Cần xóa những “lỗ hổng” trong hoạt động sinh viên tình nguyện

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:41
Tình nguyện tự phát, tổ chức hoạt động tình nguyện tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, nguy cơ cao về thiên tai, thiếu sự hỗ trợ của chính quyền địa phương… là những “lỗ hổng” vẫn còn đang tồn tại trong nhiều hoạt động tình nguyện trên cả nước. Vụ việc 3 nữ sinh Trường Đại học (ĐH) Ngoại Thương Hà Nội tử nạn trong chuyến tình nguyện tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh là bài học quá đắt giá cho việc rút kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động tình nguyện của sinh viên về sau này.

Thiếu kỹ năng ứng phó với bất thường của thiên tai

Điều dễ nhận thấy là các hoạt động sinh viên tình nguyện thường hướng tới các địa bàn xã, huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có địa hình hiểm trở. Đây đều là các địa bàn luôn tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, lũ ống… trong khi các tình nguyện viên chưa được trang bị kỹ năng ứng phó với bất thường của thiên tai. Chuyến đi tình nguyện “định mệnh” của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy.

Khi được hỏi lý do vì sao chọn xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh trong chương trình tình nguyện “Mùa hè xanh”, Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại Thương – anh Nguyễn Văn Triệu cho biết: “Chọn Tình Húc là bởi bạn đội trưởng quê ở đó, có người thân sinh sống nên thuận lợi khi tìm địa điểm an toàn, tiện đường đi lại cho cả đội. Trước khi đi chúng tôi đã phải khảo sát địa hình, tập huấn cho các tình nguyện viên theo quy trình khá chặt chẽ”.

Theo Thành Đoàn Hà Nội thì thời gian gần đây, nhiều câu lạc bộ tình nguyện tự phát không do bất cứ đoàn, hội nào quản lý cũng đang hoạt động khá rầm rộ. 

Thông thường, một vài cá nhân sẽ tự sáng lập và điều hành câu lạc bộ tình nguyện với những hoạt động như quyên góp áo ấm, sách vở cho trẻ em vùng cao, tổ chức các hoạt động thiện nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội… Tự tìm địa điểm, tự thuê xe, tự tìm nơi ăn chốn ở…, những câu lạc bộ tình nguyện tự phát này lại thu hút rất đông các sinh viên tham gia do không bị “gò bó” vào những quy định, kỷ luật như trong Đoàn, Hội. Tuy nhiên, sự tự phát này cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro, tai nạn thương tích bất ngờ đối với các thành viên chỉ với những sơ sẩy, bất cẩn nhỏ.

Một chuyến tình nguyện tại vùng cao của sinh viên. Ảnh: Nguyễn Hương

Cần đổi mới về nội dung để tình nguyện đi vào thực chất

Hoạt động tình nguyện là một phong trào lớn của tuổi trẻ cả nước, thu hút hàng chục ngàn lượt sinh viên tham gia vào mỗi dịp hè. Bên những hiệu quả tích cực và ý nghĩa nhân văn của nó đem lại, thì sau sự việc 3 sinh viên bị tử nạn cần phải rút ra bài học sâu sắc. Theo người dân ở xã Bình Húc thì nơi xảy ra tử nạn của 3 sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương rất nguy hiểm. Cách đây vài tháng, một học sinh đang rửa xe đạp tại đập tràn thì lũ về bất ngờ. Học sinh này không kịp chạy và bị lũ cuốn trôi.

Chị Phạm Thị Phương, ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, người đã sống ở vùng lũ mấy chục năm cho biết: “Nếu đang ở suối mà thấy nước sủi bọt đỏ lên là phải chạy thật nhanh, nếu không sẽ bị lũ ào đến cuốn đi ngay”. Kinh nghiệm này không phải người nào ở vùng lũ cũng biết, chứ chưa nói đến những người đồng bằng, thành phố. Chính vì thế mà sinh viên tình nguyện đều thiếu kỹ năng nhận dấu hiệu lũ về để phòng tránh.

Anh Trần Đức Thắng, một cựu sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, người từng nhiều năm tham gia công tác tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa cho biết: “Đáng ngại nhất của sinh viên tình nguyện là khi đến vùng đất mới không hiểu rõ về địa hình, đường đi, lối lại, những khu vực nguy hiểm như sông, suối, đặc biệt là không có kỹ năng ứng phó với những tình huống bất ngờ của thiên tai. Bất cập lớn nhất là đội trưởng cũng lần đầu đến vùng đất đó, chưa có nhiều kinh nghiệm, nếu không có sự hướng dẫn, hợp tác tích cực của chính quyền địa phương thì rất dễ xảy ra tai nạn”. 

Năm 2016, chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè của tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội có sự tham gia của hàng vạn lượt thanh niên tình nguyện hoạt động tại địa bàn trọng điểm là Hà Nội và các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc và Nước CHDCND Lào.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học thì hoạt động tình nguyện của sinh viên cần phải đi vào thực chất và đổi mới về nội dung. Các tình nguyện viên mặc áo xanh lên vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh về nguyên tắc là sai vì hành nghề chữa bệnh không chỉ cần bằng cấp mà còn phải có chứng chỉ. Còn xoá mù chữ thì ngành Giáo dục với bao nhiêu tiền của làm hàng mấy thập niên còn chưa làm được thì làm sao thanh niên trong vài ba tuần có thể làm được?

 “Phản biện như vậy không phải là tôi không ủng hộ các hoạt động tình nguyện. Nhưng ở đây cần chú ý rằng, hoạt động phải đi vào thực chất và đổi mới về nội dung”- TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Hiện nay, những hoạt động xã hội do các tổ chức Đoàn, Hội phát động dường đang dần mất đi tính hấp dẫn, giới trẻ cũng bớt hồ hởi tham gia. Tổ chức Đoàn Thanh niên đang đứng trước những thách thức phải thay đổi tư duy, quản lý và nội dung hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay hơn. Chúng ta chưa mở cơ hội cho giới trẻ khiến cho các hoạt động của giới trẻ ồn ào nhưng lại xơ cứng như những kịch bản được vẽ sẵn. Khi đó, những hoạt động tự phát là tất yếu xảy ra.

Bài học đau xót đã được rút ra, tuy muộn nhưng Ban thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở đoàn trực thuộc đang tiến hành tổ chức các hoạt động tình nguyện tại tỉnh xa không tổ chức các hoạt động tình nguyện trong điều kiện thời tiết xấu, tạm dừng hoặc đổi địa bàn hoạt động với những địa bàn nguy hiểm, có nguy cơ cao về thiên tai để đảm bảo an toàn cho sinh viên.

N.Hương – T.Hằng
.
.