Hà Nội quyết định dừng chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh

Thứ Bảy, 21/03/2015, 09:22
Ngày 20/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan dừng việc thay thế, hạ chuyển 6.700 cây xanh trên các tuyến phố. Đây là quyết định thể hiện sự cầu thị từ phía lãnh đạo TP trước phản ứng từ phía dư luận không đồng tình với cách triển khai Đề án thay thế cây xanh trong những ngày qua.
>> Hà Nội tạm dừng thay thế cây xanh

Chiều cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã họp báo về vấn đề này. Các phóng viên đã đặt hàng chục câu hỏi liên quan đến việc triển khai Đề án thay thế cây xanh, mong muốn được UBND TP giải đáp như: Chặt cây gì, kinh phí ra sao, cây chặt hạ đưa về đâu, cây mới mua ở đâu; kinh phí xã hội hóa ra sao; tại sao lại phải chặt cả những cây to (đường kính đến 40cm), số gỗ thu được sau khi chặt cây sẽ xử lý thế nào… 

Người dân thở phào khi Hà Nội dừng việc chặt hạ cây xanh. Ảnh: laodong.com.vn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã không đi vào trả lời cụ thể mà chung chung: “TP luôn luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, báo chí, người dân để xây dựng Thủ đô xanh sạch đẹp hơn, cuộc sống của người dân tốt hơn”. 

Ông Hùng khẳng định: Việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố là một chủ trương đúng đắn của TP, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận, việc tổ chức thực hiện có vấn đề do “thiếu thông tin, thiếu minh bạch và sự nôn nóng của một số nhà tài trợ”.  

Về chuyện xã hội hóa việc chặt, thay thế cây, ông Hùng cho biết, một số doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước của Hà Nội đóng góp. Phủ nhận những ý kiến về tham nhũng, nhóm lợi ích, ông Hùng đảm bảo “hoàn toàn không có gì mờ ám, không có tiêu cực, lợi ích nhóm nào ở đây”.

Tuy nhiên, các phóng viên đều ngỡ ngàng khi buổi họp báo đột ngột kết thúc trong khi các câu hỏi cụ thể của báo giới không được giải đáp ngay. Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng hứa sẽ “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” cũng như chỉ đạo cấp dưới trả lời “công khai, minh bạch” những nội dung mà các cơ quan báo chí đặt ra trong buổi họp báo và lặp lại rằng, TP sẽ xin ý kiến các nhà khoa học, tổ chức xã hội nghề nghiệp, ghi nhận nguyện vọng của người dân về các vấn đề liên quan đến đề án chặt, thay thế cây xanh.

Chặt hạ cây xanh hàng loạt là việc làm không tôn trọng quá khứ

Những ngày qua, dư luận đã phản ứng gay gắt trước việc TP Hà Nội triển hai chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố phục vụ chỉnh trang đô thị. PV Báo CAND đã trao đổi với một số nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để hiểu rõ hơn những hệ lụy từ việc chặt hạ cây xanh hàng loạt.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: Chỉ trồng 1 loại cây thay thế là không nên

Hà Nội cần phải xem lại việc chặt hạ, thay thế cây xanh. Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế xanh, đô thị xanh, thành phố xanh. Việc chặt hạ cây xanh là đi ngược chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trồng 100 cây đã khó, trồng 6.700 cây càng khó gấp nhiều lần. Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam chứ không phải chỉ riêng Hà Nội. Do đó, việc chặt hạ cây xanh cũng là vấn đề của toàn dân, chứ không phải chỉ riêng người dân Hà Nội.

Thế giới đều tôn trọng cây xanh vì họ quan tâm tới môi trường sống đô thị. Tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa, phát triển công nghiệp, giao thông… đòi hỏi phải trồng thêm ngày càng nhiều cây xanh để cân bằng môi trường. Việc chọn cây nào cho phù hợp cũng phải cân nhắc, dựa trên cơ sở khoa học về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, văn hóa cộng đồng… chứ không phải theo ý muốn cá nhân. Có những cây thích hợp với địa phương khác nhưng không thích hợp với Hà Nội. Ngay tại Hà Nội, các khu vực khác nhau cũng có điều kiện tự nhiên khác nhau. 

Tôi cho rằng, các cây xanh ở Hà Nội có thể chưa đúng chủng loại cây xanh đô thị nhưng chúng phù hợp với điều kiện thời tiết, sinh thái của Hà Nội. Có những cây tuổi đời hàng trăm năm, nghĩa là chúng đã trường tồn sau cả những cuộc chiến tranh khốc liệt. Điều đó đã chứng minh được sức sống mãnh liệt. Đi qua chiến tranh, cây xanh cũng là chứng nhân lịch sử. Việc thay thế cây xanh hàng loạt có cần thiết không? Tôi cho là không cần thiết, thay cây để cho đẹp là việc làm khó chấp nhận. Chưa kể, những cây xanh đó đều do cha ông chúng ta trồng. Nay đời con cháu mang cưa đi chặt phá, đó là hành động không tôn trọng cha ông, không tôn trọng quá khứ.

