Đừng lo “xấu chàng, hổ ai”…

Thứ Sáu, 15/04/2016, 07:00
Chuyên đề ANTG đã đề cập đến phiên tòa xử vụ án “cố ý gây thương tích” của đối tượng Chu Văn Đạo đã gây ra cho người vợ của mình (là chị Dương Thị Hồng). Vì chưa có luật sư bào chữa cho bị cáo nên phiên tòa đã tạm hoãn. Sáng ngày 11-4-2016, TAND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã mở lại phiên xét xử sơ thẩm.

Có mặt tại phiên tòa, Phóng viên chuyên đề ANTG nhận thấy trong cuộc sống đời thường chị Hồng đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng ngay cả khi đứng trước công đường, cán cân công lý dường như vẫn không đứng về phía người phụ nữ tội nghiệp này…

1. Phiên xử sáng ngày 11-4 Chu Văn Đạo “diện” cả một “cây” quần áo bò. Khi được các chiến sỹ cảnh sát bảo vệ dẫn ra trước vành móng ngựa, y vẫn ném về phía vợ cái nhìn sắc lạnh.

Chu Văn Đạo tại phiên tòa ngày 11-4-2016.

Cũng như phiên xử trước, hàng trăm người dân xã Lương Phong đã đứng chật trong và ngoài phòng xử án. Họ rất hy vọng một bản án nghiêm minh đối với người chồng vô nhân tính sẽ được tuyên trong hôm nay.

Theo cáo trạng, Đạo và chị Hồng kết hôn từ năm 2007 và có với nhau 2 mặt con. Năm 2013, sau khi sinh con thứ hai, chị Hồng bị suy tim và phải điều trị tại bệnh viện. Đạo phải vay hơn 100 triệu đồng để lo cho vợ. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn vì tiền bạc, chị Hồng cho rằng, Đạo ham cờ bạc, còn bị cáo lại biện minh, vợ làm được tiền nhưng không đưa để trả nợ.

Mâu thuẫn gia đình đẩy lên cao khi đầu năm 2015, chị Hồng làm đơn ra TAND huyện Hiệp Hòa để giải quyết việc ly hôn và đang được TAND huyện Hiệp Hòa thụ lý. Cuối tháng 7-2015, chị Hồng phát hiện mất một số đồ đạc và tài sản cá nhân nên làm đơn trình báo cơ quan chức năng.

Đạo bị tuyên phạt 5 năm tù giam.

Ngày 3-8-2015, Đạo bị mời lên trụ sở công an xã để làm việc về vấn đề này. Trưa cùng ngày, sau khi Đạo và chị Hồng làm việc xong với công an xã thì cả hai ra về. Đến đoạn đường tiếp giáp thôn Đông với thôn Chùa, xã Lương Phong, đi xe máy song song với nhau, thì hai vợ chồng Đạo bắt đầu xảy ra mâu thuẫn.

Sau khi dừng xe của vợ, Đạo hất mũ bảo hiểm của chị Hồng rồi rút dao giấu sẵn trong người ra đâm nhiều nhát. Đạo còn “tiện tay” cắt luôn gân chân và gân tay vợ rồi bỏ trốn. Mười ngày sau, Đạo đến cơ quan điều tra đầu thú.

Trả lời phần thẩm vấn của HĐXX, Đạo cho rằng việc mình chém vợ chỉ với mục đích… đe đọa (!?) Đạo khẳng định, nếu có ý định giết người thì hôm đó chị Hồng đã tử vong. Trong khi đó, chị Hồng cho biết, từ khi biết chị có ý định ly hôn, Đạo thường xuyên khủng bố tinh thần chị.

Không ít lần Đạo dọa sẽ “khoét mắt, cắt lưỡi” chị nếu như vẫn còn đòi ly hôn. Và trên thực tế sự việc xảy ra trưa ngày 3-8 dường như là sự “hiện thực hóa” lời đe dọa của hắn. Đạo đã dùng dao chọc tiết lợn đâm vào miệng chị Hồng, xuyên sang bên má. Hắn định chọc vào mắt chị thì chệch sang thái dương… Hành vi đó đã thể hiện sự côn đồ, vô nhân tính của Đạo đối với vợ.

