Vẫn nhức nhối tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn

Thứ Sáu, 29/01/2016, 08:36
Những doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc có tỷ lệ bỏ trốn cao sẽ bị dừng tuyển và không được tiếp tục đưa lao động đi, đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB&XH) trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 28-1. 


Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây chỉ là một trong số các biện pháp sẽ được áp dụng để giảm thiểu lao động bỏ trốn thời gian qua. Năm 2015, cả nước đã đưa được gần 116 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến con số năm 2016 cũng sẽ trên 100 nghìn người, tuy vậy tình trạng lao động bỏ trốn đang là một nhức nhối trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Mảng tối của xuất khẩu lao động

Năm 2015, lĩnh vực xuất khẩu lao động đặt ra mục tiêu đưa hơn 95.000 người đi xuất khẩu lao động. Tính đến hết năm 2015, con số 116 nghìn phần nào thể hiện được thành công của ngành xuất khẩu lao động, thế nhưng đằng sau con số “ấn tượng” đó, xuất khẩu lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều “mảng tối”. Điển hình trong đó là tình trạng lao động bỏ trốn. 

Điều này thể hiện rõ nhất là ở thị trường Hàn Quốc với con số lao động bỏ trốn lên đến hơn 30%. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho thời gian qua, Việt Nam không đưa được lao động mới sang thị trường này, mặc dù đây là một trong những thị trường lớn của xuất khẩu lao động Việt Nam suốt một thời gian dài. Không chỉ có thế, cả phía Hàn Quốc và Việt Nam cùng đang thực hiện nhiều biện pháp và vận động để lao động bỏ trốn về nước nhưng con số đạt được vẫn chưa có nhiều khả quan. 

Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam thì tỷ lệ lao động bỏ trốn nói chung, ở Hàn Quốc tuy có giảm xuống nhưng vẫn còn ở tỷ lệ cao. Chính vì tỷ lệ bỏ trốn cao này mà Việt Nam vẫn chưa thể đàm phán để Hàn Quốc mở cửa lại thị trường này. Cũng theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam thì đây là thị trường rất tốt, rất nhiều lao động trông ngóng cơ hội đi thị trường này, nhưng chưa giải được bài toán cơ bản.

Không chỉ Hàn Quốc mà thị trường Nhật Bản, một trong hai thị trường lớn Việt Nam được xác định trong năm 2016 này, tình trạng lao động bỏ trốn cũng đang tăng dần. Đây cũng là vấn đề đáng lưu ý được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra liên quan đến các thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản thời gian qua. Đáng nói nhất là có một bộ phận lao động tự động bỏ trốn tại nơi thực tập. 

Lao động bỏ trốn đang là một vấn đề nhức nhối của xuất khẩu lao động Việt Nam.

Theo thống kê, tính từ năm 2006 đến tháng 9- 2015, đã có 120 thực tập sinh đã dừng chương trình về nước trước thời hạn và 35 thực tập sinh bỏ trốn. Tình trạng này thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, đã có 8 thực tập sinh bỏ trốn, tăng 5 người so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh của thực tập sinh Việt Nam, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của các công ty Nhật Bản và uy tín của doanh nghiệp. 

Một vấn đề cũng được Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh đó là nhiều thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản đã ảnh hưởng tới uy tín của thực tập sinh Việt Nam tại thị trường này. Lao động bỏ trốn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác lao động của cả quốc gia mà còn làm giảm uy tín của thị trường Việt Nam. Đồng thời tước mất cơ hội cải thiện đời sống của hàng nghìn lao động khác.

Sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian tới, đơn vị này sẽ áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian tới, đặc biệt đối với thị trường Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp nào đưa lao động đi mà xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn có tỷ lệ cao thì doanh nghiệp đó sẽ bị dừng tuyển và không được tiếp tục đưa lao động sang thị trường này nữa.

Ông Quỳnh cũng cho biết, đối với những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao như: Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh... nếu không giảm thì thời gian tới, khi ký lại được hiệp định để đưa lao động mới sang làm việc tại Hàn Quốc, sẽ áp dụng đề xuất hạn chế tuyển lao động tại các địa phương này.

“Hiện Cục, cùng với các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động để lao động bỏ trốn về nước. Đề xuất hạn chế tuyển lao động mới ở các địa phương này là để tăng cường trách nhiệm của các địa phương, vì thế, các địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao cũng đang ráo riết thực hiện vấn đề này. Chúng ta đã có nhiều biện pháp, rồi cả xử phạt thế nhưng đáng nói nhất ở đây chính là ý thức của người lao động”, ông Quỳnh cho biết.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, để hạn chế tình trạng phá hợp đồng ra ngoài cư trú bất hợp pháp, Cục sẽ tiếp tục tích cực thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ở Trung ương và địa phương, trong và ngoài nước (trực tiếp và thông qua gia đình người lao động), chỉ đạo doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp chặt chẽ với đối tác và chủ sử dụng lao động để theo dõi tình hình lao động, tập trung vào số lao động sắp hết hạn hợp đồng để ngăn ngừa tình trạng người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước.

Phan Hoạt
.
.