Dân phố cổ Hà Nội được bố trí chỗ kinh doanh khi di dời

Thứ Năm, 05/02/2015, 16:36
Sáng 5/2, Báo Hà Nội mới phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về triển khai "Đề án giãn dân phố cổ".

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Dự án giãn dân phố cổ chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện di chuyển 1.530 hộ dân tương ứng với 6.120 người dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn… và các hộ dân có nguyện vọng tự nguyện di chuyển từ khu phố cổ sang định cư tại khu đô thị Việt Hưng.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban thường trực Ban Quản lý phố cổ nhận định, “việc di dời chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân di dời, nhất là với người già, trẻ em”. Vì vậy, khi nghiên cứu lập thiết kế của khu nhà giãn dân, quận đã tính toán đến cơ sở hạ tầng xã hội hiện trạng cũng như hiện trạng tổng thể của cả khu đô thị Việt Hưng.

Hiện tại, các điều kiện về trường học các cấp ở toàn bộ khu đô thị Việt Hưng đều được thiết kế đầy đủ, đồng thời, trong khu nhà giãn dân cũng có khu vực trường mẫu giáo, trạm y tế… Ngoài ra, các hộ dân khi sang đây được bố trí diện tích tầng 1 để kinh doanh. Đây là điểm khác biệt của dự án này so với các dự án khác đã triển khai

Vấn đề “kế sinh nhai” khi giãn dân sang khu đô thị Việt Hưng được đông đảo người dân quan tâm.

Ông Lâm Quốc Hùng cho biết, sẽ đảm bảo 40% hộ dân di dời sang khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng - Long Biên được bố trí kinh doanh tuy nhiên, các hộ dân có nhu cầu kinh doanh sẽ được xem xét và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Cũng theo ông Lâm Quốc Hùng, để ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại sau khi giãn dân, quận sẽ tiến hành lập hồ sơ quản lý các hộ còn lại trong khu phố cổ và áp dụng biện pháp cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu đối với mọi hành vi tái lấn chiếm dưới mọi hình thức tại các vị trí đã được GPMB.

Chi Linh
.
.