Tình nguyện viên trước giờ đăng ký thử nghiệm vaccine COVID-19

Thứ Năm, 10/12/2020, 10:47
Hôm nay 10/12, Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Nanocovax phòng COVID-19.

Lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nanocovax do Công ty NANOGEN nghiên cứu trên người chính thức diễn ra sáng nay tại Học viện Quân y.

Sáng 10/12, Học viện Quân y chính thức tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Nanocovax

Nhiều tình nguyện là sinh viên

Sáng 10/12, nhiều tình nguyện viên đã có mặt tại Học viện Quân y để đăng ký thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nanocavax trên người. Tại bàn đăng ký, có 2 loại phiếu, đăng ký thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Theo các bác sĩ, đến trưa 10/12 có hơn 30 nhiều người đến đăng ký thử nghiệm giai đoạn 1, còn đăng ký giai đoạn 2 chỉ mới có 3 người. Các tình nguyện viên đa số trẻ tuổi, là sinh viên của một số trường đại học ở Hà Nội.

Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên, tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

Nữ tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Nanocovax ngừa COVID-19

Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vaccine trên 3 người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. 

Nữ tình nguyện viên 25 tuổi, quê ở Bắc Ninh, đang làm việc tại 1 đơn vị ở Hà Nội cho biết: “Cách đây 2 tuần em có nghe thông tin thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người. Thế giới cũng đã thử nghiệm, có tai biến. Nhưng qua những hiểu biết của em, em biết rằng vaccine Nanocovax có tính an toàn cao. Khi đăng ký thử nghiệm, em đã được các bác sĩ tư vấn rất kỹ, em cũng đặt ra nhiều câu hỏi như vaccine này là gì? Tiêm thử nghiệm sẽ có thể gặp phải tai biến gì không?... Nếu khám sàng lọc em đủ sức khỏe, được tuyển chọn là điều may mắn”. Nữ tình nguyện viên cũng cho biết, cách đây 2 ngày cô quyết định đăng ký thử nghiệm và gia đình không phản đối, ủng hộ quyết định của cô.

Tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19

Một nữ sinh viên năm thứ 2 Học viện Quân y đến đăng ký tình nguyện thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 1 cho biết: “Em là sinh viên y khoa nên cũng có hiểu biết nhất định về việc tiêm thử nghiệm vaccine cũng như những rủi ro gặp phải. Tuy nhiên, em khá tin vào vaccine Nanocovax nghiên cứu lần này, cũng như tin tưởng ở Học viện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án nếu có tai biến xảy ra. Vì thế, gia đình đã ủng hộ quyết định đăng ký thử nghiệm của em. Em mong muốn mình là một trong những người tình nguyện tạo ra vaccine ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất”

Là một trong những tình nguyện viên đầu tiên, nữ học viên năm 3 của Học viện Quân y (21 tuổi, ở Hưng Yên) chia sẻ: “Trước khi đăng ký em cũng đã tìm hiểu về vaccine và được tuyên truyền trong học viện và quyết định tham gia đăng ký tiêm thử nghiệm loại vaccine mới này. 

Gia đình không phản đối vì tin rằng em hiểu biết về ngành y nên sẽ có sự lưạ chọn đúng đắn. Sau khi được hướng dẫn, sẽ có một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm thử nghiệm nhưng em nghĩ không đáng lo ngại lắm vì vaccine mình tiêm vào chưa các mảnh protein chứ không phải là virus bất hoạt nên giảm liều hơn rất nhiều, nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chúng ta. Là một sinh viên trong ngành y, em nghĩ mình nên có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”.

Tính an toàn phải đặt lên hàng đầu

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, việc xét tuyến khởi động từ hôm nay và dự kiến kéo dài 1-2 tuần, tới khi đủ số lượng. Với mức thông báo này, sau 1 tuần có thể triển khai tiêm mũi đầu tiên.

GS Quyết cũng cho hay, tuyển chọn điều khó nhất là phổ biến về vaccine, về quy trình tiêm, quy trình theo dõi cho mọi người. “Chúng tôi mới phổ biến sơ bộ trên báo chí và đã được rất động đảo người tình nguyện gọi đến. Tôi nghĩ sự tin tưởng vào chất lượng vaccine, sự nhiệt tâm, sẵn sàng tình nguyện của người dân cùng chung sức vào việc có vaccine được sản xuất xuất tại Việt Nam và tiêm cho người dân an toàn, hiệu quả”, Giám đốc Học viện Quân y nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị cho thử nghiệm tiêm vaccine vào giai đoạn 1, Học viện đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, con người, quy trình chuẩn được các cơ quan chức năng thông qua. Việc triển khai đã sẵn sàng. “Hiện chúng tôi có Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, ở đó có trung tâm nghiên cứu vaccine, đủ 24 giường, đủ phương tiện về tiêm, theo dõi, cấp cứu… người đến đó tiêm được theo dõi 72 tiếng và về theo dõi tiếp ở nhà với quy trình cẩn thận, sẵn sàng xử lý nếu có bất thường”, GS Quyết nói.

Giải thích thêm về sự an toàn của vaccine Nanocovax khi tiêm thử nghiệm, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: Chúng tôi có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chủ yếu tính an toàn, giai đoạn 2 là đáp ứng miễn dịch. Trước mắt thử nghiệm giai đoạn 1-2, sang giai đoạn 3 cần được Hội đồng Đạo đức đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thông qua trước khi được triển khai tiếp theo.

Tình nguyện viên được tư vấn kỹ khi đăng ký thử nghiệm

“Tính an toàn phải đặt lên hàng đầu và chúng tôi cam kết nếu không an toàn, Học viên Quân y sẵn sàng không thực hiện. Chúng tôi cố gắng không để các tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm”, Trung tướng, GS Đỗ Quyết cho biết.

Giám đốc Học viện Quân y cho biết, trong suốt thời gian qua các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu ra “vũ khí” để chống lại “giặc” COVID-19. Với trách nhiệm của cá nhân, quyền lợi của cá nhân, hy vọng mọi người đồng lòng, sẵn sàng tham gia vào thử nghiệm để sớm có vaccine medein Việt Nam đưa vào sử dụng an toàn và hiệu quả trong cộng đồng.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế khẳng định “Dưới sự chỉ đạo của GS Đỗ Quyết, tôi tin quy trình và kế hoạch triển khai nghiên cứu sẽ thành công”.

Học viện Quân y đã thành lập 10 tổ chuyên môn nghiệp vụ để sẵn sàng cho việc nghiên cứu thử nghiệm. Bộ Y tế, Học viện Quân y sẽ dành những điều tốt nhất để thăm khám, quản lý sức khỏe 24/24h cho người tình nguyện.


Trần Hằng
.
.