Án mạng vì lý do… lãng nhách

Thứ Năm, 17/12/2015, 09:00
Bắt đầu từ những nguyên nhân lãng nhách như va chạm giao thông, một ánh mắt khác lạ mà người đối điện cho là “nhìn đểu”, thậm chí là tranh nhau trả tiền nhậu hay nhiều khi còn “ngớ ngẩn” đến nỗi chỉ là việc tranh cãi chuyện con bò trên lon nước ngọt là bò đực hay bò cái… mà người ta sẵn sàng xuống tay tước đoạt mạng sống của người khác!

Những vụ án như trên trong thời gian qua liên tiếp xảy ra gióng lên hồi chuông báo động tình trạng xuống cấp về đạo đức, về tình cảm của con người với con người, là biểu hiện của hành vi thiếu tự chủ bản thân để rồi nạn nhân phải rời bỏ cuộc sống, hung thủ rơi vào vòng lao lý, bỏ lại sau lưng những mất mát và hệ lụy khôn lường…

"Tao là Lành Đông Thạnh!"

Người dân trên đường số 6, Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh cô gái trẻ trong phút chốc bị tước đi mạng sống bởi một đối tượng máu "dê" và có rượu trong người. Quán cơm kèm thêm bán nước có cả võng nghỉ ngơi trưa 14-12 đông khách.

Chị H., nạn nhân xấu số được đưa khỏi hiện trường.

Chị Nguyễn Thị H., 23 tuổi, sau khi ăn xong đĩa cơm đã leo lên võng nằm nghỉ. Lúc này La Văn Tài sau chầu nhậu túy lúy cùng bạn bè bước vào quán và cũng leo lên võng, nằm ngay cạnh võng chị H. Thấy cô gái trẻ nằm kế bên, "máu dê" nổi lên, Tài buông lời chọc ghẹo và có những hành động sàm sỡ. Bực tức vì hành vi thiếu đứng đắn của Tài, chị H. phản ứng bật dậy và buông lời khiếm nhã khiến nhiều khách trong quán nhìn Tài và H. sửng sốt.

Đối tượng La Văn Tài.

Đang có rượu trong người lại bị nhiều người nhìn ngó, Tài cảm thấy quê trước những người xa lạ nên cũng bật dậy lè nhè chửi rủa. Không muốn dây dưa, chị H. bỏ đi thì bất ngờ Tài đuổi theo rút hung khí đâm chị H.. Chị H. kêu cứu rồi ôm vết thương đầy máu lao ra đường nhưng chạy được khoảng 20m thì gục xuống. Thấy nạn nhân bất tỉnh, Tài toan bỏ chạy thì bị người dân vây bắt và giao cho Công an huyện Bình Chánh.

Cũng vì rượu và bị chạm tự ái mà Đặng Ngọc Cường, ngụ Hóc Môn đã gây ra cái chết cho chị Nguyễn Thị Kim C., 19 tuổi, ngụ quận 12. Đến khi tỉnh rượu biết mình đã đoạt mạng người khác Cường mới ân hận và ra công an đầu thú.

Sự việc xảy ra vào một tối trung tuần tháng 10, Cường cùng đám bạn "chén tạc chén thù" đến khuya. Lúc đi về, giữa đường rượu ngấm, gan ruột như bị đốt, Cường ghé vào một quán cơm ở khu vực chợ Hóc Môn ăn đêm. Khi nhân viên trong quán bưng cơm ra nhưng không thấy có canh, Cường bực tức lớn tiếng quát nạt người phục vụ. Lúc này chị C. ngồi bàn bên cạnh tỏ vẻ không hài lòng với thái độ hống hách của Cường nên nói vọng qua: "Anh làm gì lớn tiếng quá vậy?".

Nghĩ chị C. không liên can tự dưng xía vào chuyện của mình, Cường quay sang chị C. dùng các ngôn từ tục tĩu chửi. Chị C. lấy điện thoại gọi điện, Cường nghe loáng thoáng nội dung "Tụi bay tới liền đi tao đang gặp chuyện!".

Đối tượng Đặng Ngọc Cường gây án trong cơn say rượu.

Tưởng chị C. kêu người đến đánh mình, Cường rút hung khí ra đâm chị C. khiến chị gục tại chỗ. Như chưa thỏa cơn "khát máu", Cường còn hô lớn cho người trong quán nghe: "Tao là Lành Đông Thạnh, muốn gì đến đó tìm tao!" rồi lấy xe bỏ đi. Chị C. được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng. Về phần Cường, sau khi gây án Cường bỏ về nhà ngủ, sáng hôm sau tỉnh rượu, nhớ lại chuyện tối qua, Cường kêu bạn gái đến quán cơm dò la tin tức. Khi biết chị C. đã tử vong, hoảng hốt Cường đến công an đầu thú.

