chỉ sử dụng pháp nhân Công ty Kiến Minh xin đầu tư dự án để bán. Giám đốc pháp nhân của công ty là Nguyễn Thị Thúy Minh, nhưng thực tế, "vị giám đốc" này chỉ làm nhiệm vụ trực điện thoại và... phát lương, còn người điều hành mọi hoạt động của công ty là Nguyễn Quý.

Mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo của Quý không thể không kể đến vai trò của Chu Văn Pho (36 tuổi, Hưng Yên). Khoảng tháng 7/2007, thông qua một người bạn giới thiệu về Pho, một tay cò môi giới bất động sản tự khoe có quan hệ "thân thiết với các lãnh đạo Trung ương và TP HCM”, có thể xin được thủ tục đầu tư dự án tại các khu đất vàng ở trung tâm TP HCM, Quý đã nhờ người bạn dẫn đến làm quen với Pho, với mục đích xin các dự án cho Công ty Kiến Minh rồi bán lại cho các nhà đầu tư khác. Khi gặp nhau, Pho cũng tự "tô điểm" thêm cho mình bằng các mối quan hệ "vàng" với các lãnh đạo cao cấp mà Pho... biết tên. Pho gặp Quý như "cá gặp nước", cả hai bắt tay vào những siêu dự án trên những khu đất vàng...

Theo lời khai của ông Nguyễn Phan Đức (Giám đốc Công ty Nam Nguyên), thì ông Đức tình cờ quen Quý từ năm 2005, thông qua sự giới thiệu của một người tên Hóa. Quý cũng tự giới thiệu y tên Nguyễn, kiến trúc sư, Giám đốc Công ty QUYDECO, có trụ sở đặt tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Đến khoảng tháng 9/2007, ông Đức mới gặp lại Quý, lúc này, Quý lại giới thiệu y là Việt kiều Mỹ, chuẩn bị cưới con một lãnh đạo cao cấp, Quý còn giới thiệu Pho, con một lãnh đạo cao cấp khác. Quý và Pho khẳng định chắc nịch rằng, với những mối quan hệ của mình, cả hai có thể xin được các dự án tại các khu đất vàng của TP HCM.

Hồ sơ điều tra cho thấy, lợi dụng thời điểm thị trường TP HCM sốt nhà đất vào khoảng tháng 11/2007, liên minh Quý - Pho soạn thảo công văn gửi UBND TP HCM xin chủ trương đầu tư vào các dự án; trung tâm thương mại chung cư cao cấp văn phòng tại 2 khu đất vàng 168 Nguyễn Đình Chiểu và số 22 Võ Văn Tần, đều ở quận 3; Quý cũng xin chủ trương đầu tư dự án tại số 1BIS/1Kep Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Trong các công văn xin đầu tư tại các khu đất này, dưới sự quân sư của Pho, Quý đã viết rằng: "Công ty Kiến Minh đang hoạt động mạnh ở lĩnh vực xây dựng, đầu tư. Đang là chủ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang, tổng vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng”.

Trong công văn còn cam kết, nếu được đầu tư vào dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu thì Kiến Minh sẽ ký quỹ vào tài khoản UBND quận 1 số tiền... 300 tỉ đồng, đóng 15 tỉ đồng vào Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng, ủng hộ 5 tỉ đồng vào Quỹ từ thiện thành phố. Khi soạn công văn xin đầu tư khu đất 1Bis/1Kep Nguyễn Đình Chiểu, Quý còn cam kết "bạo tay" hơn với 800 tỉ đồng vào tài khoản UBND quận 1, 30 tỉ đồng vào Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng và 5 tỉ đồng vào Quỹ xã hội từ thiện thành phố...

Nguyễn Quý (người bên trái) tại thời điểm bị cơ quan công an tiến hành khám xét.

Vào thời điểm tháng 12/2007, thông qua Vũ Quốc Kỳ, Quý đã chủ động tìm gặp anh Đào Mạnh Kháng (Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Hà Nội) khi biết Công ty này đang có nhu cầu tìm địa điểm tại khu vực trung tâm TP HCM để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và chung cư cao cấp, Quý đã chào bán dự án số 22 Võ Văn Tần với giá 10,5 lượng vàng SJC/m2. Quý cam kết với đối tác, sau một tháng sẽ lo đủ thủ tục cần thiết của UBND và các cơ quan chức năng của TP HCM cho Công ty XNK Hà Nội.