Luật sư Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Hồng cho rằng, tại phiên tòa Đạo chưa thể hiện sự ăn năn hối cải. Đạo khai rằng mình chỉ dọa vợ nhưng lại dùng dao đâm thẳng vào miệng đến xuyên má. Ngoài ra, bị cáo còn dùng dao cắt đứt 3 gân tay và 3 gân chân của vợ….

Nghe phần bào chữa của luật sư, Đạo gồng người phản ứng. Hắn còn nghiến răng bật dậy định xông tới vị trí luật sư đang đứng và lớn tiếng đòi… nằm ở vành móng ngựa để nghe vì cho rằng: “Luật sư nói nhiều quá”.

Chị Dương Thị Hồng (áo đen).

Một điều đáng tiếc ở phiên tòa này là độ “vênh” về điều khoản áp dụng để luận tội bị cáo Đạo giữa Viện kiểm sát và Tòa án cũng như luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Dựa trên bản giám định pháp y của Trung tâm Y tế - Sở Y tế tỉnh Bắc Giang kết luật chị Hồng bị tổn thương 24% sức khỏe, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Hòa đã truy tố bị cáo Đạo theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, theo bản giám định của Viện pháp y quốc gia cho kết luận chị Hồng bị tổn thương sức khỏe tới 34%. Do đó mà luật sư và thẩm phán tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa đề nghị phải truy tố Đạo theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, song Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm!

Sau khi tiến hành phần tranh tụng, 11 giờ 30 phút ngày 11-4-2016, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Chu Văn Đạo 5 năm tù giam, phải bồi thường cho bị hại hơn 36 triệu đồng.

2. Đây đã là lần thứ ba chị Hồng đối diện với chồng mình, trong một hoàn cảnh chắc rằng chẳng một người vợ nào muốn. Chị là bị hại, tố cáo người đã từng nhiều năm đầu gối tay ấp về hành vi dã man của anh ta đã gây ra với chị tại một phiên tòa hình.

Hai phiên tòa trước, vì nhiều lý do khác nhau mà tòa đã phải hoãn. Và nếu ai được tham dự những phiên tòa trước thì có lẽ sẽ rất bất bình trước sự hùng hổ, thậm chí xấc láo của bị cáo Chu Văn Đạo.

Đạo và người nhà anh ta liên tục ném về phía chị Hồng những lời nói ác ý, đặc biệt là những câu dọa dẫm, rằng “mày là đồ vô ơn”; “khi ra tù tao sẽ giết mày”… Phiên xử sáng ngày 1-4, trong lúc thư ký TAND huyện đang kiểm tra căn cước những người liên quan đến vụ án, Đạo thậm chí còn đạp đổ vành móng ngựa, lao đầu vào tường đe dọa tự tử và đòi giết vợ.

Có mặt tại phiên xử lần thứ ba, chúng tôi tìm mãi mới thấy chị Hồng đứng lọt thỏm tại khu vực dành cho bị hại và các nhân chứng. Dù vóc người nhỏ bé, song tinh thần của người đàn bà này lại rất cứng cỏi. Chị dõng dạc trả lời những câu hỏi của HĐXX, dũng cảm tố cáo những hành động dã man của người chồng đối với mình.

Được biết, chị Hồng sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa. Người làng nhận xét chị là một trong số ít thôn nữ tính tình hiền hậu lại hay lam hay làm. Cũng đã có nhiều người con trai đánh tiếng muốn tính chuyện đôi lứa song tình duyên lận đận mãi đến năm 27 tuổi chị mới lập gia đình. Tiếc thay chị đã chọn lầm người.

Trước khi lấy chị Hồng, Chu Văn Đạo là kẻ đã có 2 tiền án về tội “cố ý gây thương tích” và “cướp tài sản”. Ra tù năm 2007, Đạo tỏ ra là người tu chí, muốn xây dựng lại cuộc đời. Khi Đạo có ý muốn tiến đến hôn nhân với mình, dù bị gia đình cấm đoán do chênh lệch tuổi tác song chị Hồng vẫn vượt qua. Chị hy vọng sẽ cùng chồng xây dựng một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Khi chị có mang đứa thứ nhất thì sóng gió bắt đầu ập đến. Chị Hồng phát hiện Đạo có tính cờ bạc. Đã thế hắn còn thường xuyên rượu chè, rồi đánh đập vợ. Không thể chịu nổi người chồng vũ phu, chị Hồng đã nộp đơn ly hôn. Và bi kịch lại nối tiếp bi kịch. Chị bị chồng hành hung một cách dã man…

3. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ bạo hành phụ nữ với mức độ và hành vi rất dã man.

