Điều tra lại vụ tai nạn máy bay bí ẩn của Tổng Thư ký LHQ

Thứ Hai, 19/01/2015, 17:15
Những ngày cuối năm 2014 khép lại bằng thảm kịch hàng không mang tên QZ 8501 của hãng AirAsia, nối dài danh sách những vụ rơi và mất tích bí hiểm trong lịch sử hàng không thế giới hiện đại. Cùng lúc đó, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thống nhất mở lại điều tra vụ án rơi máy bay mờ ám được cho là có động cơ chính trị khiến Tổng thư ký Dag Hammarskjold tử nạn. Với các bằng chứng thuyết phục để tái điều tra vụ án này, các bên liên quan đang muốn làm sáng tỏ những góc khuất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Vào lúc nửa đêm ngày 18/9/1961, chiếc máy bay chở Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Dag Hammarskjold đã rơi xuống thị trấn Ndola, Bắc Rhodesia (Cộng hòa Rhodesia tồn tại từ năm 1970 - 1979 trong thời Chiến tranh lạnh), nay là Zambia.

Vị Tổng thư ký người Thụy Điển cùng 15 người khác trên máy bay tử nạn. Năm ấy 47 tuổi, tại nhiệm được 255 ngày, Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjold (tên đầy đủ) cho đến nay vẫn là người trẻ tuổi nhất đã từng ngồi ghế Tổng thư ký LHQ. Ông cũng là một trong số 3 người cho đến nay được trao tặng giải Nobel sau khi đã qua đời và cũng là Tổng thư ký LHQ duy nhất qua đời khi đang tại nhiệm.

Khi đó, cả Chính phủ Thụy Điển và Bắc Rhodesia đều cho rằng vụ tai nạn là do lỗi của phi công. Người duy nhất còn sống sót là một sĩ quan người Mỹ đã không cung cấp được nhiều manh mối. Trước khi qua đời vì vết thương quá nặng, sĩ quan này cho biết trên máy bay đã có một loạt tiếng nổ.

Điều tra của LHQ khi đó không đưa ra kết luận nào rõ ràng. Nhiều dân làng nơi chiếc máy bay bị nạn cho biết, một chiếc máy bay thứ hai và nhỏ hơn có thể đã bắn hạ máy bay của Hammarskjold, nhưng chi tiết này đã không được xem xét thấu đáo.

Không có gì ngạc nhiên khi các bối cảnh gây nên cái chết của ông Hammarskjold luôn có nghi vấn. Nhà ngoại giao Thụy Điển đáng ra sẽ gặp các đại diện từ nhà nước ly khai ở Cộng hòa Dân chủ Congo (Congo) - một quốc gia giàu tài nguyên, non trẻ khi ấy luôn bị các nước lớn bên ngoài dòm ngó. Có rất nhiều bên, thậm chí nhiều người ở Mỹ, có thể không muốn sứ mệnh của ông thành công.
Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold cùng Kwane Nkrumah, Tổng thống đầu tiên của Ghana và là người được giải thưởng Hòa bình Lenin.

Mới đây, phiên họp của LHQ đã nhất trí thông qua, yêu cầu Tổng thư ký Ban Ki-moon bổ nhiệm một ban điều tra độc lập sau khi có bằng chứng mới đưa ra liên quan tới vụ rơi máy bay năm 1961. Năm ngoái, một ủy ban ở Hague (Hà Lan) mang tên Hammarskjold công bố báo cáo nói rằng “có bằng chứng thuyết phục cho thấy máy bay đã bị tấn công hoặc đe dọa khi lượn xuống mặt đất”.

Năm 2011, học giả người Anh Susan Williams xuất bản cuốn sách "Ai giết Hammarskjold?". Trong đó, tác giả đặt giả thuyết máy bay của ông Hammarskjold đã bị bắn hạ và thủ phạm là lính đánh thuê theo đặt hàng của nhà nước ly khai Katanga (lúc đó được Bỉ hậu thuẫn vì lợi ích khai khoáng). Tuy nhiên, lại có giả thuyết khác cho rằng máy bay của Hammarskjold đã bị bắn hạ bởi một âm mưu của CIA.