"Nhìn đểu", mất một mạng người

Những nguyên nhân gây nên xô xát dẫn tới chết người mang tính chất xã hội ngày càng xảy ra nhiều không riêng gì tại TP Hồ Chí Minh mà trên cả nước. Những vụ án giết người nhiều khi nạn nhân và hung thủ không hề quen biết gì nhau, chẳng có mâu thuẫn tiềm ẩn nào nhưng để lại hậu quả đau lòng.

Đối tượng Nguyễn Văn Duy.

Như trường hợp của Nguyễn Văn Duy, 19 tuổi, ngụ Bình Tân đã bỏ lại phía sau cả tương lai chỉ vì thái độ hung hãn vượt quá giới hạn là một câu chuyện đau lòng như thế. Tối cuối tháng 4, Duy đang ngồi trước nhà số 57, đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân thì thấy anh T.Đ.T. chở cháu ruột là N.V.H. chỉ mới 14 tuổi đi mua cơm ngang qua.

Anh T. dừng xe đội mũ bảo hiểm, cháu H. ngồi sau thấy Duy nên đưa mắt nhìn. Thấy H. nhìn mình, Duy ngỡ bị "nhìn đểu" nên bước tới chỉ vào mặt H. rồi quay sang nói với anh T.: "Mày coi chừng thằng cháu mày đó", rồi bỏ đi. Trên đường về nhà anh T. ấm ức vì tự nhiên bị người khác hằn học vô cớ và chửi mình nên lượm cục gạch rồi kêu H. cầm lái chở mình đi tìm Duy.

Quay lại chỗ cũ, thấy Duy vẫn còn ngồi đó, anh T. cầm cục gạch lao vào đánh nhưng Duy né được và bỏ chạy. Anh T. đuổi theo Duy vài chục mét nhưng không đuổi kịp nên quay xe lại kêu H. đi về. Về phần Duy, trong lúc bỏ chạy đã chụp lấy con dao của một quán ăn rồi quay lại.  Khi thấy anh T. đang lúi húi nổ máy xe, Duy dùng dao đâm anh T. khiến anh gục xuống đường rồi bỏ trốn. Anh T. được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Sau nhiều ngày lẩn trốn, biết không thoát Duy đã ra công an phường trình diện.  

Những vụ án trên chỉ là chuyện xích mích từ những nguyên nhân không đáng có dẫn đến hậu quả đau lòng cho nạn nhân và chính hung thủ và cả với những người xung quanh. Tuy nhiên, có những vụ án mà cả nạn nhân và hung thủ đều là người thân trong gia đình, thậm chí còn từng đầu ấp tay gối nhưng vì một phút không thể kìm nén bản thân, hành động bộc phát khiến vợ con và ngay chính mình phải mang thương tật suốt đời.

Có lẽ giờ này ngồi trong khám, Lê Công Tín mới bình tâm suy nghĩ về hành động của mình gây ra khi không tự chủ được bản thân. Sau bữa tiệc sinh nhật tại nhà một người bạn, Tín đón xe ôm cùng vợ là M.T.T.T. và con là cháu L.H.M.A. 3 tuổi về nhà. Sực nhớ ra đã quá ngày lãnh lương một tuần nhưng không thấy Tín đưa tiền, chị T. gặng hỏi "có lương chưa?", Tín ậm ừ trả lời "chưa lãnh!".

Nghi ngờ chồng không thật lòng, chị T. gọi điện thoại cho một người bạn của Tín thì được người này xác nhận là công ty đã trả lương. Chị T. nổi giận và cãi nhau với Tín rồi đòi chia tay. Bực tức trước thái độ của vợ, Tín gọi điện thoại cho cha ruột với lời lẽ như trăng trối: "Đây là lần cuối cùng con gọi điện cho cha!" và cúp máy. Tín xuống nhà sau lấy cây búa rồi đánh vào đầu chị T. khiến chị T bất tỉnh. Thấy cháu A. đang khóc đòi mẹ, Tín lại gần dùng búa đánh vào đầu con.

Khi thấy cả hai mẹ con chị T. nằm bất động, Tín dùng búa đập liên tiếp vào đầu mình với ý định tự sát. Phát hiện vụ việc trên, người dân đã đưa cả ba người vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên dù thoát chết nhưng cả ba đều mang di chứng trên người, riêng Tín bị công an bắt ngay sau khi rời bệnh viện.

Trường hợp ngộ sát của Phạm Thị Thanh Quyên, 26 tuổi, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh đối với cậu họ của mình là T.Q.T. chỉ vì cậu đi nhậu về nôn ói trong nhà vệ sinh nhưng không dội nước khiến mẹ Quyên bị trượt ngã cũng khiến cho nhiều người biết chuyện thật cám cảnh. Nhiều người khi hay tin Quyên gây án đã tỏ ra thương cảm cho Quyên, bởi cách hành xử nông nổi của đứa con gái suốt ngày buôn bán ngoài đường.

