Xung quanh vụ tự sát của Hoàng tử Iran sống lưu vong Alireza Pahlavi

Thứ Bảy, 22/01/2011, 09:30
Alireza Pahlavi, con trai út của cựu vương Pahlavi - Iran, đã tự sát bằng súng ở nhà riêng tại thành phố Boston, Mỹ, vào sáng ngày 4/1/2011 ở tuổi 44 - đây là bi kịch cuối cùng của một người thuộc hoàng tộc Iran sống lưu vong.

Cái chết của Alireza Pahlavi đã phủ màu đen tang tóc lên di sản phức tạp của Hoàng gia Iran đang trong giai đoạn khó khăn tìm cách phục hồi mối quan hệ với người dân Iran cũng như khẳng định chỗ đứng của họ với phong trào dân chủ đối kháng trong nước.

Từ năm 1979, khi cách mạng Hồi giáo phế truất ngôi vua của Pahlavi, Alireza đã trải qua cuộc sống lặng lẽ nơi đất khách quê người, rời xa ánh mắt của công chúng. Camera hiếm khi ghi được hình ảnh của Alireza Pahlavi và phần đông người dân Iran - đang sống trong nước kể cả những người lưu vong ở nước ngoài - cũng không mấy khi nhìn thấy một bức ảnh của hoàng tử xa xứ cho đến khi ông tự sát. Cái chết của Alireza được người anh cả Reza Pahlavi thông báo trên trang web riêng của ông. Cha của Alireza là Mohammad Reza Shah Pahlavi, lấy danh hiệu là "Shah-an-Shah" (Vua của các vua) hay Arya-mehr (Mặt trời của người Aryan) và trị vì Iran từ ngày 16/9/1941 cho đến khi bị cách mạng Hồi giáo lật đổ vào ngày 11/2/1979 và từ đó chấm dứt chế độ quân chủ.

Cách đây đúng 10 năm, cựu Công chúa Leila Pahlavi - chị gái của Alireza mắc bệnh chán ăn (anorexia) và trầm uất - đã trộn cocaine cùng với thuốc ngủ liều cao để kết liễu cuộc đời mình vào năm 31 tuổi. Và thế là một Hoàng gia Iran từng có một thời ở đỉnh cao quyền lực cách đây hơn 30 năm đã lần lượt mất đi từng thành viên. Reza Pahlavi, người anh cả hiện vẫn còn hoạt động chính trị và hy vọng một ngày nào đó sẽ quay về cố quốc khôi phục vị trí lãnh đạo, nói trên trang web riêng: "Cũng giống như hàng triệu thanh niên Iran khác, Alireza quá đỗi đau buồn và trầm uất về quê hương của mình, và cũng mang nặng nỗi đau mất cha và chị khi còn trai trẻ".

Mặc dù đã trải qua nhiều năm cố gắng chống chọi với đau buồn, nhưng cuối cùng Alireza đã thật sự ngã quị". Còn trên trang web của người mẹ là lý lịch trích ngang cùng với hình ảnh đang tươi cười của Alireza Pahlavi. Người truy cập trang web sẽ nhìn thấy sự giới thiệu Alireza tốt nghiệp Đại học Havard cùng với những đam mê của ông - trượt tuyết, lặn sâu với bình khí nén, đọc sách, lái máy bay.

Cha của Alireza gần như bị mọi người đánh giá là một ông vua tham nhũng và độc tài. Sau khi bị mất quyền lực, gia đình chuyển đến Ai Cập, Morocco, Bahamas và Mexico trước khi định cư trên đất Mỹ. Trong suốt cuộc đời mình, Alireza Pahlavi luôn được học tập trong những ngôi trường tốt bậc nhất thế giới. Alireza chưa hề lập gia đình bởi vì cách đây khoảng vài năm, vợ chưa cưới của ông đã chết do một tai nạn khi lặn sâu với bình khí nén. Có lẽ sau sự cố đó Alireza không bao giờ nguôi được nỗi buồn.