Nguyễn Xuân Danh – kẻ đã tạt axit vào vợ mình gây tổn hại 53% sức khỏe.

Điển hình như vụ Nguyễn Xuân Danh (SN 1979, trú tại Hưng Yên) đã nhẫn tâm mua axit tới tạt vào mặt người vợ để hủy hoại nhan sắc.  Được biết, trong cuộc sống gia đình, Danh và chị P.TM. (SN 1976, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nảy sinh mâu thuẫn. Chị M. không chịu nổi chồng nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Danh nhiều lần qua nhà mẹ vợ gọi vợ về với mục đích hàn gắn tình cảm nhưng chị M. đều tránh mặt. Nghi vợ có người đàn ông khác nên ruồng bỏ mình, Danh quyết dằn mặt.

Tối 24-6-2014, Danh mang theo chai axít cùng dao rồi tìm cách hẹn gặp vợ để nói chuyện. Khi tới trước cửa một quán cà phê ở Tây Hồ, sau khi dựng xe, Danh lấy chai đựng axít hắt vào mặt người vợ rồi bỏ trốn. Chị M. được đưa đi cấp cứu với thương tích 53%, bỏng nặng phần mặt bên phải. Mặc dù khuôn mặt người vợ trẻ đã hoàn toàn bị biến dạng vì axít, nhưng trước vành móng ngựa, Danh vẫn thản nhiên: “Chỉ tạt axít, không giết là đã nương tay rồi…”. Danh bị TAND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tuyên phạt y 12 năm tù tội Cố ý gây thương tích.

Hay như vụ đối tượng Vũ Trung Hiếu (SN 1974, là thanh tra kho bạc nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương) đã đánh vợ là chị Vũ Thị Minh (SN 1974 nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh tại Hải Dương) hết sức dã man. Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, Hiếu đã “ra tay” khiến chị Minh bị gãy đến 13 xương sườn, vỡ tim và rách phổi. Khi thấy chị Minh ngất, Hiếu đã bế chị Minh đặt lên giường và hô hoán hàng xóm sang đưa chị Minh đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên do vết thương quá nặng chị Minh đã tử vong.

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, thời gian vừa qua văn phòng của ông đã nhận được rất nhiều đơn cầu cứu của nhiều phụ nữ trong tỉnh tố cáo bị chồng bạo hành. Qua nghiên cứu hồ sơ các vụ án này, ông Tú nhận thấy người phụ nữ (nhất là ở vùng nông thôn) thường phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Ngay trong cuộc sống gia đình, làng xóm họ thường bị coi thường đã đành. Khi bị chồng bạo hành, nhiều người lại không nhận được sự cảm thông từ gia đình. Họ cũng ít dám tố cáo. Trường hợp đủ dũng cảm như chị Dương Thị Hồng là rất hiếm.

Bà Phạm Phương Lê, cán bộ Trung tâm Csaga bày tỏ, nhiều năm qua trung tâm đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các luật sư để tư vấn đòi quyền lợi cho nhiều phụ nữ bị bạo hành. Không chỉ bị bạo hành về thể xác, nhiều chị em còn bị bạo hành nặng nề về tinh thần. Đơn cử như trường hợp chị T.T.H. (ở Cầu Giấy, Hà Nội). Chị có người chồng bị cuồng dâm, ngày nào chị cũng bị chồng đòi hỏi. Trong khi quan hệ anh ta còn đánh đập, bóp cổ vợ mới thỏa mãn…

Qua nghiên cứu, Csaga thấy rằng người phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn bị chồng bạo hành thường ít khi dám lên tiếng. Và có một sự thật đau đớn là nhiều khi người chồng sai, nhưng người vợ vẫn phải “xin” chồng tha thứ. Do đó mà việc đấu tranh để ngừng nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn nhiều gian nan, phải thay đổi nhận thức, định kiến…

Cũng theo bà Phương, mới đây Csaga và nhiều tổ chức hoạt động xã hội khác đã thảo đơn kiến nghị gửi lên Quốc Hội nhằm tăng cường bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, chống mọi hành vi xâm hại tình dục và bạo hành phụ nữ, trẻ em.

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. Tuy nhiên, 87% số nạn nhân không tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan chức năng.
Minh Tiến
.
.