Sáng sớm, Quyên tỉnh giấc dọn hàng thì nghe tiếng mẹ mình và cậu T. cãi nhau dưới nhà vệ sinh. Mẹ Quyên cho hay, tối hôm trước T. đi nhậu về nôn ói trong nhà vệ sinh nhưng không dọn để bà đạp phải bị trượt ngã. Chẳng biết đầu cua tai nheo thế nào, biết mẹ bị ngã đau Quyên đã lớn tiếng chửi cậu. T. dùng tay tát Quyên một cái. Bực tức Quyên vớ con dao dọa cậu T.. T. lượm hai cục gạch, thế là hai cậu cháu lao vào nhau… Trong lúc không kiểm soát được hành vi, Quyên đã đâm dao vào người cậu. Thấy cậu ngã vật xuống sàn nhà, Quyên hoảng hốt kêu xe đưa đi cấp cứu rồi đến công an tự thú. Người cậu tử vong ngay sau đó.

Bản năng… tai hại!

Nhiều vụ án mạng đau lòng xuất phát từ những nguyên nhân "trời ơi" khiến nhiều người sững sờ.

Có một tình trạng chung, tuy chưa phải là thống kê đầy đủ, song cho thấy rằng hầu hết trong các vụ án tương tự, đa phần những người gây án tuổi đời còn khá trẻ, thiếu kiến thức pháp luật, chưa có nhiều sự trải nghiệm cuộc sống và hạn chế trong việc kiểm soát hành vi. Nhiều đối tượng không tự chủ được bản thân lại bị tác động bởi các chất kích thích như rượu, bia nên càng bị rối loạn và thực hiện hành động của mình một cách rất bản năng.

Những trường hợp gây án vì những lý do nhỏ nhặt, lãng xẹt đa phần rơi vào những đối tượng làm những công việc chân tay, lao động nghèo, hạn chế hiểu biết và hành xử trong lúc nóng giận, bộc phát. Nhưng lại cũng không thiếu những vụ án mạng do các thanh thiếu niên gây ra, các đối tượng dạng "ngựa non háu đá" có sẵn máu côn đồ, hung hãn trong người.

Chỉ vì một nguyên nhân rất… "không đâu ra đâu" mà Lương Vĩnh Phúc, 27 tuổi, quê Đắk Nông đã gây ra tội ác tày trời, để lại nỗi lo cho gia đình. Người gây án thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng gia đình Phúc, những người không trực tiếp tham gia trong vụ án cũng phải è lưng vay mượn để bồi thường khoản tiền 108 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Dù nhỏ hơn anh Phạm Văn Bảo đến 8 tuổi nhưng cả hai cảm thấy "hợp cạ" trong việc... ăn nhậu nên Phúc và Bảo thường xuyên có những cuộc nhậu không định sẵn.

Một bữa ngà say, Bảo lên võng nhà Phúc nằm ngủ. Có rượu trong người Phúc qua nhà hàng xóm cà kê một lúc rồi trở về nhà uống nước. Thấy anh Bảo nằm trên võng ngủ nhưng mắt mở trừng trừng, Phúc nghĩ anh Bảo đang thách thức mình. Thực chất lúc này anh Bảo đã ngủ say nhưng anh Bảo có tật ngủ không nhắm mắt. Phúc xuống bếp lấy con dao dùng để làm nương chém Bảo khiến Bảo chết tại chỗ. Gây án xong Phúc bỏ trốn rồi tìm đến công an huyện tự thú. Mức án chung thân là sự trả giá cho máu côn đồ của Phúc. Tuy nhiên đau đớn hơn là người nhà của Phúc phải chật vật, chạy vạy tiền bạc để đền bù cho hành động thiếu suy nghĩ, nông nổi, côn đồ mà Phúc đã gây ra…

Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Văn Trường - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ, những vụ án có nguyên nhân như trên liên tục xảy ra trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ hành động bột phát và đa phần các vụ án đều do ma men dẫn lối. Những đối tượng gây án này đa phần có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, thích thể hiện bản thân bằng các hành vi bạo lực,  không nắm được các giá trị văn hóa ứng xử, thiếu kỹ năng sống… nên chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ sự hiếu thắng sẽ dẫn họ đến con đường phạm tội, tước đi quyền được sống của người khác. Cho nên dù bản tính hiền lành đến đâu khi xảy ra mâu thuẫn, dù là mâu thuẫn rất nhỏ, các đối tượng chỉ nghĩ đến việc sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết? Chỉ đến khi bình tĩnh, suy xét, họ mới hối hận về hành vi của mình, nhưng lúc này đã quá muộn và cái giá mà các đối tượng phải trả thường là rất đắt.

Chúng tôi sẽ còn tiếp tục trở lại vấn đề này, dưới góc độ tâm lý.

Mạnh Đức
.
.