Một người bạn thân của Alireza nói: "Cô ấy là sợi dây kết nối Alireza với cuộc sống, nghệ thuật và đất nước Iran. Cô ấy cũng là người hết sức thân thiết với hoàng hậu cho nên cái chết của cô ấy là sự mất mát không thể chịu đựng nổi". Những người láng giềng cho biết hoàng tử sống rất kín đáo mặc dù họ thường thấy ông lái chiếc Porsche, mặc quần jeans và chiếc áo ngắn tay giản dị.

Khác với ông anh lúc nào cũng cố gắng tìm cách quay về với quyền lực đã mất, Alireza không bao giờ xuất hiện trước công chúng. Cả Công chúa quá cố Leila cũng vậy. Vài tháng trước khi tự sát, Leila nói với tạp chí Hola của Tây Ban Nha rằng: "Mặc dù đã sống phần lớn đời mình ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn luôn là người dân Iran như chưa bao giờ rời bỏ đất nước".

Trước khi bị tước mất quyền lực, đã có những dấu hiệu của triệu chứng trầm cảm và u sầu lây lan trong Hoàng gia Iran. Vào  khoảng đầu năm 1941, CIA, Tòa đại sứ Anh và Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tiểu sử gia đình Vua Iran cuối cùng theo từng giai đoạn. Trong đó Vua Reza Pahlavi được mô tả là người u sầu, có khi được gọi là hình ảnh của Hamlet, người mòn mỏi vì đau buồn và không quyết đoán. Tâm trạng u sầu này càng thêm trầm trọng trong vài tháng cuối cùng của nhà vua ở Iran. Một người bạn thân nhất của gia đình cho biết một trong những công chúa còn sống, Farahnaz Pahlavi, cũng mắc chứng trầm uất.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, một nhà hoạt động cho Phong trào Xanh bên trong Hoàng gia Iran nói, ông không cho là vụ tự sát của Alireza Pahlavi có tác động quá lớn đến Iran. Nhà hoạt động giấu tên này nói: "Với những gì tôi biết được về xã hội Iran, tôi không cho rằng người dân Iran ủng hộ gia đình này. Chính vì vậy mà những tin tức liên quan đến gia đình này đều không nhận được sự quan tâm từ giới trẻ Iran. Dĩ nhiên chúng có thể gây ra những cuộc tranh cãi và đối thoại ở những người Iran lớn tuổi hơn. Nhưng đối với những thế hệ sau cách mạng Hồi giáo, gia đình Pahlavi và số phận của nó không có ý nghĩa gì cả, hoặc có ý nghĩa rất thấp".

Thực tế cho thấy rất ít người Iran chú ý đến khát vọng quay lại nắm quyền lực của gia đình này. Muhammad Sahimi, một người quan sát Iran viết trên website Tehran Bureau về vụ tự sát của Hoàng tử Alireza: "Đây là một cố gắng chính trị nhằm giành lấy tình cảm  và có lẽ sự ủng hộ của người dân Iran trong nước". Một số người chỉ trích cựu hoàng gia buộc tội gia đình Pahlavi đã cố tình khai thác cái chết của Alireza Pahlavi để nhen nhóm lại hình ảnh của họ bằng cách tôn sùng hoàng tử như là một anh hùng chết vì đất nước Iran.

Press TV, mạng thông tin bằng tiếng Anh của Iran, đưa một tin ngắn về cái chết của Ailreza Pahlavi dưới tựa đề: "Con trai của nhà cựu độc tài Iran tự sát". Trong khi chính quyền Hồi giáo của Iran không quan tâm về cái chết này và cũng không coi hoàng gia lưu vong là mối đe dọa. Các tác phẩm của Alireza, bao gồm nghiên cứu của ông ở hai trường đại học Columbia và Havard, tập trung vào những vương triều cổ của Iran và luôn bị những giáo sĩ Hồi giáo hiện đại sỉ vả và bác bỏ

An An (tổng hợp)
.
.