Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn xuống biển

Thứ Năm, 29/06/2017, 12:59
Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 918.533m3 bùn cát, đá sỏi…xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyên Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 8 km.


Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 918.533m3 bùn cát, đá sỏi…xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 8 km.

Số bùn cát, đá sỏi này thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không phải là chất thải từ hoạt động của nhà máy, không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn cho phép. 

Khu vực nhận chìm nằm trong diện tích 300 ha đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt từ năm 2014.

Thời gian được phép nhận chìm kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 10-2017. Đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản vên bờ. 

Ngoài ra, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 

Việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sẽ tiến hành quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường. 

Tần suất quan trắc là 3 lần/ngày tại 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy). Trường hợp một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc nào trong số 13 điểm nêu trên vượt giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển thì Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và chỉ được phép tiếp tục thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tỉnh Bình Thuận là một trong 5 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm điện lực tỉnh Bình Thuận (với tổng quy mô công suất lắp đặt khoảng 6.180 MW), khi hoàn thành đầu tư xây dựng sẽ là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Để đưa nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào hoạt động, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét.

Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và đại diện các Bộ, ngành liên quan. Kết quả, đa số các thành viên Hội đồng thẩm định đều chấp thuận phương án cho phép nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được nhận chìm ở biển.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, khối lượng bùn cát, đá sỏi nạo vét…của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền do không có mặt bằng để lưu giữ. Bên cạnh đó, việc xử lí trên đất liền cũng sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận.

Khánh Vy
.
.