Có lẽ cần phải trở lại một chút với lịch sử. Congo giành độc lập từ Bỉ vào năm 1960, nhưng gần như ngay sau đó rơi vào khủng hoảng chính trị. Bất ổn trong quân đội quốc gia mới lập đã khiến Bỉ điều quân và lính dù trở lại tỉnh ly khai Katanga - đây cũng là nơi mà một công ty khai mỏ đầy quyền lực của Bỉ có quyền lợi rất lớn.

Quan chức Bỉ không muốn một Congo độc lập quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng. Trước việc Liên Hiệp Quốc không thể đối phó với các thế lực do Bỉ hậu thuẫn, Thủ tướng Congo lúc bấy giờ là Patrice Lumumba đã rất giận dữ và kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô.

Thủ tướng Lumumba sau đó đã bị lực lượng trung thành với người đứng đầu quân đội Congo là Joseph Mobutu lật đổ. Ông Mobutu sau đó nổi lên và là người được lợi nhiều nhất từ các chiến dịch hỗ trợ đầy hào phóng của CIA. Ông Lumumba bị ám sát năm 1961.

Hammarskjold không có quan hệ thân thiết với Lumumba, nhưng vẫn rất quan tâm tới việc hỗ trợ cho các nhà nước vừa thoát khỏi ách thực dân. Đây cũng là thời điểm mà phương Tây rất thận trọng quan sát sự trỗi dậy của các quốc gia mới độc lập thuộc "thế giới thứ ba". Vì rất nhiều nước từng chịu ách thực dân, và ít nhất là trong tưởng tượng của phương Tây thì đều có thể trở thành cánh tay nối dài của Liên Xô.

Khi ấy, nhiều nước châu Phi vẫn nằm dưới sự điều hành của các chính phủ ủng hộ thuyết cho rằng "người da trắng là ưu việt", và ủng hộ việc Katanga ly khai vì coi đây sẽ là bức tường chắn làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở châu Phi. Còn trên cương vị của mình,  Hammarskjold lại tìm mọi cách để có một Congo thống nhất.

Một trong những tiết lộ đáng chú ý nhất được ủy ban đưa ra thảo luận năm 2013 là lời khai của Charles Southall - một nhân viên thuộc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Mỹ đã nghỉ hưu - lúc đó làm việc tại một trạm nghe lén ở Nicosia, Cộng hòa Síp.

Thời điểm đưa ra những tiết lộ này, Southall là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Tình báo thương mại Omnifact LLC. Southall, nói rằng vài giờ trước khi Hammarskjold tử nạn, ông đã nhận được thông báo từ cấp trên, nói rằng "sẽ có chuyện thú vị xảy ra". Vừa lúc tới căn cứ của Mỹ, ông nghe thấy tiếng trong loa phóng thanh có vẻ như là giọng của một lính đánh thuê thông báo về cuộc tấn công nhằm vào một máy bay vận tải.

Còn nhật báo Phố Wall dẫn lời Southall cho biết ông nghe lén được thông tin này qua hệ thống của CIA, chứ không phải qua NSA. "Theo Luật Tự do thông tin (FOIA) mà nhật báo Phố Wall, CIA không xác nhận, nhưng cũng chẳng bác bỏ việc nghe lén này". Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ cách đây ít ngày, chính quyền Tổng thống Obama có thể sẽ buộc phải giải mật các tài liệu liên quan đến sự kiện này.

Có nhiều tài liệu cho rằng Washington khi đó đã nhúng tay vào các cuộc xung đột đẫm máu. Khi họ chiếm được khu vực do quân ly khai nắm quyền kiểm soát, lính lê dương và các lực lượng chính phủ đã thảm sát lực lượng nổi dậy và dân thường.

Mặc dù không có thống kê hệ thống con số thương vong, nhưng ước tính ít nhất có 100.000 người Congo bỏ mạng trong giai đoạn xung đột này. Với sự hỗ trợ của Mỹ, ông Mobutu đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn vào năm 1965. Thời gian ông cầm quyền cũng như nhiều thập kỷ chính trị và điều hành yếu kém đã để lại di sản là một Congo với các xung đột giữa các phiến quân và một xã hội bị tổn thương từ tình trạng bạo lực ồ ạt.

Hammarskjold có thể không ngăn được điều này, nhưng cuộc điều tra tới đây về cái chết của ông sẽ soi rọi ánh sáng vào góc rất tối của lịch sử Chiến tranh lạnh.

Lê Thu (theo Washington Post)
.
.