Nghịch lý chuyện phí, lệ phí và đội ngũ cán bộ thú y địa phương

Thứ Hai, 06/07/2015, 12:26
Cán bộ thú y địa phương đảm nhận một khối lượng công việc khá lớn từ kiểm soát từng quả trứng, con gà đến đương đầu với dịch bệnh. Vậy mà, phần lớn số cán bộ này là diện “lao động hợp đồng” không được Nhà nước trả lương. Lương của họ đến từ những khoản thu, hay nói chính xác hơn là “đánh” vào sản phẩm động vật nuôi.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về NN&PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nếu thực hiện đúng theo Thông tư Liên tịch số14/2015 thì cả nước sẽ giảm được hơn 300 Chi cục và phòng. Đó là chưa kể số lượng cán bộ cấp phó ở cấp Sở, Chi cục sẽ giảm đáng kể so với hiện nay. 

Bên cạnh đó, triển khai “Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính”, ngành Nông nghiệp tập trung xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc hệ thống đảm bảo không chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ được giao, đảm bảo tinh gọn theo hệ thống và thống nhất theo hướng quản lý theo chuỗi sản xuất, trong đó có tính đến đặc thù của từng chuyên ngành và một số địa phương. 

“Chúng tôi sẽ rà soát, sắp xếp lại hệ thống bộ máy của các Sở NN&PTNT, các phòng quản lý nhà nước về NN&PTNT ở các huyện theo hướng rút gọn bộ máy nhưng hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Đồng thời, chúng tôi sẽ sắp xếp lại bộ máy về cán bộ theo hướng xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của từng vị trí công việc trên cơ sở đó bố trí cán bộ phù hợp theo hướng tinh giảm mà Đảng và Chính phủ đang chỉ đạo” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh tại hội nghị triển khai Thông tư này.

Nhưng tại nhiều địa phương, cán bộ ngành Nông nghiệp mà cụ thể là Thú y đang thiếu cán bộ “trong biên chế”. Như tại Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, số người “trong biên chế” chỉ chiếm gần 10%, còn lại là lao động hợp đồng. Số lượng công chức ngành Thú y Đồng Nai chỉ có 31 so với 221 lao động hợp đồng. Mà số lao động hợp đồng này không được Nhà nước trả lương. Hiện phần lớn những khoản phí, lệ phí thú y mà các đơn vị thú y trên khắp cả nước thu của người dân, của doanh nghiệp dành cho việc trả lương cho số lượng hùng hậu những “cán bộ thú y” theo diện hợp đồng lao động.

Thực ra chuyện thuê thêm lao động là “chẳng đặng đừng”. Mỗi tỉnh có khoảng vài triệu con gia cầm, 300.000 - 500.000 con lợn, 200.000 con trâu bò, làm sao cán bộ “biên chế” có thể quán xuyến hết công việc được. Theo quy định, mỗi Chi cục tỉnh, thành phố lại có Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng, rồi các phòng trực thuộc, Trạm Thú y huyện hoặc liên huyện; Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật; Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu được ủy quyền... Thế nên, số cán bộ theo chỉ tiêu có lẽ chỉ đủ… làm sếp. Còn những công việc hằng ngày đành phải giao phó cho những “lao động hợp đồng”.

Nói như vậy, để thông cảm cho những lãnh đạo ngành Thú y địa phương đang “cố” níu phí, lệ phí thú y để “nuôi sống” bộ máy, trả lương cho cán bộ của mình. Nhưng điều quan trọng là làm cách nào duy trì đội ngũ cán bộ thú y như hiện tại để thực hiện công việc mà không chất thêm gánh nặng cho người nông dân và doanh nghiệp. 

Theo tính toán, mỗi năm số thu từ phí, lệ phí thú y vào khoảng 350 tỷ đồng. Một con số không nhỏ nhưng cũng không quá lớn đối với ngân sách Nhà nước. Nên biết rằng năm 2014, các đơn vị toàn ngành Nông nghiệp đã tiết kiệm được 140 tỷ đồng.

Diệp Linh
.
.