Hơn nữa, việc Hà Nội chỉ chọn một loại cây duy nhất để trồng thay thế là không khoa học, không nên. Quy luật của tự nhiên là đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen. Phải trồng đa dạng các loại cây để chúng có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau, tạo ra sự hài hòa của tự nhiên. Những nơi giao thông khói bụi, nhiều tiếng ồn cần phải chọn các loại cây vững chắc, nhiều lá, lá dày để giảm khói bụi, tiếng ồn. Những khu dân cư yên tĩnh thì có thể chọn các loại cây tán rộng, mang ý nghĩa tâm linh. Chọn cây gì cũng phải cân nhắc, không thể tùy tiện.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Chặt hạ cây xanh hàng loạt là việc làm… chẳng giống ai

Cây xanh ở Hà Nội thuộc quyền làm chủ của người dân, người dân đóng thuế và cũng là chủ nhân đô thị. Nếu chặt cây xanh, đương nhiên phải hỏi ý kiến của người dân, nếu nhận được sự đồng thuận mới được làm. Lấy ý kiến của dân cũng phải qua điều tra xã hội, có phương pháp tiến hành chứ không phải chỉ hỏi vài ba người rồi bảo đa số người dân đồng ý. Cải tạo đô thị là chuyện lớn, Hà Nội cũng cần lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tập hợp đủ các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đô thị, vậy mà có ai hỏi chúng tôi đâu.

Việc chặt hạ cây xanh đã tạo ra làn sóng phản đối gay gắt.

Chuyện chặt cây xanh cần phải cân nhắc kĩ lưỡng. Trong trường hợp những tuyến phố mở rộng hay phục vụ công trình giao thông hay cây dễ đổ ngã, sâu mọt…thì người dân có thể chấp nhận việc chặt cây vì đó là lí do bất khả kháng. Còn chặt trắng cả dãy phố trong đó phần lớn là cây khỏe mạnh thì rất nguy hiểm. 

Cây đô thị không chỉ là cảnh quan mà còn là lá phổi của Thủ đô. Chỉ một thân cây trung bình mỗi năm cũng hấp thụ 14g CO2. Nếu chặt hết 6.700 cây xanh thì đường phố Hà Nội chỉ còn lại bê tông, không còn cây xanh hấp thụ CO2, bầu không khí sẽ trở nên ngột ngạt, ô nhiễm. Nếu trồng mới thì cũng ít nhất 15 năm mới có thể phục hồi được môi trường. Trong 15 năm ấy, vấn đề môi trường phải giải quyết thế nào? 

Trên thế giới, trồng cây gì người ta phải tính toán ngay từ đầu, sau đó chỉ chặt tỉa những cây chết. Ở Pháp còn có 2 khu rừng rất lớn trong đô thị. Ở Nhật cũng vậy. Các nước tiên tiến đều dành diện dích thỏa đáng làm công viên. Hà Nội chặt hạ cây xanh hàng loạt là việc làm chẳng giống ai. Hà Nội cần dừng ngay việc chặt cây để lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học. Cây không chỉ là cây, nó còn có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh, môi trường. Không phải cứ muốn chặt là chặt.

“Tôi thấy cây khỏe mà!”

“Vội vàng” – đó là lời nhận xét của các chuyên gia về việc các nhà quản lý cho phép chặt, thay thế hàng loạt cây xanh ở Hà Nội. “Tiếc nuối” – đó là cảm xúc của rất nhiều, rất nhiều người dân Hà Nội khi đứng trước những gốc cây trơ trụi, trước những cây mới trồng thay thế khẳng khiu, trọc lá. Chưa bao giờ, dư luận cùng chung một tiếng nói để bảo vệ cây xanh như thế.

10h ngày 20/3, thấy có phóng viên tìm đến những cây xanh vừa mới bị chặt, còn trơ gốc trên phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, nhiều người dân đã bày tỏ sự tiếc nuối. Thậm chí một số người đi bộ qua cũng dừng lại nói chuyện, đọc tên từng cây nơi mình đi qua vừa bị chặt. 

Anh Nguyễn Xuân Tứ, nhà trên phố Bà Triệu làm nghề chở khách bằng xe máy thường đón khách ở ngã tư Trần Nhân Tông – Bà Triệu. Anh chỉ vào gốc bàng mới cưa, nói: “Mấy chục năm nay tôi làm ở đây, ngồi dưới bóng cây này. Cây bàng này là do người dân trồng hơn 20 năm nay, người dân còn chăm sóc hằng ngày, cây không bị sâu mọt gì cả. Thấy người ta mang cưa đến cưa cây, chúng tôi thắc mắc nhưng cũng chẳng giữ được cây. Mấy hôm nữa trời nắng, những người dân phơi mặt trên vỉa hè như chúng tôi biết tránh nắng vào đâu”. 

