Tái diễn nạn 'chặt chém' nhân ngày lễ

Thứ Năm, 03/09/2015, 09:27
Trong ngày 2/9, lượng người đổ về các khu phố trung tâm Hà Nội rất đông, lợi dụng tình trạng này, nạn “chặt chém” giá gửi xe, dịch vụ được dịp hoành hoành.

Đã được dự báo là lượng người đổ về khu vực trung tâm sẽ tăng đột biến, ngay từ sáng sớm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã được huy động phân luồng, tạo điều kiện cho người dân tham dự buổi lễ. Tuy nhiên, ngay từ 5h30 – 6h sáng, các khu phố chính đã đông đặc người. Sự đông đúc cũng đem lại không ít phiền hà, nhất là tình trạng tranh thủ “chặt chém” tái diễn. Khu vực vỉa hè các phố Thái Phiên – Bùi Thị Xuân – Đoàn Trần Nghiệp; khu vực Cát Linh; Tràng Thi; Kim Mã; Ngọc Khánh… bùng nổ các điểm trông giữ xe “tạm”. Chỉ cần một tấm bìa carton dựng lên là thành một điểm trông xe, “loạn” giá cả ở mức khó tưởng tượng, có chỗ lên tới 80.000 đồng/xe máy. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Việt Hùng cho biết: “Đã xác định là ngày này trông xe kiểu gì cũng có “bóp nặn” mình, nhưng nghe hô giá cũng choáng. Tôi hỏi ở Cát Linh, người ta bảo 50.000 đồng/xe. Thấy phi lý, tôi dắt thêm 1 đoạn, hỏi chỗ khác, người ta còn hô đến 70.000 đồng. Người càng đông thì giá càng lên. May quá cuối cùng tôi sáng ý nghĩ ra mang xe vào chùa Cát Linh gửi, miễn phí”.

Một điểm trông xe “chặt chém” tại phố Cát Linh. Ảnh: V. Hùng.

Cũng phản ánh tình trạng ở khu vực quanh phố Nguyễn Thái Học – Trịnh Hoài Đức – Cát Linh, chị Nguyễn Hương Giang cho biết: “Hai vợ chồng dậy từ 5h30, 6h10 đã có mặt ở Cát Linh, gửi xe mất 50.000 đồng, cũng ngoài dự kiến, nhưng không còn lựa chọn nào khác, vì bao nhiêu năm mới có một ngày. Khổ nhất là đường cấm. Trước khi đi đã cẩn thận tìm hiểu đường xem cấm chỗ nào, mà không ngờ từ phố Trịnh Hoài Đức đi vào phố Nguyễn Thái Học không những cấm xe mà còn cấm cả người đi bộ. Chỉ có ai có chứng minh nhân dân là người ở phố này mới được đi bộ ra vào. Cả đống người loay hoay, nháo nhào tìm đường ra Nguyễn Thái Học, mà không thể tìm ra. Cuối cùng chúng tôi phải quay ra lấy xe, vòng lại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh mới tìm được chỗ đứng”.

Qua khảo sát của chúng tôi tại một số tuyến phố khác, tuy không đến mức đắt đỏ như Cát Linh, nhưng giá gửi xe phổ biến ở mức 20.000 đồng. Tuyến phố Tràng Thi - Tràng Tiền, nơi có đoàn diễu binh đi qua vốn đã đông đúc nay lại càng chật như nêm. Vì bị cấm, nên tất cả các phương tiện đều phải dừng xe ngay từ vòng ngoài. 

Có cầu ắt có cung, lập tức hàng loạt điểm trông giữ xe trên các tuyến phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài mọc lên. Thậm chí chả cần biển, chỉ 1 chiếc ghế nhựa xanh đỏ, thêm chiếc điếu cày và vài thanh niên mặc quần soóc, áo ba lỗ để lộ vài hình xăm lạ trên tay là “mặc định” một điểm gửi xe ra đời. Giá gửi xe ở các điểm tự phát này đều “đồng hạng” 20.000 đồng/xe máy - cao gấp 7 lần mức phí trông giữ theo quy định.

“Trước khi gửi, bọn em đã hỏi giá, nhưng ở điểm nào cũng đều “hét” chung 1 giá, không gửi, họ cũng chẳng thèm câu kéo gì. Biết là quá đắt, nhưng không gửi ở đây thì cũng chẳng biết gửi ở đâu nữa, vì đường tắc nghẽn, tiến lùi đều không được. Hơn nữa, đoàn diễu binh chỉ đi qua phố có 1 lúc, nếu cứ cò kè, mất cả cơ hội xem lễ” - Hương Nga, một sinh viên chia sẻ.

Cũng với tư tưởng “tặc lưỡi”, 70 năm mới có một lần, không xem diễu binh là mất cơ hội, tại điểm trông xe tự phát trên hè phố Bảo Khánh, khi một người khách tỏ ý chê giá vé gửi xe 20.000 đồng là quá đắt, người gửi xe ở đây đã không ngại đuổi thẳng: “Không gửi thì đi chỗ khác. 70 năm, cả thiên hạ đi xem diễu binh, tôi phải ngồi đây trông xe, chả lẽ lại làm không công, 20 nghìn là còn rẻ đấy. Đi chỗ khác không được, quay lại thì là 50.000 đấy”, người trông xe ở đây dọa dẫm.

Không chỉ có tình trạng chặt chém, ý thức của nhiều người khi tham gia các sự kiện công cộng cũng rất đáng bàn, khi lễ tan đi, nhiều khu vực quanh bờ hồ tràn ngập rác, giấy báo rải chỗ ngồi, vỏ bánh kẹo, kem… Một số kẻ gian cũng đã tranh thủ đông đúc để rạch túi, móc đồ của người dân.

“Từ nhiều năm nay rồi, những sự kiện như thế này không bao giờ tôi bỏ lỡ. Nhưng cũng từ bao năm nay rồi, tình trạng lộn xộn, chặt chém khách năm nào cũng xảy ra. Giá cứ năm sau cao hơn năm trước, mà không hiểu sao chính quyền không tìm cách dẹp. Mong rằng tình trạng này sẽ dần được xử lý dứt điểm” – bác Khanh, một cán bộ về hưu bày tỏ.

Yến Hân Thuý
.
.