Kẻ giết người trong trạng thái mộng du được tha bổng

Thứ Tư, 04/02/2015, 15:15
Tòa án xứ Wales thuộc Vương quốc Anh vừa ra phán quyết, chấp thuận trả tự do cho nghi phạm Brian Thomas, 59 tuổi về tội cố sát. Đây là vụ án giết người ở tình trạng hoàn toàn mộng du đầu tiên trong lịch sử tư pháp Anh.

Bị cáo B. Thomas là cha của 2 đứa con đã trưởng thành, bị truy tố về tội bóp cổ bà vợ Christine Thomas, 57 tuổi đến chết. Trong thực tế gần nửa thế kỷ nay, đương sự mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, thường xuyên có những cơn ác mộng nhưng lại không chịu đến bác sĩ điều trị, mà chỉ tự ý mua thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần về sử dụng.

Vợ chồng Thomas.

Sự việc diễn ra vào cuối tháng 7/2014, khi vợ chồng nhà Thomas từng gắn bó với nhau với gần 40 năm chung sống, lên đường đi nghỉ hè ngoài biển. B. Thomas lái chiếc xe kiểu nhà di động mới mua đến bãi tắm Abarport phía tây xứ Wales. Khi vừa đánh xe vào bãi đậu họ đã bị những người bán hàng rong gõ cửa làm phiền, mời mua săm lốp và các thiết bị dự phòng khác, do vậy vợ chồng Thomas liền chuyển sang đậu chỗ khác cách xa bờ biển hơn.

Thông thường lúc ở nhà do B. Thomas luôn bị mộng du nên vợ chồng họ đều ngủ ở phòng riêng. Nhưng trên xe di động lại chỉ có độc chiếc giường đôi. Để tránh những tác dụng phụ của thuốc lúc đi xa nên B. Thomas quyết định ngưng uống thuốc. Điều trớ trêu là ngay đêm đầu tiên, hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Lúc tỉnh dậy khi thấy bà Christine nằm bất động, B. Thomas hốt hoảng gọi điện đến cảnh sát báo là mình đã lỡ tay sát hại vợ lúc đang ngủ. "Tôi nằm mơ thấy có kẻ đột nhập vào xe để ám hại vợ chồng tôi, nên tôi đã cố sức chống cự...", nghi phạm giãi bày trước khi bị cảnh sát dẫn giải về nơi giam giữ.

B. Thomas (giữa) cùng 2 con rời tòa sau khi được tuyên trắng án.

Quá trình mở rộng điều tra sau đó cho thấy, tất cả bạn bè cũng như người thân trong gia đình đều quả quyết rằng Thomas rất yêu thương vợ. Vợ chồng họ thường xuyên cùng nhau đi ăn tối tại nhà hàng, hay tay trong tay trên khán đài xem các trận thi đấu thể thao... Thậm chí họ đã đặt chỗ cho chuyến du lịch bằng tàu thủy ở Địa Trung Hải vào đầu năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới cùng với 2 cô con gái.

Kết quả giám định y tế trong suốt thời gian 6 tháng B. Thomas bị tạm giam chờ ngày ra tòa, đã minh chứng rằng nghi can bị chứng rối loạn giấc ngủ kinh niên, thường xuyên bị mộng du tự thân đi đó đi đây trong lúc ngủ say. Hậu quả dẫn đến tình trạng não bộ không thể kiểm soát được các hành vi của cơ thể, lại càng trở nên nghiêm trọng hơn khi B. Thomas đột nhiên ngưng uống thuốc phòng ngừa...

Phiên tòa xét xử B. Thomas tội cố sát được mở vào trung tuần tháng 1 vừa qua. Thẩm phán Nigel Davies ngồi ghế chánh án đã đồng ý với kết luận của cơ quan y tế, rằng bị cáo không ý thức được những gì đã làm khi ra tay bóp cổ vợ.

"Đây là một trường hợp kỳ lạ, bởi bị cáo không phủ nhận việc đã gây ra cái chết của vợ mình. Do vậy bên công tố không muốn xử theo hướng bị kết tội gây án mạng", thẩm phán N. Davies trao đổi với báo giới trước thềm phiên xử. Phán quyết cuối cùng cũng đã chỉ rõ: Bị cáo vốn là một người cha tốt và người chồng chung thủy. Đồng thời bị cáo luôn bị dằn vặt bởi thứ cảm giác tội lỗi, rằng mình là thủ phạm trong việc giết người thân yêu nhất. Theo luật pháp hiện hành thì B. Thomas không phải chịu trách nhiệm liên đới, do đã hành động trong tâm trạng vô thức không thể làm chủ được bản thân.

Một vụ án tương tự như với B. Thomas đã xảy ra tại Anh nhưng với kết cục khác hẳn. Năm 1998, một đầu bếp ở thành phố Liverpool đã "lỡ tay" siết cổ vợ lúc mộng du. Nhưng khi tỉnh dậy trong tâm thức tỉnh táo thấy vợ vẫn còn hấp hối, đã quyết định "bồi thêm" khiến nạn nhân... chết hẳn. Đương sự sau đó bị xử mức án cao nhất là chung thân vì tội cố sát.

Ca sĩ P. Buck thường bị chứng mộng du ám ảnh.

Một trường hợp khác là ca sĩ người Mỹ Peter Buck của ban nhạc rock  R.E.M. cũng mắc chứng mộng du kinh niên. P. Buck từng bị điệu ra Tòa án London vào năm 2002 về tội tấn công một nữ tiếp viên của Hãng Hàng không Anh British Airways trên chuyến bay từ Seattle (tiểu bang Washington, Mỹ) đến London. Sau đó P. Buck được tha bổng do hàng động vô thức. Trước đó tuy P. Buck đã dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng lại uống chung với rượu nên vô hiệu hóa tác dụng của thuốc đặc trị.

Theo các chuyên gia y học cho biết, khoảng 2% người Anh bị chứng rối loạn giấc ngủ trầm trọng, trong đó một số ít có những biểu hiện tương tự như của B. Thomas, nhưng cho đến nay chưa có trường hợp nào dẫn đến việc nạn nhân bị tử vong.

Trần Hồng (theo The Guardian)
.
.