Để tạo lòng tin, Quý đã giao cho đối tác tất cả các giấy tờ liên quan đến dự án, thế nhưng thực tế, những giấy tờ trên chỉ là phần phúc đáp của các cơ quan chức năng, xem xét đề nghị của Công ty Kiến Minh đối với dự án. Tuy nhiên, sau khi đưa các tài liệu trên, Quý đã mạnh dạn yêu cầu Công ty XNK Hà Nội ký hợp đồng hợp tác đầu tư, đồng thời yêu cầu phía đối tác chuyển ngay vào tài khoản của Công ty Kiến Minh 5 tỉ đồng tiền đặt cọc. --PageBreak--

Tin tưởng vào miếng bánh vẽ của Quý, ngay đầu năm 2008, Công ty XNK Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty Kiến Minh và chuyển ngay vào tài khoản Kiến Minh 5 tỉ đồng. Ngày 7/1/2008, Nguyễn Thị Thúy Minh đã rút hết số tiền này khỏi tài khoản. Chỉ 1 ngày sau, ngày 8/1/2008, UBND quận 3 đã có văn bản đề nghị UBND TP HCM giao cho Công ty Dịch vụ công ích quận 3 "khu đất vàng" 22 Võ Văn Tần để xây dựng trụ sở.

Tuy nhận được công văn thông báo về khu đất 22 Võ Văn Tần nhưng Quý lờ đi, tiếp tục hứa hẹn với Công ty XNK Hà Nội sẽ làm được thủ tục cấp phép đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đến tháng 3/2008, thấy rõ Quý không làm được các thủ tục cần thiết, Công ty XNK Hà Nội đã yêu cầu Công ty Kiến Minh thanh lý hợp đồng, trả lại số tiền 5 tỉ đồng đặt cọc, Quý và Kiến Minh chọn giải pháp... dời trụ sở, tránh mặt và không tiếp xúc với người của Công ty XNK Hà Nội.

Cùng thời điểm chào bán dự án 22 Võ Văn Tần cho Công ty XNK Hà Nội, Quý còn tiếp xúc với anh Thái Công Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần An Hoa, đơn vị cũng đang có nhu cầu tìm địa điểm đầu tư xây dựng tòa nhà, chung cư cao cấp văn phòng ở khu vực trung tâm thành phố. Quý còn khoe với anh Hùng về dự án mà Công ty Kiến Minh đang thực hiện tại Kiên Giang với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, còn tại TP HCM, Kiến Minh cũng đang được UBND TP HCM xem xét giao cho làm chủ đầu tư khu 22 Võ Văn Tần, nếu phía An Hoa hợp tác, phải đặt cọc cho Kiến Minh 10 tỉ đồng "làm tin". Quý còn nói, nếu An Hoa chấp nhận đặt cọc, ngay ngày 3/1/2008 sẽ mời đại diện của An Hoa, Kiến Minh đi họp với UBND TP HCM. Do tin vào tài liệu và "chiếc bánh vẽ" của Quý, An Hoa đã ký biên bản thỏa thuận mua lại "khu đất vàng" 22 Võ Văn Tần, đặt cọc ngay 1 tỉ đồng.

Quý cam kết, sau 45 ngày, Quý sẽ hoàn thành các thủ tục để An Hoa đứng tên giấy chứng nhận chủ quyền nhà. Sáng ngày 3/1/2008, đại diện của An Hoa đến trụ sở UBND TP HCM để dự họp theo nội dung Quý nói nhưng được nhân viên văn phòng tại đây cho biết không hề có cuộc họp nào với Công ty Kiến Minh, khi điện hỏi Quý thì Quý giải thích cuộc họp bị hoãn vì lý do khách quan. Lời giải thích của Quý khiến Công ty An Hoa nghi ngờ và nhờ người kiểm tra giấy mời họp thì mới  biết đấy là giấy mời giả. Ngay khi biết bị lừa, ông Lâm Quý, Tổng giám đốc An Hoa đã đến Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Quý và đồng bọn...