Người dân Hà Nội tiếc nuối những cây xanh bị chặt hạ.

Anh Nguyễn Quốc Sơn, bảo vệ nhà hàng ở 140 Trần Nhân Tông thì tiếc nuối cây muồng trước cửa. Công việc của anh Sơn là trông xe trên vỉa hè cả ngày. Bởi vậy, cây muồng vừa gắn bó, lại vừa tạo cảm giác dễ chịu, mát mẻ. Cái khoảng trống hôm nay đương nhiên là sự tiếc nuối xen lẫn bức xúc.

Đối diện phía bên kia đường, anh Lê Đức Vương làm bảo vệ cho 2 tòa nhà thì chỉ vào gốc phượng trước cửa số nhà 59 Trần Nhân Tông khẳng định: “Cây này khỏe mà. Tôi có thấy nó bị sao đâu. Mấy cây phía bên kia cũng thế. Chẳng biết bao nhiêu năm nữa, những cây thay thế này mới tỏa bóng mát cho chúng tôi được nhờ đây”. 

Một phụ nữ đi trên đường Quang Trung, quận Hai Bà Trưng nói: “Hà Nội được khách du lịch quốc tế gọi là thành phố xanh, vậy thì chặt cây nhiều như thế, thành phố này có gọi là thành phố xanh nữa không? Bạn thử ra mà xem mấy gốc cây bị chặt bên hồ Thiền Quang, nó to lắm…”.

Mấy ngày qua, trước thông tin đưa ra từ phía nhà quản lý cho rằng chỉ chặt hạ thay thế những cây bị sâu mục, cong nghiêng, không an toàn và cây không phù hợp với đô thị, nhiều người dân đã cung cấp thêm tới Đường dây nóng Báo CAND rằng sự thật không hoàn toàn như vậy. Một bạn đọc phản ánh, tuyến đường Khuất Duy Tiến (đoạn trước khu vực UBND quận Thanh Xuân) là tuyến đường mới, được trồng cây hoa ban và lát hoa. Hàng cây trên mới trồng được mấy năm nhưng cũng bị hạ hoàn toàn trước Tết vừa rồi. “Như vậy là vừa lãng phí tiền bạc, lãng phí thời gian cho cây lớn”.

PGS Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nêu ý kiến: “Tôi có hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội. Các dấu ấn về cây của Hà Nội tôi nhớ rất nhiều. Có những cái phải đánh đổi cần thiết, ví dụ vườn hoa Cửa Nam, giải tỏa mở nút giao thông giải quyết vấn đề ách tắc từ thập niên 80 của thế kỷ trước là chấp nhận được. Những cây cối nguy hiểm nên thay thế nhưng không phải cách làm này. Tất cả cây cối Hà Nội gắn liền với con phố, người dân phố sống ở đó nên khi đụng vào cái đó tôi có cảm giác động vào sâu tâm khảm của từng con người Hà Nội. Có thể nói đấy là một sự kiện của thế kỷ XXI đối với Hà Nội”.

Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường trên 10 quận nội thành Hà Nội tiêu tốn 73,38 tỷ đồng (trong đó kinh phí dành cho: công tác khảo sát 1 tỷ đồng; chặt cây, trồng cây thay thế, bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè, trồng bổ sung cây cảnh tại hố trồng cây: 67,88 tỷ đồng; đánh mã số cây 4,5 tỷ đồng). 

“Nguồn vốn được huy động từ ngân sách của thành phố. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa (về kinh phí, nhân lực)”. Với nguồn kinh phí khổng lồ, dù lãnh đạo thành phố nói rằng chủ yếu là huy động xã hội hóa thì người dân có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi về sự minh bạch khi có đề án thay thế hàng loạt cây xanh.

Đi trên một số tuyến phố của Hà Nội hiện nay, người dân sẽ nhìn thấy một số tấm biển gắn trên thân cây ở một số tuyến phố như Trịnh Hoài Đức, Lý Nam Đế… Nội dung ghi cây dự kiến đánh chuyển và loài cây sẽ trồng mới do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội vừa treo ngày 19/3. Có lẽ cách làm mới này xuất phát từ phản ứng của dư luận. 

Nếu Hà Nội triển khai cách làm công khai như thế từ thời gian trước chắc sẽ không mất mát, sự tiếc nuối và tạo dư luận như hiện nay. Nhưng dù sao, Hà Nội đã cho dừng chặt cây để xem xét lại cũng là đang tìm tiếng nói đồng thuận với người dân. Mong rằng việc quy hoạch lại cây xanh ở Hà Nội sẽ được triển khai thận trọng trên tinh thần bảo vệ môi trường, giữ được một thủ đô xanh trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.

N.Yến - Khánh Vy - Việt Hà
.
.