Nhà nghỉ, khách sạn đẩy giá phòng, bắt chẹt du khách

Thứ Ba, 28/04/2015, 11:50
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay được coi là mùa du lịch “tết” , mùa vàng của ngành Du lịch. Với số ngày nghỉ lễ dài, lượng khách đăng ký mua tour tại các công ty lữ hành tăng đột biến. Mặc dù ngành Du lịch, chính quyền địa phương đã nhắc nhở nhưng đã có hiện tượng giá dịch vụ tăng mạnh, nhất là ăn uống và nhà nghỉ, khách sạn.

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao khi thấy thông tin một khách sạn 3 sao trên Sa Pa -  Lào Cai có giá lên tới 46 triệu đồng/1 đêm dịp 30-4 và 1-5, đăng tải trên trang mạng Agoda (một trang đặt phòng khách sạn quốc tế), khiến không ít người phải giật mình. Bởi theo giới thiệu của Agoda, đây là một khách sạn chỉ 3 sao tại Sa Pa và được đánh giá 8,7 điểm.

Trước thông tin trên, trao đổi với PV Báo CAND ngày 27/4, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, các ban, ngành và liên ngành của huyện đã họp và làm việc với 8 đơn vị bán dịch vụ phòng khách sạn qua các trang mạng.

Ông Trường khẳng định, mức giá niêm yết của các trang mạng bán phòng trong dịp lễ 30-4 ở Sa Pa là bất hợp lý, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Sa Pa. Do vậy, huyện và tỉnh sẽ xử lý nghiêm 8 doanh nghiệp này. Bởi theo ông Trường, trên thực tế không bao giờ có giá phòng cao như vậy.

Theo khảo sát của một số công ty du lịch, từ ngày 28/4 đến 5/5, giá phòng tại Sa Pa bị đẩy lên khá cao, tăng từ 3-5 lần so với ngày thường. Giá thuê phòng khá đắt đỏ, phòng tiêu chuẩn tại khách sạn 4 sao là 3 triệu đồng/đêm; khách sạn 3 sao là 1,5 triệu đồng/đêm; khách sạn 2 sao là 1 triệu đồng/đêm; tại các khách sạn thấp hơn là 500 nghìn đồng/đêm. Tuy nhiên, giá cao nhưng đến thời điểm này hầu như du khách rất khó đặt được phòng cho kỳ nghỉ 30-4.

Sa Pa là một trong những điểm “nóng” trong kỳ nghỉ 30-4 và 1-5.

Ông Trường cho biết, trên địa bàn huyện Sa Pa có gần 200 khách sạn, nhà nghỉ với gần 6.000 giường, chưa kể phòng nghỉ của người dân địa phương (homestay) tại các điểm, tuyến du lịch bản làng. Dự kiến dịp nghỉ này, Sa Pa đón 50.000 lượt khách. Hiện, huyện đã gửi phương án giá dịch vụ cho hơn 350 nhà hàng, khách sạn, quán bar… để niêm yết công khai cho du khách được biết và cam kết không nâng giá, không đeo bám khách.

Không chỉ Sa Pa mà tại các điểm đến như Hạ Long, Quảng Bình, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Lý Sơn… nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã “cháy” phòng.

Bà Hà Việt Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Quảng Bình cho biết, đến thời điểm này, công ty không nhận thêm khách dịp lễ vì từ ngày 28/4 đến ngày 1/5, phòng khách sạn và nhà nghỉ ở Quảng Bình đều kín chỗ. Lượng khách năm nay đổ về Quảng Bình dịp lễ tăng mạnh, theo đó giá phòng cũng tăng từ 10-40% tuỳ khách sạn, nên hầu hết các tour đến Quảng Bình đều chốt sổ từ 1- 2 tháng trước để đảm bảo giá và chất lượng dịch vụ. Tại Phú Quốc, hiện các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện không còn phòng dành cho du khách đến nghỉ dưỡng dịp lễ 30-4 và 1-5.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, bà Phạm Bích Ngọc – Trưởng phòng khách lẻ Vietrantour cho rằng, việc một số khách sạn đột ngột đẩy giá thuê phòng cận ngày nghỉ lễ lên gấp 3, 4 lần bình thường chỉ xảy ra với một số nhà trọ, khách sạn có tư tưởng làm ăn chụp giật, không giữ nguyên tắc đạo đức kinh doanh. Còn đối với các khách sạn cao cấp, tiêu chuẩn theo thông lệ thì họ luôn đảm bảo quy tắc áp dụng mức giá phòng mùa cao điểm, tức giá phòng tăng 15 – 20% so với mức giá ngày thường/mùa thấp điểm.

Việc khan hiếm phòng khách sạn, nhất là những phòng nghỉ có mức giá vừa phải, phù hợp với túi tiền là điều có thể tiên liệu trước vì những năm gần đây tình trạng này xảy ra thường xuyên. Theo đó, nếu muốn đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ, du khách nên tìm hiểu thông tin trước đó nhiều ngày để có kế hoạch cho phù hợp, hoặc có thể thông qua các công ty du lịch uy tín để đặt tour hoặc đặt phòng khách sạn vì các công ty luôn có mức giá đặt phòng khách sạn ưu đãi nhờ hợp đồng cam kết giá dịch vụ với các đối tác khách sạn Việt Nam.

Phan Đức
.
.