Làm thế nào để phía Công ty XNK Hà Nội và Công ty Cổ phần An Hoa dễ dàng mắc bẫy? Ngay khi xem các bản photo hợp đồng thuê nhà, bản đồ hiện trạng và công văn xin đầu tư của Kiến Minh, có ý kiến của lãnh đạo thành phố nhưng các đối tác cho rằng, những giấy tờ trên chưa đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định dự án 22 Võ Văn Tần nằm trong tay Kiến Minh nên phía Công ty XNK Hà Nội và An Hoa không quan tâm. Quý đã lấy mẫu nội dung mời họp và biên bản họp của một dự án khác, soạn thảo trên máy tính, rồi Quý lấy mẫu chữ ký và con dấu của UBND TP HCM scan ra máy tính, sau đó đưa vào các phần văn bản soạn thảo trước đó, dùng photoshop chỉnh sửa cho phù hợp.

Ngày 2/1/2008, Quý giao bản photo mà Quý tạo ra bằng kỹ thuật in ấn cho phía Công ty XNK Hà Nội và Công ty An Hoa, đến lúc này, phía Công ty XNK Hà Nội và An Hoa mới hoàn toàn bị Quý thuyết phục về dự án 22 Võ Văn Tần...

Trên thực tế, sau khi nhận tiền cọc của các đối tác, Quý có giao tiền cho Pho đi lo các thủ tục từ các mối quan hệ của Pho, nhưng cũng bởi, các mối quan hệ ấy đều do Pho tự quảng cáo, nên Pho không biết "chạy" như thế nào. Nhận tiền của Quý, Pho đi cạy cục khắp nơi, gõ cửa mọi nẻo, nhưng khi Công ty Kiến Minh không hề có vị thế, hồ sơ Pho gửi xin đầu tư dự án chỉ nhận được những cái lắc đầu...

Một nạn nhân nữa của Nguyễn Quý là ông Trần Tuấn Hiển (người đại diện nhận làm dịch vụ cho Công ty Lilama 18 - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có trụ sở tại TP HCM. Vào đầu tháng 12/2007, Quý đã nhận của ông Hiển 500 triệu đồng, nhờ Pho xin cấp giấy phép nâng thêm từ 14 lên 18 tầng cho dự án chung cư trên đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3. Hết thời hạn cam kết, do Quý không làm được gấy phép, ông Hiển yêu cầu Quý trả lại 500 triệu đồng, và phải nộp phạt thêm 500 triệu đồng theo thỏa thuận giữa hai bên. Quý đã sử dụng số tiền đặt cọc dự án 22 Võ Văn Tần của An Hoa nộp phạt cho ông Hiển...

Theo lời khai của bà Lê Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty Long Oanh, người có góp vốn theo đề nghị của Quý để đầu tư một dự án xây dựng khu công nghiệp tại Kiên Giang. Bà Oanh quen biết Quý vào khoảng tháng 8/2007 tại Đồng Nai, Quý cũng tự giới thiệu và cho bà Oanh xem những giấy tờ chứng minh Kiến Minh của Quý đã được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy phép đầu tư dự án trên 1.700 tỉ đồng tại huyện Châu Thành và đề nghị Công ty Long Oanh hợp tác đầu tư, Quý còn hứa giao cho bà Oanh sẽ làm tổng thầu dự án này và yêu cầu đưa trước cho Quý 5 tỉ đồng để Quý thực hiện bước đầu của dự án là giải phóng mặt bằng.

Vì tin Quý, bà Oanh đã giao cho Quý 800 triệu đồng để Quý tiến hành dự án. Nhưng đầu năm 2008, khi xuống kiểm tra tại Kiên Giang, bà Oanh mới biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã rút giấy phép đầu tư dự án của Công ty Kiến Minh vì công ty này không đủ khả năng tài chính. Quý cũng thừa nhận, Kiến Minh không có điều kiện tài chính nhưng Quý vẫn làm hồ sơ, thủ tục xin và đã được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy phép nhằm mục đích sẽ bán dự án này cho các nhà đầu khác...

Với tài liệu và các chứng cứ thu thập được, CQĐT Bộ Công an đã có đủ cơ sở khởi tố bị can Nguyễn Quý phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu, Chu Văn Pho và Nguyễn Thị Thúy Minh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm và giúp sức

Thuận Nguyên
.
.