Yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19

Quy trình không thống nhất sẽ gây khó cho vận tải

Thứ Năm, 08/07/2021, 05:44
Trong thời gian dịch bệnh, việc triển khai các chốt kiểm soát dịch là cần thiết. Tuy nhiên, quy trình, phương pháp kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của nhiều tỉnh, thành phố chưa thống nhất, đặc biệt là các tỉnh trung gian chưa có dịch, đã phần nào gây  khó khăn cho hoạt động vận tải.

Vừa mua chiếc xe để chạy taxi tải cách đây vài tháng, anh Thanh Phương (quận Bình Thạch, TP Hồ Chí Minh) đang trong tình cảnh đứng ngồi không yên khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở thành phố và các tỉnh lân cận. Gia đình đã khó nay càng thêm khi các tỉnh siết chặt công tác phòng, chống dịch, yêu cầu lái xe ra vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Phân luồng phương tiện để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

“Tuy nhiên, quy định mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó cho cánh lái xe cũng như việc vận chuyển lưu thông hàng hoá”, anh Phương bộc bạch và thông tin thêm: tại Trà Vinh, UBND tỉnh này đã yêu cầu tất cả các trường hợp trên địa bàn các tỉnh, thành phố có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng khi đến địa phương phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 5 ngày.

Trong khi đó, Vĩnh Long lại yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Realtime RT- PCR, còn trong thời hạn 7 ngày, hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn 72 giờ. Những trường hợp không đáp ứng yêu cầu này sẽ không được vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Còn tại TP Cần Thơ, người dân phải có phiếu xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày trước khi vào địa bàn thành phố. Hiệu lực “giấy thông hành” không đồng bộ cũng diễn ra ở các địa phương khác. Chẳng hạn như Đồng Nai yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày.

Trong khi đó tỉnh Bình Thuận yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nếu không có phải thực hiện test nhanh, có trả phí. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính có hiệu lực không quá 5 ngày. Vì thế, trong những ngày qua, các tài xế có nhu cầu đi lại giữa các tỉnh nói trên đã đổ xô đi xét nghiệm để có đủ điều kiện đi tỉnh.

Chiều 7/7, trao đổi nhanh với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện nay quy trình, phương pháp kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phố chưa thống nhất, đặc biệt là các tỉnh trung gian chưa có dịch, đã phần nào gây khó khăn cho hoạt động vận tải.

Theo ông Huyện, Tổng cục đã có hướng dẫn và đã yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó phải tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch có biện pháp kiểm tra phù hợp, tránh gây ách tắc. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT, đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa.

Liên quan đến giải quyết ùn tắc tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, Tổng cục cũng đã yêu cầu sở GTVT các địa phương giáp ranh với “vùng nóng” dịch bệnh TP Hồ Chí Minh phải phối hợp chặt chẽ để phân luồng, tổ chức giao thông, hướng dẫn xe tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ.

Tại các địa phương có dịch COVID-19, có giãn cách, cách ly xã hội, Tổng cục cũng đã yêu cầu hướng dẫn, tổ chức giao thông tạm thời, phân luồng từ xa để phương tiện không lưu thông qua các vùng này bằng việc tháo dỡ giải phân cách giữa trước chốt kiểm dịch, thuận tiện cho việc quay đầu xe.

“Để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa các tỉnh, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV phối hợp với các sở GTVT kiểm tra tại các chốt kiểm soát. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc phải báo cáo ngay về Tổng cục, phối hợp với các sở GTVT xử lý, đảm bảo việc vận chuyển thông suốt nhanh nhất, an toàn cho lái xe và doanh nghiệp”, ông Huyện cho biết.

Một giải pháp nữa là Tổng cục đã chỉ đạo sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo doanh nghiệp vận tải gửi thông tin về biển số xe, hành trình vận chuyển hàng hóa, hành khách, thông tin về lái xe trước cho các chốt kiểm dịch để kiểm soát, tránh phải dừng lại. Bên cạnh đó, các sở GTVT thông tin về vị trí lập chốt, công khai trên cổng thông tin của tỉnh để cơ quan quản lý, doanh nghiệp, lái xe nắm được, đảm bảo việc phối hợp được thuận tiện, nhịp nhàng hơn.

Được biết, ngay trong một hai ngày tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ làm việc với Bộ TT&TT về phần mềm quản lý thông tin lái xe. Các thông tin lái xe đã tiêm vaccine hay xét nghiệm chưa sẽ được cập nhật ngay vào phần mềm. Khi qua các chốt kiểm soát dịch, lái xe sẽ được kiểm soát bằng các thông tin này bằng mã QR code. Tổng cục cũng đã thống nhất có luồng riêng cho vận tải hàng hóa tại các chốt kiểm dịch. Để làm được điều này, các tỉnh cần thông tin công khai vị trí, số điện thoại, E-mail của các chốt kiểm dịch để doanh nghiệp vận tải gửi thông tin trước. Việc kiểm soát người và lái xe thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang) ngày 4/7 về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chủ động trao đổi, phối hợp với nhau để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo sản xuất kinh doanh, song người di chuyển qua lại phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.

Đặng Nhật
.
.